Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Nghiên cứu mô hình bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên thế giới

      nc-bvmt-2017-11. Kinh nghiệm xây dựng mô hình bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch trên Thế giới

    1.1. Mô hình ma trận hệ sinh thái và du lịch (Ecology-Tourism Matrix, ETM)
       Mô hình ETM được áp dụng vào khu du lịch đặc biệt Munnar, Kerala (Ấn Độ) . Mục đích chủ yếu khi sử dụng mô hình ETM là nhằm đưa ra kế hoạch phát triển du lịch dựa vào bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên (hay cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường) cho khu du lịch đặc biệt Munnar (Munnar STZ).
       Mô hình ETM thực chất là việc sử dụng kết hợp hai chỉ số: nhạy cảm sinh thái (ESI) và hấp dẫn du lịch (TAI) để đánh giá từng điểm du lịch (điểm hấp dẫn/hoạt động khác nhau) trong khu du lịch. Điểm du lịch (nodes) trong mô hình ETM được hiểu là điểm có khả năng thu hút khách du lịch, có ý nghĩa bảo tồn và ý nghĩa du lịch. Việc nhận dạng các điểm được thực hiện thông qua bảng kê danh sách tài nguyên du lịch, được đưa ra thảo luận nhóm, có tham khảo ý kiến của chuyên gia và được điều tra cụ thể. Ngoài ra, trong mô hình ETM còn có các thành phố/thị xã chủ yếu (Hubs) nằm trong vùng, tiểu vùng của khu du lịch. Nodes và Hubs được kết nối với nhau theo nguyên tắc “Trục bánh xe và nan hoa”. Bên cạnh đó, trong mô hình ETM còn định rõ vùng và các thành phần chiến lược cấu thành khu du lịch đặc biệt (như: vùng, tiểu vùng và thành phần kết nối) như sơ đồ dưới đây (U.V Jose, Muhammed, Vijayakumar S., Sonia Joes, 2009).

       Quá trình đánh giá (theo ESI và TAI) dựa vào việc thiết lập các biến chính, biến phụ và trọng số của chúng. ESI được sử dụng đánh giá sự nhạy cảm của một điểm du lịch theo quan điểm sinh thái với 3 biến (hệ sinh thái, đa dạng sinh học và phong cảnh) và 15 biến phụ, ở mỗi biến, sẽ ấn định trọng số cho từng biến phụ; TAI được sử dụng để đánh giá sự hấp dẫn du lịch của một điểm cả ở hiện tại và tiềm năng trên cơ sở 3 biến quan trọng (tính cạnh tranh vốn có, sự quan trọng/ý nghĩa và sự phân bố của hoạt động) và 7 biến phụ. Sau khi đánh giá riêng rẽ từng điểm (node), trên cơ sở số đơn vị điểm đạt được, các điểm du lịch được xếp hạng theo các mức: Cao (≥75), Trung bình (51-74) và Thấp (≤ 50). Phân tích kết hợp hai chỉ số (ESI và TAI) cho kết quả là các điểm du lịch sẽ được xác định bảo tồn hoặc du lịch.

    Bảng 1. Tiêu chuẩn phân hạng điểm du lịch

    nc-bvmt-2017-2

    (Nguồn: U.V Jose, Muhammed, Vijayakumar S., Sonia Joes, 2009. Ghi chú: H-Cao (high); M-Trung bình (Medium) và L-Thấp (Low))

       Đối với Munar STZ, sau khi sử dụng mô hình ETM để đánh giá, về mặt không gian thu được kết quả thể hiện ở sơ đồ dưới đây (U.V Jose, Muhammed, Vijayakumar S., Sonia Joes, 2009):

    Hình 2: Phân tích không gian của các điểm sau khi được xác định

    nc-bvmt-2017-3

       Sau khi sử dụng mô hình ETM vào phân tích, đánh giá cho Munnar STZ mang đến một đầu ra đa chiều như: (1) Hình thành hệ thống phân loại cho các điểm du lịch tại một vùng/điểm đến có sự nhạy cảm môi trường; (2) Là cơ sở để Định hướng và Chiến lược bảo tồn/phát triển du lịch cho các vùng; (3) Là công cụ quy hoạch du lịch bền vững cụ thể cho điểm đến nhạy cảm sinh thái.
       Tóm lại, mô hình ETM được phát triển dành riêng cho những điểm đến du lịch có môi trường phong phú và nhạy cảm. Mô hình cố gắng đạt được sự cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu bảo tồn của một điểm đến; mà tại cùng thời điểm, không làm giảm giá trị các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ khách du lịch. Mô hình được phát triển và được nhiều nước đang phát triển áp dụng.
    1.2. Mô hình khái niệm hóa quản lý nhà nước đảo nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường ở Madivian
       Du lịch Madivian là ngành công nghiệp quốc gia luôn được nhà nước quản lý chặt chẽ nhằm bảo tồn môi trường tự nhiên và bảo vệ môi trường nhân văn của xã hội đạo Hồi trước những tác động tiêu cực từ xung đột văn hóa do du khách nước ngoài mang tới. Hoạt động cụ thể là, chính phủ Madivian cho phép Bộ Du lịch, Kế hoạch và Môi trường được sử dụng rộng rãi của các quy định về môi trường để áp đặt vào ngành công nghiệp du lịch. Chính phủ Madivian xác định, chất lượng môi trường tự nhiên là sự hấp dẫn chủ yếu đối với khách du lịch, vì thế để thực hiện các chính sách môi trường chặt chẽ, ngay từ đầu chính phủ đã cẩn trọng trong việc lựa chọn cho thuê đất trên đảo, đồng thời hạn chế cư dân địa phương và người quản lý đảo tổ chức hoạt động du lịch trên các đảo không có người ở. Chỉ đến khi chính sách đầu tư nước ngoài được nới lỏng, chính phủ mới cho phép sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài và người quản lý đảo trên đảo. Với kế hoạch “mỗi đảo một khách sạn”, chính phủ cho phép trên mỗi hòn đảo được tự duy trì một doanh nghiệp. Sau khi chuyển đổi thành các đảo nghỉ dưỡng, phần đất còn lại vẫn thuộc sở hữu nhà nước nhưng người thuê có thể xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch công cộng theo mô hình đảo nghỉ dưỡng tiêu chuẩn với thời gian thuê lên tới 35 năm.
    Để bảo vệ hiệu quả tài nguyên tự nhiên và nhân văn, chính phủ Maldivian ngay từ đầu đã nghiêm khắc áp đặt các quy định, định hướng hoạt động và xây dựng ở các khu nghỉ dưỡng. Để bảo vệ môi trường nhân văn của các cư dân trên đảo, quan điểm của chính phủ là xây dựng các đảo nghỉ dưỡng tách biệt, cách xa đảo có người sinh sống (thông thưởng chỉ có khoảng 1/3 các đảo không có người dân sinh sống được xây dựng thành đảo nghỉ dưỡng). Để bảo vệ môi trường tự nhiên, lượng khách du lịch cư trú trên một đảo bị giới hạn so với thực tế, diện tích tối đa để xây dựng các loại công trình chỉ chiếm 20% diện tích đảo (80% diện tích còn lại trên đảo là đất mở), các phòng nghỉ của khách được xây dựng hướng ra biển, cứ 5m bãi biển lại được bố trí một đơn vị lưu trú và được xây dựng dọc theo bờ biển để khách có thể ngắm nhìn biển được thuận lợi nhất; chỉ 2/3 chiều dài bãi biển được dành cho phòng lưu trú, 1/3 chiều dài còn lại được dùng để làm không gian giải trí mở; nghiêm cấm hoạt động di chuyển các loại thực vật có sẵn, có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái biển và làm thay đổi hình dạng các đầm phá.
       Ngoài ra, chính phủ Maldivian cũng giới thiệu tiêu chuẩn hoạt động thân thiện với môi trường trên các đảo nghỉ dưỡng như: cấu trúc san hô và đá ngầm không bị hoạt động khai thác mỏ phá hủy; toàn bộ các công trình ở bờ biển (như: đê, kè chắn sóng hay cầu tàu) phải được quản lý chặt chẽ; việc xây dựng các cầu tàu và đê chắn song không được làm thay đổi dòng chảy nước biển; các khu nghỉ dưỡng phải có lò đốt đốt rác, máy nghiền chai lọ; ngăn chặn việc chôn sâu rác thải dưới long đất; thiết kế kiến trúc phải giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên của đảo nghỉ dưỡng (hạn chế chiều cao của các công trình xây dựng, sử dụng nguyên vật liệu địa phương để xây dựng, …).
      Đối với khách du lịch, được khuyến khích tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, như: tiết kiệm nước, năng lượng và kiềm chế hoạt động phá hủy san hô. Để tăng hiểu biết của du lịch đối với sự nhạy cảm của hệ sinh thái và môi trường biển ở Maldivian, nhiều đảo nghỉ dưỡng đã phát tờ bướm và sách mỏng thông tin; mời khách du lịch tham dự các lớp và hội thảo đặc biệt về bảo vệ môi trường và đá ngầm có thể bị phá hỏng.
       Các đảo nghỉ dưỡng theo đuổi chương trình làm đẹp cảnh quan bằng việc trồng cây xanh và hoa để phục vụ mục đích trang trí và giải trí, như: trồng cây xanh dọc theo đường đi bộ và bãi cỏ dưới hàng dừa, cọ, vườn cây ăn quả. Mỗi đảo nghỉ dưỡng tự xử lý lượng lớn rác thải trên đảo.
       Tóm lại, với mô hình khái niệm hóa quản lý nhà nước các đảo nghỉ dưỡng, cụ thể là việc ban hành các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, chính phủ Maldivian đã tạo được những sản phẩm du lịch đặc biệt, đó là 86 đảo nghỉ dưỡng độc đáo. Sản phẩm du lịch được phát triển từ nguồn lực tự nhiên trên đảo, bao gồm cả môi trường văn hóa địa phương, đã làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch và qua đó làm biến đổi cả một nền kinh tế, ban đầu chỉ dựa vào hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống đã chuyển sang nền kinh tế dựa vào phát triển dịch vụ du lịch. Vì thế, chính phủ Maldivian xác định, phát triển bền vững du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ môi trường.
       1.3. Mô hình “Hợp tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái” ở Úc
       Bãi đá ngầm san hô ở Úc là công viên sinh vật biển lớn nhất thế giới, được liệt vào danh mục di sản thế giới. Để bảo vệ tài nguyên tự nhiên của khu vực này, Úc sử dụng mô hình “Hợp tác quản lý” và được ngành du lịch thế giới lấy làm mô hình mẫu để vận dụng.
       Bãi đá ngầm san hô có diện tích tương đương với diện tích nước Đức, có nhiều loại tài nguyên: tài nguyên du lịch, ngư nghiệp, khoa học và văn hóa thổ dân. Để bảo vệ và khai thác những giá trị tài nguyên ở đây, từ năm 1975 chính phủ Úc đã thành lập Cục Quản lý Công viên Hải dương đá ngầm và san hô (Cục Quản lý). Biện pháp quan trọng nhất mà Cục Quản lý sử dụng là phân khu vực này thành 4 cấp bảo hộ, nhằm hạn chế các hoạt động của con người từ “lỏng” tới “chặt chẽ”. Ví dụ như: biện pháp nghiêm cấm các loại tàu thuyền đậu bừa bãi để tránh cho việc thả neo không làm tổn hại tới san hô ở tầng đáy, giải quyết tốt mâu thuẫn giữa bảo vệ tài nguyên và phát triển du lịch.
       Ý tưởng “hợp tác quản lý” được Ủy ban tư vấn du lịch nghỉ dưỡng bãi đá ngầm san hô thúc đẩy từ năm 2000, hội viên của Ủy ban đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều liên quan tới tài nguyên của bãi đá ngầm san hô. Hội viên thông qua các diễn đàn để đánh giá hiện trạng bảo vệ bãi đá ngầm san hô, đề xuất các kiến nghị bảo vệ với Cục Quản lý và Chính phủ. “Hợp tác quản lý” ở đây không chỉ là hiến kế sách mà còn chịu trách nhiệm giám sát và thực hiện chính sách. Đối với các công ty du lịch, thường xuyên dặn dò khách du lịch không được tự ý vứt rác, thu thập san hô, bắt cá nhiệt đới làm kỷ niệm,…; ngoài ra, hướng dẫn viên của các công ty du lịch đồng thời còn là giám sát viên môi trường, nếu phát hiện chất lượng nước ở khu vực nào đó kém đi, phát hiện được sinh vật mới dưới đáy biển, hoặc nhìn thấy khu vực nào đó quá đông khách du lịch,…có trách nhiệm báo cáo với Cục quản lý để có biện pháp phù hợp.
       1.4. Mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng
       Bảo vệ môi trường cộng đồng, được hiểu gần giống với bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng nhưng ở mức cao hơn. Ở đây, cộng đồng không chỉ tham gia mà là tham dự, không chỉ bàn bạc mà cả đi đến thống nhất và thực hiện. Nội dung chủ yếu BVMT cộng đồng bao gồm: (i) Cộng đồng xác lập các vấn đề ưu tiên cho phát triển của cộng đồng; (ii) Cộng đồng tìm ra cách giải quyết các vấn đề ưu tiên, lập dự án, chương trình và kế hoạch thực hiện; (iii) Cộng đồng tìm kiếm sự liên kết, hỗ trợ cho mình để thực hiện dự án, chương trình, kế hoạch đã lập ra; (iv) Tổ chức thực hiện; (v) Đánh giá từng công đoạn, hiệu chỉnh trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thiết; (vi) Kết thúc đánh giá tổng thể; (vii) Xác lập ưu tiên mới.
       Trong thực tế, xã hội hóa BVMT đã phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới vận dụng thực hiện từ thế kỷ trước ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực khác nhau. Ở đây giới thiệu mô hình bảo vệ môi trường cộng động trong lĩnh vực du lịch tại khu bảo tồn Annapurna (Nepal) và Vườn quốc gia Sabah (Malaysia):
       – Tại khu bảo tồn Annapurna ở Tây Bắc của Nepal, có khoảng 50% cư dân sinh sống có những đóng góp vào dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường (cả về vật chất, kinh phí lẫn nhân lực), nhân viên của dự án cũng là cư dân sinh sống tại khu vực. Ở đây, chính quyền xây dựng chương trình đặc biệt ưu tiên phụ nữ, khích lệ họ tham gia vào việc ra quyết định bảo tồn. Với hướng tiếp cận đã tạo nên một mô hình có tính thuyết phục cao trong việc quản lý tài nguyên hợp lý với truyền thống địa phương. Kết quả là, người dân địa phương được duy trì cuộc sống bình thường, không ảnh hưởng đến các giá trị bảo tồn; góp phần đưa Annapurna trở thành một vùng đa dạng, có giá trị.
       – Với mục tiêu bảo vệ Vườn quốc gia Sabah ở Malaysia, chính quyền ở đây đã giúp cộng đồng địa phương xây dựng và thực hiện một nghị định thư về việc tiếp cận và phát triển tài nguyên thiên nhiên và tri thức bản địa gồm các bước: (i) Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân địa phương về tiếp cận trái phép tài nguyên và những việc có thể làm được thông qua các hội thảo, qua đó cộng đồng cùng nhất trí xây dựng một nghị định thư bằng văn bản về việc quản lý tiếp cận tài nguyên tại đây; (ii) Dự thảo nghị định thư được soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác; (iii) Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, bản nghị định thư được hoàn chỉnh và đem áp dụng thử ở một vài cộng đồng trong vùng để rút kinh nghiệm trước khi ban hành. Tuy không có tính ràng buộc pháp lý nhưng nghị định thư giúp cộng đồng địa phương nâng cao nhận thức, hiểu hơn về tiếp cận và khai thác tài nguyên, khiến họ tích cực hơn trong việc bảo vệ tài nguyên.
       Qua nghiên cứu một số mô hình BVMT trong lĩnh vực du lịch trên thế giới rút ra một số kết luận:
       (1) Các mô hình cố gắng tìm ra được giải pháp làm cân bằng giữa việc làm thế nào để bảo vệ, giữ gìn môi trường và thúc đẩy du lịch phát triển. Tư duy “phiến diện” từ lâu đã không còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới (hoặc cố gắng bảo vệ, giữ gìn môi trường, hoặc cố gắng tập trung phát triển du lịch), mà đã chuyển sang tư duy biện chứng giữa “bảo tồn và phát triển”, nghĩa là “bảo vệ, giữ gìn môi trường để phát triển du lịch” và ngược lại “phát triển du lịch để giữ gìn, bảo vệ môi trường”.
       (2) Mô hình BVMT trong lĩnh vực du lịch được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau, gồm: mô hình cơ quan quản lý BVMT, mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động lên môi trường, …, nhưng đều nhằm mục đích đi tìm giải pháp làm cân bằng giữa bảo tồn, gìn giữ các giá trị của môi trường với phát triển du lịch.
       (3) Sử dụng phương pháp mô hình hóa thông qua số hóa các yếu tố tác động lên môi trường, lượng hóa các biến, sử dụng toán học để tính toán các chỉ số làm cơ sở so sánh, đánh giá.
       2. Bài học kinh nghiệm và đề xuất cho Việt Nam
       Thực tế trên thế giới có nhiều mô hình được xây dựng nhằm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Ở trên là một số mô hình được lựa chọn nghiên cứu, làm cơ sở để tổng quát hóa, từ đề xuất những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Một số bài học được đúc rút có thể đưa vào áp dụng tại Việt Nam gồm:
       Thứ nhất: Về mục tiêu xây dựng mô hình bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch: Qua nghiên cứu, phân tích các mô hình trên thế giới, hầu hết đều đặt mục tiêu giải quyết “mâu thuẫn” giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, tiếp cận có tính hệ thống và theo hướng phát triển bền vững. Nghĩa là, giữ gìn và bảo vệ môi trường được đảm bảo “cân bằng” với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và ngược lại. Trên thực tế đây là mục tiêu rất khó để đạt được, đặc biệt là đối với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển (trong đó có Việt Nam), bởi vì Chính phủ các quốc gia này thường có xu hướng ưu tiên phát triển kinh tế, chưa thực sự coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường.
       Thứ hai: Về đối tượng vận dụng thực hiện mô hình bảo vệ môi trường: Mỗi mô hình bảo vệ môi trường được xây dựng để áp dụng cho đối tượng nhất định, căn cứ vào đặc điểm của khu du lịch cụ thể tiến hành xây dựng mô hình bảo vệ môi trường phù hợp.
    Thứ ba: Về không gian, quá trình xây dựng mô hình bảo vệ môi trường cho từng khu du lịch cụ thể cũng nên xác định rõ khu vực ưu tiên bảo tồn, khu vực ưu tiên phát triển du lịch hoặc khu vực có thể được kết hợp cả bảo tồn và phát triển du lịch. Việc xác định được “đối tượng” và mục tiêu chính của đối tượng là cơ sở để thực hiện chính sách, biện pháp và quyết định đầu tư đúng đắn, hợp lý. Bài học này được rút ra từ mô hình ETM áp dụng cho STZ Munnar.
       Thứ tư: Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường được nghiên cứu trong điều kiện “động”, tức là các yếu tố trong một tổng thể luôn luôn vận động và biến đổi theo thời gian, vì thế xem xét, nghiên cứu bảo vệ môi trường đồng thời phải tính tới sự biến đổi của các yếu tố khác (du lịch, kinh tế, dân số, chính phủ,…).
       Thứ năm: Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường đảm bảo được sự hợp tác quản lý và nhà nước là chủ thể thực hiện quản lý. Qua nghiên cứu các mô hình đều thấy, vai trò của nhà nước trong việc quản lý bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, Tuy nhiên, chỉ nhà nước thực hiện công tác bảo vệ môi trường sẽ rất khó khăn và không hiệu quả, bởi nguồn lực để thực hiện luôn là giới hạn, vì thế “Hợp tác quản lý” sẽ là mô hình giúp nhà nước giảm bớt trọng trách, trách nhiệm bảo vệ môi trường được giao thêm cho nhiều đối tượng khác nhau như: Doanh nghiệp du lịch; người dân địa phương, …và cả khách du lịch, là những người được hưởng lợi từ môi trường tự nhiên, đồng thời cũng phải có trách nhiệm với môi trường. Khi đó, nhà nước sẽ là chủ thể thực hiện quản lý, thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt và quản lý chung.
    Thứ sáu: Tiếp cận phương pháp mô hình hóa dựa trên việc xây dựng mô hình số trong nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ môi trường. Mô hình số giúp đưa ra những số liệu cụ thể, các biến nghiên cứu được lượng hóa, quy đổi ra một đơn vị thống nhất là cơ sở để so sánh, đưa ra quyết định về phương án phát triển hoặc khu vực giành cho phát triển du lịch hay bảo tồn.Tuy nhiên, tiếp cận mô hình số trong nghiên cứu sẽ khó khăn hơn so với nghiên cứu định tính, bởi nghiên cứu mô hình số ngoài những kiến thức chuyên ngành ra, còn đòi hỏi những kiến thức về mô hình toán học, phương thức lựa chọn các biến đưa vào mô hình, công cụ sử dụng để chạy mô hình,…Hạn chế của cách tiếp cận này đó là nếu đối tượng nghiên cứu có quá nhiều biến liên quan cần phải xem xét, khi đó việc nghiên cứu trở nên phức tạp.
       Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia đang phát triển, trong đó du lịch là một trong những ngành có tốc độ phát triển khá cao và ngày càng có đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đồng thời với kết quả đáng khích lệ đó, ngành du lịch cũng đang gián tiếp và trực tiếp tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và xã hội ở nhiều khu, điểm du lịch trong cả nước. Nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở thời điểm hiện tại là cần thiết và kịp thời nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của Ngành tới môi trường, đồng thời từng bước góp phần phục hồi những giá trị môi trường đã mất. Tuy nhiên, xây dựng mô hình như thế nào để vừa đảm bảo được sự phát triển du lịch mà không làm mất đi những giá trị môi trường sẵn có? từ những kinh nghiệm thực tế ở các nước trên thế giới, các khu du lịch ở Việt Nam có thể học hỏi, lựa chọn và xây dựng cho riêng mình mô hình phù hợp đáp ứng được sự cân bằng trong phát triển.

     

    Thùy Vân

    Bài cùng chuyên mục