Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020

         Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”.

         Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch xây dựng nội dung trình Bộ VHTTDL phê duyệt đã nêu rõ quan điểm phát triển, đó là: Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển (sau đây gọi tắt là du lịch biển) nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; phát triển du lịch biển phải luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển du lịch biển phải được đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế – xã hội của vùng ven biển và phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

        Coto Mục tiêu phát triển tổng quát: Đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”; thực hiện thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

         Mục tiêu phát triển cụ thể: Đến năm 2020, du lịch biển phải có được ít nhất 6 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực là Hạ Long – Bái Tử Long – Cát Bà; Lăng Cô – Cảnh Dương, Hội An – cù lao Chàm; Nha Trang – Cam Ranh, Phan Thiết – Mũi Né và Phú Quốc; hình thành và bước đầu đi vào khai thác một số cảng du lịch: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc; thu hút được khoảng 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 58 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch biển đạt trên 200.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD;  tạo ra khoảng 600 nghìn việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp, bằng 71% tổng lượt khách du lịch quốc tế và 61% tổng lượt khách du lịch nội địa đi lại giữa các địa phương, 68% tổng thu từ du lịch toàn quốc.

         Quyết định phê duyệt Đề án cũng chỉ rõ 7 định hướng phát triển chủ yếu về: thị trường du lịch biển; sản phẩm du lịch biển; xúc tiến quảng bá du lịch biển; phát triển nguồn nhân lực du lịch biển; tổ chức lãnh thổ du lịch; đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng.

         Bên cạnh đó, Đề án đưa ra 5 giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, và khung “Kế hoạch hành động về phát triển du lịch biển đến năm 2020” bao gồm: Chương trình nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển; Chương trình điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển; Chương trình đầu tư có hệ thống và có trọng điểm hạ tầng du lịch biển; Chương trình xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù; Chương trình xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển; Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho du lịch biển; Chương trình hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển; Dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển; Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020; Dự án phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Dự án lồng ghép kế hoạch ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển du lịch biển đến năm 2020.

         Tổng cục Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, ngành và địa phương; định kỳ cập nhập, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển. 

    Theo: VTR

    Bài cùng chuyên mục