Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nhận định về một số sản phẩm du lịch mới hiện nay qua nghiên cứu các điển hình du lịch trong nước

       DulichmoinctdI. Nghiên cứu một số điển hình

       Năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam ghi nhận 2 sự kiện quan trọng là sự ra đời của Nghị quyết số 08-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch sửa đổi (sau đây gọi là Luật Du lịch) được Quốc hội chính thức thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực vào 1/1/2018. Trong mối tương quan giữa 3 nhiệm vụ then chốt ngành Du lịch đã thực hiện trong nhiều năm qua dưới sự hỗ trợ của dự án EU-ESRT, đó là: Xây dựng thể chế, chính sách; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển sản phẩm; và Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhiều sản phẩm du lịch mới đã thu hút sự quan tâm của toàn ngành và của xã hội, đã có tác động tích cực góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của Việt Nam, và đã khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa và thế mạnh của địa phương. Trong bài nghiên cứu – trao đổi này, tôi lựa chọn một số sản phẩm du lịch mới hiện nay để nghiên cứu như những điển hình tốt về du lịch trong nước để đưa ra một số nhận định đối với sự phát triển sản phẩm du lịch mới nói chung trong tương lai.

          Luật Du lịch định nghĩa: Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Luật Du lịch cũng xác định chính sách phát triển sản phẩm du lịch như sau: Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;

       Tôi đã chọn quan sát một số sản phẩm du lịch mới tại một số địa phương, gồm có: Du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; Du lịch cộng đồng ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Tuyến phố đi bộ của Hà Nội; Tour “Áo dài Hà Nội”; Du lịch y tế ở thành phố Hồ Chí Minh.
       1. Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La)
       Xã Ngọc Chiến là một điểm trong tuyến du lịch mới lên vùng Tây Bắc gồm Mù Cang Chải – Ngọc Chiến – Mộc Châu với tài nguyên thiên nhiên là suối nước nóng trên 700C của bản Lướt và cây Sa Mu ngàn năm tuổi cùng nhiều điểm mạnh nổi trội khác như độ cao trung binh trên 1.600m so với mực nước biển, nhiều phong tục, tập quán, món ăn có một không hai.
    Nhưng có thể nói, du lịch cộng đồng ở các vùng bản làng dân tộc ở Việt Nam đã là loại hình du lịch đã quen thuộc đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Vẫn váy áo người Thái ấy, vẫn nếp nhà sàn lợp gỗ Pơmu thơm nồng như đã thấy đâu đó ở Mai Châu, Điện Biên, Mường Lò (Yên Bái)… nhưng ở Ngọc Chiến có gì đó khác lạ.
       Giải mã cho sự khác biệt ẩn dấu ở đây là văn hóa bản địa. Người dân Ngọc Chiến có niềm tin mạnh mẽ vào truyền thuyết về một con rồng lửa giúp người dân đánh thắng các bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải, sau đó đã không về trời mà ở lại với họ. Nguồn suối nước nóng trời cho như chính là hơi thở ấm áp của rồng lửa vẫn đang quấn quýt bên họ, hoà sức sống của rồng vào nguồn nước quanh làng. Người dân trong bản luôn trân trọng nguồn suối nước này và họ cũng tôn trọng bản thể tự nhiên trong nguồn nước đó nên mỗi khi chiều về, sau một ngày lao động thì trai gái bản vô tư trầm mình dưới dòng suối “tiên trần nơi hạ giới” để gột bỏ đi hết những mệt mỏi, ưu phiền, được tiếp lửa sinh lực từ con suối nước nóng huyền bí này. Có lẽ chính vì vậy mà những người con gái nơi đây dường như đẹp hơn từ làn da, dáng người, các em bé dường như yêu đời hơn, sáng sủa hơn, người già trông thong dong, thảnh thơi hơn, không có dáng vẻ tất bật kiếm con cá, kiếm củ khoai, đụm củi…
       Ngoài nguồn nước “suối nguồn tươi trẻ” của bản làng mang lại sự cân bằng khỏe khoắn của cơ thể, sự sảng khoái về tinh thần, Ngọc Chiến cũng có hàng trăm nếp nhà sàn bằng gỗ Pơmu, mái gỗ ngả màu rêu xanh nằm yên bình nối tiếp nhau dưới mây chiều giăng mắc bao phủ khắp núi đồi và cánh đồng. Không cách xa nhau như ở các bản người Thái khác ở Tây Bắc, các hộ gia đình ở đây sống quần cư, thuận lợi cho việc bảo vệ nhau và làm cho cuộc sống thêm phần ấm áp, đoàn kết mà ít nơi nào có được. Khách du lịch không muốn rời đi vì có nhiều điểm hấp dẫn khác để khám phá như nghề truyền thống se tơ, dệt vải, đan lát của người Thái, lễ hội gội đầu của người Thái, hội Gầu thào của người Mông, hội dâng hoa măng của người La Ha, các làn điệu, câu hát Then với sự sùng bái Mường Trời, và cách chữa bệnh bằng các loại thảo dược độc đáo.
       Theo lời kể của gia đình bác Chinh, một gia đình đi đầu trong việc khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng bản Lướt: Từ nhiều năm về trước, khi du lịch chưa phát triển và chưa có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, không gian tắm suối không lớn, mọi khoảng cách về tuổi tác, giới tính dường như không còn. Nhưng hiện nay, để thu hút và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch trải nghiệm, người dân đã cho xây dựng các khu vực tắm riêng biệt cho nam, nữ của cả khách và cộng đồng.”
       Sản phẩm du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến được công ty du lịch Thiên đường Á châu PATTOUR thuộc Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa vào khai thác từ cuối năm 2016 hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia Tây Bắc – Lào Cai 2017. Chắc rằng, để phát triển và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương sẽ cần những tổ chức, cá nhân tâm huyết, tham gia mạnh mẽ và sát sao cùng các bên liên quan từ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, đến việc tiếp thị, kết nối nguồn lực để đào tạo những kiến thức căn bản vận hành kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân (homestay), dạy ngoại ngữ cho người dân để phục vụ giao tiếp với khách nước ngoài, và nhất là nâng cao nhận thức cho người dân địa phương giữ gìn bản sắc văn hoá xây dựng “du lịch có trách nhiệm” ở đây.
       2. Du lịch cộng đồng ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
       Từ năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh đã tiến hàn khảo sát, xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn. Quỳnh Sơn là địa danh lưu giữ được nhiều nhà sàn truyền thống (chiếm khoảng 85% kiến trúc các hộ gia đình) của dân tộc Tày, và nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc như lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch với nghi thức cầu mùa màng và các trò chơi, trò diễn dân gian; Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9 hàng năm; Các điệu dân ca, dân vũ như hát ví, hát then, múa tán Đàn, chùa chầu…
       Từ tháng 9/2010, với 5 hộ gia đình được chọn làm thí điểm kinh doanh loại hình homestay cho tới năm 2014 đã có 40 hộ tham gia, đầu tư cải tạo nhà cửa để có thể đón được khách du lịch. Năm 2011, quỹ chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh đã hỗ trợ các hộ tu sửa nhà ở, di dời chuồng trại, mua sắm một số trang thiết bị thiết yêu như chăn, rèm, đệm,… Năm 2012, chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, gồm quạt máy, đệm, các dụng cụ phục vụ đội văn nghệ. Ngoài ra các hộ gia đình được chọn làm thí điểm cũng đã chủ động mua sắm các vật dụng cần thiết, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực địa phương. Mỗi hộ gia đình có thể phục vụ được 10-15 khách/ lượt. Xã Quỳnh Sơn đã làm các biển chỉ dẫn, biển quy ước của làng du lịch cộng đồng, khôi phục và nâng cấp hệ thống đường giao thông bằng các dự án xây dựng nông thôn mới. Đội văn nghệ xã Quỳnh Sơn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư trang phục và nhạc cụ (bao gồm 1 bộ tăng âm loa đài, 5 bộ đàn tính và xóc nhạc) để phục vụ khách du lịch với các điệu múa dân gian, múa tán đàn, hát then, hát ví. Năm 2012, xã Quỳnh Sơn đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng về hát then đàn tính cho các thành viên đội văn nghệ gồm 23 người.
       Nhiều hộ gia đình khác có nguyện vọng được tham gia mô hình hoạt động du lịch cộng đồng. Nhân dân có ý thức về loại hình du lịch mới và giữ gìn các nét đẹp văn hóa, chủ động xây dựng và cải tạo cảnh quan khu nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ đón khách. Tính đến tháng 6/2014, Quỳnh Sơn đón trên 762 lượt khách gồm nhiều đối tượng khác nhau như: sinh viên, cán bộ đi công tác hoặc tham quan thực tế, học tập, tìm hiểu về văn hóa địa phương…
       Kể từ khi triển khai loại hình du lịch cộng đồng ở xã Quỳnh Sơn đến nay, tình hình an ninh, trật tự địa phương luôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội, nhân dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có ý thức giữ gìn môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Loại hình du lịch cộng đồng được kết hợp với du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử an toàn khu cách mạng Bắc Sơn để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điểm đến Quỳnh Sơn được giới thiệu trong phóng sự chuyên đề “Lạng Sơn – điểm đến của bạn” do VTV2 thực hiện và trong chương trình “S Việt Nam” của Đài truyền hình Việt Nam về khám phá ẩm thực bánh lá ngải, bánh trưng đen.
       Dù khách đến tham quan và mức tiêu dùng dịch vụ của địa phương còn ít nhưng hoạt động du lịch bước đầu là nguồn động viên khích lệ cho người dân địa phương tiếp tục đầu tư, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng và tăng cường tình đoàn kết giữa các hộ dân trong việc vận hành kinh doanh, chuẩn bị tiếp đón khách du lịch. Trong tương lai, chắc chắn du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn cần được quan tâm hơn nữa để tăng khả năng đón khách với chất lượng dịch vụ cao hơn. Để đạt được mục tiêu này, xã Quỳnh Sơn cần có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng số lượng các hộ dân có khả năng tham gia kinh doanh loại hình homestay đạt chuẩn. Quan trọng và cấp thiết hơn nữa là việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động làm công tác du lịch trên địa bàn xã, và người dân địa phương.
       3. Tuyến phố đi bộ của Hà Nội
       Tuyến phố đi bộ của Hà Nội lần đầu triển khai thực hiện chính thức từ 3/1/2014 với 6 tuyến phố đi bộ mới gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Tháng 10/2016, không gian đi bộ được mở rộng thêm 9 tuyến phố mới gồm 7 phố và 2 ngõ, bao gồm phố Hàng Chiếu, ngõ Gạch, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Cầu Gỗ, phố Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên, nâng tổng số không gian đi bộ lên 15 tuyến phố. Thời gian mở cửa tuyến phố đi bộ trong 3 tối cuối tuần (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật), bắt đầu từ 19h – 24h (đối với mùa Hè) và từ 18h – 24h (đối với mùa Đông), ngoài ra phố đi mở mở cả ngày đối với các ngày lễ lớn.
    Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tháng 12/2016, không gian đi bộ trở thành nơi vui chơi cho người dân thành phố, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước tham gia các hoạt động như trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống và đương đại, giải trí, ẩm thực,… Trung bình ban ngày lưu lượng khoảng 3.000 – 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 – 20.000 người.
       Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để sản phẩm du lịch tuyến phố đi bộ Hà Nội hấp dẫn hơn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, kể cả với người dân Hà Nội thì cần đổi mới các loại hình trình diễn, vui chơi, giải trí. Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó Giám đốc công ty Transviet cho rằng có thể tái hiện không gian “Hà Nội qua các thời kỳ”, khu trưng bày ảnh, hiện vật, phương tiện giao thông. Ví dụ, tại không gian Hà Nội thời Pháp thuộc sẽ có trưng bày ảnh Hà Nội và các cổ vật thời Pháp thuộc, xe xích lô kéo tay… Trong không gian này, có thể tái tạo cảnh Hà Nội xưa bằng những toa tàu điện để mọi người chụp ảnh và có thể làm cà phê tàu điện. Như vậy, mỗi du khách khi đến Hà Nội sẽ hiểu rất nhanh về các thời kỳ lịch sử của Thủ đô.
       Hoạt động không gian đi bộ ở thủ đô Hà Nội được tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ của Sở Du lịch Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, Công an thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội,… có thể nói là bước đột phá của du lịch thủ đô. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng đã đảm bảo công tác an ninh, mỹ quan, trật tự đô thị, tạo môi trường văn hóa tuyến phố đi bộ văn minh. Trong thời gian tới, cần tiếp tục làm đa dạng hơn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu biểu diễn quốc tế, cần lập kế hoạch tổ chức các sự kiện và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết sớm, đặc biệt, cách phục vụ cũng phải chuyên nghiệp hóa cao.
       4. Tour “Áo dài Hà Nội”
       Ngày 11/12/2016, “Không gian áo dài Việt” chính thức khai trương, mở cửa phục vụ du khách trong nước và quốc tế tại Lanhuong Fashion House (số 18 đường Âu Cơ , Hà Nội, ngay sau khi diễn ra Festival Áo dài Hà Nội 2016. Đây là một trong số các địa điểm được lựa chọn là điểm dừng chân trong tour “Áo dài Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội khởi xướng. Xuất phát từ đặc điểm phố Cầu Gỗ từng là nơi có nhiều cửa hàng áo dài có chung chữ “Trạch” và cả một làng áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) chuyên cung cấp các sản phẩm và vải may áo dài, Sở Du lịch Hà Nội đã khảo sát và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một số nhà mốt trên địa bàn thủ đô để đưa sáng kiến xây dựng tour “Áo dài Hà Nội” vào thực tiễn. Liên quan đến quy trình làm ra một chiếc áo dài, từ khâu ý tưởng, thiết kế, sản xuất, xưởng may, xưởng thêu, cho tới các phụ trang, văn hóa mặc,… cần có sự kết hợp của nhiều ngành nghề sản xuất khác, tour “Áo dài Hà Nội” chọn điểm nhấn “Không gian áo dài Việt” với điểm độc đáo là hoạt động hướng tới truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa, sử dụng 100% nguồn nguyên liệu trong nước, kết hợp trưng bày và trình diễn của nghệ nhân đến từ các làng nghề như làng nuôi tằm tơ Mỹ Đức, làng lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, chạm bạc Định Công – Đồng Xâm, gốm Bát Tràng, dệt Triều Khúc, nón lá Làng Chuông… Không những thế, khi đến đây, khách du lịch còn có điều kiện tìm hiểu về nguồn gốc và các kiểu áo dài, về nghề dệt tơ, tằm cùng những nét khái quát về văn hóa mặc, sự phát triển qua các thời kỳ của tà áo dài truyền thống. “Không gian áo dài Việt” được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, là nơi giao lưu, gặp gỡ, hợp tác của các nhà thiết kế thời trang trong nước, ngoài nước, tiếp đón các đoàn khách đến với Hà Nội, tham dự các hoạt động văn hóa như Tuần văn hóa Việt Nam – Ma-lai-xi-a – In-đô-nê-xi-a .
    Tour “Áo dài Hà Nội” mới được công ty công ty du lịch Châu Á Thái Bình Dương APT Travel đưa vào khai thác từ tháng 10/2016 được xem cầu nối giữa văn hóa, truyền thống trong trang phục áo dài với du lịch. Cho tới nay nhiều doanh nghiệp du lịch như Du lịch Việt, Transviet đã có ý tưởng đưa áo dài vào không gian phố cổ Hà Nội, phố đi bộ Hà Nội để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch. Để khai thác sản phẩm này một cách bài bản, có trọng tâm trong một thời gian dài cần được đầu tư, nghiên cứu thêm, có sự tham gia mạnh mẽ của các nghệ nhân áo dài, các doanh nghiệp liên quan trong quy trình khép kín sản xuất áo dài và sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân dựa trên hiểu biết về ý nghĩa của sản phẩm du lịch độc đáo này.
       5. Du lịch nha khoa ở thành phố Hồ Chí Minh
    Trong thời gian gần đây, du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lựa chọn ngành nha khoa thẩm mỹ là một trong số những điểm nhấn để thu hút khách quốc tế vì một đặc điểm dễ nhận thấy là yếu tố giá thành dịch vụ nha khoa của thành phố rẻ hơn từ 2-3 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,… Ngoài ra, theo thống kê, số lượng y, bác sĩ nha khoa tại TP.HCM chiếm hơn 50% của cả nước, với hơn 3.000 bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, được tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm. Nguyên nhân là tại Việt Nam chi phí đào tạo bác sĩ nha khoa không cao, nhân công cũng rẻ hơn.
       Ngoài việc khách đến điều trị nha khoa, thẩm mỹ kết hợp nghỉ dưỡng, thị trường du lịch nha khoa còn có tiềm năng khai thác đối tượng khách tổ chức sự kiện, triển lãm, khách đi công tác, hội họp liên quan đến phát triển du lịch nha khoa. Cụ thể, TP.HCM đã tổ chức Ngày hội Du lịch nha khoa ngày 24/6/2017 và lễ ra mắt câu lạc bộ du lịch nha khoa do Sở Du lịch và Sở Y tế phối hợp tổ chức, triển lãm “Dịch vụ Nha khoa và Du lịch lữ hành – Mùa khuyến mãi”, đón tiếp các diễn giả đến từ Nhật Bản, Malaysia… trình bày và chia sẻ.
       Theo các bác sĩ chuyên ngành nha khoa, đối tượng Việt kiều chiếm tỷ phần lớn trong số khách đến. Ngoài ra, số lượng ngoại kiều tuy ít hơn nhưng mức tăng trưởng cũng rất nhanh. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM năm 2014 có khoảng 300 lượt người, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, con số này đã tăng lên gần 1.000 lượt người. Theo thống kê của các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, hằng năm có đến 100.000 lượt người nước ngoài đến từ các thị trường phát triển như Úc, Mỹ, New Zealand, Anh… thông qua con đường đi du lịch nghỉ dưỡng để kết hợp việc điều trị răng miệng. Nguồn khách chủ yếu từ các nước phát triển như Australia, Mỹ, New Zealand, Anh, Pháp…
       Du lịch nha khoa là một trong những sản phẩm du lịch y tế thế mạnh trên thế giới hiện nay. Ở TP.HCM cũng vậy, bác sĩ Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.Hồ Chí Minh – cho rằng, du lịch nha khoa là một trong 5 nhóm sản phẩm chủ lực của du lịch y tế của thành phố. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm Du lịch và Nha khoa trở thành thương hiệu và sản phẩm thế mạnh của du lịch y tế thành phố. Song song với đó là việc tăng cường sự kết hợp giữa các cơ sở điều trị nha khoa với nhau, và giữa các cơ sở điều trị nha khoa với các công ty lữ hành, xây dựng thương hiệu nha khoa của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.
       II. Nhận định tổng quan và bài học kinh nghiệm
       Trong khuôn khổ bài tham luận này, chúng tôi cho rằng để được xem xét là một sản phẩm du lịch mới có tiềm năng thì cần xem xét một số khía cạnh như sau: Sản phẩm du lịch mới cần phải thu hút được một đối tượng đáng kể khách khám phá, trải nghiệm; Sản phẩm đó có điểm độc đáo, khác biệt và đã bước đầu phát huy hiệu quả; Có tác động đối với kinh tế – xã hội địa phương; Có khả năng phát triển, liên kết với các ngành, các lĩnh vực khác trong tương lai.
       Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quy hoạch Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ định hướng phát triển sản phẩm du lịch, bao gồm các phương diện sau:
       Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng được tổ chức theo các không gian phát triển du lịch với tính chất đặc trưng nổi trội để tạo dựng thương hiệu từng vùng có sản phẩm điểm đến tổng hợp.
       Đa dạng hóa sản phẩm phục vụ các đối tượng khách với những nhu cầu đa dạng như: du lịch MICE Hội họp, Khuyến thưởng, Hội nghị, Triển lãm; du lịch đô thị; du lịch giáo dục; du lịch thể thao; du lịch dưỡng bệnh; du lịch du thuyền; du lịch làm đẹp…
       Tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp; theo khu vực, các hành lang kinh tế; cùng các ngành vận chuyển, các liên kết vùng, liên vùng và quốc tế để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
       Như vậy, qua nghiên cứu các điển hình đã nêu trên, xin nêu một số nhận định tổng quan về sản phẩm du lịch mới ở Việt Nam như sau:
       1. Các sản phẩm chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, và nguồn lực con người với kỹ năng và công nghệ cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
       2. Các sản phẩm du lịch có chủ đề dựa trên thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cộng đồng, và công nghệ y học.
       3. Các dòng sản phẩm đáp ứng thị trường mục tiêu: khách du lịch trải nghiệm, khách du lịch sáng tạo, khách du lịch đại chúng; khách du lịch công vụ, và khách du lịch chữa bệnh, làm đẹp.
       4. Cần có nghiên cứu, tiếp tục vận hành thí điểm và hoàn thiện sản phẩm mới, trong đó lưu ý tới các tác động đối với kinh tế, sinh kế của người dân địa phương.
       5. Cần có sự ủng hộ, tham gia đóng góp ý tưởng và nguồn lực của khu vực doanh nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hơn các hoạt động trong chuỗi dịch vụ, phù hợp với nhu cầu của mỗi thị trường khách du lịch đối với từng sản phẩm.
       6. Tiếp tục xây dựng nguồn quỹ tái đầu tư cho phát triển sản phẩm, trong đó có đào tạo kỹ năng cho cộng đồng làm du lịch địa phương, nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
       III. Kết luận
       Việc nghiên cứu điển hình một số sản phẩm du lịch mới và đưa ra nhận định, bài học kinh nghiệm cho việc phát triển các sản phẩm này trong tương lai có thể giúp ích cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách tiếp tục đầu tư và thực hiện vận hành bài bản và bền vững hơn, hoàn thiện sản phẩm sao cho phù hợp với sự phát triển chung về văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch chung của Việt Nam, của khu vực và thế giới./.

    (Hình ảnh tại Cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng Ngọc Chiến: Các nếp nhà sàn bằng gỗ pơ mu ở Ngọc Chiến dùng để phục vụ khách du lịch, khai thác nguồn nước suối khoáng nóng thiên nhiên trong cảnh quan núi rừng như níu chân du khách ở lại lâu hơn)

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục