Một số vấn đề lý thuyết cơ bản về du lịch đô thị
Đô thị là khu vực có chức năng phức tạp với các phân khu chức năng được phân định rõ ràng cả về chất lượng cuộc sống và đặc trưng chức năng (hành chính, kinh tế) riêng biệt. Khái niệm đô thị cũng được nhìn nhận và đánh giá dưới nhiều góc độ, tuy nhiên đều thống nhất ở 2 yếu tố đó là phạm vi chức năng và mức độ tập trung đông dân cư. Xét về định nghĩa đô thị, không có định nghĩa quốc tế tiêu chuẩn nào về khu vực “đô thị” hoặc dân số “đô thị” được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia có định nghĩa riêng và thu thập dữ liệu phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có đề cập tới 2 cách tiếp cận trong nỗ lực xây dựng một định nghĩa về “đô thị” như sau:
Cách tiếp cận WDR 2009: phương pháp này được Chomitz và cộng sự đề xuất và được Uchida và Nelson trình bày, xác định tất cả các khu định cư trên một quy mô dân số tối thiểu và mật độ dân số tối thiểu trong một khoảng thời gian đi lại nhất định bằng đường bộ. Cách tiếp cận này được sử dụng trong Báo cáo Phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới năm 2009.
Cách tiếp cận OECD: Đây là cách tiếp cận tương tự nhưng phức tạp hơn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Phương pháp của OECD bao gồm ba bước chính: xác định các lõi đô thị có mật độ dân cư liền kề hoặc liên kết cao; nhóm chúng thành các khu chức năng; và xác định từ nơi đón được phương tiện cộng cộng hoặc “lõi đô thị” của khu đô thị chức năng. OECD sử dụng cách cắt giảm quy mô dân số (50.000 – 100.000 người, tùy thuộc vào quốc gia) cũng như mật độ dân số (1.000 – 1.500 người trên mỗi km2) để xác định các lõi đô thị và sau đó chọn các khu vực mà từ đó có trên 15 % công nhân đi làm đến các vùng lõi của đô thị.
Cục Thống kê New Zealand (2006) sử dụng sáu tiêu chí để xác định ranh giới đô thị, bao gồm: 1) các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ; 2) tương tác văn hoá và giải trí; 3) phục vụ cơ bản cho các hoạt động kinh doanh chính và chuyên nghiệp; 4) mạng lưới giao thông công cộng hợp nhất; 5) tỷ lệ đi làm việc đáng kể đến và đi từ trung tâm; và 6) kế hoạch phát triển trong 20 năm tới, mở rộng lõi trung tâm.
Ở Việt Nam, Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2015 [4], khái niệm đô thị được xác định như sau:
“Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn”[4].
Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật [4].
Khái niệm đô thị có thể được hiểu là thành phố bao gồm cả nội thành và ngoại thành, thị xã bao gồm cả cả nội thị và ngoại thị. Như vậy mới đảm bảo quy mô và xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay.
Đặc điểm của đô thị
Hiện nay, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh, mạnh tạo nên sự thay đổi toàn diện đối với các đô thị trên thế giới. Hệ thống đô thị không chỉ tăng về số lượng mà xu hướng liên kết mở rộng phạm vi và các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch cũng tạo ra những chuỗi “đô thị toàn cầu”. Đặc điểm của đô thị được khái quát như sau:
– Đô thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật, đầu mối giao thông quan trọng của khu vực, địa phương hoặc cả nước. Đô thị là nơi tập trung các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, là đầu mối của nhiều cấp, nhiều ngành quản lý. Tùy theo vị trí của các loại đô thị mà sự ảnh hưởng tới các địa phương cũng có sự khác nhau.
– Đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ cao, mang nặng tính hợp cư. Đô thị càng lớn, mật độ dân số càng cao. Dân cư đô thị được hợp thành từ nhiều vùng, miền khác nhau. Trình độ dân trí đô thị không đồng đều, tính cố kết cộng đồng không cao.
– Các đô thị đặc biệt là các thành phố lớn có tiềm năng kinh tế mạnh mẽ. Sự tập trung cao của các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trên địa bàn thành phố cũng là những thách thức to lớn đối với hoạt động quản lý của chính quyền thành phố.
Đô thị vận động và phát triển không ngừng đặc biệt là trong xu hướng đô thị hóa, là nơi dễ tiếp nhận cái mới (đặc biệt là các trào lưu, xu hướng, cánh mạng công nghệ 4.0) điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành và phát triển du lịch đô thị.
– Đô thị là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng vật chất quan trọng như giao thông liên lạc, viễn thông, điện, nước, công trình xây dựng. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay tạo ra sự khác biệt nhất định giữa những đô thị cổ và các đô thị hiện đại “đô thị toàn cầu”. Ở một số đô thị vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa cơ sở hạ tầng và mức độ phát triển của đô thị.
– Đô thị có sự đan xen giữa khu vực đã đô thị hóa với các khu vực ngoại vi. Ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, điều này cũng tạo nên sự khác biệt về kết cấu hạ tầng cũng như vấn đề quản lý hành chính.
– Đô thị là trung tâm dịch vụ du lịch. Hệ thống dịch vụ tại đô thị thường đảm bảo về chất lượng và số lượng. Đô thị cũng được coi là trung tâm phân bổ luồng khách du lịch và điều phối dịch vụ du lịch đến các khu vực xung quanh.
– Đô thị cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề xã hội , tình trạng thất nghiệp, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội… thường xuyên diễn ra tình trạng quá tải tại các cơ sở đào tạo, y tế, giao thông…
Khái niệm du lịch đô thị
Du lịch đô thị được hình thành từ rất lâu trong lịch sử và đặc biệt phát triển khi có hiện tượng đô thị hóa. Con người đến với các đô thị, thành phố không chỉ để tham quan tìm hiểu mà còn mong muốn được trải nghiệm cuộc sống thành thị và những hoạt động ở đó. Những khu vực đô thị là điểm giao thoa của văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, văn học bao gồm cả những công trình, kiến trúc kỳ vĩ. Việc tập trung các công trình và đa dạng những hoạt động tại đây đã biến các đô thị trở thành điểm đến thu hút khách du lịch và đưa nhiều thành phố nổi bật trên bản đồ du lịch.
Trên thực tế, có rất nhiều khái niệm về du lịch đô thị. Mỗi nhà nghiên cứu lại nhìn nhận du lịch đô thị ở một góc nhìn khác nhau:
Du lịch đô thị là một thuật ngữ miêu tả nhiều hoạt động du lịch trong đó thành phố là điểm đến chính và địa điểm ưa thích.
Du lịch đô thị là một tập hợp các hoạt động được kết nối với nhau trong một bối cảnh nhất định (đặc biệt) và tạo điều kiện để thành phố thu hút khách du lịch (Law, 1994). Định nghĩa này không hoàn toàn dựa trên góc độ sản phẩm du lịch tại các đô thị nổi tiếng như Paris, London, New York.
Voultsaki (2000) khái quát: Du lịch đô thị được hiểu là hoạt động du lịch được phát triển ở một trung tâm đô thị; tại đó, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa thông qua khả năng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ du lịch có thể hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Một khái niệm khác, du lịch đô thị là việc khai thác các giá trị tài nguyên hoặc tổ chức các hoạt động du lịch nằm trong thành phố và thị trấn và được cung cấp cho khách đến từ nơi khác.
Du lịch đô thị là một hình thức du lịch nhằm đến thăm một thành phố trong khi đi du lịch cho các mục đích giải trí [27].
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định: Du lịch đô thị là các chuyến đi của khách du lịch tới các thành phố hoặc khu vực đông dân cư. Thời gian của chuyến đi thường khá ngắn (từ 1 đến 3 ngày) vì thế có thể nói du lịch đô thị thường gắn liền với thị trường đi nghỉ ngắn ngày. [21]
Hình 1.1: Các khu vực trong thành phố du lịch, được điều chỉnh và phát triển dựa trên Butenshow et all (1991), Nguồn: Page and Hall (2003), tái bản với sự cho phép của Pearson Education
Có thể nhận thấy, du lịch đô thị được hiểu trong trường hợp đô thị là đối tượng của khách du lịch. Những hoạt động chính của khách du lịch diễn ra trong nội tại của đô thị. Những hoạt động đó được diễn ra trên cơ sở khai thác nét văn hoá đô thị được thể hiện qua các công trình kiến trúc (kể cả tốt và ngược lại), kiến trúc – cảnh quan, ẩm thực, môi trường và người dân đô thị. Chính vì vậy, không gian của hoạt động du lịch là không gian của đô thị. Những hoạt động trong đô thị như không gian văn hoá, kiến trúc cảnh quan, môi trường, giao thông,v,v…vừa là sản phẩm vừa là chuỗi giá trị để khách du lịch thụ hưởng. Hiểu một cách đơn giản nhất, đô thị vừa là nguồn tài nguyên để phát triển sản phẩm du lịch vừa cung cấp hệ thống dịch vụ cho khách du lịch thụ hưởng những sản phẩm du lịch đó.
Rõ ràng để một đô thị có thể phát triển được du lịch đô thị thì trước hết đô thị đó phảỉ có những đặc điểm để khách du lịch tham quan, trải nghiệm như bản sắc văn hoá hấp dẫn khách, có không gian kiến trúc cảnh quan sinh động, hấp dẫn, có công trình kiến trúc đặc biệt ấn tượng, ẩm thực phong phú,… sau đó cần phải có hệ thống giao thông thuận tiện, có môi trường trong lành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh.
Như vây, trên cơ sở các phân tích, khái niệm du lịch được tổng hợp như sau: Du lịch đô thị được hiểu là các chuyến đi của khách du lịch tới các khu vực thành phố, đô thị với mục đích tham quan, trải nghiệm kết hợp với các hoạt động khác.
Mối quan hệ hai chiều giữa du lịch và thành phố: du lịch có thể là một cách để tiếp cận thành phố, đặc biệt kể từ khi phát triển các công nghệ truyền thông và giao thông. Và ngược lại thành phố cũng là một trong những nguồn lực đáng kể để thúc đẩy du lịch phát triển trong đó không phủ nhận đóng góp của du lịch đối với việc bảo tồn các giá trị của thành phố.
Các hình thức đa dạng của du lịch tại các khu đô thị bao gồm nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch văn hoá, du lịch kinh doanh, du lịch mua sắm, du lịch thể thao, thăm thân và bạn bè và du lịch giải trí [34]. Điều này là dấu hiệu tốt nhưng cũng cho thấy sự phức tạp của du lịch tại các thành phố, đô thị. Các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến: quy mô của thành phố, các yếu tố lịch sử và di sản, hình thái đô thị, chất lượng môi trường, vị trí địa lý và hình ảnh điểm đến … (Hình 1.1).
Hình 1.1 cho thấy việc kết hợp các yếu tố cơ sở vật chất phục vụ du lịch theo nhu cầu của khách khác nhau (theo các phân đoạn thị trường mục tiêu) sẽ đem đến những sản phẩm khác nhau tùy theo điểm mạnh của thành phố. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố phát triển du lịch toàn diện, thành phố cần có quy hoạch và định hướng khai thác cụ thể để một mặt tận dụng những lợi thế của mình trong cả giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa đồng thời có thể kết hợp với việc xây dựng và đầu tư phát triển thành phố để có các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao.
Đặc điểm của du lịch đô thị
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đặc điểm của du lịch đô thị được thể hiện khác nhau trong từng giai đoạn của quá trình phát triển. Về cơ bản, du lịch đô thị có một số đặc điểm như sau:
– Du lịch đô thị chỉ diễn ra trong không gian của đô thị; Không phải tất cả các đô thị đều có thể phát triển du lịch đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch đô thị vẫn có thể thực hiện đối với một số điểm đến không thuộc hệ thống đô thị;
– Du lịch đô thị vận động không ngừng và dễ tiếp nhận những xu hướng mới trong phát triển đô thị và du lịch do đó luôn có sự gắn kết giữa phát triển du lịch và quy hoạch phát triển thành phố
– Du lịch đô thị phát triển thường có sự kết hợp với các hoạt động thương mại và văn hóa;
– Đô thị vừa là tài nguyên du lịch vừa là nơi cung cấp hệ thống dịch vụ du lịch với chất lượng cao. Trong khuôn khổ điểm đến đô thị, số lượng, sự đa dạng và quy mô của các điểm tham quan đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch đô thị. So với các yếu tố môi trường tự nhiên, các yếu tố di sản văn hóa và các yếu tố dân cư được cho là quan trọng hơn trong phát triển du lịch đô thị.
– Du lịch đô thị chỉ là một trong nhiều hoạt động kinh tế trong phạm vi thành phố, đô thị. Vì vậy, nó cũng phải cạnh tranh với một số ngành công nghiệp khác về nguồn lực như nguồn lao động, đất đai…;
– Phát triển du lịch nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác;
– Du lịch đô thị phát triển có thể đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương;
– Khả năng kết hợp các nền tảng công nghệ thông tin hiện có để phát triển các thành phố thông minh có tính cạnh tranh, bền vững, tiếp cận và mang tính nhân văn hơn;
– Khách du lịch đô thị ngoài những đối tượng khách du lịch thuần túy người dân đang sinh sống trong khu vực. Một trong những đặc điểm của người dân ở đô thị đó là tính hợp cư do đó việc thu hút khách du lịch đến với mục đích thăm thân cũng rất có tiềm năng;
– Thị trường khách du lịch đô thị thường khá đa dạng và là những người có trình độ cao nên các yếu tố thu hút sẽ tập trung ở các thuộc tính di sản văn hóa của khu đô thị, thành phố hay thị trấn. Họ thường là những người lớn tuổi, đi du lịch thưởng ngoạn và thích các giá trị di sản văn hóa lịch sử; những người trẻ tuổi, những người thường bị thu hút bởi yếu tố mới lạ của môi trường đô thị bên cạnh các yếu tố giải trí, sự kiện thể thao, cuộc sống về đêm; những người khách du lịch kinh doanh tham dự các hội nghị, hội thảo, chương trình khuyến thưởng và các chương trình triển lãm.
Mối quan hệ cung – cầu trong du lịch đô thị
Mối quan hệ Cung – Cầu trong du lịch đô thị cũng tuân thủ đầy đủ các đặc trưng của mối quan hệ này trong du lịch, tuy nhiên, nó cũng thể hiện một số khía cạnh phức tạp do đặc trưng về điểm đến và phân khúc thị trường. Về cơ bản, Cung trong du lịch đô thị bao gồm các giá trị sản phẩm và dịch vụ hoàn chỉnh có thể tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định nhằm đáp ứng cầu du lịch tại các đô thị, thành phố. Các thành phần của cung du lịch đô thị bao gồm: tài nguyên tự nhiên, các giá trị văn hóa, di sản đặc trưng, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các phương tiện vận chuyển du lịch và nguồn nhân lực du lịch tại đô thị.
Cầu trong du lịch đô thị thường bao gồm các đặc điểm tâm lý và hành vi tiêu dùng, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng thu nhập, xu hướng đi du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch ưa thích, … của các thị trường khách du lịch. Trong đó, các yếu tố chủ yếu được sắp xếp như sau: nhu cầu thiết yếu (có liên quan đến những nhu cầu bình thường của con người), nhu cầu đặc trưng (thể hiện nhu cầu về dịch vụ, sản phẩm để đáp ứng mục đích đi du lịch của khách du lịch) và nhu cầu bổ sung (những nhu cầu phát sinh trong quá trình đi du lịch, đảm bảo việc trải nghiệm được thực hiện một cách thuận lợi và dễ dàng). Cầu đối với du lịch đô thị được nhận diện dựa trên việc nhận diện đối tượng khách du lịch, các yếu tố động lực du lịch và sở thích và một số yếu tố khác. Trong đó nhu cầu tiêu dùng cũng được nhìn nhận đối với các đối tượng sau đây: dân cư trong thành phố, đô thị, dân cư ở khu vực lân cận và khách du lịch, khách hội thảo và những người làm việc trong thành phố. Đối với đô thị, thành phố, cầu về du lịch có yêu cầu cao hơn và với nhu cầu đặc trưng cũng thể hiện sự khác biệt hơn, có yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng và có sự lựa chọn về loại hình. Như vậy, có thể thấy, cầu trong du lịch đô thị cần có sự xem xét, lựa chọn các nguồn lực, các cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ trong đô thị, thành phố để đảm bảo không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng theo đúng chức năng phân khu, nhu cầu sử dụng của dân cư trong thành phố và nhu cầu của khách du lịch trong mối tương quan với việc phân tích tâm lý và tập quán tiêu dùng của các thị trường khách du lịch.
Phân tích mối quan hệ cung-cầu đối với du lịch đô thị không đơn giản bởi thành phố, thị trấn, đô thị là khu vực đa chức năng, bên cạnh đó mục đích đi du lịch lại luôn thay đổi, để hiểu được những vấn đề trong mối quan hệ cung cầu cần đánh giá một cách tổng thể trong mối quan hệ với các yếu tố sinh thái, chính trị, xã hội, văn hóa và các yếu tố khác. Đặc điểm mối quan hệ cung-cầu trong du lịch đô thị bao gồm:
Cung du lịch đô thị hạn chế về số lượng, mang tính chất cố định không thể di chuyển, còn cầu du lịch đô thị lại phân tán. Các sản phẩm du lịch chỉ được sản xuất theo sự tiêu thụ của khách du lịch trong một thời gian ngắn với yêu cầu về chất lượng cao, mang tính khách biệt.
Cầu du lịch du lịch đô thị mang tính chất tổng hợp, tập trung vào nhiều sản phẩm và dịch vụ của nhiều lĩnh vực khác nhau trong hệ thống kinh tế chung của đô thị, thành phố, trong khi mỗi đơn vị kinh doanh du lịch chỉ đáp ứng một hoặc một vài phần của cầu du lịch (lưu trú, vận chuyển, ăn uống). Bên cạnh đó việc thông tin, quảng cáo của cung du lịch cũng được thể hiện dưới nhiều góc độ, trong đó, sự tập trung cho một thương hiệu doanh nghiệp đôi khi được chú trọng hơn cho một điểm đến.
Cung và Cầu du lịch đô thị có xu hướng chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố môi trường bên ngoài (chính trị, công nghệ, dịch bệnh)
Chất lượng và số lượng của các yếu tố cung du lịch đô thị là những nhân tố sống còn trong việc xác định sự thành công của du lịch. Vì vậy, từ góc độ cung du lịch đô thị cũng yêu cầu một sự hiểu biết sâu sắc về cầu trong đó bao gồm những hiểu biết về tính chất và đặc trưng của khách du lịch để phát triển những khu vực, sản phẩm du lịch phù hợp trong thành phố và đầu tư phát triển những điểm du lịch mới tăng cường tính hấp dẫn của thành phố và lợi ích cho khách du lịch. Hơn nữa, việc nhận diện quy mô của thành phố với tiềm năng du lịch là một thử thách lớn trong phát triển du lịch. Vì vậy, nhìn nhận mối quan hệ cung cầu trong du lịch đô thị sẽ hỗ trợ cho việc quy hoạch đô thị được thực hiện trong sự hòa hợp tối đa với sự phát triển du lịch và giải quyết các xung đột có thể phát sinh trong quá trình phát triển [2].
Thông qua mối quan hệ cung và cầu được thể hiện trong sản phẩm du lịch, sự liên kết giữa các yếu tố động lực đa dạng và thường xuyên thay đổi với những yếu tố hấp dẫn của các thành phố, đô thị cần đã được khẳng định và thực hiện một cách khéo léo và mang tính liên tục có sự kế thừa.
Tài liệu tham khảo:
I. Tài liệu tiếng Việt
1. Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Tạp chí “Đô thị Việt Nam” (6/2013, 4/2016), Tài liệu lưu hành nội bộ.
2. Nguyễn Văn Lưu, (2008), Thị trường du lịch, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Đoàn Tranh, “Đô thị và định hướng phát triển đô thị hiện đại tại Việt Nam”, Trường đại học Duy Tân. http://kqtkd.duytan.edu.vn/uploads/ dothivadacdiemdothitaivietnamdoantranh.pdf
4. Quốc hội (2015), Luật Quy hoạch đô thị năm 2015.
5. Quốc hội (2016), Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về Phân loại đô thị.
6. Quốc hội (2017), Luật Du lịch 2017.
7. UBTVQH, Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13 về Phân loại đô thị,
8. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, (2018), Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch đô thị, thực trạng và giải pháp phát triển”.
II. Tài liệu tiếng Anh
9. Allan Beaver (2005), A Dictionary of Travel and Tourism Terminology, Second edition, CABI Publishing.
10. Amalia BĂDIŢĂ, “Approaches to the analysis and evaluation of urban tourism system within urban destinations” University of Craiova, Geography Department, Romania, Journal of tourism, studies and research in Tourism, issue 16.
11. Costas Spirou (2011), Urban tourism and urban change cities in a Global Economy, Routledge
12. Deborah Edwards; Tony Griffin Bruce Hayllar (2008), “Urban tourism research, developing an Agenda”, University of Technology Sydney, Australia; Annals of Tourism Research, Vol. 35, No. 4, pp. 1032–1052.
13. G.J. Ashworth (11 Nov 2014), “Is There n Urban Tourism?” Pages 3-8 Published online: http://dx.doi.org/10.1080/02508281.1992.11014645.
14. Gregory Ashworth a, Stephen J (2011), “Urban tourism research: Recent progress and current paradoxes” Page b, Tourism Management 32.
15. Juliane Adamietz, (2012), “Urban tourism and waterfronts: Exploring the case of Auckland waterfront development” (Du lịch đô thị và các khu vực cảng biển: Nghiên cứu trường hợp phát triển tại khu vực cảng Auckland), Luận văn thạc sỹ du lịch và khách sạn, Trường đại học kỹ thuật Auckland
16. Judith Ruetsche, “Urban tourism what attacts visitors to cities”, Let’s Talk, Business E-newsleter, Issue 117, May 2006, ngày truy cập 24/6/2018
17. Law, C.M., “Urban Tourism and its Contribution to Economic Regeneration, Urban Studies”, Vol 29 (3,4), str.599-618.
18. Mike Biddulph (2011), “Urban design, regeneration and the entrepreneurial city”, School of City and Regional Planning, Cardiff University, Glamorgan Building, Kind Edward VII Avenue, Cardiff, CF10 3WA, United Kingdom, Elsevier, Progress in planning, 76, page 63-103.
19. Ruth Gragg (April 2008), “Tourism and urban regeneration: an analysis of visitor perception, behavior and experience in the quay in Salfords”, Partial Fulfilment of the Requirements of the Degree of Doctor of Philosophy.
20. Selin Yıldız and M. Tolga Akbulut, (2013), “Current trends in developing urban tourism”, Archnet-IJAR, Volume 7 – Issue 2 – July 2013 – (297-310) – Selected Papers
21. UNWTO, (2012), Global report on city tourism, AM Report: Volume six, Marid, Spain
22. UNWTO and CICtourGUNE (2014), Global benchmarking for city tourism measurement, AM report, volume 10, Affiliate members report.
23. https://www.weforum.org/agenda/2015/06/whats-the-definition-of-urban.
24. http://www.dictionary.com/browse/urban-tourism.
25. https://www.igi-global.com/dictionary/urban-tourism/60237.
26. https://fyi.uwex.edu/downtowneconomics/files/2012/08/urban-tourism.pdf.
27. https://ceopedia.org/index.php/Urban_tourism.
28. http://www.businessdictionary.com/definition/urban.html.
Lan Hương