Những xu hướng mới trong phát triển du lịch trên thế giới
1. Bối cảnh và những thách thức trong phát triển du lịch
1.1. Bối cảnh phát triển du lịch trên thế giới
+Du lịch thế giới đang có điều kiện phát triển mạnh mẽ: Thế giới có nhiều biến đổi với những bước nhảy vọt về KHCN; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh hơn ở các nước đang phát triển; xu thế hợp tác toàn cầu là tất yếu; nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao… Trong bối cảnh đó, nhu cầu đi du lịch của người dân là nhu cầu khách quan và tăng trưởng nhanh.
Du lịch trên phạm vi toàn cầu đã phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2012 trên thế giới có trên 1 tỷ người đi du lịch, ngành du lịch chiếm 9% (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) đối với GDP toàn cầu, đóng góp 1/12 toàn bộ lao động của thế giới.
Do lợi ích nhiều mặt mà du lịch mang lại nên nhiều nước đã tận dụng tiềm năng và lợi thế của mình để phát triển du lịch, tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất trong nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội.
+ Dòng khách du lịch trên thế giới đang có xu hướng thay đổi cơ bản: Nền chính trị ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới có nhiều biến động. Xung đột đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới…, ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dòng khách du lịch thế giới đang hướng tới những khu vực có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển; đặc biệt là dòng khách du lịch thế giới đang có xu thế chuyển dần sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á, những nơi có nền kinh tế phát triển năng động và nền chính trị hòa bình ổn định, mà trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và thân thiện.
+ Châu Âu và Châu Mỹ là những khu vực nhận khách lớn nhất toàn cầu, song thị phần đang có xu h¬ướng giảm dần: Trong quá trình phát triển, du lịch thế giới đã hình thành các khu vực với các thị phần khách du lịch quốc tế khác nhau. Năm 2000, Châu Âu là khu vực đứng đầu với 56,8% thị phần khách du lịch quốc tế; đứng thứ hai là Châu Mỹ với 18,7%; tiếp đến là Châu Á – Thái Bình Dương 16,7%… Tuy nhiên thị phần của Châu Âu, Châu Mỹ có xu hư¬ớng giảm dần. Năm 2011, thị phần khách du lịch quốc tế của Châu Âu giảm xuống còn 51,2%; Châu Mỹ 15,9 và khu vực Châu Á – Thái Bình Dư¬ơng tăng lên 22,1%. Theo dự báo của UNWTO, đến 2020 khu vực Châu Á – Thái Bình D¬ương sẽ chiếm 27,34% khách du lịch quốc tế toàn cầu.
+ Hoạt động du lịch có xu h¬ướng chuyển dịch nhanh sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21: Trong giai đoạn 1975 – 1999, khu vực Châu Á-Thái Bình D¬ương đã tăng đáng kể thị phần của mình trong tổng thu nhập du lịch toàn cầu (tăng 13,5%), trong khi đó Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông giảm t¬ương ứng là 4,3%; 1,1% và 0,2%. Đến năm 2011 thị phần thu nhập du lịch của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng lên đến 28,1%.
+ Du lịch các n¬ước Đông Nam Á (ASEAN) giữ vị trí quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình D¬ương: Năm 2011 các nước ASEAN đón được 77,2 triệu khách du lịch quốc tế, chiếm 35,6% lượng khách du lịch quốc tế và 28,3% thu nhập du lịch toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (chiếm 7,8% toàn cầu về khách du lịch quốc tế). Theo dự báo của UNWTO, năm 2020 lư¬ợng khách quốc tế đến ASEAN là 125 triệu (Thái Lan 37 triệu, Indonesia 27 triệu, Malaysia 25 triệu…), với mức tăng tr-ưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2020 là 6%/năm (so với 1 – 2% giai đoạn 1998 – 2000).
Hiệp hội Du lịch các nư¬ớc ASEAN (ASEANTA) không ngừng nâng cao vị thế trên trư¬ờng quốc tế. Song song với sự ra đời của ASEANTA là sự ra đời của các chính sách về hợp tác trong phát triển du lịch giữa các n¬ước thành viên. Đây là một lợi thế quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến khu vực.
1.2. Những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch
– Nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng phát triển chậm, tốc độ tăng trưởng thấp, không được thúc đẩy phát triển như ý muốn, đặc biệt là ở những nước công nghiệp phát triển – những thị trường gửi khách quan trọng của thế giới.
– Thiên tai và dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã hạn chế và phong tỏa các luồng khách đến một số quốc gia. Ngành du lịch thế giới đang phải đối mặt với những thử thách mới trong mối quan hệ cung cầu.
– Sự suy giảm của nền kinh tế ở một số nước, đặc biệt là những nước có nền kinh tế lớn trên thế giới đã dẫn đến những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch (đi du lịch ở những nơi gần hơn, ngắn ngày hơn, chi tiêu ít hơn…).
– Cạnh tranh trong du lịch ở khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế, chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng chất lượng cao để cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch.
2. Những xu hướng mới trong phát triển du lịch
Năm 2011-2012 tình hình du lịch thế giới mặc dù có những lúc đang trầm lắng nhưng cũng đã có bước lạc quan hơn. Ngành du lịch thế giới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc và là ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất so với các ngành kinh tế khác. Bởi vì tham quan, thưởng thức phong cảnh, nghỉ ngơi thư giãn, tĩnh dưỡng… hiện là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, cho dù thu nhập cá nhân có bị giảm sút. Năm 2012, khách du lịch quốc tế toàn cầu đạt trên 1 tỷ lượt, với tốc độ tăng trưởng 3%-4%. Năm 2011, nguồn thu từ du lịch quốc tế, bao gồm cả vận chuyển hành khách quốc tế, xuất khẩu từ du lịch đạt 1,03 nghìn tỷ USD, bằng gần 6% xuất khẩu của thế giới của hàng hóa và dịch vụ.
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, Taleb Rifai, trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn Diễn đàn Du lịch toàn cầu ở Macao cho biết “Trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới như hiện nay, du lịch là một trong số ít ngành đang phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tiến bộ kinh tế ở các nước đang phát triển, và quan trọng hơn cả là thúc đẩy sự tăng trưởng về việc làm cho người lao động”. Trong thời gian qua, ngành du lịch các nước đã tích cực đẩy mạnh chiến dịch giới thiệu và đưa ra nhiều gói du lịch rất hấp dẫn và cạnh tranh. Nhưng nhìn chung, tình hình du lịch thế giới hiện nay đang trong giai đoạn hồi phục dần nhưng chưa thể trở lại sống động như nhiều năm trước đây. Theo như công bố mới đây của Tổ chức du lịch thế giới, ngành du lịch thế giới đã có sự phục hồi khá hơn trong năm 2010, 2011 và 2012 nhưng chỉ ở hầu hết các nước có nền kinh tế mới nổi, tốc độ phục hồi ở các nước phát triển chậm hơn.
Ngày 17/09/2011, khi tham dự Hội chợ du lịch Thiên Tân ở Trung Quốc, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới, Ngài Taleb Farid đã phát biểu rằng: “Mười năm đầu của Thế kỷ 21 là 10 năm phát triển của ngành du lịch, 10 năm tới ngành du lịch sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng và chỉ đứng sau các ngành dầu khí, sản phẩm hóa chất, công nghiệp ôtô. Trong tình hình kinh tế phục hồi còn nhiều yếu tố chưa xác định, nhiều nước đã lấy ngành du lịch làm khâu đột phá để tăng trưởng kinh tế”. Trong bối cảnh du lịch thế giới như vậy thì điểm rất đáng lưu ý là các nước đang trỗi dậy và đang phát triển vừa là điểm đến mới, vừa là nguồn cung to lớn của ngành du lịch thế giới. Tiếp đó khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ cũng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn của khu vực và thế giới cũng như các hoạt động văn hóa đều là điểm đến hấp dẫn du khách thế giới. Những hoạt động này đang ngày càng phát triển. Vì vậy, ngành du lịch 10 năm tới có tương lai phát triển rất sáng sủa. Ngài Taleb Farid còn cho biết thêm, điều đáng mừng nữa trong ngành du lịch là không có “rào cản” như hoạt động thương mại. Trái lại, nhiều nước đang đẩy mạnh hợp tác du lịch, tạo ra những “tour du lịch trọn gói xuyên quốc gia”, mở ra cơ hội cho ngành du lịch toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, các nước có rất nhiều sáng kiến để giới thiệu, tuyên truyền và cho ra đời các sản phẩm du lịch thích hợp với tất cả các loại du khách, bất kể họ giàu hay nghèo, chi tiêu nhiều hay ít.
Mặc dù thế giới đang có nhiều biến đổi bất ổn như: Suy thoái về môi trường sinh thái, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất thay đổi bất lợi cho con người, nguồn nước sạch bị ô nhiễm, tệ nạn phá rừng, sự mất cân bằng về tài nguyên và dân số, tình trạng chạy đua vũ trang, khai thác tài nguyên bừa bãi… nhưng xu thế phát triển của du lịch thế giới vẫn có những tiềm năng sáng sủa và nhiều hy vọng. Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng, du lịch sẽ là động lực, là ngành đi đầu trong phát triển và sáng tạo năng lượng mới bền vững. Các khoản đầu tư đang được đổ vào để tái tạo nguồn năng lượng hàng không hoặc các giải pháp năng lượng công nghệ đã được dùng trong các khách sạn trên toàn thế giới, khẳng định năng lượng bền vững là lĩnh vực ưu tiên đối với ngành này. Thông điệp của Ngày Du lịch thế giới năm nay là, năng lượng mới không chỉ là những sáng kiến, những cam kết giúp bảo vệ môi trường mà còn là một cơ hội kinh tế, giúp tạo ra công việc cho hàng triệu người trong ngành du lịch, năng lượng và các ngành khác.
Tạp chí Forbes của Mỹ qua một nghiên cứu mới đây cho rằng hiện nay trong lĩnh vực du lịch thế giới có 10 xu hướng phát triển chủ yếu dưới đây:
1. Quan tâm tới môi trường xung quanh: Theo các nghiên cứu, 43 triệu khách du lịch Mỹ quan tâm tới trạng thái môi trường xung quanh. Khách du lịch được mời tham quan những động vật sinh sống trong thiên nhiên hoang dã, nghỉ ngơi trong những căn nhà gỗ, làm sao để ít gây tác hại đối với thiên nhiên. Các hãng cho thuê xe đã sắm những chiếc xe ôtô chạy bằng nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, hiện nay ở Châu Âu người ta cấm dùng loại xe sử dụng hệ thống thải khí đời cũ.
2. Khách sạn – biệt thự: khách du lịch ngày càng ưa thích hình thức nghỉ ngơi trong những biệt thự riêng, hoặc các khách sạn cao sao.
3. Du lịch bằng máy bay tư nhân: Đối với những du khách khá giả, các chuyến bay thương mại đang trở thành quá khứ, bởi họ quan tâm tới tiện nghi riêng hơn là giá cả chuyến bay.
4. Du lịch gia đình: Các chuyên gia về du lịch cho rằng việc đi nghỉ chung của các lứa tuổi khác nhau trong một gia đình đang ngày càng trở nên phổ biến.
5. Thuê thuyền buồm: Những khách du lịch giàu có thích thuê những chiếc thuyền buồm sang trọng. Hơn nữa, bất kỳ lúc nào du khách cũng có thể thay đổi lộ trình theo ý muốn của mình, và điều này khiến tất cả mọi người thích thú.
6. Du lịch không mang theo con cái: Đã có những thông tin đến tận các khách sạn ở Châu Âu và Châu Mỹ rằng khách du lịch hoàn toàn không phải bao giờ cũng thích thú sự có mặt của những người lạ bên cạnh (kể cả con cái mình), và họ thuê những khách sạn và nhà hàng “chỉ dành cho người lớn”.
7. Du lịch cùng với đoàn tuỳ tùng: Những chuyến du lịch mang theo bảo mẫu, gia sư, thầy dạy yoga, nhân viên xoa bóp và đầu bếp không còn là chuyện riêng của các nhân vật nổi tiếng. Ngày càng hiếm các gia đình đi nghỉ mà thiếu cô bảo mẫu. Lại có những người luôn luôn thích sự có mặt bên cạnh của thư ký riêng.
8. Hoãn nghỉ phép: Hàng năm cứ 4 khách du lịch lớn tuổi thì có một người xin nghỉ phép ít hơn 2 ngày so với năm trước. Vì sao vậy? Các chuyên gia cho rằng vấn đề ở chỗ càng ngày con người càng khó dứt ra khỏi công việc. Điều này thích hợp với các chương trình du lịch ngắn ngày.
9. Thuê chuyên gia tư vấn: Mặc dù nhiều khách du lịch cố gắng giảm bớt ngân sách du lịch bằng cách tự đặt vé và khách sạn qua Internet, những du khách có thu nhập trên trung bình lại thích tham khảo ý kiến của các chuyên gia về du lịch.
10. Du lịch lều trại: Hiện nay bạn có thể làm một chuyến điền dã mà không sợ phải chia tay với những thành tựu hiện đại trong lĩnh vực tiện nghi và vệ sinh. Thậm chí, trong mạng lưới lều trại KOA Kampgrounds của Canada, du khách được sử dụng cả rạp chiếu bóng và nhà hàng.
Tổng hợp 10 xu hướng trên, có thể thấy ngày nay du khách thường có ưu tiên hướng đến sự “biệt lập”, “riêng tư”, hay các chương trình du lịch “sang trọng” nhưng vẫn không mất đi vẻ “bụi bặm” vốn có. Tiện nghi cao cấp trong khung cảnh dân dã với thiên nhiên kỳ thú, đảm bảo một kỳ nghỉ vừa sang vừa “bụi”, đang là kiểu du lịch mốt, là xu hướng của thị trường khách du lịch trên thế giới. Trái ngược với quan điểm phân biệt rạch ròi phân khúc thị trường “sang trọng” đi máy bay hạng nhất, ăn trong khách sạn 4 sao trở lên, nghỉ ở phòng bài trí kiểu cổ hay thị trường khách bình dân khoác ba lô lên vai và đi theo các chương trình du lịch “bụi”… Khách du lịch ngày nay có xu hướng sử dụng các dịch vụ sang trọng, cao cấp trong lúc vẫn hoà mình với thiên nhiên và nghỉ ngơi trong tiện nghi hiện đại nhất. “Thưởng ngoạn các giá trị của tự nhiên, tìm hiểu văn hóa và lối sống bản địa trong các công trình sang trọng, tiện nghi có lối kiến trúc hòa mình với tự nhiên, nhấn vào sự trong trẻo và các không gian mở, xoá nhoà ranh giới giữa bên trong và bên ngoài” đang là một xu hướng kinh doanh mới của các công ty du lịch lữ hành nổi tiếng trên thế giới.