Phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo
Miền Tây tỉnh Nghệ An bao gồm 10 huyện núi là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ với diện tích tự nhiên là 1,4 triệu ha chiếm 84% diện tích đất toàn tỉnh. Do địa chất kiến tạo nên địa hình vùng này là những dãy núi đá vôi kết nối thành các đỉnh núi và tạo ra nhiều hang động kỳ thú,những thác nước đẹp hấp dẫn nằm xen kẽ với các thung lũng và rừng tự nhiên với đa dạng sinh học cao tại VQG Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt… Nói đến miền Tây Nghệ an nói đến nơi cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống với hơn 44 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu…. chiếm 40% dân số trong vùng, đây là khu vực có tiềm năng tài nguyên nhân văn được hình thành, phát triển và gắn bó với cộng đồng dân cư sống trong vùng. Tất cả điều kiện tự nhiên, tiềm năng tài nguyên tự nhiên và con người của khu vực miền Tây rất thuận cho việc phát triển các ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
Vườn Quốc gia Pù Mát (Tây Nghệ An)
Miền Tây của Nghệ An cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đang chiếm tỷ lệ cao so với bình quân chung toàn tỉnh. Cuối năm 2013, vùng miền Tây tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,06%, cao gấp 1,8 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh (hiện cả tỉnh còn 13,4%), hộ cận nghèo chiếm 16,17% (cả tỉnh còn 13%). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số đang chiếm tỷ lệ lớn, trên 70 % so với số hộ nghèo của vùng miền Tây.
Do điều kiện địa lý tự nhiên và cách trở nên đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thu nhập tính trên đầu người đạt thấp, bằng 63,3% bình quân chung cả tỉnh. Các vấn đề thiết yếu như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, nước sinh hoạt chưa được giải quyết căn bản. Trình độ dân trí thấp, điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục, y tế khó khăn, còn có học sinh bỏ học ở các cấp, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, một số tập tục lạc hậu vẫn còn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, dân số đông, người dân thiếu việc làm và không có việc gì để làm đang áp lực đối với điều kiện xã hội.
Vấn đề hiện nay đang đặt ra cho các cấp chính quyền trên địa bàn là làm thế nào người dân có thêm việc làm chính đáng thì giải quyết vấn đề nghèo cho cộng đồng sẽ được giải quyết và đẩy lùi, đồng nghĩa với thu nhập, sẽ giải quyết được xóa đói và giảm nghèo. Vì vậy, Du lịch cộng đồng là một định hướng cơ bản về công ăn việc làm cho người dân đang được đặt ra nhằm giải quyết phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc miền Tây ở Nghệ An.
Du lịch cộng đồng là một ngành nghề vì vậy cần tìm hiểu những vấn đề cơ bản về lý luận cơ bản của nó và mô hình áp dụng vào miền Tây tỉnh Nghệ An.
1. Du lịch cộng đồng là gì
Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là phương thức phát triển du lịch được khuyến khích, nhất là tại các nước kém và đang phát triển, với mục tiêu phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo. DLCĐ là phương thức phát triển du lịch có sự tham gia tích cực của phần lớn người dân địa phương trong toàn bộ quá trình phát triển du lịch từ việc lập kế hoạch và ra các quyết định cho tới tổ chức, cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch, kiểm soát và quản lý tác động của phát triển du lịch đối với nền kinh tế và xã hội địa phương; đem lại lợi ích chủ yếu cho cộng đồng dân cư địa phương. Phát triển được mô hình DLCĐ có nghĩa là huy động một số lượng người dân lao động trong ngành du lịch, nó không chỉ đem lại lợi ích cho người trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch mà còn cho thành viên khác của cộng đồng địa phương thông qua các hình thức cung cấp sản phẩm khác nhau cho khu vực phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều mô hình phát triển DLCĐ trên thế giới, khu vực và trong nước đã chứng minh, nơi nào xây dựng được mô hình và phát triển DLCĐ thì nơi đó giải quyết được rất nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh tật tự, nó không chỉ ảnh hưởng trong vùng mà còn tác động tích cực đến các vùng khác có tính tương đồng. DLCĐ mang rất nhiều nghĩa nhưng ý nghĩa mà được cộng đồng dân nhìn thấy nhất là có việc làm thường xuyên, có thu nhập, đi lại thuận lợi, hành vi ứng xử văn hóa, văn minh luôn tồn tại trong các bản làng.
Thuật ngữ phát triển du lịch cộng đồng là đề cao vai trò của cộng đồng đối với phát triển du lịch và ngược lại. Sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch được hiểu là việc “các nhóm hưởng lợi đã xác định, được khuyến khích trực tiếp xắn tay tham gia phát triển của chính bản thân mình, thông qua việc khai thác các nguồn lực của chính mình, xác định nhu cầu của chính mình và tự ra các quyết định để đạt được những nhu cầu đó” . Như vậy, sự tham gia của cộng đồng được xác định từ việc cộng đồng có ý thức, tự xác định mục tiêu và thực hiện mục tiêu này. Trong du lịch, việc tham gia của cộng đồng được xác định là yếu tố cơ bản trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch, phát triển du lịch bền vững tại địa phương, làm tăng sự thỏa mãn của khách du lịch, hỗ trợ những người kinh doanh chuyên nghiệp, cân bằng phân phối lợi ích và chi phí, tăng cường dân chủ tại địa phương và đáp ứng chính nhu cầu của người dân.
Phát triển cộng đồng trong du lịch trên cả khía cạnh kinh tế (tăng thu nhập từ sản xuất nội địa, đa dạng hóa kinh tế địa phương, tăng cường nội lực), xã hội (công bằng xã hội, vì con người, năng động và chất lượng cuộc sống cao), chính trị (tăng cường dân chủ và sự tham gia của cộng đồng trong đời sống chính trị), xã hội (từ giáo dục cho tới bảo tồn và lưu truyền văn hóa) và môi trường (quyền sử dụng, quản lý và bảo tồn các nguồn lực tự nhiên).
Tóm lại phát triển DLCĐ là cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch tại một khu vực nhất định, nơi đó có tiềm năng tài nguyên du lịch để thu hút khách du lịch.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay là DLCĐ được xây dựng ở đâu? Khi nào? Làm thế nào để phát triển và duy trì phát triển DLCĐ? Thành phần nào quyết định phát triển du lịch cộng đồng? Cộng đồng dân cư làm gì, làm như thế nào trong DLCĐ và họ được hưởng lợi như thế nào?.
Theo lý thuyết và kinh nghiệm phát triển DLCĐ trong và ngoài nước cho thấy có thể phát triển các mô hình tại những khu vực có tiềm năng tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên và nhân văn) có mức độ thu hút khách du lịch đến tham quan; là nhưng khu vực miền núi gắn liền với điều kiện tự nhiên hoang dã, khu vực có cộng đồng dân tộc sinh sống có các phong tục tập quán, lễ hội, làng nghề…hấp dẫn khách du lịch. Mô hình DLCĐ sẽ được xây dựng khi các điều kiện cơ bản về DLCĐ đã được hình thành. Để một mô hình DLCĐ phát triển cần có các bên tham gia hỗ trợ cho cộng đồng như chính quyền, khách du lịch, chuyên gia, thậm chí các tổ chức quốc tế…Trong một mô hình phát triển DLCĐ là người đứng ra xây dựng kế hoạch cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch để hưởng lợi từ việc làm đó. Để DLCĐ tại một khu vực nào đó duy trì và phát triển thì nới đó tài nguyên du lịch cần được bảo tồn, bảo vệ của cộng đồng
Mức độ tham gia của cộng đồng là yếu tố cơ bản xác định hình thức phát triển DLCĐ. Căn cứ vào mức độ tham gia, có thể có 3 hình thức phát triển DLCĐ là:
– Toàn bộ cộng đồng tham gia du lịch.
– Một phần cộng đồng tham gia du lịch.
– Liên doanh, liên kết giữa một số hộ gia đình của cộng đồng với các công ty kinh doanh du lịch lữ hành và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch khác.
Tuy vậy, ở mô hình nào thì vai trò của quy hoạch và xây dựng kế hoạch đều đóng vai trò trực tiếp, quan trọng để đảm bảo lợi ích cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch. Quy hoạch với sự tham gia của các bên liên quan là một phần quan trọng của phát triển DLCĐ. Các dịch vụ mà cộng đồng địa phương có thể cung cấp tại khu vực phát triển DLCĐ là:
– Người dân có thể cung cấp các loại dịch vụ cho khách du lich, trong đó chú trọng cung cấp nơi lưu trú tại nhà dân (homestay).
– Hướng dẫn và giải thích cho khách du lịch về tiềm năng, đặc điểm của khu vực.
– Cung cấp phương tiện đi lại cho khách trong khu vực như cho thuê xe, chở khách….
– Cung cấp các món ăn truyền thống đảm bảo hợp vệ sinh cho khách du lịch.
– Bán hàng lưu niệm tiểu thủ công, sản vật địa phương.
– Tổ chức các buổi biển diễn nghệ thuật (múa, hát…) phục vụ khách
– Trình diễn và hướng dẫn văn hóa ngành nghề (làm nông nghiệp, hàng thủ công, nấu ăn…).
– Xây dựng, quản lý khai thác các điểm tham quan, vui chơi giải trí địa phương.
– Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
– Các dịch vụ khác như tạp hóa, bán hàng rong, v.v…
Phát triển DLCĐ đem lại cơ hội cho cộng đồng nâng cao năng lực thông qua các hoạt động giáo dục, giao tiếp, trao đổi và khôi phục văn hóa, phong tục, lối sống truyền thống của mình. Ngược lại, phát triển DLCĐ cũng đòi hỏi cộng đồng phải nâng cao năng lực, từ năng lực cơ bản về vệ sinh môi trường, giao tiếp với khách du lịch từ bên ngoài đến, tới năng lực cung cấp các sản phẩm du lịch, năng lực về quản lý marketing, quản lý tài chính… Đào tạo và nâng cao năng lực là những hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển các sản phẩm DLCĐ.
2. Làm thế nào để mang lý luận cơ bản DLCĐ đến cho cộng đồng dân tộc khu vực miền Tây Nghệ An.
Lựa chọn điểm để xây dựng mô hình phát triển DLCĐ cho một khu vực là một quá trình đòi hỏi cần phải đầu tư nghiên cứu, khảo sát, tính toán để lựa chọn điểm để xây dựng mô hình; nghiên cứu thị trường khách du lịch để lựa chọn khách du lịch và thu hút khách du lịch đến tham quan là vấn đề quan trọng trong việc duy trì và phát triển mô hình. Để mô hình hình thành vấn đề hỗ trợ ban đầu cho cộng đồng đóng vai trò cơ bản để xây dựng mô hình DLCĐ.
– Lựa chọn điểm để xây dựng mô hình DLCĐ.
Điều kiện để có điểm hình thành nên DLCĐ là những khu vực có tài nguyên tự nhiên phong phú như các VQG, khu bảo tồn, khu dự trử sinh quyển, rừng tự nhiên nơi có các tài nguyên tự nhiên quý hiếm; khu vực có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời có các tài nguyên nhân văn, đặc biệt là tài nguyên phi vật thể cần được bảo tồn.
Khu vực có khách du lịch đến tham quan nghiên cứu, tốt nhất là được xác định điểm đến của du lịch.
Có các điều kiện cơ sở hạ tầng tối thiểu, chú trọng đường giao thông để cho khách du lịch đến được các điểm tham quan trong khu vực.
Để xác định được khu vực phát triển cần có sự tham gia của các chuyên gia du lịch cộng đồng tổ chức nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu toàn bộ khu vực để lựa chọn tính toán tính khả thi của mô hình.
Trên cơ sở tài liệu nghiên cứu, trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An có thể lựa chọn nhiều khu vực để xây dựng mô hình như tại VQG Pù Mat, khu bảo tồn Pù Hoạt, Pù Huống…các khu vực có cộng đồng dân tộc ít người sinh sống lại có tiềm năng tài nguyên du lịch hấp dẫn khách du lịch.
– Tổ chức nghiên cứu thị trường khách du lịch cho mô hình DLCĐ.
Khách du lịch có vai trò quan trọng và quyết định đến phát triển DLCĐ, có khách du lịch thì cộng đồng mới có điều kiện cung cấp dịch vụ, từ đó cộng đồng mới có việc làm và có thu nhập. Việc xác định sự tương đồng giữa khách du lịch với mô hình, hay nói cách khác là điểm DLCĐ thu hút được khách du lịch đến tham quan. Để có khách du lịch cần phải nghiên cứu thị trường khách cho điểm đến, từ đó làm công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến này; đồng thời thông qua các công ty lữ hành xây dựng các chương trình du lịch cho các điểm DLCĐ.
– Cần có sự hỗ trợ của bên đối với cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia du lịch.
Các khu vực phát triển DLCĐ nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất ban đầu để hình thành mô hình DLCĐ như cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông đi lại có khó khăn và thiếu, điện nước, vệ sinh môi trường hầu như chưa có và không đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ chưa phát triển; trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của cộng đồng chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp về vốn đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, về thị trường khách du lịch…
3. Giải pháp phát triển DLCĐ miền Tây Nghệ An nhằm góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư.
– Cần phải xây dựng quy hoạch phát triển DLCĐ trên toàn bộ địa bàn để xác định các điểm phát triển DLCĐ cho khu vực miền Tây.
Đối với khu vực miền Tây của Nghệ An có thể xây dựng các nhiều loại hình phát triển du lịch như: Du lịch sinh thái gắn liền với các tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên tại các VQG, khu bảo tồn…, du lịch tham hiểm dựa vào địa hình hang động, rừng núi, du lịch lữ hành…Tuy nhiên, mô hình DLCĐ là loại mô hình đạt được nhiều mục đích trong đó có gắn liền với cộng đồng, gắn liền với giải quyết công ăn việc và và có thu nhập cho khu vực còn nhiều khó khăn, gắn với các chính sách của Đảng và nước về xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, Đề án phát triển du lịch miền Tây giai đoạn 2007-2010, quy hoạch phát triển du lịch một số huyện trong khu vực. Tuy nhiên, các đề án này mang tính định hướng chung cho phát triển du lịch chưa đề cập đến tính cụ thể cho loại hình DLCĐ. Vì vậy, cần phải điều tra, khảo sát và đánh giá, lựa chọn các khu vực có đủ điều kiện để xây dựng mô hình phát triển DLCĐ. Trước mắt, có thể lựa chọn một hoặc hai khu vực xây dựng thí điểm xây dựng mô hình DLCĐ.
– Xây dựng chiến lược thị trường khách du lịch và các giải pháp cụ thể thu hút khách du lịch đến tham quan du lịch các điểm khu vực miền Tây.
Trong định hướng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, cũng như Quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, du lịch Nghệ An có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch khu vực Bắc Trung Bộ và dự báo số lượng khách du lịch quốc tế đứng thứ 2 trong vùng du lịch, đối với khách du lịch nội địa thì đứng đầu vùng du lịch (có phụ lục kèm theo)
Theo định hướng thì số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Nghệ An tập trung vào các khu vực thành phố, đô thị, đồng bằng và ven biển, còn số lượng khách du lịch đến các điểm du lịch miền Tây còn hạn chế, tuy rằng khu vực miền Tây có tiềm năng tài nguyên du lịch để thu hút khách du lịch. Vì vậy, du lịch cần phải xây dựng chiến lược thị trường, xác định thị trường tiềm năng cho các điểm du lịch miền Tây và tăng cường công tác xúc tiến quảng bá tiềm năng tài nguyên du lịch khu vực này đối với thị trường khách du lịch trong và ngoài nước. Căn cứ vào dự báo của các chuyên gia du lịch về xu hướng tham quan của khách du lịch trong các giai đoạn tới là khách du lịch sinh thái sẽ tăng nên loại hình DLCĐ sẽ phù hợp với phát triển du lịch khu vực miền Tây, cộng đồng có vai trò chủ đạo cung cấp dịch vụ cho khách du lịch phù hợp hơn các công ty du lịch.
Phân khúc thị trường khách du lịch cho khu vực này là khách đi tham quan nghiên cứu sinh thái, nghiên cứu tài nguyên du lịch nhân văn chủ yếu nghiên cứu phong tục tập quán, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, khách du lịch tham hiểm; tập trung vào thị trường khách có mức chi tiêu cao, khách đi theo đoàn. Do điều kiện địa lý miền Tây Nghệ An có tiếp giáp với nước bạn Lào, nơi có thị trường khách du lịch quốc tế các nước tương đối đông và có mức tăng trưởng cao trong khu vực, lại có điều kiện tự nhiên tương đối giống các nước Thái, lào, Myanma… nên thị trường miền Tây có nhiều cơ hội để thu hút khách từ các điểm du lịch này. Hiện nay các cửa khẩu quốc tế khu vực này thuận lợi cho việc đi lại và thu hút khách du lịch từ các thị trường này.
Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá tiềm năng tài nguyên du lịch cho khu vực miền Tây thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ du lịch, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các hãng lữ hành về các sản phẩm du lịch cộng đồng. Mục tiêu là giới thiệu cho khách du lịch biết được khu vực miền Tây có sản phẩm du lịch và có tiềm năng tài nguyên hấp dẫn
-Tăng cường hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch.
Nhìn chung khu vực miền Tây là khu vực còn nhiều khó khăn cả về vật chất, vốn, kinh nghiệm, trình độ và phương thức sản xuất…
Trước hết là cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển du lịch. Trong mấy năm gần đây nhờ các chính sách hỗ trợ của các Nhà nước, cơ sở hạ tầng đã có bước phát triển, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng đã có đến các trung tâm, tuy nhiên một số chưa được thường xuyên, vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường nhiều khu vực chưa đảm bảo.
Nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ tay nghề chuyên môn về du lịch. Do điều kiện kinh tế và địa lý nên trình độ văn hóa của cộng đồng khu vực này hạn chế nhất định nhất là tiếp cận khoa học công nghệ, ngành nghề chuyên môn. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác đào tạo nghề thông qua trực quan, trực tiếp, dung tay dạy việc làm; thông qua các chuyến đi khảo sát học tập kin nghiệm các mô hình đã được hình thành để cộng đồng hiểu, thích nghề và mong muốn được thực hiện. Trước mắt, ngành du lịch cần lựa chọn một vài địa điểm để đưa đi đào tạo.
Hỗ trợ cộng đồng các trang thiết bị cơ bản về vật chất kỹ thuật du lịch để tạo tiền đề cho công việc phục vụ khách du lịch ban đầu. Do xuất phát điểm về năng lực cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ khách du lịch của cộng đồng còn chưa có, còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy, cần thiết đầu tư cơ bản ban đầu cho cộng đồng về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho cộng đồng như trang thiết bị về lưu trú với cộng đồng, trang thiết bị vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn cơ bản nhà vệ sinh, nhà tắm; dụng cụ liên quan đến phục vụ ăn uống.. Định hướng hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dự án đầu tư của các tổ chức quốc tế; các nhà tài trợ thông qua xã hội hóa du lịch
Nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo các tài nguyên nhân văn của cộng đồng dân tộc. Tài nguyên nhân văn các dân tộc miền Tây Nghệ An rất phong phú đa dạng, một số tài nguyên vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay và đang được cộng đồng gìn gữ và bảo tồn như lễ hội, ẩm thực…Một số tài nguyên đã mai một, thậm chí có tài nguyên chỉ để lại truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Trong du lịch cộng đồng thì tài nguyên nhân văn có vai trò quan trọng nhằm thu hút khách du lịch và kéo dài ngày lưu trú tham quan tại khu vực. Vì vậy, cần thiết phải khôi phục và bảo tồn giá trị tài nguyên nhân văn của cộng đồng dân tộc ít người tại các khu vực có ý định xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và vùng phụ cận, trước mắt khôi phục tài nguyên vật thể có ý nghĩa đối với tài nguyên du lịch và có mức độ hấp dẫn khách du lịch như các nghề, dụng cụ lao động sản xuất, các nhạc cụ…, đần dần khôi phục các giá trị tài nguyên phi vật thể như phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, nghi lễ…
-Xây dựng một vài mô hình thử nghiệm về du lịch cộng đồng
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tỉnh cần phối hợp với chuyên gia du lịch cộng đồng trong và ngoài nước nghiên cứu đặc điểm, điều kiện và tiềm năng trong vùng để xây dựng mô hình thử nghiệm tại một vài điểm có điều kiện thu hút khách du lịch, trước mắt lựa chọn mô hình tại các khu vực đã có khách du lịch đến tham quan như các khu vực các VQG, khu bảo tồn, các vùng dân tộc có đặc trưng tài nguyên du lịch nổi trội và hấp dẫn khách du lịch.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho du lịch cộng đồng là công cụ, phương tiện để cho các khu vực có điều kiện, tiềm năng tài nguyên tiếp cận để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và họ đã áp dụng thành công.