Nâng cao chất lượng và tính ứng dụng nghiên cứu khoa học trong quản lý và phát triển du lịch
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động nền tảng và quan trọng nhất trong suốt quá trình quản lý và phát triển du lịch. Bởi lẽ, nghiên cứu khoa học đóng góp những tri thức khoa học, có nghĩa là cung cấp hệ thống tri thức về mọi quy luật, sự vận động của các yếu tố tham gia vào chuỗi giá trị du lịch, phục vụ quá trình quản lý hiệu quả, hợp lý du lịch, đồng thời phát triển du lịch dựa trên các nghiên cứu khách quan và chính xác mọi giải pháp phát triển Ngành, mọi hướng đi mới cho Ngành, phù hợp với xu thế phát triển và bối cảnh liên tục thay đổi. Đặc biệt, ngành du lịch là ngành non trẻ hơn so với nhiều ngành, lĩnh vực khác, đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học từ cơ bản đến ứng dụng phải triển khai cùng lúc và nhu cầu về nghiên cứu khoa học cao hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.
1. Hiện trạng hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch
a) Các kết quả đạt được
Từ khi thành lập Ngành cho đến nay, Du lịch Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của công tác nghiên cứu khoa học. Các hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai sâu rộng trong mọi hoạt động, thể hiện ở hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở được thực hiện, nghiệm thu đầy đủ, nhiều đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều đề tài khoa cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở được đẩy mạnh triển khai nghiên cứu và ứng dụng, đóng góp giá trị to lớn cho công tác quản lý và phát triển ngành. Trong giai đoạn 2010 – 2015, các đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính thời sự trong ngành như: du lịch biển, du lịch có trách nhiệm, thương hiệu du lịch Việt Nam, e-marketing đối với quảng bá phát triển du lịch, phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa. Nội dung nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tế quản lý và phát triển ngành, phù hợp với chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cũng được thực hiện tại các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghiên cứu cấp cơ sở với phạm vi nội dung hẹp và nguồn kinh phí hạn chế, tuy vậy nó có ý nghĩa quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, phục vụ cho quá trình phát triển công tác nghiên cứu về sau.
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, từ khi thành lập đã thực hiện 2 đề tài NCKH cấp Nhà nước 46 đề tài NCKH cấp Bộ và 13 đề tài NCKH cấp cơ sở. Hàng năm, cán bộ khoa học của Viện tham gia khoảng 40 bài viết tham luận tại các hội thảo khoa học hoặc đang tải trên các tạp chí ngành.
Sản phẩm của nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng vào việc tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch cũng như các địa phương trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược và định hướng phát triển du lịch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quản lý du lịch đồng thời đưa ra hướng phát triển du lịch phù hợp. Sản phẩm nghiên cứu khoa học của Ngành cũng là tài liệu, tri thức quan trọng để các bộ ngành khác tham khảo, ứng dụng hoạch định chính sách, đường lối phát triển. Các đề tài nghiên cứu khoa học là tài liệu tham khảo và là căn cứ khoa học quan trọng trong việc xây dựng Luật Du lịch, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật du lịch; xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam trong mối quan hệ với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, các đề tài khoa học được thực hiện cũng được ứng dụng khai thác hiệu quả làm tư liệu giảng dạy cho các đơn vị đào tạo trong lĩnh vực du lịch. Những đề tài khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn cao đã được doanh nghiệp tham khảo để hình thành ra những sản phẩm du lịch mới, những hướng đi mới trong việc phát triển sản phẩm cụ thể ở các địa phương, các tuyến du lịch.
b) Những hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy vậy thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu cần thiết và cấp bách đáp ứng nhu cầu phát triển.
– Số lượng, quy mô các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Du lịch còn rất hạn chế. Là ngành mới mẻ hơn so với nhiều ngành, lĩnh vực khác, đòi hỏi các nghiên cứu khoa học cần được thực hiện nhiều hơn làm cơ sở vững chắc cho quá trình hoạt động, tuy vậy thì số lượng và quy mô các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Du lịch chưa nhiều. Nhiều vấn đề về mặt nghiên cứu cơ bản chưa được làm rõ. Trong khi đó, yêu cầu phát triển lại rất cấp bách, đặc biệt do Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và tham gia vào nền kinh tế thị trường mà chủ trương đường lối phát triển kinh tế Việt Nam đang theo đuổi, là ngành có sự hội nhập và phát triển cao, phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gia tăng rất mạnh mẽ, chịu tác động của nhiều diễn biến của thị trường và kinh tế – chính trị – xã hội toàn cầu. Vậy thì yêu cầu của công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu những vấn đề khoa học ứng dụng mới hình thành, đón đầu những xu thế mới của thị trường, của thế giới làm nền tảng cho công tác quản lý, định hướng chính sách đối với hoạt động Du lịch là rất cao. Chính vì vậy mà trong khi nhiều vấn đề nghiên cứu cơ bản chưa được đi sâu nghiên cứu thì cũng nhiều vấn đề nghiên cứu ứng dụng về những vấn đề mang tính xu thế cũng còn có nhiều khó khăn và hạn chế trong thời gian qua.
– Chất lượng nghiên cứu khoa học chưa cao. Do tính chất và yêu cầu của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Du lịch là rất quan trọng, nên việc liên tục nâng cao chất lượng cũng như tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong quản lý và phát triển Ngành cần phải được quán triệt thực hiện. Mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học trong ngành Du lịch đã và đang gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên, không thể tránh khỏi được thiếu sót. Đó là hạn chế về chất lượng, tính sáng tạo, tính ứng dụng vào thực tiễn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, mạnh của Du lịch trên phạm vi toàn thế giới, chưa theo kịp được tốc độ phát triển ngành so với những nước trong khu vực cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu về hội nhập kinh tế, du lịch khu vực và quốc tế. Hoạt động nghiên cứu cơ bản nhìn chung chưa được chú trọng, công tác thông tin, tư vấn, đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả và chưa có những bứt phá xứng tầm.
– Hợp tác liên kết với quốc tế trong nghiên cứu khoa học còn hết sức hạn chế. Hầu như chưa hợp tác được với quốc tế để triển khai các dự án nghiên cứu khoa học. Ngành Du lịch chưa triển khai được hoạt động nghiên cứu khoa học nào thuộc Nghị định thư với các Chính phủ khác mà mới chỉ là những dự án nghiên cứu liên kết nhỏ lẻ.
Nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu khoa học trong công tác quản lý và phát triển ngành chưa cao do xuất phát từ những nguyên nhân thực tế như: đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về số lượng; khả năng huy động và liên kết trong các nghiên cứu khoa học còn chưa được phát huy tốt; quá trình chuyển giao sản phẩm nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trên thực tế chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phổ biến thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học chưa được đẩy mạnh và quan tâm đúng mực, dẫn đến khả năng ứng dụng bị bó hẹp. Kinh phí triển khai nghiên cứu còn hạn chế về mức chi và khả năng cho phép chi chưa thực sự sát với thực tế gây hạn chế chất lượng đề tài khoa học. Bên cạnh đó, cơ chế triển khai nghiên cứu khoa học còn bị động, chưa hỗ trợ tối đa tính sáng tạo, chủ động và đam mê khoa học cho nhà nghiên cứu, dẫn đến kết quả nghiên cứu chưa có được những bứt phá.
2. Nâng cao chất lượng và tính ứng dụng nghiên cứu khoa học trong quản lý và phát triển du lịch
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định một trong những quan điểm phát triển: “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”
Bên cạnh đó, những quan điểm lớn của Đảng về khoa học và công nghệ trong các nghị quyết 37 của Bộ chính trị (khóa IV), Nghị quyết 26 của Bộ chính trị (khóa VI), Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 7 khóa (VII), Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đều chỉ rõ: khoa học và công nghệ phải góp phần xây dựng luận cứ cho chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, cho các chính sách, quy hoạch, kế hoạch… cả ở tầm vĩ mô và vi mô; phải là công cụ đắc lực để đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, đưa lực lượng sản xuất phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền khoa học tiên tiến, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do vậy, việc nâng cao chất lượng và ứng dụng của công tác nghiên cứu khoa học là cần thiết, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hướng tới trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch, một số giải pháp cần được xem xét để sản phẩm và kết quả của công tác nghiên cứu khoa học thực đáp ứng được yêu cầu trong quản lý và phát triển ngành:
a) Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực Du lịch:
– Cần xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo dựng môi trường hỗ trợ thúc đẩy phát triển khoa học, khuyến khích tính chủ động, hạn chế và tiến tới loại bỏ sự bị động trong nghiên cứu khoa học; tạo cơ chế khuyến khích đam mê và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nhiệt huyết cho cán bộ có trình độ, khả năng; có hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với những nhà nghiên cứu tham gia nghiên cứu khoa học;
– Tăng cường đầu tư, ứng dụng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và tri thức, phương pháp quốc tế;
– Công tác tuyển chọn đề tài cần được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả. Chú trọng hơn đến vai trò, vị trí, tính chất, đặc điểm của ngành du lịch và yêu cầu phát triển của ngành trong bối cảnh hiện nay để làm căn cứ trong công tác tuyển chọn, xét chọn đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
– Nhanh chóng triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thuộc dạng Nghị định thư, nhằm một mặt khai thác các kinh nghiệm và trình độ nghiên cứu khoa học của quốc tế, mặt khác khai thác được những thông tin, xu hướng thị trường để sử dụng trong các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng.
– Gia tăng số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch. Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học để giải quyết những vấn đề nghiên cứu khoa học mang tính toàn diện, triệt để, có đóng góp lớn hơn về chất lượng đầu ra của sản phẩm khoa học.
b) Giải pháp nâng cao ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong quản lý phát triển ngành:
– Thực hiện hiệu quả và có định hướng công tác nghiệm thu, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cơ quan chủ quản, sau đó cần có những hoạt động phổ biến thông tin và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế phù hợp với công tác quản lý hay phát triển ngành;
– Đầu tư thêm kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học;
– Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin về sản phẩm nghiên cứu khoa học sâu rộng, tiết kiệm, hiệu quả; giao cho chủ nhiệm đề tài một phần trách nhiệm ứng dụng, triển khai kết quả đề tài sau nghiệm thu và báo cáo kết quả phù hợp.
– Bám sát các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển ngành, các chiến lược, chính sách, định hướng ngành mà chưa có những nghiên cứu cơ bản làm cơ sở cho các kiến thức triển khai thực tiễn để xác định các chủ đề và nội dung nghiên cứu.
– Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề nghiên cứu cơ bản để có cơ sở vững vàng cho các nghiên cứu ứng dụng khác cũng như đối với công tác quản lý và phát triển ngành.
– Nhìn rõ những vấn đề mang tính xu hướng, các chủ đề nghiên cứu giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển nhanh của kinh tế – xã hội mà du lịch là một lĩnh vực có nhiều tác động nhanh nhất, các vấn đề phát sinh nhiều và đa dạng về khái niệm, phương pháp nghiên cứu để xác định, tuyển chọn và đặt hàng cho các chủ đề nghiên cứu khoa học.
– Đi sâu vào các chủ đề giải quyết các mối quan hệ giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực có liên quan nhằm làm rõ các nguyên lý cơ bản và thúc đẩy tính ứng dụng kết quả trong liên kết phát huy vai trò các ngành, lĩnh vực liên quan, đảm bảo thực hiện phát triển ngành kinh tế tổng hợp là ngành du lịch.
Tóm lại, Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, có nhiều nội dung gắn kết với lĩnh vực văn hoá; là ngành phát triển non trẻ hơn so với nhiều ngành, lĩnh vực khác. Kết quả về chất lượng và tính ứng dụng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch chưa được như mong muốn, tuy vậy là các căn cứ rất quan trọng, đã đóng góp được nhiều cho công tác quản lý, phát triển ngành. Yêu cầu và đòi hỏi trước mắt đối với công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt gia tăng số lượng và chất lượng các công trình, tăng tính ứng dụng thực tiễn của ngành Du lịch là rất cao và cấp bách. Là lĩnh vực cần được quan tâm, ưu tiên triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học để từng bước nhưng cũng vững vàng tạo căn cứ cho quản lý nhà nước có các định hướng, chính sách đúng đắn đối mặt với nhu cầu phát triển và hội nhập hiện nay về Du lịch./.
Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch