Hội thảo Đề tài cấp cơ sở năm 2015: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động du lịch tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình”
Cũng trong ngày 02/12/2015, Hội thảo đề tài cấp cơ sở năm 2015: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động du lịch tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình” đã được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. Đây là một trong năm đề tài cấp cơ sở được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt cho Viện NCPTDL thực hiện trong năm 2015, chủ nhiệm đề tài là ThS. Bùi Thị Nhẹ, Nghiên cứu viên phòng Nghiên cứu Chính sách.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPTDL, TS. Trương Sỹ Vinh Phó Viện trưởng, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng, các thành viên Hội đồng khoa học Viện, Lãnh đạo các phòng ban và đông đảo cán bộ chuyên môn của Viện.
Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã trình bày nội dung chính của đề tài. Theo đó, đề tài được bố cục theo kiểu truyền thống gồm ba phần: phần 1 là cơ sở lý luận về công nghệ xanh trong phát triển du lịch, kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế trong ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển du lịch, phần hai đề tài đi vào nghiên cứu thực trạng ứng dụng công nghệ xanh tại KDL hồ Hòa Bình, phần 3 là một số giải pháp, kiến nghị để ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển du lịch tại KDL Hồ Hòa Bình.
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo đã tích cực đóng góp các ý kiến liên quan đến bố cục và nội dung của đề tài. Trong phần 1, các chuyên gia của Viện nhấn mạnh việc phải làm rõ hơn nội hàm các khái niệm về công nghệ xanh, ứng dụng công nghệ xanh trong du lịch, du lịch xanh… Phân loại các loại hình công nghệ xanh, bổ sung các yếu tố tác động đến ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển du lịch bao gồm: điều kiện tự nhiên, chính sách, tài chính, nhân lực… Trong phần 2, các ý kiến nhấn mạnh việc chủ nhiệm nên tránh phân tích quá sâu thực trạng phát triển du lịch điểm đến, chỉ nên tập trung vào phân tích thực trạng ứng dụng các công nghệ xanh tại điểm đến. Trong phần 3 của đề tài, các đại biểu đề xuất cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể việc ứng dụng công nghệ nào cho loại dịch vụ nào tại điểm đến. Các đại biểu cũng gợi ý thêm cho chủ nhiệm đề tài một số kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ xanh của Việt Nam để bổ sung vào đề tài cho phong phú.
Kết thúc buổi Hội thảo, chủ nhiệm đề tài giải đáp các thắc mắc của các chuyên gia về các nội dung còn chưa rõ ràng, chủ nhiệm đề tài cảm ơn và ghi nhận ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia giúp đề tài hoàn thiện hơn.