Những “nhà giáo” đặc biệt của du lịch vùng cao
Có lẽ đối với nhiều người, hình ảnh nghề giáo gắn với những người thầy, người cô ngày ngày đứng trên bục giảng, cần mẫn và tận tụy hướng dẫn học trò đến với ngưỡng cửa của tri thức. Thế nhưng, đối với những người dân làm du lịch ở những vùng thôn, bản xa xôi của núi rừng, cao nguyên, họ được tiếp sức và truyền lửa bởi những “nhà giáo” đặc biệt – những tình nguyện viên, tổ chức thiện nguyện, hay chính những người cùng sinh sống trong cộng đồng của họ: những người phụ nữ kiên cường và những người nghệ nhân kỳ cựu, tài hoa. Bền bỉ, đầy đam mê và nỗ lực vì một cộng đồng ngày càng phát triển, giàu đẹp và tiến bộ, những “nhà giáo” ấy đã truyền tải và lan tỏa kinh nghiệm, tri thức cũng như nguồn lực của mình cho nơi vùng cao huyền bí mà cũng đầy sức hấp dẫn.
1. Những “nhà giáo” trẻ đầy nhiệt huyết và nghĩa cử cao đẹp
Có nhiều “nhà giáo” vốn dĩ là những khách du lịch, tình nguyện viên trẻ tuổi; họ có nhiều khát khao và hoài bão được cống hiến và thay đổi những điều còn tồn đọng vì xã hội. Nhận thấy rằng những bản, làng của vùng cao có nhiều tiềm năng để phát triển và phồn vịnh hơn nhờ những nét đặc sắc về phong tục tập quán, đời sống và tài nguyên du lịch sinh thái độc đáo, những “nhà giáo” trẻ này đã tụ hợp lại để chung tay giúp đỡ người dân làm sinh kế nhờ tham gia vào tổ chức hoạt động du lịch. Để giúp đỡ cho du lịch phát triển bền vững, vừa gìn giữ được những nét truyền thống, đảm bảo kinh tế ổn định cho bà con, vừa bảo vệ môi trường và cảnh quan, rất nhiều “lớp học” đã được phổ biến và “giảng dạy” tại vùng cao, chẳng hạn như các “lớp học” tái chế rác thải, các “lớp học” Tiếng Anh, “lớp” thực hành nghiệp vụ tổ chức homestay, “lớp” dạy kỹ năng sống cho trẻ em và “lớp” học cách ứng xử với du khách,…vv.
Với sự giúp đỡ của các “thầy”, “cô” giáo tình nguyện viên, rất nhiều các hộ dân ở nhiều địa phương đã có thể cùng liên kết với các tổ chức đầu tư, thiện nguyện và chính quyền địa phương khác tự xây dựng nên mô hình du lịch cộng đồng của mình. Chẳng hạn như tại xã Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, một nhóm bạn trẻ đã phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, thực hiện kế hoạch đưa Lô Lô Chải thành điểm một điểm đến du lịch văn hóa và xây dựng mô hình du lịch tình nguyện, một mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa và hoạt động tình nguyện. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nhóm bạn này và cộng đồng những người làm du lịch của xã đã hoàn thành 3 dự án Homestay là Homie, Homie Love và Homie Sound, mà sau này cả 3 homestay này đều có hiệu quả kinh doanh rất ổn định, lại thu hút những bà con khác học tập và mở rộng thêm các hình thức du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, sinh thái và sức khỏe. Một số hộ tổ chức các mô hình homestay này cũng đã có thể đứng ra tự tổ chức, đón khách đến tham quan và đào tạo các hướng dẫn viên du lịch của chính bản xã của mình. Các nhóm tham gia du lịch tình nguyện đến địa phương cũng góp phần mang lại một lượng khách ổn định và tăng thêm cơ hội cho người dân và trẻ em học thêm kiến thức mới hay cải thiện kỹ năng mềm. Các “lớp học” và hoạt động đào tạo cũng có đông người tham gia, ban đầu là do người dân được vận động, sau là thấy các “thầy”, “cô” giảng dạy rất nhiệt tình, rất bổ ích mà mọi người mách nhau đến học.
Những “nhà giáo” này cũng vận dụng sự hiểu biết của mình về các vấn đề môi trường vào trong kế hoạch phát triển du lịch vùng cao của các địa phương, cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Cộng đồng dân tộc Thái và Mông ở xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã bắt đầu sử dụng những nguyên liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để trang bị giường, gối và các vật dụng tiện ích khác (ví dụ như sọt đựng rác, chậu rửa,..vv) cho các cơ sở homestay sau khi họ tham gia các “khóa học” về du lịch xanh do các tình nguyện viên trẻ tổ chức. Việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, trồng cây xanh và các loại hoa được các “nhà giáo” triển khai vô cùng triệt để, đi từng nhà gõ từng cửa để tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân đầy đủ những hành động nên và không nên làm để cải tạo cảnh quan thiên nhiên. Thêm vào đó, hoạt động trải nghiệm làm các đồ dùng thủ công hay nghệ thuật truyền thống có chất liệu thiên nhiên, có tình bền cao cũng được các bạn trẻ đưa vào để xây dựng các chương trình tham quan cho khách du lịch thay vì ồ ạt bán các sản phẩm làm từ nhựa hay nilon thường thấy tại một số điểm du lịch lớn khác.
Với các đồng bào dân tộc thiểu số, đây vừa là cách để giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của họ, vừa đảm bảo không gây tổn hại đến môi trường và cung cấp trải nghiệm chân thực, độc đáo cho khách tham quan.
2. Những “nhà giáo” của cộng đồng, của thôn bản
Do những nhu cầu mới của cuộc sống hiện đại và nhịp độ đô thị hóa ngày một nhanh trong những năm vừa qua, không ít người dân vùng cao, đặc biệt là những người trẻ đã lựa chọn con đường nghề nghiệp mới giúp trang trải cho cuộc sống và giảm bớt gánh nặng, vất vả của việc làm nghề truyền thống. Hiện trạng này góp phần khiến cho nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số dần bị mai một hoặc có nguy cơ biến mất vĩnh viễn nếu không kịp thời có những biện pháp duy trì và phát huy một cách bài bản.
Chứng kiến những giá trị truyền thống đang dần đánh mất chỗ đứng của nó, nhiều nghệ nhân đã tự mình mở ra các Câu lạc bộ, lớp dạy nghề và đăng ký tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm, mua sắm cho du khách, giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương. Đây cũng là những “nhà giáo” tiên phong trong việc dạy dỗ và thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề cho con, cháu, bạn bè và những người cùng bản, cùng làng tham gia “lớp học” của họ. Khách du lịch cũng vô cùng tâm đắc với việc được thử sức với những hoạt động gắn liền với đời sống cộng đồng, họ đánh giá cao và thường xuyên mua những sản phẩm lưu niệm, thủ công chất lượng cao của bà con. Khi những người dân xung quanh nhận thấy được những lợi ích bền vững và hiệu quả kinh tế của nghề truyền thống, họ bắt đầu tham gia và củng cố mạng lưới của những “lớp học” đặc biệt này.
Một ví dụ điển hình là những “nhà giáo” đến từ Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm các nữ nghệ nhân Bahnar tại làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Các sản phẩm thủ công từ dệt thổ cẩm thường đòi hỏi công đoạn sản xuất hết sức công phu, cần mẫn và tinh tế của nghệ nhân, vì vậy, những “nhà giáo” của nghề lâu năm như bà Đình Thị Puốt (81 tuổi) đã đứng ra trực tiếp giúp đỡ các chị em trong Tổ chỉ bảo các công đoạn dệt sao cho chính xác. Ngoài ra, những nghệ nhân khác cũng luôn động viên các “học trò” của mình cố gắng học hỏi và trau dồi kiến thức để mang những nét riêng của phụ nữ Bahnar vào trong những tấm vải mềm mại.
Để tiếp cận với nhu cầu thực tiễn của khách du lịch và thiết kế những hoạt động du lịch trải nghiệm sinh động, các nghệ nhân đã cùng nhau phát triển những sản phẩm kiểu mới, vừa phù hợp với phong cách sống hiện đại, vừa lồng ghép được những nét hoa văn, họa tiết truyền thống vốn có của dân tộc Bahnar, chẳng hạn như móc khóa, tấm lót ly uống nước, khan quàng cổ, túi đựng laptop,…vv dệt thủ công. Mô hình hoạt động này của các nghệ nhân trong Tổ đã dần thu được trái ngọt, với chỉ từ 10 thành viên từ lúc thành lập vào năm 2017, Tổ đã đào tạo và tiếp nhận hơn 50 thành viên vào giữa năm 2020. Cùng với đó, một số sản phẩm của Tổ cũng đã được bày bán tại nhiều sự kiện du lịch để quảng bá cho nghệ thuật dệt thổ cẩm địa phương và tìm kiếm các thương nhân và nhà kinh doanh có ý muốn hợp tác để đưa sản phẩm của các chị em đến với nhiều người hơn nữa.
Có thể nói, những “nhà giáo” của nghề dệt thổ cẩm và rất nhiều những “nhà giáo” của cộng đồng khác, đã kết nối các thế hệ, các du khách gần xa lại với những nét đẹp dân tộc của bản, làng bằng sự chân chất, giản dị và tài hoa của mình. Dẫu vậy, để những mô hình như thế này được lan rộng và phổ biến tại nhiều địa bàn khác của vùng cao, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản trị du lịch địa phương, nhất là trong việc hướng dẫn bảo tồn các bản sắc dân tộc và liên kết giữa các bên liên quan vì lợi ích của người dân cũng như sự phát triển du lịch toàn diện, bền vững của điểm đến.
Giống như Nelson Mandela đã nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”, những người làm công tác giáo dục nói chung và những “nhà giáo” của vùng cao nói riêng đã mang lại nguồn tri thức, nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng bền vững của địa phương mình. Có thể thấy rằng công tác giáo dục và đào tạo trong du lịch chính là nền tảng để các địa phương có thể triển khai các chính sách du lịch hiệu quả và tăng tính chủ động, ý thức bảo tồn, giữ gìn tài nguyên văn hóa, cảnh quan của cộng đồng, từ đó đem lại nguồn sinh kế lâu dài cho chính họ. Thêm vào đó, một trong những mấu chốt của du lịch bền vững chính là sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương, khách du lịch, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ/sản phẩm, giao thông vận tải,…vv. Việc các bên tham gia này tích cực liên kết, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau phủ song những kiến thức, phương thức làm du lịch mới mẻ, phù hợp, tiến bộ cho đồng bào vùng cao sẽ mang lại lợi ích đồng đều và hài hòa cho mỗi bên, đồng thời cải thiện hình ảnh du lịch của các điểm đến.
Tài liệu tham khảo:
1. https://baodantoc.vn/tao-ra-gia-tri-cho-cong-dong-tu-du-lich-tinh-nguyen-1617336143854.htm
2. https://khauphafriends.org/en/khau-pha-cbt-by-kpf/
3. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7323
4. https://www.vietnamplus.vn/gia-lai-gin-giu-nghe-det-tho-cam-net-dep-cua-phu-nu-bahnar/648046.vnp
5. Byrd, E. T. (2007). Stakeholders in sustainable tourism development and their roles: applying stakeholder theory to sustainable tourism development. Tourism review.
Kiều Trinh