Phát triển du lịch Lý Sơn để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
Lý Sơn là một trong những đảo tiền tiêu của tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng, cần xây dựng kế hoạch phòng thủ trong mối quan hệ với hoạt động du lịch với tư cách là một hoạt động dân sự nhằm khẳng định chủ quyền và tạo điều kiện để người dân sống trên đảo có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, yên tâm định cư trên đảo, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Tiềm năng và thực trạng du lịch biển đảo Lý Sơn
Với tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km và nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng về du lịch và những tư liệu quý về Hoàng Sa, đảo Lý Sơn có mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, và vùng lân cận như: khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai, TP. Quảng Ngãi, khu du lịch Mỹ Khê và khu du lịch Sa Huỳnh. Lý Sơn cùng với khu du lịch Mỹ Khê, khu du lịch Sa Huỳnh tạo thành 3 đỉnh của tam giác có khả năng hình thành nên các khu du lịch biển có quy mô lớn trong tương lai.
Xét tổng thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì huyện đảo Lý Sơn nằm trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là con đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất. Với vị trí như trên, Lý Sơn trở thành một đơn vị hành chính có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển biển đảo của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội cho những năm tới.
Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa vùng biển Đông. Đến với Lý Sơn, ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, những tuyệt tác thiên nhiên giữa bốn bề sóng biển, du khách còn có dịp thăm những ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi, nhiều di tích lịch sử văn hóa và loại hình lễ hội truyền thống. Tính đến nay Lý Sơn có nhiều di sản văn hóa, nhiều tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ảnh: Cột cờ Lý Sơn
Trên địa bàn huyện có 50 di tích, trong đó có 10 di tích đã được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia, đó là thắng cảnh cùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm linh tự và 6 di tích cấp tỉnh, gồm Dinh Tam Tòa, đền thờ cá Ông Lân Chánh, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ Thiên Y-A-Na, lăng cá Ông Đông Hải, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết; 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác. Nhiều loại văn hóa phi vật thể về tinh thần, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc như: lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, hội dồi bong…
Thực tế, việc khai thác tài nguyên và phát triển du lịch tại đảo Lý Sơn còn rất nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, cụ thể: hệ thống giao thông vận chuyển ra đảo chỉ có một loại hình duy nhất là tàu thủy từ đất liền ra đảo, ngày chỉ có 01 chuyến, giờ tàu không cố định; hệ thống dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu, hiện nay trên đảo có khoảng 70 buồng phòng phục vụ khách du lịch, chưa có cơ sở lưu trú du lịch nào đạt tiêu chuẩn sao để có thể đón khách du lịch có khả năng chi trả cao hoặc khách du lịch quốc tế; thiếu những nhà hàng sang trọng, chế biến những món ăn ngon từ hải sản để phục vụ trực tiếp cho khách du lịch; chưa có dịch vụ vui chơi giải trí để phục vụ khách du lịch; hàng thủ công mỹ nghệ chưa thật sự phong phú, đặc sắc; một số bãi tắm không đạt yêu cầu do cộng đồng dân cư lấy cát về để sản xuất nông nghiệp (trồng tỏi); chất lượng nguồn nước sạch, việc xử lý nước thải và rác thải chưa được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại huyện đảo còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách và tương ứng với chất lượng dịch vụ; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cho huyện đảo hầu như chưa có, do vậy mà huyện đảo Lý Sơn mới ít được khách du lịch biết đến; chưa quan tâm đến quy hoạch cảnh trí, các trang thiết bị và các loại hình du lịch để tạo ra các sản phẩn du lịch độc đáo cho từng khu; các dự án quy hoạch phát triển du lịch chưa đóng góp thu nhập cho bảo việc môi trường và chưa có các giải pháp phù hợp để thu hút cộng đồng vào hoạt động du lịch, bảo tồn tài nguyên du lịch, cũng như những di tích trên đảo.
Để giải quyết các vấn đề trên, việc xây dựng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, đảo là xác định những tồn tại, thách thức trong quá trình phát triển và đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo mang tính đặc thù, đặc biệt là đảo Lý Sơn, trong thời gian tới là việc làm cấp thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, tạo ra được một thương hiệu về du lịch biển đảo của vùng Nam Trung Bộ một cách hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm.
Giải pháp phát triển du lịch Lý Sơn
Hướng đầu tư quan trọng làm đa dạng sản phẩm du lịch Lý Sơn là đầu tư nâng cấp và hình thành các khu điểm du lịch chuyên đề và tổng hợp. Các khu, điểm du lịch là nơi cung cấp các loại sản phẩm du lịch đa dạng, có khả năng thoả mãn các nhu cầu của du khách nên có sức hút mạnh và khả năng tăng thu nhập du lịch cao: với các tài nguyên đang khai thác cần có sự điều tiết hợp lý đảm bảo khả năng tái tạo của tài nguyên, đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ; với các tài nguyên mới, chưa khai thác sâu cần có chiến lược khai thác bài bản; giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện; hình thành nên các bộ sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng cho điểm đến, phân chia giai đoạn phát triển:
Bộ sản phẩm du lịch “đảo xanh huyền thoại”: tổ chức theo mô hình công viên sinh thái, sinh thái nông nghiệp với bộ sản phẩm như du khách được trải nghiệm cùng nông dân thu hoạch, trồng… tỏi, cùng người dân ngư nghiệp đi thuyền thúng đánh bắt cá cùng người dân đảo Lý Sơn 01 ngày rồi từ những sản phẩm thu được về tự chế biến, nấu nướng cho bữa ăn của du khách…
Ảnh: Cánh đồng tỏi, nhìn từ xa
Bộ sản phẩm du lịch “công viên ốc biển, và san hô biển Lý Sơn”: công viên chuyên đề về các loại ốc biển, san hô biển với các công trình vui chơi giải trí hình ốc, san hô và các sản phẩm du lịch từ ốc biển, san hô biển độc đáo chỉ có ở Lý Sơn (san hô đen), tôn vinh tài nguyên san hô – một tài nguyên rất phong phú và hấp dẫn của đảo.
Ảnh: San hô đen và ốc biển Lý Sơn
Bộ sản phẩm du lịch “khám phá tầng địa chất trên đảo Lý Sơn”: Dấu tích phun trào của núi lửa trên đảo Lý Sơn, khám phá những bải biển dưới chân núi lửa, những lớp địa chất tại bờ biển Lý Sơn, các dãy núi đá hình thành tự sự phun trào của núi lửa tạo nên những cảnh quan hùng vỹ, những lớp nhan thạch có hình dang lạ mắt, dấu tích do dung nhan hình thành, hồ treo chức nước ngọt trên đỉnh núi lửa, những rạng đá ngầm xung quang đảo là điều kiện thuận lợi cho các loài thủy tộc sinh sống…
Trần Thị Lan – Phòng NCCS – Viện NCPTDL