Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên trong mối liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc

       1. Tổng quan du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc
    Vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc (ĐBSH&DHĐB) theo định hướng phát triển du lịch của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bao gồm Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh. Đây là một trong bảy vùng du lịch của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
       Trong tổ chức lãnh thổ phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc tiếp giáp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ ở phía Bắc, Tây và Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ ở phía Tây Nam, vịnh Bắc Bộ ở phía Đông Nam. Vùng bao gồm toàn bộ lãnh thổ vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc với 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Hải Phòng và vùng Nam sông Hồng. Mặt khác vùng cũng là lãnh thổ bao gồm vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Duyên hải Bắc Bộ.
    Có thể nhận thấy, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc là một khu vực trải dài từ Tây sang Đông với các miền địa hình khác nhau như rừng núi, trung du, đồng bằng, biển và hải đảo…Vùng cũng là nơi có lịch sử khai phá lâu đời, nôi của nền văn minh lúa nước, tập trung nhiều di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống, làng Việt cổ đặc trưng…Do đó vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc là khu vực chứa đựng nguồn tài nguyên du lịch khá toàn diện.  
       Những đặc điểm địa lý tự nhiên và tài nguyên tạo điều kiện để vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc có thể phát triển một nền kinh tế mở đa dạng với định hướng chủ đạo là phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất và chế biến lương thực, đồng thời nâng cao tỷ lệ các ngành dịch vụ trong đó có du lịch.
       Đứng về góc độ du lịch, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc có Hà Nội là Trung tâm du lịch cả nước và trục tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với cửa mở ra biển Đông, đến với các nước trong khu vực và quốc tế, chính vì vậy phát triển du lịch vùng có ý nghĩa động lực đối với phát triển du lịch Việt Nam.
       Thời gian qua, cùng với sự phát triển du lịch cả nước, du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc được quan tâm phát triển và đem lại những thành quả nhất định, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch cả nước và kinh tế – xã hội của khu vực, trở thành vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
       Có thể tham khảo một số chỉ tiêu sau so sánh du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc với các vùng khác trên cả nước:

    Khách du lịch quốc tế đi lại giữa các vùng trong những năm gần đây
                                                                                                                                  Đơn vị: Nghìn lượt khách

    Vùng

    2000

    2005

    2010

    2014

    Tăng TB

    TDMN Bắc Bộ

    263,95

    386,65

    762,33

    1.732,00

    13,9%

    ĐBSH&DHĐB

    1.912,71

    2.877,94

    3.828,00

    7.440,00

    9,8%

    Bắc Trung Bộ

    245,67

    480,82

    1.176,60

    1.939,10

    15,7%

    Đông Nam Bộ

    1.383,95

    1.988,2

    3.307,5

    4.910,40

    10,4%

    Tây Nguyên

    88,07

    129,13

    235,85

    310,50

    9,62%

    ĐBS Cửu Long

    540,80

    540,80

    1.038,51

    2.050,00

           9,6%

    DH Nam Trung Bộ

    615.159

       1.372.025

    2.157.236

    4.371.510

    17,3%

    Nguồn: Viện NCPT du lịch, quy hoạch TTPT du lịch vùng ĐBSH&DHĐB

    Khách du lịch nội địa đi lại giữa các vùng trong những năm gần đây
                                                                                                                               Đơn vị: Nghìn lượt khách

    Vùng

    2000

    2005

    2010

    2014

    Tăng TB

    TDMN Bắc Bộ

    782,41

    4.512,3

    7.001,09

    11.592,00

    22,07%

    ĐBSH&DHĐB

    6.091,73

    11.421,5

    17.072,43

    34.586,11

    13,01%

    Bắc Trung Bộ

    1.550,37

    4.180,82

    8.918,37

    16.330,33

    18,66%

    Đông Nam Bộ

    4.621,15

    10.250,5

    18.348,86

    23.802,55

    11,4%

    Tây Nguyên

    850,31

    1.930,50

    3.152,15

    10.033,00

    18,86%

    ĐBS Cửu Long

    4.585,23

    8.322,95

    10.046,14

    15.033,45

         8,37%

    DH Nam Trung Bộ

    1.406.945

    3.555.957

    8.621.055

    17.978.213

    19,59%

    Tổng thu từ khách du lịch các vùng trong những năm gần đây
                                                                                                                                          Đơn vị: Tỷ đồng

    Vùng

    2000

    2005

    2010

    2014

    Tăng TB

    TDMN Bắc Bộ

    361,66

    1.289,32

    4.178,51

    7.332,00

    26,05%

    ĐBSH&DHĐB

    3.848,8

    12.657,0

    33.808,98

    70.329,23

    25,04%

    Bắc Trung Bộ

    507,28

    1.495,2

    4.747,00

    8.229,00

    22,68%

    Đông Nam Bộ

    5.276,29

    14.631,75

    48.141,49

    101.453,53

    24,22%

    Tây Nguyên

    278,83

    4.033,50

    7.734,10

    27,76%

    ĐBS Cửu Long

    373,46

    3.016,46

    5.576,98

       21,26%

    DH Nam Trung Bộ

    770,83

    3.187,96

    10.913,98

    28.372,00

    29,88%

    Nguồn: Viện NCPT du lịch, quy hoạch TTPT du lịch vùng ĐBSH&DHĐB

       Trên địa bàn vùng cũng đã hình thành các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình trong đó Hà Nội là một trong hai Trung tâm du lịch quốc gia và là đầu mối phân phối khách du lịch cho vùng và các tỉnh phía Bắc.
       2. Vị trí, vai trò du lịch tỉnh Hưng Yên trong mối liên hệ phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc
       Vị trí, vai trò du lịch Hưng Yên trong mối liên hệ phát triển du lịch vùng được xác định trên cơ sở vị trí địa du lịch cũng như tiềm năng và khả năng phát triển du lịch của tỉnh trên bình diện quốc gia và vùng trong giai đoạn phát triển mới.
       2.1. Vị trí địa du lịch tỉnh Hưng Yên như một vệ tinh của Trung tâm du lịch Thủ đô Hà Nội và một mắt xích quan trọng trong mối liên hệ du lịch vùng:
       Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có ranh giới tỉnh về phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Thái  Bình và phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh Hưng Yên thuộc vùng Thủ đô Hà Nội.
       Thành phố Hưng Yên là trung tâm hành chính của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km và sân bay quốc tế Nội Bài 100 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía Đông Bắc theo đường bộ. Thành phố nằm bên bờ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây Bắc và cửa biển Ba Lạt (Nam Định) khoảng 70 km về phía Đông Nam theo đường sông.
       Trên địa bàn Hưng Yên có các quốc lộ như  QL 5A (Như Quỳnh – Minh Đức);  QL 39A (Phố Nối – Triều Dương); QL 38 (Cống Tranh – Trương Xá, thành phố Hưng Yên – cầu Yên Lệnh); QL 38 B (Hải Dương – Ninh Bình) và tương lai có thêm quốc lộ 5B (Con đường rộng 8 làn hiện đại bậc nhất Việt Nam, xuất phát từ cầu Thanh Trì đến thành phố cảng Hải Phòng, chạy qua các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi với tổng chiều dài 29 km).
       Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy qua địa phận Hưng Yên 17 km, từ Như Quỳnh tới Lương Tài.
       Đường thủy Sông Hồng là ranh giới của Hưng Yên với các tỉnh, thành phía tây, dài 57 km. Sông Luộc là ranh giới với tỉnh Thái Bình dài 25 km. Sông Luộc và sông Hồng giao nhau tại địa phận thành phố Hưng Yên. Ngoài ra còn các sông nhỏ khác như: sông Sặt, sông Canh, sông Cửu An…
       Với vị trí bên cạnh Hà nội, du lịch Hưng Yên giữ vai trò là cửa ngõ phía Đông, điểm du lịch vệ tinh, phát triển du lịch cuối tuần của Thủ đô Hà Nội – một trong 2 Trung tâm và là điểm phân phối khách du lịch lớn nhất cả nước.
       Nằm ở tâm điểm vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, bên cạnh đó có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển, du lịch Hưng Yên trở thành một mắt xích quan trọng trong các chương trình du lịch của Vùng từ Đông sang Tây cũng như từ Bắc xuống Nam.
       Theo tổ chức không gian, tuyến, điểm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), du lịch Hưng Yên nằm trong Tiểu vùng du lịch trung tâm gắn liền với Thủ đô Hà Nội, trên các tuyến du lịch quốc gia và vùng sau:
       – Tuyến du lịch Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh (Theo QL 5, đường cao tốc, hay AH14).
       – Tuyến Hà Nội – Hưng Yên – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình với chủ đề khai thác làng quê đồng bằng sông Hồng.
       – Tuyến du lịch đường sông Hà Nội – Hưng Yên – Thái Bình – Nam Định theo sông Hồng.
       – Tuyến du lịch Hà Nội – Hưng Yên phục vụ du lịch cuối tuần của thủ đô.
       Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch Hưng Yên gắn kết với du lịch các tỉnh trong vùng đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình.
       2.2. Tiềm năng và khả năng phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Vùng và cả nước
       Vùng đất Hưng Yên nổi danh từ thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh với Phố Hiến, vốn là thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài. Thuyền bè ngược sông Hồng lên Thăng Long “Kẻ Chợ” đều phải dừng ở Phố Hiến đợi giấy phép nên Phố Hiến trở thành tụ điểm sầm uất. Người Tàu, người Nhật và người Tây phương đều đến đây buôn bán. Từ đó, dân gian đã có câu: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
       Hưng Yên là tỉnh đồng bằng không có rừng, núi và biển. Độ cao đất đai không đồng đều mà hình thành các dải, các khu, vùng cao thấp xen kẽ nhau như làn sóng. Điểm trung tâm đồng bằng Bắc Bộ nằm ở thôn Dung (Thiên Xuân), xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ. Nếu có định hướng đúng chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
       Hưng Yên là vùng “Địa linh Nhân kiệt”, luôn đóng góp bậc hiền tài cho đất nước ở mỗi thời đại. Tỉnh có 4 trạng nguyên trên tổng số 53 trạng nguyên của cả nước. Hiện tại Văn miếu Xích Đằng còn lưu trên bia đá tên hàng trăm tiến sĩ khoa bảng của tỉnh trong các thời kỳ phong kiến. Thời cận đại và hiện đại nhiều người con Hưng Yên đã có công lao với đất nước góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương…Các danh nhân xưa và nay trên mảnh đất Hưng Yên đều gắn liền với hệ thống di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh góp phần làm phong phú, đa dạng tiềm năng du lịch.
       Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.210 di tích, trong đó có 159 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia (đứng thứ ba trên cả nước), 167 di tích cấp tỉnh. Trong số các di tích trên, các di tích tiêu biểu đã và đang thu hút khách du lịch thập phương như: Cụm di tích Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên; Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy thuộc huyện Khoái Châu; Cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông – Phố Nối thuộc huyện Yên Mỹ; Cụm di tích đền Phù Ủng huyện Ân Thi; Cụm di tích Tống Trân – Cúc Hoa huyện Phù Cừ…Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch Hưng Yên trong giai đoạn tiếp theo.
       Là một tỉnh đồng bằng gắn liền với nền văn minh lúa nước, Hưng Yên có nhiều lễ hội (hơn 400 lễ hội) phản ảnh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục mà thông qua đó bày tỏ lời cảm ơn của mình đối với trời đất, thần nước và cầu mong có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cảm ơn những người có công đức, tưởng nhớ tới các vị anh hùng. Nét độc đáo của nhiều lễ hội truyền thống ở Hưng Yên là các lễ rước thường gắn liền với sông Hồng như lễ hội Đền Mẫu, Đền Dạ Trạch, Đền Đa Hòa…
       Các làng nghề truyền thống  ở Hưng Yên như: Nghề làm Tương Bần, làng nghề đúc đồng, làng nghề làm cày bừa, nghề làm hương xạ…gắn liền với văn minh nông nghiệp. Làng cổ Mạn Xuyên (xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu) đã được thành lập cách đây hơn bốn ngàn năm tương lai là điểm thu hút khách du lịch.
       Về văn học dân gian ngoài kho tàng chung của văn học dân gian đồng bằng Bắc Bộ, còn có những thể loại riêng mà chỉ Hưng Yên mới có, chẳng hạn như lời của các bài hát trống quân – một lối hát phổ biến ở Hưng Yên xưa kia, hiện nay vẫn còn giữ được…Ngoài ra còn có các thể loại hát chèo, hát ả đào,..Đây là những nguồn tài nguyên giá trị cho phát triển du lịch.
       Hưng Yên cũng là quê hương của nhiều đặc sản nổi tiếng như: Nhãn lồng Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), gà Đông Tảo (Đông Cảo) (Đông Tảo- Khoái Châu), sen Nễ Châu, bún thang Thế Kỷ (thành phố Hưng Yên), tương Bần (Mỹ Hào), bánh cuốn nóng làng Sài Thị (Thuần Hưng, Khoái Châu), ếch om Phượng Tường (Tiên Lữ), bánh dày làng Gàu (Cửu Cao – Văn Giang), chả gà…rất hấp dẫn khách du lịch.
    Cùng với tiến trình phát triển trên đây của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Hưng Yên đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Hưng Yên đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
       Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Tốc độ phát triển du lịch hàng năm đạt trên 15%, khách du lịch đến Hưng Yên ngày càng tăng. Năm 2011, du lịch Hưng Yên đón gần 186 nghìn lượt khách, tăng 16% so với năm 2010, trong đó khách quốc tế đạt gần 7 nghìn lượt, tăng 17% so với năm 2010. Tổng thu từ du lịch đạt gần 70 tỷ dồng, tăng 16% so với năm 2010, GDP du lịch đạt khoảng 1,5% trong tổng GDP toàn tỉnh. Năm 2014, du lịch Hưng Yên đón được 319.520 lượt khách (tăng 11% so với năm 2013), trong đó  có 9.650 lượt khách quốc tế, tổng thu đạt khoảng 92 tỷ đồng.
       Ngành du lịch Hưng Yên đã có đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng.
       Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh 01 điểm du lịch quốc gia (Phố Hiến) và nhiều khu, điểm du lịch quan trọng khác.
       Tóm lại, với vị trí địa du lịch thuận lợi lại là địa phương có khá nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp nông thôn, trong đó có những tài nguyên có giá trị cao, du lịch Hưng Yên ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và du lịch cả nước.
       3. Phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc
       Trên cơ sở phân tích vị trí, vai trò của du lịch Hưng yên đối với du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, có thể đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch Hưng Yên trong mối liên kết với du lịch các tỉnh trong vùng nhằm phát huy vị thế, vai trò của du lịch Hưng Yên đối với vùng như sau:
       – Tập trung khai thác phát triển sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên đặc điểm và thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh đối với vùng. Ở đây theo định hướng cần phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, nghỉ cuối tuần, du lịch đường sông, sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển điểm du lịch quốc gia Phố Hiến, tạo thành thương hiệu du lịch Hưng Yên. Bên cạnh đó khai thác phát triển những điểm đặc biệt như tâm điểm Đồng bằng sông Hồng và các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn như làng Việt cổ Mạn Xuyên, làng nghề tương Bần, Đa Hòa – Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Đầm Dạ Trạch đi đôi với phát triển các sản phẩm hoàng hóa như gà Đông Tảo, nhãn lồng…
       – Tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn. Đối với Hà Nội, cần đẩy mạnh phát triển du lịch cuối tuần, vui chơi giải trí, du lịch đường sông theo sông Hồng. Đối với các trung tâm khác như Hải Phòng, Quảng Ninh cần liên kết phát triển các tuyến du lịch trên cơ sở các tuyến du lịch quốc gia. Đối với các tỉnh khác trong vùng, đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn xung quanh chủ đề “Văn minh lúa nước sông Hồng”.
       – Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc để xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Hưng Yên bên cạnh hình ảnh du lịch của vùng.
       – Nâng cấp hệ thống giao thông, cải tạo môi trường cảnh quan, môi trường văn hóa du lịch thân thiện, mến khách.
       – Liên kết với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm du lịch khác để đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lao động ngành góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh để hòa nhập với trình độ du lịch các tỉnh trong vùng.

    2.flex 2015 tl ptdlhungyen biaTS.KTS.Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục