Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số vấn đề liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch tỉnh An Giang

       angiang ha   Với ai đã từng biết đến An Giang thì chắc không thể không đắm mình đón mùa nước nổi ở rừng tràmTrà Sư, Búng Bình Thiên hay từng trải bước chân của mình trên núi Cấm, núi Sam và đặc biệt không thể quên xứ mắm Châu Đốc. Mảnh đất phương Nam đầy tiềm năng ấy vẫn luôn hấp dẫn du khách bởi nhưng trải nghiệm dân dã, chân chất của vùng sông nước Cửu Long. Theo các số liệu thống kê của tỉnh, giai đoạn 2011 – 2015, lượng khách du lịch đến An Giang tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu tăng 17%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành du lịch đạt 4%/năm. Hàng năm, An Giang đón trên 6 triệu lượt khách. Không thể phủ nhận ngành du lịch An Giang đã đạt được nhiều thành tựu không nhỏ, nhưng những kết quả ấy vẫn chủ yếu đạt được là nhờ vào khai thác yếu tố “thiên tạo” mà chưa có nhiều dấu ấn của yếu tố “nhân tạo”. Vì thế, đây chính là bài toán đặt ra với những người làm du lịch và yêu du lịch An Giang với mục tiêu đánh thức và tạo bước khởi đầu cho những bước tiến mới để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của của tỉnh và khu vực. Vấn đề quan trọng hàng đầu đã được nêu lên và thu hút nhiều sự quan tâm chính là vấn đề phát triển sản phẩm du lịch.

       An Giang là tỉnh có rất nhiều lợi thế trong phát triển sản phẩm du lịch. Về vị trí địa lý, Tỉnh có chung 104 km đường biên giới với Campuchia về phía Bắc và Tây Bắc, chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp với chiều dài 107,628 km, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ, phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang 44,734 km. Mặt khác tỉnh An Giang nằm gần vùng du lịch Đông Nam Bộ, cách trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là 231km. Đây là điều kiện quan trọng cho việc hình thành và phát triển các loại hình du lịch và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với An Giang.
       Về tài nguyên tự nhiên, địa hình An Giang có những đặc điểm nổi bật so với địa hình đồng bằng rộng lớn vùng Tây Nam Bộ là sự xen kẽ giữa địa hình đồng bằng châu thổ và đồi núi; vùng đất địa linh “Bảy Núi – Thất Sơn” có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo và huyền thoại bí ẩn thu hút nhiều khách tham quan. Địa hình đồng bằng có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong, nhiều tiềm năng sinh thái để phát triển các loại hình du lịch gắn liền với cù lao sông nước, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái miệt vườn, đây là những cơ sở cho việc xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch. An Giang nằm ở vị trí hạ lưu của sông Mekong, với các hệ thống sông Tiền, sông Hậu chảy qua, nhiều kênh rạch tự nhiên và kênh đào tạo nên mạng lưới thủy văn với mật độ cao nhất so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển các loại hình du lịch liên quan đến sông nước như du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch chợ nổi cũng như có nguồn lợi thủy sản dồi dào cung cấp cho khách du lịch.
       An Giang có hệ sinh thái đa dạng và phong phú với nhiều hệ động thực vật có giá trị như: Thảm thực vật đất ngập nước bưng trũng; thảm thực vật đồi núi; thảm thực vật ven sông rạch; thảm thực vật nổi, trong đó có hệ sinh thái rừng Tràm tại Trà Sư, Núi Cấm.
       Về tài nguyên du lịch nhân văn, An Giang có nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, trong đó có 27 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 48 di tích xếp hạng cấp tỉnh; An Giang có 17 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán lễ hội đặc trưng cho từng dân tộc, nhiều lễ hội đã đi vào đời sống tâm linh của cộng đồng và được tổ chức hàng năm. Theo thống kế toàn tỉnh có tổng cộng 41 lễ hội, gồm các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng; trong đó có 1 lễ hội thuộc cấp Bộ quản lí, 6 lễ hội thuộc cấp tỉnh quản lí; một số lễ hội tiêu biểu là: Lễ hội Bà Chúa Xứ, hội đền Nguyễn Trung Trực, lễ hội Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, lễ hội Hát Gi, hội đua bò dân tộc Khmer,…

    angiang duong

    Lễ Bà Chúa Xứ Núi Sam – Nét Tín Ngưỡng Tâm Linh Vùng Châu Đốc

       Một số định hướng chính trong phát triển sản phẩm du lịch của An Giang
       Từ những lợi thế về tài nguyên, An Giang cần tập trung phát triển các các dòng sản phẩm du lịch sau để có thể khai thác tốt nhất tài nguyên du lịch, tạo ra sản các sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có của tỉnh, qua đó xây dựng được thương hiệu và lợi thế cạnh tranh của du lịch tỉnh An Giang với các địa phương còn lại trong vùng:
       + Dòng sản phẩm du lịch gắn với lễ hội:
       An Giang là địa phương đã phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc rất thành công. Một số sản phẩm du lịch gắn với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; Lễ Đôn-ta – hội đua bò Bảy Núi, Lễ Chôl-chhnăm-thmây của dân tộc Khmner Lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên;…đã trở lên nổi tiếng và thu hút nhiều du khách. Đặc biệt Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Hàng năm, Khu Di tích văn hóa – lịch sử và du lịch Núi Sam đón tiếp khoảng 4 triệu lượt khách, chiếm khoảng 60% tổng lượng khách đến An Giang, đóng góp rất lớn về kinh tế, xã hội và việc làm cho người dân địa phương.
       + Dòng sản phẩm du lịch sinh thái ngập nước
        An Giang có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái mà đặc biệt là sinh thái ngập nước. Với sự thành công của Khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm Trà Sư đã gây dựng được thương hiệu nhất định. Tiềm năng khai thác thị trường du lịch này là tương đối lớn. Vấn đề đặt ra là tạo ra được một sản phẩm đặc thù của tỉnh, tránh trùng lắp với các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng ĐBSCL vốn đã rất phổ biến.

    angiang duong1

    Tour du lịch tại rừng tràm Trà Sư thu hút khách

       + Du lịch cộng đồng
       Những năm gần đây, tỉnh An Giang đang tích cực đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng và đã tạo được nhiều điểm đến hấp dẫn. Trong đó có một số điển hình tốt như xã Mỹ Hoà Hưng nằm trên Cù lao Hổ giữa sông Hậu, thuộc địa phận TP. Long Xuyên. Nhờ những cách làm sáng tạo, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình thuần nông sang làm du lịch cộng đồng khá thành công, qua đó cao đời sống, góp phần phát triển du lịch địa phương. Những mô hình du lịch cộng đồng như xã Mỹ Hòa Hưng cần được phổ biến và nhân rộng tại các địa phương có lợi thế phát triển loại hình du lịch này ở An Giang.
       + Du lịch thể thao sông nước
       Phát triển du lịch thể thao sông nước hiện nay đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch, đặc biệt là những khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm, trở về với tự nhiên. An Giang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này nhờ vào lợi thế tỉnh có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Ngoài ra, tỉnh có nhiều người Khmner sinh sống với lễ Hội đua ghe ngo tại kênh Trà Sư, huyện Tịnh Biên thu hút nhiều vận động viên tranh tài và du khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Bên cạnh loại hình thể thao truyền thống như đua ghe ngo, An Giang có thể phát triển thêm các loại hình du lịch thể thao sông nước hiện đại như: Chèo thuyền kayak, mô tô nước, xuồng su, dịch vụ kéo dù bay…

    angiang duong2

    Đua ghe ngo trên kênh Trà Sư – Lễ hội của người Khmner

       + Du lịch ẩm thực
       Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng. Những món ăn như gỏi sầu đâu, mắm ruốc Châu Đốc, Tung lò mò, Bánh phồng Phú Mỹ,…là những món ăn yêu thích của du khách mỗi lần đến An Giang. Phát triển du lịch ẩm thực vừa đa dạng hóa sản phẩm cho du lịch An Giang, vừa tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm du lịch của tỉnh.
       + Du lịch biên giới
       Du lịch đường bộ giữa các quốc gia có chung đường biên giới đang có xu hướng phát triển mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu và giá nhiên liệu tăng cao. An Giang có 108 km đường biên giới chung với Campuchia, đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch biên giới đường bộ giữa Việt Nam với Campuchia, tạo điều kiện hội nhập, hợp tác và phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo,…
       Một số vấn đề đặt ra trong khai thác và phát triển sản phẩm du lịch An Giang
       Sản phẩm du lịch An Giang chưa tạo dựng được một thương hiệu mạnh
    Ngành du lịch được định hướng sẽ trở thành là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang, đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP và tạo ra nhiều việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, những nhà quản lý du lịch An Giang cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến rõ ràng và mang tính dài hạn nhằm tạo sức bật cho ngành công nghiệp không khói quan trọng này.
       Du lịch An Giang đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hình ảnh về du lịch An Giang đã bắt đầu được biết tới trên thị trường trong nước. Được đánh giá là một trong những tỉnh có triển vọng tăng trưởng du lịch cao trong vùng và cả nước, thế nhưng du lịch An Giang vẫn chưa tạo được một sản phẩm du lịch mang tầm vóc thương hiệu của tỉnh và của vùng. Điều cơ bản mà du lịch của tỉnh đang thiếu là tính chuyên nghiệp. Sự thiếu chuyên nghiệp đó thể hiện ở nhiều khâu, trong đó có khâu phối kết hợp thiếu hiệu quả của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch, từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển đến siêu thị, cửa hàng lưu niệm và các điểm du lịch. Một vấn đề khác trong xây dựng thương hiệu du lịch tại An Giang là có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng không xây dựng được quảng bá tốt dẫn đến không có nhiều du khách biết đến. Trong khi đó nhiều sản phẩm du lịch đã rất nổi tiếng như Khu du lịch Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư,.. thì sau quá trình phát triển mạnh nhưng không tự làm mới lại hình ảnh của mình đã dẫn đến sự đơn điệu và nhàm chán đối với du khách. Vấn đề đặt ra đối với mỗi sản phẩm hay điểm đến của An Giang là cần làm tốt công việc quản trị thương hiệu đối với sản phẩm của mình.

       Cần phải dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang

       Trước hết, cần nhìn nhận việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm mang ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp và điểm đến, bởi nó có mối quan hệ trực tiếp với sự hài lòng của khách hàng, tới thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp hay điểm đến. Thứ hai, việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm có thể tăng lợi thế với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Thứ ba, do yêu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm du lịch ngày càng cao, giá rẻ không còn là tiêu chí hàng đầu đối với du khách mà thay vào đó là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự đa dạng mới là những yếu tố quyết định. Thứ tư, phải cải tiến sản phẩm du lịch để phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại, thị trường du lịch cũng như các thị trường khác luôn tuân theo quy luật cung cầu. Ở đó, người tiêu dùng hay khách du lịch đóng vai trò quyết định việc nhà sản xuất hay kinh doanh sẽ phải sản xuất hay kinh doanh mặt hàng nào theo thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó thị trường luôn có những thay đổi mang tính chất xu hướng, có thể dự báo được.Vì vậy cần dự báo, nắm bắt các xu hướng mới của thị trường trong tiêu dùng du lịch để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả. Thứ năm, việc đa dạng hóa sản phẩm phần nào giúp khắc phục, hạn chế những tác động do tính mùa vụ trong du lịch đem tới. Từ đó giúp tăng tính hiệu quả trong khai thác du lịch cũng như chất lượng phục vụ và giảm những tác động không tốt đến môi trường tại các điểm du lịch. Nhìn lại cả năm nhân tố trên có thể thấy sản phẩm du lịch của An Giang thực sự cần cải cách mạnh mẽ cả về sự đa dạng lẫn chất lượng sản phẩm để theo kịp sự phát triển.
       Thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch
       Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, hiện nay sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, các khu vui chơi giải trí ít về số lượng, đơn điệu về chất lượng và nghèo nàn về chủng loại, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc về sản phẩm đặc thù của du lịch An Giang.
       Những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua viêc nâng chất lượng khách sạn, nhà hàng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ vui chơi, giải trí mới chưa thực sự hiệu quả do nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn hẹp. Bài toán đặt ra là cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng, chứ không nên chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách eo hẹp của địa phương. Chính quyền địa phường cần năng động trong việc kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư. Cần xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh chóng và chuyên nghiệp, xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho du lịch để mời gọi các nhà đầu tư.
       Liên kết phát triển sản phẩm du lịch
       Về liên kết phát triển sản phẩm du lịch, đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vùng ĐBSCL” đã được Bộ VHTTDL triển khai đầu năm 2015 đã xác định An Giang năm trong khu vực liên kết giữa các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang – đây là các địa phương chiếm hơn 70% lượng du khách toàn vùng). Thứ hai, liên kết phát triển phát triển sản phẩm sản phẩm du lịch là liên kết quan trọng trong 5 nội dung liên kết của đề Án. Vì vậy, An Giang cần tập trung hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố này đây xây dựng các tour tuyến du lịch mới mới, tạo ra “chuỗi giá trị ngành du lịch” và đặc biệt là chuỗi “sản phẩm du lịch đặc thù”. Bên cạnh việc liên kết phát triển sản phẩm với các địa phương trong vùng, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh – thị trường gửi khách quan trọng và liên kết với Campuchia, Thái Lan để tạo thành các tuyến du lịch quốc tế cũng là vấn đề mà An Giang cần phải quan tâm, đẩy mạnh.
       Một số kiến nghị với cơ quan quản lý du lịch An Giang về vấn đề quản lý chiến lược sản phẩm du lịch
       Trên cơ sở những đánh giá và nhận định chung, sau đây là một số gợi ý trong quản lý đối với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch:
       – Cần đầu tư xây dựng hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phản ảnh phần nào chất lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. An Giang cần đầu tư nâng cấp tuy nhiên cần có sự chọn lọc, đánh giá để phối hợp nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia và tránh lãng phí trong quá trình xây dựng cũng như bảo đảm tính toàn vẹn của môi trường và tài nguyên.
       – Cần xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh An Giang cho giai đoạn từ nay đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch một cách cơ bản, dài hạn và có lộ trình.
       – Cần xây dựng (hoặc áp dụng) các bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch trong quản lý hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
       – Cần xây dựng hoặc áp dụng các bộ công cụ quản lý chất lượng du lịch (tham khảo các bộ công cụ TQM, SERVQUAL, CRIT,…) trong quản lý, điều hành, cần xây dựng giải thưởng du lịch để vinh danh, khuyến khích các doanh nghiệp đã tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, có nhiều đóng góp cho hoạt động du lịch của tỉnh, cần có chế tài xử lý vi phạm với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không đạt chuẩn, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu du lịch của tỉnh.
      – Cần nâng cao vai trò của Sở VHTTDL và Trung tâm xúc tiến du lịch trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước.
       – Cần nâng cao vai trò đầu mối của cơ quan quản lý du lịch (Ban chỉ đạo của tỉnh về du lịch; sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong việc tập trung hoạch định chính sách phát triển sản phẩm du lịch cho từng địa phương trong tỉnh, khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các điểm đến mới, sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, có nhiều tiềm năng phát triển.

     

    Tài liệu tham khảo
    1, Quyết định số 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
    2, Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016″ của Bộ VHTTDL về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″
    3, Quyết định 1008/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”
    4, Tổng cục Du lịch, Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển Du lịch Vùng Đông bằng Sông Cửu Long”
    5, TS. Võ Quế – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, “Biến đổi khí hậu và phát triển du lịch tỉnh An Giang”
    6, TS. Đỗ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, “Kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch một số nước trong khu vực và trên thế giới”
    7, Tổng cục Du lịch, “Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang”, http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/17921
    8, Tổng cục Du lịch, Du lịch “An Giang vẫn chưa khai thác hết tiềm năng”, http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/7571
    9, Du lịch An Giang đang chuyển mình, http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20170111/Du-lich-An-Giang-dang-chuyen-minh.aspx

    Văn Dương – QLKH

    Bài cùng chuyên mục