Những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam
Từ những năm 80 trở lại đây, du lịch sinh thái đã phát triển như một hiện tượng, một xu thế được quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, nhiều du khách và nó đã trở thành vấn đề phát triển toàn cầu khi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra thông điệp “Du lịch sinh thái – chìa khóa để phát triển du lịch bền vững” (2002). Thực tế phát triển ở nhiều nước cho thấy việc tập trung phát triển du lịch thiên nhiên hay du lịch sinh thái đang là một ngành kinh doanh sinh lợi, nhiều triển vọng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong thu hút ngoại tệ. Theo tính toán của UNWTO, số lượng khách du lịch quốc tế năm 2007 tham gia loại hình du lịch sinh thái chiếm khoảng 7% tổng số khách quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Con số này đến nay đã gia tăng lên nhiều hơn nữa.
Là một loại hình du lịch có trách nhiệm, bên cạnh những nguồn lợi kinh tế, du lịch sinh thái còn mang lại nhiều lợi ích to lớn khác như đóng góp vào mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng địa phương. Phần lớn các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam đã thiết lập và duy trì hệ thống các vườn quốc gia, các khu bảo tồn đa dạng sinh học để phát huy khả năng khai thác phát triển du lịch sinh thái, mang lại những lợi ích về kinh tế, bảo tồn và giáo dục.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái
– Việt Nam là nơi cư trú của 21.000 loài thực vật, gần 12.000 loài động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nhiều loài được đưa vào Sách Đỏ của thế giới như Sao La, Vooc mũi hếch, Bò biển… – Năm 2015, Việt Nam có: 31 vườn quốc gia; 64 khu dự trữ thiên nhiên; 16 khu bảo tồn loài – sinh cảnh và 55 khu bảo vệ cảnh quan. – Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật (theo WCMC); một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và là một trong các nước được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu; – Việt Nam được UNESCO công nhận 10 khu dự trữ sinh quyển thế giới; – Việt Nam có 8 khu Ramsar của Thế giới. |
Việt Nam được đánh giá là đất nước giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn đã được khai thác phục vụ phát triển du lịch. Và gần đây nhiều hệ sinh thái nông nghiệp như các miệt vườn, các làng sinh thái thu hút được rất nhiều khách tham quan du lịch… Nó không chỉ góp phần đưa lại hiệu quả cho ngành kinh tế du lịch mà còn có ý nghĩa cao, tác động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương và đóng góp nỗ lực cho bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001-2010 cũng như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cho thời kỳ mới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 luôn xác định du lịch sinh thái là một trong các dòng sản phẩm du lịch chính, có sức cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới của du lịch Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, các hệ sinh thái của Việt Nam rất đa dạng có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, trong đó đáng chú ý là các hệ sinh thái sau: + Hệ sinh thái trên cạn với đặc trưng của các kiểu rừng, đồng cỏ, núi cao, núi đá vôi, hệ sinh thái hang động. + Hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó đáng chú ý là các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển; đầm phá; hồ, đầm; sông suối kênh rạch. Việt Nam có 2 vùng đất ngập nước quan trọng là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long + Hệ sinh thái biển, cồn cát ven biển, hệ sinh thái san hô, cỏ biển + Hệ sinh thái nông nghiệp đặc thù (ruộng lúa nước, ruộng bậc thang, miệt vườn…) Không tách rời khỏi các hệ sinh thái trên là những giá trị văn hóa bản địa được nhiều thế hệ người Việt sáng tạo và vun đắp. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch sinh thái Việt Nam. |
Du lịch sinh thái ở Việt Nam mới đi những chặng đường đầu tiên
Từ cuối những năm 90 trở lại đây, du lịch sinh thái đã nổi lên như một nhân tố mới cho ngành du lịch Việt Nam. Du lịch sinh thái đang dần phát triển để trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong tương lai gần. Nhiều vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên đang dần trở thành những điểm hấp dẫn khách du lịch như Phong Nha – Kẻ Bàng, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Ba Vì, Hương Sơn, Cúc Phương, Bạch Mã, YokDon, Nam Cát Tiên, Cà Mau… Nhiều khu du lịch sinh thái miệt vườn đang rất phổ biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang… Bên cạnh đó là sự phát triển của các tour du lịch sinh thái sông, hồ, biển đảo như du lịch sinh thái sông Mekong, kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái hồ Ba Bể, hồ Đồng Mô, Vân Long, Rạn Trào, Cù lao Chàm, sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát, rừng tràm Trà Sư…
Mặc dầu mới trải qua chặng đường đầu tiên, du lịch sinh thái Việt Nam đã mang lại những kết quả đáng kể. Điều này được chứng minh bằng lượng khách du lịch tham gia loại hình du lịch sinh thái hay các hoạt động du lịch sinh thái tăng qua các năm. Khách du lịch quốc tế trải nghiệm du lịch sinh thái ở Việt Nam chủ yếu là các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc và gần đây có sự tham gia của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Khách quốc tế thường đi theo nhóm nhỏ, ý thức cao và thể hiện rõ những đặc trưng của du lịch sinh thái cộng đồng (đi thành từng nhóm nhỏ, có khả năng chi trả cao, thích tự do khám phá, thích ngủ Homestay, thời gian cho mỗi chuyến đi khá dài…). Theo một số nhà chuyên gia du lịch, tỷ lệ khách quốc tế tham gia vào các tour du lịch sinh thái chỉ chiếm khoảng từ 5 – 8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Du lịch sinh thái không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế mà còn nhận được sự quan tâm, tham gia của thị trường khách du lịch nội địa. Lượng khách nội địa tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái có tỷ lệ đa phần là các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên với mục đích nghiên cứu, tham quan, học tập kết hợp giải trí. Nhìn chung, khách nội địa có thời gian lưu trú ngắn, thường đi về trong ngày, mức chi trả dịch vụ không cao.
Các hoạt động du lịch sinh thái chủ yếu hiện nay tại Việt Nam:
– Tham quan, dã ngoại tìm hiểu đời sống động thực vật hoang dã với các hoạt động như tham quan các vườn quốc gia, đi bộ trong rừng, ngắm chim, leo núi, lặn biển ngắm san hô.
– Tham quan thắng cảnh hang động.
– Tham quan các hệ sinh thái nông nghiệp như tham quan miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long, tham quan các ruộng lúa bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tham quan các vườn cây ăn trái ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
– Du thuyền trên sông, hồ tham quan thắng cảnh, hệ sinh thái như các tour du lịch sông nước đồng bằng sông Cửu Long, du thuyền sông Hồng, sông Hương, sông Sài Gòn, sông Mekong… du lịch hồ Hòa Bình, hồ Ba Bể, hồ Thác Bà…
– Nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái: nghiên cứu đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các hang động.
Những hạn chế trong phát triển du lịch sinh thái
Có thể thấy rằng, các chuyến du lịch đến các khu tự nhiên của Việt Nam hiện nay còn mang tính đại chúng, chưa đích thực là du lịch sinh thái. Du lịch với số đông thường gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và văn hoá, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm. Trong khi đó công tác quy hoạch – phân vùng phát triển du lịch sinh thái còn nhiều bất cập do Du lịch Việt Nam chưa có chiến lược cụ thể phát triển du lịch sinh thái – một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế phát triển du lịch sinh thái hiện nay. (Myanmar gần đây đã xây dựng Chính sách du lịch sinh thái Myanmar và Chiến lược quản lý các khu bảo tồn giai đoạn 2015 – 2025; Campuchia đã phát triển chính sách du lịch sinh thái cấp quốc gia; Lào đã có Chiến lược phát triển du lịch sinh thái và xây dựng kế hoạch hành động du lịch sinh thái).
Quy mô và hình thức tổ chức hoạt động sinh thái còn nhỏ lẻ, mờ nhạt. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái chưa cao, chủ yếu vẫn là các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế mang tính chất bảo tồn và nâng cao năng lực cộng động tham gia vào du lịch sinh thái tại một số vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Chưa có các nghiên cứu thị trường bài bản nên việc xác định thị trường mục tiêu, các phân đoạn thị trường khách du lịch sinh thái chưa rõ ràng cùng với đó là xúc tiến, quảng bá du lịch sinh thái còn yếu dẫn đến việc chưa thu hút, hấp dẫn khách đến với dòng sản phẩm du lịch sinh thái.
Mặt khác, một phần do hạn chế của công tác quản lý, một phần do ý thức du khách và người dân chưa cao nên những hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra tại các khu bảo tồn thiên nhiên như: Chặt phá rừng bừa bãi, săn bắn động vật trái phép, xả rác không đúng nơi quy định, khắc đẽo thân cây…
Thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đặc thù cho phát triển du lịch sinh thái hoặc lại xây dựng bừa bãi, không tuân thủ các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, gây phá vỡ cảnh quan môi trường. Những trung tâm giáo dục và diễn giải môi trường cho cả khách du lịch và dân cư địa phương tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn còn rất hạn chế.
Điều bất cập hơn nữa là vai trò của cộng đồng địa phương chưa được coi trọng, lợi ích từ du lịch hầu như chưa đến được với họ.
Mặc dù phát triển du lịch sinh thái là một định hướng chiến lược trong phát triển du lịch của Việt Nam khi bước vào thế kỷ 21, song cho đến nay việc phát triển loại hình du lịch này còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều hãng lữ hành, nhiều địa phương đã có những nỗ lực trong xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, xây dựng tour du lịch, khu du lịch sinh thái, các mô hình phát triển du lịch sinh thái với sự tham gia của cộng đồng…tuy nhiên các hoạt động này vẫn còn ở hình thức và quy mô nhỏ, đơn giản.
Thách thức (Threats) – Biến đổi khí hậu – Đa dạng sinh học bị suy thoái, thu hẹp, bị chia cắt, giảm chất lượng – Cạnh tranh trong khu vực – Nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch sinh thái |
Cơ hội (Opportunities) – Xu hướng phát triển du lịch sinh thái của thế giới và Việt Nam; – Có nhiều bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch sinh thái; – Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam với định hướng ưu tiên phát triển du lịch sinh thái; – Điểm đến an ninh, an toàn – Liên kết phát triển sản phẩm trong nước và khu vực |
Điểm yếu (Weaknesses) – Chưa có Chiến lược cũng như quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, phân vùng dành cho du lịch sinh thái; – Đầu tư phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế – Sự suy giảm tài nguyên (do các hoạt động dân sinh, kinh tế khác và do thiếu đầu tư bảo vệ) – Hoạt động du lịch sinh thái mới chỉ dừng lại ở du lịch dựa vào thiên nhiên, chưa thể hiện đặc trưng và yêu cầu của du lịch sinh thái; – Nguồn nhân lực cho du lịch sinh thái (điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch sinh thái) – Hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch sinh thái còn hạn chế; – Thiếu kinh nghiệm trong tổ chức quản lý phát triển du lịch sinh thái và công tác quản lý còn chồng chéo. – Quảng bá du lịch sinh thái còn hạn chế về cả nội dung lẫn phạm vi. |
Điểm mạnh (Strengths) – Tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đa dạng, độc đáo và được quốc tế công nhận; – Đang dần hình thành những điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, mang tầm cỡ nổi bật toàn cầu; – Đã có những kinh nghiệm nhất định trong tổ chức du lịch sinh thái. Nhiều công ty, hãng lữ hành đã xây dựng và bán tour du lịch sinh thái có chất lượng, uy tín đến 1 số thị trường; |
Các không gian và loại hình sản phẩm du lịch sinh thái:
– Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: Du lịch sinh thái – trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ. Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng á nhiệt đới núi cao và rừng thường xanh nhiệt đới; Hệ sinh thái nông nghiệp (Ngắm cảnh theo mùa, tham quan ruộng bậc thang)
– Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: Du lịch sinh thái – khám phá đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên thế giới. Tham quan thắng cảnh, tìm hiểu hệ sinh thái núi đá vôi ngập nước – di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ Sông Hồng.
– Vùng du lịch Bắc Trung Bộ: Du lịch sinh thái hang động và đa dạng sinh học Đông Trường Sơn. Tham quan, thám hiểm hệ sinh thái núi đá vôi, hang động di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng; Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu đa dạng sinh học Đông Trường Sơn.
– Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: Du lịch sinh thái biển đảo. Tham quan, trải nghiệm thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển: cồn cát, rạn san hô, thảm cỏ biển.
– Vùng Tây Nguyên: Du lịch sinh thái – trải nghiệm cảnh quan vùng cao nguyên đất đỏ bazan.Tham quan, tìm hiểu các hệ sinh thái rừng Khộp (rừng thưa lá rộng, rụng lá theo mùa). Du lịch sinh thái gắn liền du lịch cộng đồng và tham quan bản làng dân tộc.
– Vùng Đông Nam Bộ: Du lịch sinh thái sông. Tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái dọc tuyến sông Sài Gòn, hệ sinh thái rừng ngập mặn.
– Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Du lịch sinh thái – hệ sinh thái đất ngập nước. Tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái đất ngập nước nội địa với hệ thống các kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long; Tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái ngập mặn ven biển.
Một số thể chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch sinh thái:
– Luật Du lịch, 2005
– Luật Đa dạng sinh học 2008
– Luật Bảo vệ môi trường 2014
– Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Nhận thức được và hưởng ứng nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc “Du lịch sinh thái – chìa khóa để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, Du lịch Việt Nam luôn xác định du lịch sinh thái là định hướng chiến lược trong phát triển và chắn chắn thể trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp cụ để phát triển du lịch sinh thái vừa góp phần khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam, vừa mang lại đóng góp hiệu quả trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Hà Nội, 2011
[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Hà Nội, 2013
[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 v/v công bố danh mục các khu bảo tồn;
[4] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nghiên cứu đề xuất tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam, đề tài NCKH cấp Bộ, 2009.
[5] Martha Horney; Ecotourism and Sustainable Development Second Edition; Island Press, 2008.
[6] UN General Assembly: Ecotourism key to eradicating poverty and protecting environment; PR No.: PR13001.
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch