Phát triển sản phẩm du lịch và loại hình du lịch gắn kết duyên hải miền Trung với Tây Nguyên
Trong những năm gần đây, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã lựa chọn hành trình đến với các tỉnh duyên hải miền Trung cho chuyến đi du lịch của mình bởi đây là vùng được coi là thiên đường của du lịch biển đảo ở Việt Nam với những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng, với những di sản thế giới, với những khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nổi tiếng, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và hơn thế nữa đây là miền đất của kho tàng văn hóa của nhiều dân tộc phong phú, đa dạng (Trong bài viết này, các tỉnh duyên hải miền Trung được hiểu bao gồm 8 tỉnh thuộc vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ và Thừa Thiên – Huế).
Năm 2013, các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận đã đón và phục vụ khoảng 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế tăng 17 % và hơn 14 triệu khách du lịch nội địa đến các tỉnh trong khu vực, tăng 16,6 % so với năm 2012. Tổng thu từ khách du lịch của các tỉnh đạt 26 ngàn tỷ đồng.
Quá trình phát triển du lịch ở khu vực đã hình thành nên 3 dòng sản phẩm du lịch chính: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch văn hóa – di sản và du lịch sinh thái.
– Dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo với các sản phẩm chính như: Tắm biển, nghỉ dưỡng biển, đảo trên các bãi biển đẹp dọc suốt các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung như: Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng); Cửa Đại, Hà My (Quảng Nam); Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang và các đảo đẹp trong vịnh Nha Trang (Khánh Hòa); Ninh Chữ (Ninh Thuận); Phan Thiết – Mũi Né, đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Bên cạnh đó là các sản phẩm bổ trợ khác dựa vào tài nguyên du lịch biển như sản phẩm du lịch thể thao biển với các hoạt động đua thuyền, cano, nhảy dù, lướt sóng, lặn biển… ở Nha Trang và Mũi Né, du lịch tàu biển, du lịch tham quan thắng cảnh biển…
– Dòng sản phẩm du lịch văn hóa – di sản với các sản phẩm chính như:
+ Tham quan các di sản văn hóa thế giới: Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản phẩm du lịch được coi có tính liên kết nổi bật nhất của các tỉnh duyên hải miền Trung trong những năm qua là “Con đường di sản”, kết nối các địa phương có di sản thế giới dọc duyên hải miền Trung tạo nên nhiều tour du lịch mang tên “Con đường di sản miền Trung” rất hấp dẫn du khách với Cố đô Huế – kinh đô của nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, Phố cổ Hội An – đô thị cổ, thương cảng sầm uất trong suốt thế kỷ 17,18 và thánh địa Mỹ Sơn – với những đền tháp Champa – trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của các triều đại Champa.
+ Du lịch tham quan di tích lịch sử – văn hóa: trong đó đến với các di tích lịch sử – văn hóa gắn với nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa với các tour tham quan các tháp Chăm nổi tiếng từ từ Quảng Nam tới Bình Thuận, tham quan kinh đô Trà Kiệu, Bảo tàng Chăm… Và các tour du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa gắn với khởi nghĩa Tây Sơn, di tích lịch sử cách mạng gắn với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các bản dân tộc thiểu số Đông Trường Sơn.
+ Du lịch lễ hội, tìm hiểu đời sống văn hóa của các dân tộc trong vùng như các lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Chăm (Lễ hội Katê, lễ hội Ponagar, lễ hội Nghinh Ông…), Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival biển…
– Du lịch sinh thái: đến với các vườn quốc gia, khu bảo tồn trong khu vực như Bạch Mã, Cù Lao Chàm, Hòn Mun,…
Cùng với 3 dòng sản phẩm chính trên, những năm gần đây, nhiều sản phẩm du lịch khác như du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch đô thị, du lịch nông thôn (tham quan các làng trồng rau, cây trái…), tham quan các thắng cảnh thiên nhiên (doi cát, cồn cát, thác nước…) đang trở thành những sản phẩm thu hút du khách đến với khu vực.
Mặc dù hoạt động du lịch các tỉnh trong khu vực diễn ra khá nhộn nhịp và mang lại hiệu quả, tăng trưởng rõ rệt, song đứng ở một góc độ nhất định, từ cái nhìn bao quát, du lịch các tỉnh trong khu vực vẫn còn những hạn chế.
Chỉ cần đề cập đến vấn đề tài nguyên – giá trị cốt lõi cho sản phẩm du lịch đã thấy những hạn chế. Đầu tiên phải nói đến là việc chưa tạo ra được sự khác biệt, độc đáo trong sản phẩm du lịch. Do đặc điểm về địa lý, tài nguyên tương đối giống nhau nên các địa phương dễ học tập các mô hình phát triển sản phẩm du lịch của nhau, tạo ra sự “na ná”, sự “trùng lắp” trong sản phẩm du lịch và dễ dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, sự xung đột lợi ích, triệt tiêu nhau và sự nhàm chán trong trải nghiệm du lịch cho du khách.
Tiếp đến là thực tế phát triển, các địa phương chưa khai thác hết thế mạnh tài nguyên du lịch của chính mình, chưa tạo ra sự đa dạng, phong phú trong sản phẩm du lịch. Trừ một số địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng và gần đây là Bình Định… còn lại hầu như các tỉnh mới chú trọng đến thế mạnh về du lịch biển mà chưa khai thác hết các lợi thế của mình về cả thiên nhiên và văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch.
Năm 2011, nhận thức được sự tất yếu và xu hướng liên kết trong phát triển, các tỉnh trong khu vực đã ngồi lại với nhau, cùng cam kết liên kết trong phát triển du lịch và thực tế cho thấy không chỉ là sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng mà sự liên kết với các tỉnh ngoài khu vực nhất là các tỉnh Tây Nguyên là con đường tạo ra những sản phẩm mới, làm tăng giá trị chuyến đi du lịch của du khách và hiệu quả kinh doanh du lịch.
Đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên và những đặc trưng về văn hóa, dân tộc mà vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong phát triển du lịch. Các tỉnh duyên hải miền Trung là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên ra biển, các tỉnh Tây Nguyên là vùng đất tiềm năng cho du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung và cửa ngõ của miền Trung đến với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.
Việc liên kết tạo sản phẩm du lịch sẽ giúp cho du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khác nhau khi các tour du lịch liên kết trong khu vực này tiếp tục được mở rộng. Ví dụ như với quan điểm tạo sự đa dạng, khác biệt trong các tour du lịch như “Lên rừng, xuống biển”, nhiều doanh nghiệp du lịch bán ra thị trường những tour du lịch gắn sản phẩm “Con đường di sản miền Trung” kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên”; du khách sẽ có dịp đi xuyên suốt các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa – lịch sử quý giá như cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, những di sản văn hóa của thế giới, đến với vịnh Lăng Cô, vịnh Nha Trang – những vịnh đẹp nhất trên thế giới, thưởng thức âm thanh của tiếng cồng chiêng Tây Nguyên và tham gia những hoạt động đầy hấp dẫn như cưỡi voi trên cao nguyên Lâm Viên, uống rượu cần và nghe những sử thi, những trường ca của các dân tộc Tây Nguyên… Hay các tour du lịch caravan từ các tỉnh duyên hải miền Trung đến với các tỉnh Tây Nguyên và qua cửa khẩu của các tỉnh Tây Nguyên đến với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và ngược lại…;
Với tiềm năng, thực trạng và xu hướng phát triển như vậy, có thể đưa ra một số định hướng trong phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung và các sản phẩm gắn kết với vùng Tây Nguyên như sau:
• Về quan điểm:
– Hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch giá trị cao; tạo sự khác biệt, độc đáo và đa dạng trong sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong khu vực.
– Các sản phẩm du lịch phải hướng tới các phân khúc thị trường cụ thể – đây là điều quan trọng vì nó sẽ tạo ra giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế.
– Phát triển sản phẩm du lịch gắn kết giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên không chỉ là sự kết nối các sự kiện, các điểm tài nguyên mà phải dựa trên những nguyên tắc nhất định như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, sự đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, bảo tồn và tôn vinh giá trị các tài nguyên, bảo vệ môi trường và đặc biệt là khai thác thế mạnh về điều kiện thiên nhiên, văn hóa, lịch sử… để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực.
• Những định hướng chính:
– Các dòng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh quốc tế: Đây là những dòng sản phẩm mang tính đặc trưng của khu vực, tạo nên thương hiệu cho du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung, gồm dòng sản phẩm du lịch biển, đảo và du lịch di sản – lễ hội.
+ Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, gắn phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch biển.
Mỗi địa phương trong vùng đều có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển với các nét đặc thù riêng và nằm trong hai nhóm phân khúc sản phẩm – thị trường. Cụ thể hướng phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển theo địa bàn mỗi tỉnh như sau:
▫ Khu vực Đà Nẵng phát triển sản phẩm du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các hoạt động du lịch vui chơi giải trí, đô thị, du lịch MICE.
▫ Quảng Nam gắn với du lịch di sản, du lịch đô thị, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hoá.
▫ Quảng Ngãi phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với du lịch đảo ven bờ (đảo Lý Sơn trong mối quan hệ chặt chẽ với Cù Lao Chàm của Quảng Nam). Hình thành nên không gian du lịch đảo quan trọng gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
▫ Bình Định phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với tìm hiểu văn hoá lịch sử, đặc biệt là gắn với di tích, truyền thuyết về triều đại Tây Sơn – Nguyễn Huệ, với môn võ cổ truyền dân tộc.
▫ Phú Yên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với khám phá các giá trị thiên nhiên, văn hóa còn nguyên sơ.
▫ Khánh Hoà là địa bàn trọng điểm, trung tâm du lịch biển tổng hợp gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thể thao biển, khám phá cảnh quan, tham quan vịnh, đảo; gắn kết với du lịch đô thị và du lịch MICE.
▫ Ninh Thuận phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với du lịch nông thôn, sinh thái nông nghiệp với các vườn cây ăn trái (nho, táo…), các trang trại chăn nuôi cừu độc đáo trong khu vực.
▫ Bình Thuận phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với khám phá cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và thể thao biển.
+ Phát triển dòng sản phẩm du lịch di sản, lễ hội dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có di sản và lễ hội trong khu vực với những di sản thế giới từ Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và các di sản văn hóa gắn với văn hóa đặc sắc trong khu vực của vương quốc Chămpa. Cùng với đó có thể kết hợp với các sản phẩm du lịch khác như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, khám phá, tìm hiểu cuộc sống, du lịch đô thị, du lịch MICE…
– Các dòng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh quốc gia:
+ Du lịch MICE: Các đô thị Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang phù hợp với việc tổ chức các sản phẩm du lịch sự kiện, hội nghị hội thảo, triển lãm và khuyến thưởng. Sự kiện lớn là một trong những hoạt động có khả năng tạo dựng thương hiệu du lịch, đồng thời có thể tạo dựng được nhiều sản phẩm du lịch trong khuôn khổ sự kiện.
+ Du lịch tham quan di tích văn hoá – lịch sử – cách mạng: gắn với các di sản văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, văn hóa Chăm ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, các di sản văn hóa phi vật thể như hát bội (tuồng), võ Bình Định. Hệ thống di tích lịch sử – cách mạng gắn với cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ đất nước của các dân tộc trong khu vực.
+ Văn hóa ẩm thực: Sử dụng thế mạnh về nguồn lợi thuỷ sản và cách chế biến đặc sản địa phương để phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với thưởng thức, chế biến, quan sát, mua sắm làm quà đặc sản. Các loại hải sản tươi sống, đa dạng là những nguyên liệu quan trọng tạo sức hấp dẫn về ẩm thực với cả thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Các loại mắm nêm, nước mắm, cá, tôm, mực khô, các loại bánh địa phương… là đặc trưng vùng du lịch này là những sản vật được khách quan tâm, tăng thêm giá trị cho những trải nghiệm du lịch.
+ Du lịch đô thị: Phát triển chuỗi đô thị ven biển trên cơ sở xây dựng và phát triển các thành phố ven biển trở thành những trung tâm tiến ra biển của từng địa phương gồm Chân Mây, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang và các hoạt động vui chơi giải trí đô thị, tìm hiểu văn hóa (bảo tàng, kiến trúc, nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn…), tham quan thành phố…
+ Du lịch chữa bệnh, làm đẹp: Các sản phẩm du lịch gắn với chữa bệnh, làm đẹp trên cơ sở khai thác các mỏ khoáng nóng và bùn và công nghệ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe (massage, spa…) là những sản phẩm hấp dẫn du khách.
+ Du lịch nông thôn/du lịch cộng đồng: Các hoạt động du lịch gắn với du lịch cộng đồng ở một số địa phương trong vùng, đặc biệt tại các đảo ven bờ của một số địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam có thể hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều thị trường khách.
Du lịch nông thôn đến với các vườn cây ăn trái táo, nho, thanh long sinh thái ở Ninh Thuận, Bình Thuận, các làng trồng rau (Quảng Nam), cánh đồng tỏi (Lý Sơn); làng cây cảnh, nhà vườn (Thừa Thiên – Huế) hay các trang trại chăn nuôi cừu (Ninh Thuận)… với các tour du lịch 1 “ngày làm nông dân” sẽ là các sản phẩm bổ trợ phục vụ nhu cầu của đa dạng thị trường khách.
+ Du lịch sinh thái: Sản phẩm du lịch sinh thái trong khu vực được định hướng phát triển tại các khu bảo tồn biển như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo hòn Mun (Khánh Hòa), vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa (Ninh Thuận), khu bảo tồn thiên nhiên Tánh Linh (Bình Thuận)… đây là dòng sản phẩm hứa hẹn thu hút nhiều du khách với những sở thích du lịch chuyên biệt.
– Các sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên: với giá trị cốt lõi của sản phẩm lên rừng, xuống biển; nghỉ dưỡng và tham quan tạo nên các sản phẩm liên kết đa dạng về nghỉ dưỡng biển, tham quan di sản, di tích văn hóa – lịch sử và kết hợp nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái, tham quan tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên.
▫ Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên với lộ trình theo quốc lộ 1A và 24. Các điểm du lịch chính: Nghỉ dưỡng biển, tham quan các di sản, di tích văn hóa – lịch sử ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi kết hợp nghỉ dưỡng núi ở Măng Đen (Kon Tum) và tham quan các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Quy Nhơn và Gia Lai (Pleiku) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình theo quốc lộ 19. Nghỉ dưỡng biển, tìm hiểu lịch sử, tham quan các di tích gắn với triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ và tìm hiểu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Các điểm du lịch chính: Nghỉ dưỡng biển Quy Nhơn, tham quan các thắng cảnh biển, tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử triều đại Tây Sơn (Bình Định), tham quan tìm hiểu đời sống các dân tộc Tây Nguyên ở Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên khác hoặc đến với du lịch sinh thái các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Phú Yên và Gia Lai (Pleiku) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình theo quốc lộ quốc lộ 25, hoặc quốc lộ 29. Các điểm du lịch chính: Nghỉ dưỡng biển Phú Yên, tham quan các thắng cảnh biển như Gềnh Đá Dĩa, tham quan tìm hiểu đời sống các dân tộc Tây Nguyên ở Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên khác hoặc đến với du lịch sinh thái các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Giữa Khánh Hòa (Nha Trang) và ĐăkLăk (Buôn Mê Thuột) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình chủ yếu theo quốc lộ 26 (qua đèo Phượng Hoàng). Các điểm du lịch chính: Các di tích lịch sử – văn hóa, thắng cảnh ven biển Khánh Hòa, thành phố Buôn Mê Thuột và các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Giữa Khánh Hòa (Nha Trang) và Lâm Đồng (Đà Lạt) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình chủ yếu theo tỉnh lộ 651; 652; 723. Các điểm du lịch chính: Các di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh ven biển Khánh Hòa, thành phố Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Giữa Ninh Thuận (Phan Rang Tháp Chàm) và Lâm Đồng (Đà Lạt) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình chủ yếu theo quốc lộ 27 và quốc lộ 20. Các điểm du lịch chính: Các di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh ven biển Ninh Thuận, thành phố Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.
▫ Giữa Bình Thuận (Phan Thiết) và Lâm Đồng (Đà Lạt – Di Linh – Gia Nghĩa) và các tỉnh Tây Nguyên khác với lộ trình: Theo quốc lộ 28, quốc lộ 14. Các điểm du lịch chính: Các di tích lịch sử – văn hóa, thắng cảnh ven biển Bình Thuận, TP. Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể khẳng định rằng các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi và đang đứng trước nhiều cơ hội cho liên kết phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách. Hy vọng rằng những định hướng trên đây sẽ được trao đổi, thảo luận để đưa ra những chương trình phát triển sản phẩm, liên kết cụ thể nhằm phát triển du lịch cho các tỉnh duyên hải miền Trung trong mối quan hệ liên kết với du lịch Tây Nguyên và cả nước./.
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển Du lịch vùng Duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên” ngày 18/7/2014