Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số vấn đề trong phát triển du lịch bền vững đảo Phú Quốc, Kiên Giang

       PQĐảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, diện tích tự nhiên toàn bộ huyện đảo lên tới 593km2 trong đó đảo lớn nhất Phú Quốc rộng tới khoảng 589km2. Đảo Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, cách Rạch Giá 120km và cách Hà Tiên 45km. Về mặt hành chính, huyện đảo Phú Quốc gồm 2 thị trấn (Dương Đông và An Thới) và 8 xã.

       Phú Quốc, đảo Ngọc, được xác định là một trong những điểm đến giàu tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam, một tài sản quý báu của cả nước và trên thực tế Phú Quốc đã nổi lên thành một điểm đến thu hút khách mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

       Các chỉ tiêu hiện trạng phát triển du lịch chủ yếu của đảo Phú Quốc:

       Về khách du lịch: Trong 20 năm qua, từ 1995 tới 2015, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc tăng từ 1.106 người lên 164.934 người, khách nội địa tăng từ 3.437 lên 709.956 người, tổng lượt khách du lịch có lưu trú tăng từ 4.543 lên 874.890 người. Tỷ trọng thị trường khách quốc tế hiện ở mức khoảng 20%, giảm so với mức cao nhất 33% vào năm 2012.
    Do có nhiều chuyến bay trực tiếp đến Phú Quốc từ các thị trường lớn trong nước cũng như nước ngoài và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, nên thời gian lưu trú trung bình cũng giảm chỉ còn mức 2,5-2,6 ngày/khách.

       Về cơ sở lưu trú: Năm 1995 Phú Quốc có 3 cơ sở lưu trú (87 buồng), tăng lên 34 cơ sở (277 buồng) vào năm 2002; đến năm 2006 tăng lên 68 cơ sở với 1.312 buồng và đến năm 2015 đạt 176 cơ sở với tổng số 5.864 buồng khách sạn. Nhiều cơ sở đạt chuẩn 4-5 sao.
    Về thu nhập du lịch: nếu như năm 1995 doanh thu các cơ sở dịch vụ du lịch đạt 1,5 tỷ đồng, tăng lên 25,5 tỷ vào năm 2002, 138 tỷ vào năm 2007 thì đến năm 2015 đã đạt tới 2.163 tỷ đồng.

       Khai thác tài nguyên du lịch và Sản phẩm du lịch

       Phú Quốc có nguồn tài nguyên du lịch hết sức đa dạng, phong phú và đặc sắc, nổi trội nhất là tài nguyên du lịch biển đảo, vườn quốc gia, hệ thống núi, sông suối trên đảo, các hoạt động sản xuất nông nghiệp (vườn tiêu, xưởng nước mắm…) cũng như các tài nguyên du lịch nhân văn.

       Có thể nói, cho đến nay, hầu hết các tài nguyên du lịch của Phú Quốc đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù được khai thác rộng rãi và mạnh mẽ nhưng du lịch vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng của các tài nguyên, đặc biệt vấn đề khai thác hiệu quả và bền vững còn nhiều bất cập. Yếu tố môi trường, các tác động của phát triển nói chung, trong đó có du lịch, chưa được nhìn nhận đúng đắn nên sự phát triển còn ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu bền vững.

       Phú Quốc hiện cũng phát triển một số sản phẩm vui chơi giải trí mang tính chất nhân tạo cao như Safari Phú Quốc (nằm ngay giữa rừng quốc gia, diện tích 500ha), cáp treo…

       Về đầu tư phát triển du lịch: Nếu như trong cả giai đoạn 1997-2000 cả huyện đảo chỉ thu hút được 11 dự án đầu tư với tổng số vốn 32 tỷ đồng thì tính đến năm 2015, toàn huyện đảo có 197 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 180 nghìn tỷ đồng, trong đó có những dự án hết sức lớn, có quy mô lên tới hàng nghìn buồng khách sạn hoặc tương đương. Trong tổng số 197 dự án này có 27 dự án với tổng vốn đầu tư trên 21 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 12 dự án với tổng mức đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng đang triển khai xây dựng và 168 dự án với tổng mức đầu tư gần 130 nghìn tỷ đồng đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

       Cho đến năm 2003, tổng mức đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho Phú Quốc còn rất hạn chế, ở mức gần 44 tỷ đồng thì sau khi có Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đảo Phú Quốc, chỉ trong 8 năm, Chính phủ và tỉnh Kiên Giang đã huy động được gần 13 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng tại đảo Phú Quốc. Một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang được triển khai gồm:

       – Năm 2012 khánh thành sân bay Phú Quốc, tổng vốn đầu tư 3000 tỷ đồng
       – Năm 2014 khánh thành đường điện 110KV ra đảo Phú Quốc, tổng vốn đầu tư 2336 tỷ đồng
       – Phát triển hệ thống giao thông đường bộ: đang triển khai với tổng vốn đầu tư 5776 tỷ đồng

       Hiện nay hạ tầng Phú Quốc cũng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tư nhân, cảng hành khách Dương Đông đang được một nhà đầu tư tư nhân thực hiện với tổng vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng. Các nhà đầu tư tư nhân cũng sẵn sàng thầu quyền quản lý vận hành sân bay Dương Tơ.

       Về hiện trạng hạ tầng cơ bản đảo Phú Quốc
       Hiện trạng hệ thống hạ tầng của Phú Quốc được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua.

       Hạ tầng đầu mối giao thông đối ngoại gồm:

       – Sân bay Dương Tơ, năng lực 2,5 triệu khách/năm
       – Cảng An Thới, Bãi Vòng
       – Cảng hành khách Dương Đông đang được xây dựng
       – Hệ thống giao thông đối nội: đã hoàn thành trục giao thông chính Bắc – Nam đảo, tuyến đường vòng quanh đảo cũng sắp hoàn thành. Các trục ngang, nhánh xương cá và giao thông trong các thị trấn cũng được cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện.
       – Hạ tầng cấp điện: hiện Phú Quốc có đường dây 110KV nối với mạng quốc gia, trước đây có 3 tổ máy diesel. Hạ tầng mạng lưới tương đối hoàn chỉnh
       – Cấp nước: cả đảo lớn chỉ có 1 hồ chứa lớn nên nước ngọt là một trong những vấn đề lớn đối với phát triển Phú Quốc
       – Hạ tầng môi trường: hệ thống hạ tầng môi trường của Phú Quốc còn nhiều bất cập, nước thải và chất thải rắn chưa được xử lý và là nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý và các biện pháp bảo vệ môi trường ở mức độ cao nhất cần được nhanh chóng triển khai.

       Các chính sách phát triển Phú Quốc

       Bên cạnh các quy hoạch trong lĩnh vực du lịch của Phú Quốc kể trên, một số các nghiên cứu, văn bản có liên quan khác đến phát triển Phú Quốc cũng được Chính phủ ban hành, phê duyệt bao gồm:
       – Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với định hướng chính là phát triển đảo Phú Quốc thành một trung tâm du lịch và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới .
       – Quy chế hoạt động của Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Quy chế hoạt động nãy đã được điều chỉnh bổ sung thêm nhiều ưu đãi vào năm 2010 .
       Đến năm 2013, Chính phủ cũng đã cho phép Phú Quốc được hưởng một số cơ chế, chính sách hết sức đặc thù, ưu đãi nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển (ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo mức cao nhất, miễn thị thực 30 ngày…)
       Đến ngày 22 tháng 5 năm 2013, Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được thành lập là một bước đột phá quan trọng trong việc đổi mới thể chế tổ chức quản lý để Phú Quốc có thể chủ động hơn trong đầu tư phát triển.

       Về định hướng quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc

       Năm 2005 Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được lập nhằm xác định các định hướng xây dựng cho toàn huyện đảo. Quy hoạch chung xây dựng được điều chỉnh tổng thể vào năm 2010 và tiếp tục được điều chỉnh cục bộ vào năm 2015. Định hướng có thể thấy rõ trong các quyết định kể trên là thúc đẩy rất nhanh sự phát triển của Phú Quốc để có thể nhanh chóng mang lại các hiệu quả cho kinh tế khu vực và cả nước.

       Các vấn đề đối với phát triển du lịch Phú Quốc hiện nay:

       Có thể nói, du lịch Phú Quốc phát triển hết sức mạnh trong những năm vừa qua do các nguyên nhân chủ yếu sau:
       – Hình ảnh “điểm đến Phú Quốc” có sức hấp dẫn rất lớn đối với thị trường, đặc biệt thị trường trong nước

       – Tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú

       – Hệ thống hạ tầng (giao thông, cấp điện), cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ, giao thông tiếp cận Phú Quốc đã rất dễ dàng, thuận tiện

       Hệ thống cơ sở lưu trú (và bất động sản du lịch) đang thu hút mạnh mẽ đầu tư và sẽ còn phát triển rất mạnh trong những năm tới là thuận lợi đối với phát triển tăng trưởng dòng khách du lịch nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề về sức chứa, khả năng chịu tải môi trường, xã hội, định hướng phát triển bền vững lâu dài.

       Ngay từ những ngày đầu phát triển du lịch, vấn đề nguồn nhân lực đã là một trong những thách thức lớn nhất đối với Phú Quốc, thậm chí các chuyên gia du lịch quốc tế còn đề xuất xây dựng một trường nghiệp vụ du lịch Phú Quốc để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả chính quy và cộng đồng tại Phú Quốc. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với du lịch Phú Quốc và chưa có lời giải trong tương lai gần.

       Mặc dù có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, rất có tiềm năng, nhưng có thể nói là việc khai thác tài nguyên mới chỉ ở mức độ hết sức giản đơn, chưa phát huy được hết tiềm năng, giá trị của các tài nguyên. Do vậy hiệu quả khai thác còn thấp, tính bền vững không cao. Bên cạnh đó một số sản phẩm du lịch nhân tạo đã và đang có những tác động không nhỏ tới tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như môi trường hết sức nhạy cảm của đảo. Có thể nói, Phú Quốc có những resorts, khu nghỉ dưỡng hết sức cao cấp, nhưng chưa thành công trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp dựa vào thiên nhiên).

       Du lịch phát triển hết sức nhanh chóng nên có lẽ hệ thống hạ tầng môi trường không theo kịp, cùng với sự gia tăng dân số, đặc biệt là gia tăng cơ học đã gây ra những sức ép hết sức to lớn đối với môi trường tự nhiên đảo Phú Quốc. Sự tăng trưởng quá nhanh của dòng khách du lịch có lẽ cũng vượt quá khả năng thích ứng, tiếp nhận của cộng đồng dân cư địa phương, năng lực quản lý nên cũng đã gây ra những vấn đề về trật tự, an ninh xã hội của đảo. Có thể nói, cùng với Sa Pa, Phú Quốc là một trong những điểm đến có hình ảnh bị ảnh hưởng nhất do các biến động về xã hội, môi trường du lịch nhất trong cả nước. Hiện nay, xu hướng của thị trường khách đặc biệt cao cấp đã chuyển hướng về Côn Đảo.

       Như đã trình bày ở trên, với sự phát triển nóng của du lịch và dòng vốn đầu tư thời gian qua phần nào vượt khả năng chịu tải xã hội của địa phương nên đã có những ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh của du lịch Phú Quốc. Người dân địa phương và bộ máy quản lý chưa được chuẩn bị để có thể đón nhận một cách hiệu quả, tích cực các cơ hội kinh tế do du lịch mang lại, cũng như đối mặt với những vấn đề, thách thức về môi trường và xã hội trong quá trình phát triển.

       Các đóng góp của phát triển du lịch đối với cộng đồng chưa tương xứng, người dân chưa được tham gia hiệu quả vào chuỗi cung du lịch, chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận của du lịch với người dân và đóng góp cho cộng đồng.

       Du lịch phát triển hết sức nóng cũng như thị trường bất động sản gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống kinh tế – xã hội. Hiện tượng đầu cơ đất đai cũng phát triển mạnh mẽ cản trở các nỗ lực phát triển bền vững. Do giá đất trung bình tăng quá cao nên nhà đầu tư cũng phải tăng mật độ sử dụng đất do vậy sức ép đối với môi trường tự nhiên và xã hội ngày càng gia tăng.

       Hệ thống hạ tầng môi trường Phú Quốc chưa theo kịp nhịp độ phát triển của kinh tế, trong đó có du lịch do vậy chất lượng môi trường liên tục giảm sút có nguy cơ gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển bền vững của đảo.

       Với tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, và các ảnh hưởng từ khách du lịch cũng như các thành phần khác, môi trường xã hội, an ninh an toàn của Phú Quốc cũng bị ảnh hưởng đáng kể trong nhiều lĩnh vực: an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, băng đảng… trong khi chưa xây dựng được hệ thống quản lý phù hợp, hiệu quả.

       Với đặc thù của một đảo độc lập, Phú Quốc có hệ thống môi trường tự nhiên và xã hội hết sức nhạy cảm với tác động bên ngoài. Trong điều kiện phát triển từ những bước đầu tiên, Phú Quốc hoàn toàn có điều kiện xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện hình thành môi trường phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, với sức nóng của một điểm đến đầu tư được nhiều ưu đãi, với sức ép từ các nhà đầu tư, Phú Quốc đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng một nền móng cho sự phát triển vững chắc lâu dài.

       Đối với Phú Quốc, có thể thấy các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đã mang lại một lợi thế vô cùng to lớn, Phú Quốc chắc chắn phát triển, tuy nhiên vấn đề sẽ là Phú Quốc sẽ phát triển như thế nào, môi trường của Phú Quốc có phải trả giá cho các phát triển trước mắt không, đất nước và cộng đồng địa phương được hưởng lợi thế nào từ sự phát triển của Phú Quốc, sự phát triển của Phú Quốc có bền vững không, có đảm bảo duy trì đà phát triển lâu dài hay không? Thực tế cho thấy, trong phần lớn trường hợp, phát triển quá nhanh, đốt cháy giai đoạn trong thời kỳ đầu phát triển khó mang lại một kết quả bền vững khi các hệ thống quản lý, hệ thống xã hội, môi trường (là các hệ thống đòi hỏi có thời gian xây dựng vững chắc từng bước) không theo kịp tốc độ phát triển, khi đó các nhà đầu tư hướng tới các lợi ích ngắn hạn trong khi tài nguyên là giá trị hữu hạn và có thể sụt giảm, suy thoái rất nhanh nếu không được khai thác, ứng xử một cách phù hợp, được tôn trọng thích đáng.

       Như vậy, một số giải pháp quan trọng có thể đề xuất đối với Phú Quốc hiện nay là:

       – Nhanh chóng xây dựng hệ thống quản lý phát triển, trật tự an toàn xã hội, môi trường hiệu quả

       – Hoàn chỉnh quản lý môi trường đảo bảo gồm: hệ thống các chính sách, chế tài, quy định quản lý, hệ thống hạ tầng môi trường

       – Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an ninh an toàn, đặc biệt chú trọng vấn đề nâng cao nhận thức để người dân, và các cơ quan, tổ chức để toàn xã hội thực sự có ý thức và tự giác, tự nguyện đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội.

       – Xem xét, đánh giá lại các quy hoạch, dự án đặc biệt là về vấn đề môi trường, chú trọng đánh giá các tác động về tự nhiên, xã hội của dự án để ưu tiên các dự án mang lại hiệu quả cao cho xã hội, cho cộng đồng và có đóng góp cho bảo tồn.

       – Đặc biệt khuyến khích các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước… một trong các biện pháp có thể xem xét là nghiên cứu áp dụng “thuế môi trường” để có thể có các khuyến khích cho các dự án tốt.

       – Không khuyến khích các dự án phát triển mang tính nhân tạo cao, có ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của đảo .

       – Yêu cầu các nhà đầu tư có cơ chế chia sẻ lợi ích lâu dài với cộng đồng địa phương

       – Quy hoạch Phú Quốc theo hướng khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, phân đoạn phát triển để dành quỹ đất và cơ hội cho tương lai.

       – Có các biện pháp kiên quyết đối với các dự án có tác động tiêu cực với môi trường tự nhiên của Phú Quốc, đặc biệt là các dự án hướng tới lợi nhuận ngắn hạn.

       Chỉ khi có hệ thống quản lý hiệu quả, môi trường tự nhiên và xã hội được bảo đảm thì Phú Quốc mới có thể vừa phát triển, mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân mà vẫn tiếp tục được gọi là đảo Ngọc trong tương lai.

       Bài viết có sử dụng một số số liệu, thông tin của Sở VHTTDL Kiên Giang

       

    Bài cùng chuyên mục