Hội thảo Đề tài cấp cơ sở 2015: “Một số tác động từ hội nhập ASEAN và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu phát triển du lịch”
Ngày 02/12/2015, tại Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã diễn ra buổi Hội thảo xin ý kiến về đề tài cấp cơ sở “Một số tác động từ hội nhập ASEAN và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu phát triển du lịch”. Chủ nhiệm đề tài là nghiên cứu viên Hà Thị Hương Giang, Phòng QLKH&HTQT.
Tham gia buổi hội thảo có TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPTDL, TS. Trương Sỹ Vinh Phó Viện trưởng, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng, các thành viên hội đồng khoa học, lãnh đạo các phòng ban và đông đảo cán bộ chuyên môn của Viện.
Ngày 22/11/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó đáng chú ý là sự ra đời của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hang hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động, là cơ sở để nâng cao tuinhs cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo ra sự hấp hẫn đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài. Du lịch ASEAN được xác định là một trong 12 lĩnh vực được ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong ASEAN và là một trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối. Nhiều nội dung hội nhập trong AEC đã và đang được triển khai sẽ có những tác động mạnh sau khi AEC chính thức thức được thành lập. Bước chuyển biến này kéo theo những ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành kinh tế dịch vụ dễ bị tổn thương, rạo ra nhiều thay đổi quan trọng, có cả thời cơ lẫn thách thức. Từ đó có thể thấy, đề tài “Một số tác động từ hội nhập ASEAN và những vẫn đề đặt ra trong nghiên cứu phát triển du lịch” tuy là đề tài cấp cơ sở nhưng có ý nghĩa lớn, việc nghiên cứu xác định những tác động từ việc hội nhập khu vực để đón đầu cơ hội và chuẩn bị đối phó với thách thức là rất cấp thiết.
Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã trình bày một cách sơ lược vấn đề nghiên cứu, đặt vấn về tính cấp thiết, lịch sử nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và giới hạn của đề tài. Tiếp theo, chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung chính của đề tài gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan về hội nhập ASEAN trong lĩnh vực du lịch; Chương 2: Tác động từ hội nhập ASEAN tới du lịch Việt Nam; Chương 3: Những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập; Chương 4: Một số đề xuất nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập.
Sau phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, các đại biểu dự hội thảo đã tích cực thảo luận về các vấn đề ưu, nhược điểm của đề tài, các vấn đề cần phải sửa chữa bổ sung. Đa phần các đại biểu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đặc biệt về mặt logic của đề tài. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng khoa học cũng đưa ra vài ý kiến đóng góp để đề tài hoàn thiện hơn. Thứ nhất, về mặt bố cục đề tài nên rút gọn xuống còn 3 chương thay vì 4 chương đối với một đề tài cấp cơ sở. Thứ 2, nên xác định lại phạm vi nghiên cứu là những tác động của hội nhập ASEAN từ sau khi thành lập cộng đồng ASEAN thay vì phạm vi từ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 sẽ làm phạm vi nghiên cứu quá rộng. Thứ 3, đề tài nên giới hạn tác động của hội nhập ASEAN đối với ba chủ đề chính là thị trường, sản phẩm và nhân lực du lịch. Thứ 4, đề tài cần tiếp thu các kết quả nghiên cứu của các đơn vị khác, thành viên hội thảo cũng giới thiệu cho chủ nhiệm đề tài một số công trình nghiên cứu liên quan để chủ nhiệm đề tài tham khảo thêm.
Kết thúc buổi hội thảo, chủ nhiệm đề tài cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, giá trị của các đại biểu tham dự góp phần bổ sung và hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu.