Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phát triển du lịch bền vững – một số kinh nghiệm của TP. Đà Nẵng

       Mục tiêu phát triển du lịch bền vững đã được các quốc gia trên thế giới hướng tới từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Du lịch bền vững được hiểu là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Phát triển du lịch bền vững giảm thiểu các tác động xấu của du lịch đồng thời góp phần vào công tác bảo tồn các giá trị tốt cho cộng đồng địa phương, cả về kinh tế và xã hội. Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA/GA) tuyên bố năm 2017 là “Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển” nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn du lịch nói riêng và cho loài người, hành tinh, hòa bình và thịnh vượng nói chung.

       Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch, đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Giai đoạn gần đây, để đảm bảo phát triển du lịch một cách bền vững, tại một số địa phương, điểm đến, đã có nhiều hình thức, hành động thiết thực điển hình như Đà Nẵng – Thành phố nhận được nhiều danh hiệu và có mức tăng trưởng về du lịch tương đối bền vững, đáng ghi nhận (1). Để đạt những kết quả nổi trội đó, cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp du lịch; cộng đồng dân cư Đà Nẵng đã cùng “chung sức, chung lòng” hướng tới mục tiêu chung: coi khách du lịch là tâm điểm, làm cho khách thỏa mãn và có ý định quay lại trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn, tu tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển trong tương lai, cụ thể:

       Đảm bảo “môi trường du lịch hoàn hảo”

       + Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước, viễn thông, cảng biển…thuận tiện, vẫn đảm bảo hạn chế tối đa việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có thể gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường của các tuyến, khu, điểm du lịch.

       + Đảm bảo chính trị ổn định, an ninh trật tự tương đối tốt từ chống chèo kéo, bắt chẹt, cướp giật…đến hạn chế tối đa việc bán hàng rong bằng nhiều biện pháp, điển hình như đặt các biển cấm trong thành phố với tần suất khoảng 300m – 500m/biển…

       + Tích cực quản lý việc ô nhiễm nguồn nước; quản lý việc ô nhiễm không khí từ chất phát thải của các phương tiện giao thông và các thiết bị; Xác định sức chứa của điểm du lịch tránh gây tác hại đến môi trường sinh thái; quản lý sự tiêu thụ quá mức các tài nguyên và quản lý chất thải; đồng thời duy trì tính đa dạng văn hóa, khai thác gắn liền với bảo tồn.

       + Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, y tế…; cung cấp các dịch vụ công cộng như vệ sinh môi trường, trang trí đường phố, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý, niêm yết giá…để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách. Điển hình như việc “Phủ xanh nhiều hạng mục cây xanh”; hệ thống công viên, vườn hoa, vườn dạo, thiết chế văn hóa trong khu dân cư tại các quận, huyện đã được triển khai đầu tư, thi công hình thành các mảng xanh lớn, thực hiện tốt chức năng cải thiện môi trường và bộ mặt đô thị.

       + Cộng đồng và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua các phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày Chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp”, Cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh”… đã phủ xanh nhiều tuyến đường; khu đất trống không đảm bảo vệ sinh môi trường được thay thế bằng những khu vườn dạo xanh mát, sạch sẽ.

       + Cộng đồng dân cư được nâng cao nhận thức về văn minh du lịch và tạo ấn tượng đẹp với du khách trong nước và quốc tế thông qua nhiều hình thức như tuyên quyền những lợi ích mà du lịch mang lại, ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch quy định đối với các tổ chức, cá nhân và ngành hoạt động, liên quan đến du lịch phải tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương, có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, tuân thủ những quy định tại từng điểm tham quan. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng yêu cầu du khách khi đến tham quan phải tôn trọng truyền thống văn hóa, có ý thức giữ gìn, không gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến người xung quanh; không hái hoa, bẻ cành, chọc ghẹo thú nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng; tiết kiệm điện, nước, bảo quản các đồ dùng khi sử dụng các dịch vụ…

    DaNang

       “Đặc biệt hóa” sản phẩm du lịch

       Với lợi thế về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vị trí địa lý đắc địa, Đà Nẵng đã và đang tận dụng tiềm năng này để tạo sản phẩm du lịch khác biệt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu như trước đây, sản phẩm du lịch được phát triển mang tính đa dạng với mọi loại hình thì những năm trở lại đây, Đà Nẵng đã làm mới và “đặc biệt hóa” sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch một cách bền vững:

       + Du lịch nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng cao cấp: Bên cạnh việc đầu tư hình thành các cơ sở lưu trú du lịch, Đà Nẵng được biết đến như một thành phố nghỉ dưỡng biển cao cấp với hệ thống các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao được quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng như thế giới như: Furama, Novotel, Vinpearl, Intercontinental, Hyatt, Crowne Plaza, Pullman, Mercure..; Quần thể KDL sinh thái Bà Nà;… ngoài ra đã đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống các bãi biển công cộng với 09 bãi tắm đảm bảo an toàn và sạch sẽ, các tiện ích công cộng phục vụ du khách… các dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển được các doanh nghiệp đưa vào khai thác như: canô, dù kéo, jetski, lặn biển, kayak, tham quan vòng quanh bán đảo Sơn Trà, lặn biển ngắm san hô…góp phần làm sôi động các hoạt động trên biển và tăng thêm trải nghiệm của du khách.

       + Du lịch công vụ hội nghị hội thảo,mua sắm và vui chơi giải trí: đã có bước phát triển, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Thành phố đã đăng cai tổ chức các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chương trình Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè, Chương trình Khai trương mùa du lịch biển, Cuộc thi Ironman 70.3, Cuộc thi Marathon quốc tế, Đường chạy sắc màu; Cuộc đua thuyền buồm thế giới Clipper Race, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng. Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm đã được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư với các sản phẩm, dịch vụ khác biệt, độc đáo và cao cấp: Khu Công viên Châu Á, Khu vui chơi giải trí trong nhà Helio Center, Cụm điểm tham quan DHC Marina – cầu tầu tình yêu – cá chép hóa rồng, sân golf The Dunes, sân Golf Bà Nà, dịch vụ giải trí có thưởng tại Crowne Plaza, các quán bar, cafe tại đường Bạch Đằng; hệ thống mua sắm lớn được hình thành như: Indochina Tower, Vincom Plaza, Vĩnh Trung Plaza, Phố chuyên doanh Lê Duẩn, các cửa hàng mua sắm bán hàng lưu niệm dọc các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Trường Sa, Hoàng Sa…

       + Du lịch văn hóa lịch sử đã được khai thác thông qua các tour du lịch tham quan di tích lịch sử tại: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng – Thành Điện Hải, Đèo Hải Vân, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Quân khu V, đình làng Túy Loan, hệ thống chùa chiền, khu căn cứ cách mạng K20. Hình thành show diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Múa Chăm tại bảo tàng Điêu khắc Chăm, Chương trình Âm nhạc đường phố, Tuồng xuống phố, biểu diễn kèn hơi, hô hát bài chòi; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Đà Nẵng quyến rũ” tại nhà tại Nhà văn hóa Lao động.

       + Du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề đã được thành phố và các nhà đầu tư tập trung đầu tư khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như: tại Bán đảo Sơn Trà các điểm tham quan Nhà Vọng Cảnh, Đỉnh Bàn Cờ, Cây đa Sơn Trà – cây di sản Việt Nam, hình thành các tour tham quan trekking, ngắm động vật hoang dã… Đèo Hải Vân được công nhận là điểm Du lịch địa phương năm 2013, được UBND phê duyệt quy hoạch với các phân khu chức năng như: sàn vọng cảnh, khu bán hàng lưu niệm tập trung, khu vườn dạo, khu ẩm thực, hiện đang xúc tiến kêu gọi đầu tư triển khai dự án này. Ngoài ra, phía Tây thành phố có các khu du lịch suối Hoa, Hòa Phú Thành, Phước Nhơn… với các sản phẩm dịch vụ du lịch trượt thác mạo hiểm, ẩm thực, dã ngoại cắm trại; đặc biệt Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đưa vào hoạt động với các dịch vụ vui chơi giải trí với dịch vụ spa, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.

       + Du lịch đô thị: Các đơn vị đã đưa vào tour trực thăng khám phá thành phố; Sản phẩm du lịch đường sông mới với 19/29 tàu du lịch (tính đến ngày 22/01/2016) đang hoạt động chủ yếu trên tuyến sông Hàn với tour “Du ngoạn sông Hàn về đêm” ngắm các cây cầu đặc biệt là Cầu Rồng với việc phun lửa, phun nước vào 02 ngày cuối tuần đã tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt độc đáo thu hút du khách trong nước và nước ngoài.

      + Du lịch chăm sóc sức khỏe chữa bệnh – làm đẹp: Thành phố hiện đang có các khu du lịch tắm suối khoáng có thể phục vụ cho loại hình chăm sóc sức khỏe: Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Khu Suối nước nóng Phước Nhơn; khu tắm bùn Galina; dịch vụ Spa (khu tắm bùn Chăm Spa, tắm khoáng nóng, bùn khoáng Galina.) … đã bổ trợ sản phẩm mới thu hút du khách đến Đà Nẵng.

       Một số hoạt động bổ trợ

       + Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành du lịch (quản lý nhà nước về du lịch, quản lý, điều hành, hướng dẫn viên, buồng phòng, bartender, lái xe…) được tăng cường đào tạo, đào tạo mới và đào tạo lại, lồng ghép các nội dung đào tạo phù hợp với xu thế phát triển bền vững bằng các khóa đào tạo định kỳ.

       + Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nhận thức được lợi ích của việc phát triển du lịch bền vững, đã cạnh tranh lành mạnh, phát huy tối đa vai trò “cầu nối” giữa du khách và Đà Nẵng, cung cấp đầy đủ thông tin về điểm đến, đảm bảo dịch vụ có chất lượng, uy tín, đáp ứng kỳ vọng của du khách với mức giá tối ưu.

    Jinnee 

    (1) 2015,Đà Nẵng dẫn đầu trong Top 10 Điểm đến mới nổi sáng giá nhất cho năm 2015 do trang mạng du lịch uy tín hàng đầu của Mỹ – TripAdvisor bình chọn; đến năm 2016, thành phố vinh dự được nhận giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards; Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat được nhận giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á”; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental Danang Sun Peninsula với các danh hiệu danh giá là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á”, “Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam” và “Khu nghỉ dưỡng có spa hàng đầu Việt Nam”. 

    Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong những năm gần đây, lượng du khách đến Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 20,1%, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 25,4%, khách nội địa tăng bình quân 18,5%. Tổng thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân đạt 30,7%, Năm 2011, tổng thu du lịch đạt 4.600 tỷ đồng đến năm 2015 đạt 12.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,56 lần và tăng gấp 3,9 lần so với giai đoạn 2006-2010. Năm 2016 đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 18,4% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2015, khách nội địa đạt 3,86 triệu lượt, tăng 13,2% so với năm 2015. Tổng thu du lịch đạt 16.082 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2015.

     

     

    Bài cùng chuyên mục