Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Ninh Bình – Phát huy các thế mạnh văn hoá và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh

    Ninh Bình là vùng đất còn ẩn chứa nhiều điều mới lạ, hấp dẫn du khách. Không chỉ có phong cảnh đẹp cuốn hút với bề dày trầm tích văn hoá truyền thống mà Ninh Bình còn tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá và thiên nhiên để phát triển du lịch. Những yếu tố này đã hội tụ đủ để hứa hẹn một tiềm năng phát triển du lịch xanh ở Ninh Bình.

    NBxanh

    Một góc khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương

    Theo đồng chí Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, “Du lịch xanh không phải là xu hướng du lịch mới trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, du lịch xanh vẫn là loại hình du lịch khá mới mẻ. Du lịch xanh dựa vào sự giàu có của tự nhiên, văn hóa nhưng có sự giáo dục môi trường, có sự đóng góp của du khách và cộng đồng cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên du lịch tại địa phương. Cùng với đó, sự phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho cộng đồng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương. Mặt khác, là loại hình du lịch thân thiện với môi trường, du lịch xanh mang đến nhiều phương thức tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa theo cách bền vững, giảm sức ép của việc khai thác quá mức các nguồn lợi phục vụ hoạt động du lịch”.

    Thế mạnh của du lịch Ninh Bình chính là hội tụ nhiều di sản thiên nhiên độc đáo được kiến tạo hàng nghìn năm lịch sử với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như: Tam Cốc – Bích Động, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình hiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tràng An có lịch sử hình thành và phát triển hàng triệu năm được ví như vịnh Hạ Long trên cạn của Việt Nam. Tỉnh ta đang phấn đấu đến năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An sẽ trở thành Di sản thế giới. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng của ngành Du lịch Ninh Bình nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho các cấp, các ngành và mỗi người dân trong tỉnh trong việc bảo tồn, gìn giữ và khai thác các giá trị của di sản.

    Bên cạnh những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, Ninh Bình cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là mảnh đất thiêng nơi từng là Cố đô của 3 vương triều phong kiến (Đinh- Lý- Tiền Lê); là nơi giao thoa, hội tụ của Phật Giáo và Thiên Chúa giáo, nơi có nhiều làng nghề truyền thống như làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng cói Kim Sơn và Ninh Bình còn được xem là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát xẩm… Có thể nói, nơi đây con người và thiên nhiên sống hòa hợp tạo thành nhiều tầng văn hóa lắng đọng từ đời này qua đời khác.

    Nhận thức được những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch xanh, những năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu du lịch. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về việc phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 góp phần đầu tư bảo tồn và phát triển giá trị thiên nhiên văn hóa đặc sắc của địa phương. Theo đó, công tác quản lý tại các khu du lịch lớn tập trung vào: Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Tràng An… đã được tăng cường tập trung xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, xử lý rác thải tại các điểm du lịch, quy chế bảo vệ rừng, các loài động vật hoang dã… Thành quả bước đầu từ việc phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch homestay đã giúp du khách trải nghiệm, hòa nhập và thêm hiểu biết về vẻ đẹp vùng đất Cố đô cũng như hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng địa phương. Đồng chí Mai Khanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Việc phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng khi tỉnh ta đang đề cử Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thế giới. Điều đó góp phần vào việc bảo tồn tính nguyên vẹn của các giá trị Di sản văn hoá và thiên nhiên trong quá trình khai thác du lịch. Đây là yếu tố mà UNESCO coi trọng nhất để vinh danh một di sản. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch xanh còn tạo nên một môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Điều này rất cần thiết để ngành Du lịch phát triển bền vững trong tương lai.

    Mặc dù chúng ta có lợi thế lớn là sở hữu một khối lượng không nhỏ những di sản thiên nhiên và văn hoá, song nếu chỉ đơn thuần là khai thác những tiềm năng vốn có thì chưa đủ, đòi hỏi phải có sự đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như: điểm vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú, dịch vụ thương mại… nhằm thu hút khách lưu trú và đặc biệt là khách nước ngoài. Theo thống kê của ngành Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có trên 3,5 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 89,9% kế hoạch của năm 2013, trong đó lượng khách lưu trú chỉ đạt 260 nghìn lượt người. Cùng với đó, lượng khách quốc tế suy giảm mạnh (giảm 38,2%), lượng khách nội địa tăng (35,6%) so với cùng kỳ, qua đó cho thấy đang có sự thay đổi trong nhu cầu tham quan của du khách.

    Mục tiêu của Ninh Bình là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước tăng doanh thu từ du lịch. Điều này có nghĩa là Nhà nước và các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch trên địa bàn phải có chiến lược dài hơi cho việc “hút” khách, đặc biệt là “giữ chân du khách” lưu trú tại địa phương. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, song hành với việc phát triển da dạng các loại hình du lịch xanh thân thiện với môi trường, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch, Ninh Bình cần có thêm những giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tương xứng nhằm nâng cao chất lượng du lịch, đồng thời tạo thêm những nét mới mẻ cho điểm đến Ninh Bình.

    Nguyễn Thơm

    Ảnh: Thế Minh

    Nguồn: baoninhbinh.org.vn

    Bài cùng chuyên mục