Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Những vấn đề đặt ra trong công tác triển khai cơ chế tự chủ và xây dựng kế hoạch xác định nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

      logovien 2015 I. Những vấn đề đặt ra trong việc triển khai cơ chế tự chủ của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ

     

       Ngày 14/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập thay thế Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP. Theo đó, các tổ chức Khoa học và công nghệ công lập xây dựng phương án tự chủ phù hợp với điều kiện thực tế. Phương án tự chủ của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã hoàn thành và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê quyệt.

     

       Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách du lịch, phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch; cung cấp dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

     

       Cơ cấu bộ máy được tổ chức thành 06 đơn vị trực thuộc, có chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong đó, có 02 phòng chuyên môn: Phòng Chiến lược và Chính sách du lịch và Phòng Quy hoạch phát triển du lịch; 01 phòng thực hiện chức năng nghiên cứu và quản lý: Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; 02 phòng chức năng quản lý : Phòng Tổ chức, Hành chính và Phòng Kế hoạch, Tài chính và 01 Trung tâm tư vấn và đào tạo du lịch – chức năng dịch vụ tư vấn và đào tạo. Bộ máy tổ chức của Viện như trên về cơ bản phù hợp có thể đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ cấp trên giao và đảm bảo được được việc thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm.

     

       Tính đến 01/10/2017, số lượng biên chế, viên chức chiếm (62,2%); hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (2,2%); hợp đồng lao động (chuyên môn) (28,8%), Hợp đồng công việc (bảo vệ) (6,6%). Số lượng tiến sĩ : 05 người, thạc sỹ 13, cử nhân và các trình độ khác. Hiện trạng, cơ cấu cán bộ chuyên môn đang chiếm trên 53% (24/45) trên tổng số cán bộ tại Viện. Bộ phận hành chính, tài chính có tỷ lệ 40% chưa thực sự hợp lý. Xét trên góc độ nghiên cứu thì hiện nay, Viện đang thiếu các cán bộ nghiên cứu trung và cao cấp có thể đảm đương các vị trí chủ chốt, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao. Song, việc tuyển dụng còn gặp rất nhiều hạn chế do chưa giải quyết được mâu thuẫn nhân sự hiện tại với quy định biên chế tự chủ nhân sự tại Nghị định 54.

     

       Về tài chính: Nguồn kinh phí của Viện gồm nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, kinh phí từ hoạt động có thu. Về công tác tài chính đã dần xây dựng kế hoạch tự chủ. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định mới trong công tác tự chủ như thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015; hay121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014 cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

     

       Việc hoạt động của Trung tâm tư vấn mới ở mức thử nghiệm, chưa có được cơ chế tài chính thích hợp để khuyến khích hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó yếu tố con người, chuyên môn, hợp tác cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

     

       Đối với các nhiệm vụ được giao trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ, Viện cũng chưa chủ động trong công tác tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ đề ra. Còn bị lệ thuộc và ảnh hưởng nhiều do nhiều yếu tố khách quan như: các yêu cầu phát sinh do sự biến động nhanh chóng cua Ngành, các nhiệm vụ cấp trên giao….

     

       Một số tồn tại, khó khăn:

     

       – Tình trạng mất cân đối về nhân lực vẫn là một trong những khó khăn cần giải quyết hiện nay;

     

       – Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của cán bộ, đội ngũ kế cận chưa đáp ứng theo yêu cầu công việc tại các đơn vị trong Viện đặc biệt là với một số cán bộ trẻ;

     

       – Công tác lập kế hoạch và tự chủ về các nhiệm vụ thực hiện còn gặp nhiều bất cập, chưa thực sự bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng chung của ngành cả trong chuyên môn và trong tài chính.

     

       – Hoạt động của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn du lịch còn những lúng túng nhất định trong quyền tự chủ trong tổ chức hoạt động và tài chính.

     

    II. Thực trạng công tác xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

     

       Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, có chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách du lịch, phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch; cung cấp dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, Công tác xây dựng kế hoạch và xác định nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng  tại Viện có một số đặc thù như sau:

     

       Về công tác lập kế hoạch:

     

       Kế hoạch dài hạn: Đây là công việc có tầm chiến lược, yêu cầu cần có sự đầu tư nguồn lực đáng kế. Tuy nhiên, Viện vẫn chưa xây dựng được trong thời gian vừa qua do nhiều yếu tố: sự thay đổi trong nhân sự, tổ chức hoạt động, tốc độ phát triển của ngành, nguồn nhân lực hạn chế.

     

       Kế hoạch trung hạn: Viện đã xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ trung hạn 5 năm (giai đoạn 2016-2020) bám sát theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Ngành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện, cụ thể:

     

      – Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức các hoạt động đặc thù phục vụ công tác quản lý (tiêu chuẩn thống kê ngành; tiêu chuẩn xây dựng các công trình du lịch; tiêu chuẩn môi trường cho các hoạt động du lịch điển hình;… ) tiến tới hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu/tiêu chuẩn phát triển ngành phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, công tác quy hoạch phát triển du lịch.

     

       – Tăng cường hợp tác với các tổ chức, các Viện khoa học trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hướng nghiên cứu theo hướng có hệ thống và hoạt động đa ngành.

     

       – Hướng tới đưa các nghiên cứu gắn với dịch vụ cung cấp theo nhu cầu của các đối tác trong ngành.

     

       – Nghiên cứu ứng phó của ngành du lịch trước những khủng hoảng, rủi ro.

     

       – Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thông tin khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển du lịch.

     

       Kế hoach ngắn hạn:  Kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm của Viện  cũng được thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu khoa học trong năm và phù hợp với những yêu cầu đặt ra trong kế hoạch trung hạn.

     

       Về việc xác định nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng

     

       Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng tại Viện thường được xác định theo các nhóm nội dung công việc như sau:

     

       + Nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển chung của ngành du lịch bao gồm xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển du lịch, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch;

     

       + Nhóm nghiên cứu cơ bản: bao gồm những nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch giải quyết những vấn đề mang tính thời sự: biến đổi khí hậu, quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường,…;

     

       + Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng thông tin khoa học công nghệ: bao gồm duy trì website, in ấn Báo cáo hoạt động Khoa học công nghệ, bản tin Du lịch và Phát triển, xây dựng và phát triển thư viện nhằm cung cấp, phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch;

     

        + Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch, trao đổi cán bộ nghiên cứu, giữa Viện và cơ quan đối tác nước ngoài.

     

       + Tổ chức Diễn dàn, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến du lịch.

     

       + Sửa chữa duy tu cơ sở, trụ sở và mua trang thiết bị làm việc.

     

       Tồn tại, khó khăn

     

       – Hiện tại, Viện chưa xây dựng kế hoạch dài hạn, chưa có tầm nhìn dài hơi trong hoạt động khoa học công nghệ trong đó có nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.

     

       – Công tác lập kế hoạch còn gặp khó khăn trong việc tổ chức, khai thác nhân lực và các nguồn lực khác một cách có hiệu quả. Đôi khi, ý tưởng về mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị được giao thiếu sự rõ ràng, cụ thể.

     

       – Trong số thông tư, văn bản quy định mới (thông tư 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014,…) do chưa hiểu thống nhất nên còn bất cập trong việc hướng dẫn và triển khai thực hiện, đây là cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ trong việc xây dựng thuyết minh, dự toán triển khai các nhiệm vụ TXTCN.

     

       – Quá trình phê duyệt kế hoạch còn chậm và gặp nhiều khó khăn do công tác xây dựng kế hoạch chưa có sự thống nhất về yêu cầu công việc của đơn vị cấp trên;

     

       – Công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ TXTCN hàng năm còn chậm tiến độ do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan (như cán bộ có chuyên môn còn thiếu, công tác thanh quyết toán nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn,…) Đôi khi việc thực hiện nhiệm vụ bị gián đoạn bởi các nhiệm vụ đột xuất do Lãnh đạo cấp trên giao;

     

       thiếu các nhiệm vụ mang tính đột phá;

     

       III. Một số khuyến nghị:

     

       Để công tác triển khai cơ chế tự chủ và xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ, xác định nhiệm vụ TXTCN đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Lãnh đạo, của Ngành, chúng tôi xin đề xuất một số khuyến nghị sau:

     

       – Khi xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, các đơn vị cần theo dõi, bám sát các định hướng phát triển của ngành để đảm bảo tính thời sự và tính cấp thiết khi thực hiện.

     

       – Tạo thuận lợi về cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo môi trường lao động tích cực, thu hút nhân tài để thúc đẩy sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

     

       – Đảm bảo về yếu tố con người: thực hiện giảm biên chế theo quy định của nhà nước nhưng tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong việc lựa chọn nhân sự phù hợp với vị trí và yêu cầu công việc.

     

       – Đảm bảo tính thống nhất và có cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai, các cấp cần có hướng dẫn trong việc xây dựng kế hoạch của đơn vị cấp trên bằng các văn bản chính thức.

       – Khi điều chỉnh bổ sung cần có sự thống nhất giữa các bên liên quan để tránh những vấn đề gây tranh cãi, ảnh hưởng tới kế hoạch chung.

    Thanh Hiền

    Bài cùng chuyên mục