Một số gợi ý về chính sách đối với phát triển du lịch làng nghề
Nghề thủ công truyền thống ở nước ta trong lịch sử phát triển đã từng hưng thịnh là nguồn sinh kế chính của các làng, bản hay tộc người. Trong tiến trình công nghiệp hóa đến ngày nay, nhiều nghề truyền thống tự nó khó tồn tại được, một số đã mai một hoặc biến mất. Nhưng với bề dày lịch sử, sự đa dạng và đậm sắc văn hóa đặc trưng bởi truyền thống chăm chỉ, sáng tạo, khéo léo của người Việt Nam, đến nay ở nước ta vẫn lưu truyền nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo. Gắn với nghề truyền thống là không gian văn hóa, lối sống của làng, lịch sử hình thành và phát triển của nghề, nghệ nhân và những sản phẩm thủ công tinh xảo. Các làng nghề còn lại nay trở thành những địa chỉ vô vùng hấp dẫn đối với du khách trên các tuyến hành trình. Trên nền tảng sức sống của nghề truyền thống, du lịch làng nghề đã xuất hiện như một sinh kế mới song hành cùng với nghề thủ công truyền thống và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.
Không thể phủ nhận sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của các làng nghề Việt Nam nhưng cho đến nay hoạt động du lịch tại làng nghề ở hầu hết các địa phương vẫn chưa phát triển, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Nguyên nhân trực tiếp có thể thấy rõ là những trở ngại về điều kiện tiếp cận điểm du lịch làng nghề, thị trường, thông tin, xúc tiến và hơn hết là sự kết nối với doanh nghiệp lữ hành cùng với những hạn chế về năng lực đón tiếp phục vụ du lịch của cộng đồng dân cư làng nghề…dẫn tới sản phẩm du lịch làng nghề vẫn chưa thuyết phục đươc nhà đầu tư bằng giá trị tăng thêm. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách tập trung tháo gỡ những rào cản và mở đường cho du lịch làng nghề nhằm vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương vừa nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bình diện vĩ mô.
Sự hấp dẫn du lịch của làng nghề
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có trên 2.790 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề. Nhưng hiển nhiên không hẳn làng nghề nào cũng đủ sức hấp dẫn để đón khách du lịch và trở thành điểm du lịch làng nghề. Những làng nghề tiêu biểu có sức hấp dẫn và trở thành những điểm đến trong chương trình du lịch hấp dẫn như: nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà Đông), nghề gốm ở Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), mây tre đan Phú Vinh, thêu Văn Lâm, chạm khảm Chuôn Ngọ (Hà Nội); gò đồng Đại Bái, Mộc trạm khảm Đồng Kỵ (Bắc Ninh); vàng bạc Châu Khê (Hải Dương); đúc đồng Ý Yên (Nam Định); điêu khắc đá Non Nước; làng nghề thêu, đúc đồng Huế, gốm Phước Tích, Thanh Hà; làm đèn lồng Hội An; đúc đồng Phước Kiều, gốm Kim Bồng, làng trống Lâm Yên (Quảng Nam); rượu Bàu Đá (Bình Định); thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận); dệt thổ cẩm Châu Phong (Tân Châu), dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang); gốm Vĩnh Long; sứ Lái Thiêu Bình Dương; kẹo dừa và sản phẩm từ dừa Bến Tre, v.v…
Những làng nghề có sức hấp dẫn và thu hút được khách du lịch là bởi:
– Thứ nhất, Làng có nghề truyền thống với giá trị đặc sắc, tinh túy của các sản phẩm nghề thủ công nổi tiếng từ bao đời nay. Trong lịch sử hình thành nghề một thời hưng thịnh đã từng là nguồn sinh kế chính của địa phương (làng) và lan tỏa gần xa, lưu truyền nhiều đời. Những sản phẩm thủ công truyền thống được người tiêu dùng mến mộ có tiếng tăm một thời. Đến nay sản phẩm ấy vẫn đầy ắp giá trị tinh túy và du khách có thể tiếp cận, cảm nhận, mua dùng hay lưu niệm.
– Thứ hai, Không gian văn hóa làng nghề trở thành hấp dẫn khi cuộc sống của người dân ngày càng văn minh phản chiếu bề dày lịch sử phát triển và lối sống, nếp sinh hoạt, tập tục… gắn với đời sống sản xuất, tiêu thụ và niềm tự hào về những sản phẩm nghề thủ công của làng; không gian cảnh quan, trật tự, an toàn xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp tạo nên vẻ đẹp riêng có và sự huyền bí của Làng thôi thúc người ta tìm hiểu ngọn ngành về những giá trị ẩn chứa trong không gian văn hóa toàn thể của Làng mà một cá nhân, gia đình, dòng họ hay doanh nghiệp đơn thuần không thể tạo dựng được.
– Thứ ba, Nghệ nhân là yếu tố quyết định đến sự lưu truyền nghề và làm sáng tỏ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nghề và sản phẩm nghề truyền thống. Tổ nghề và các thế hệ nghệ nhân tạo dựng lên văn hóa nghề và kho báu nghề đồng thời truyền đạt cho các thế hệ sau và du khách.
– Thứ tư, Những giá trị di sản gắn với làng và nghề: lễ hội làng nghề hàng năm trở thành truyền thống; truyền thuyết, giai thoại, điển tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của nghề; những di tích, dấu ấn gắn với con người, nghệ nhân, địa danh, lễ hội… tất cả những giá trị ấy đã kết tinh thành động lực cuốn hút du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm thực tế.
– Thứ năm, sự kết nối giữa làng nghề với các điểm hấp dẫn khác lân cận bổ khuyết cho làng nghề làm tăng mức độ hấp dẫn cho làng nghề
Như vậy, vấn đề đặt ra là trong số vô vàn làng nghề ở nước ta thì làng nghề nào và ở đâu? có sức hấp dẫn đủ lớn để có thể đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch làng nghề.
Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trong số 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012 chỉ có khoảng 7,3% tham quan các làng nghề và trong số 32,5 triệu lượt khách nội địa có khoảng 2,8%. Như vậy, rõ ràng dù có nhiều làng nghề hấp dẫn nhưng những làng nghề ở nước ta vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Như thế cho thấy, du lịch đến làng nghề hiện nay (ở khía cạnh tương đối) vẫn chưa có lãi cho doanh nghiệp và chưa gia tăng giá trị trải nghiệm nhiều cho du khách. Vấn đề cốt yếu chính là sản phẩm du lịch làng nghề chưa được đầu tư phát triển trở thành điểm nhấn nổi bật trên các tuyến hành trình.
Về quan điểm, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, sản phẩm du lịch làng nghề phải dựa trên (khai thác được) sự hấp dẫn của nghề và văn hóa của làng (thế mạnh và sự độc đáo của văn hóa bản địa). Điều đó được hiểu (quan điểm 3D):
– Dân phải sống được bằng nghề; Dân phải sống tốt hơn nhờ làm du lịch bên cạnh làm nghề trong làng;
– Du khách phải cảm nhận được giá trị độc đáo của làng nghề, yêu thích đón nhận sản phẩm làng nghề, hài lòng khi đến làng nghề
– Doanh nghiệp thu lợi tăng thêm từ việc tổ chức hoạt động du lịch đến làng nghề
Theo cách tiếp cận đó, sản phẩm du lịch làng nghề cần đáp ứng những điều kiện sau:
(1) làng nghề với 5 yếu tố hấp dẫn nêu trên;
(2) điều kiện hạ tầng tiếp cận làng nghề thuận tiện;
(3) dịch vụ chính (giới thiệu, thuyết trình, trưng bày, trình diễn, trải nghiệm trực tiếp, lễ hội, lưu niệm…) + dịch vụ cơ bản (ăn, nghỉ, đi lại…) + dịch vụ bổ trợ (thông tin, vệ sinh, an toàn…);
(4) con người (người dân) với nhận thức, kỹ năng và thái độ tự tôn
(5) kết nối với nếp sống, sinh hoạt thường nhật của làng
(6) nghề và sản phẩm của nghề được thị trường biết đến, đánh giá và kỳ vọng (đã và luôn là thương hiệu mạnh) biểu hiện bằng sự mong đợi của du khách.
(7) có khả năng sinh lời dựa vào giá trị trải nghiệm tăng thêm cho khách với vai trò của thông tin trước, trong và sau khi đến làng nghề
Như vậy, muốn phát triển sản phẩm du lịch làng nghề cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng vào từng yếu tố nêu trên, tác động tập trung vào 5 đối tượng: nghề – làng – người – thông tin- dịch vụ
Xúc tiến du lịch làng nghề
Xúc tiến du lịch làng nghề là quá trình đẩy nhanh việc đưa sản phẩm du lịch làng nghề đến với thị trường thông qua hoạt động du lịch. Hay nói cách khác, tăng cường thu hút khách du lịch đến làng nghề. Sự xuất hiện các luồng khách du lịch đến làng nghề trở thành yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của du lịch làng nghề. Do vậy, xúc tiến du lịch làng nghề có vai trò vô cùng quan trọng, là chìa khóa để giải bài toán phát triển du lịch làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa và toàn cầu hóa như hiện nay.
Do tính chất của làng nghề hình thành trên cơ sở tập hợp các gia đình, dòng họ có nghề trong làng mà không phải là một tổ chức kinh tế có cấu trúc chặt chẽ. Vì vậy, thông tin, hình ảnh để quảng bá chung cho làng và nghề không thể thực hiện bởi từng gia đình, dòng họ đơn lẻ mà chỉ có thể thực hiện được thông qua 1 tổ chức đại diện chính quyền, hợp tác xã hay tổ đội sản suất. Mặt khác, đối tác của làng nghề là doanh nghiệp lữ hành với chương trình du lịch đến làng nghề, có vai trò chính trong việc xúc tiến sản phẩm du lịch đến làng nghề đó.
Đến nay, những nỗ lực xúc tiến cả từ phía cộng đồng làng nghề hay từ phía doanh nghiệp lữ hành còn rất yếu ớt. Nguồn lực đầu tư cho xúc tiến du lịch của làng nghề hầu như không có do chưa tạo ra cơ chế tạo nguồn lực đầu tư cho xúc tiến từ giá trị tăng thêm. Trong khi doanh nghiệp lữ hành thường mới dừng ở xúc tiến phần “ngọn” thông tin về sản phẩm cụ thể, chương trình du lịch cụ thể đến làng nghề. Như thế, việc đầu tư xúc tiến tổng thể về hình ảnh, thương hiệu du lịch làng nghề vẫn chưa thể có được; vẫn chưa có chủ thể nòng cốt đứng ra để thực hiện. Một số làng nghề có hội nghề hay hội du lịch làng nghề, tổ chức xã hội khác (phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh…) nhưng hoạt động của các tổ chức này không thể chuyên nghiệp, hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước với cơ chế ràng buộc quyền lợi với trách nhiệm. Cơ chế tạo động lực khuyến khích vai trò chủ động của từng gia đình, dòng họ làm nghề truyền thống và làm du lịch và luôn gắn kết với doanh nghiệp lữ hành.
Như vậy, Nhà nước cần hỗ trợ xúc tiến du lịch làng nghề thông qua các tổ chức đại diện của cộng đồng dân cư làng nghề trong mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.
Những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển du lịch làng nghề
Trước những năm 2000, làng nghề Việt Nam ít được chú trọng gìn giữ và phát triển, chỉ có một số làng nghề làm hàng xuất khẩu cho các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) là có việc làm tương đối ổn định; nghề truyền thống dần bị mai một và chuyển dần sang nghề mới. Những năm gần đây, làng nghề và du lịch làng nghề được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và đề ra những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề và khai thác phát triển du lịch làng nghề thể hiện trong các Nghị quyết, văn bản pháp quy, chương trình phát triển có tính chất chung liên ngành gắn với nghề thủ công truyền thống, nông thôn, nông dân, du lịch, văn hóa… mà chưa có chính sách cụ thể chuyên về khuyến khích du lịch làng nghề. Những chính sách sát với thực tế yêu cầu phát triển du lịch làng nghề như đào tạo chuyển đổi nghề, phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá du lịch làng nghề, hỗ trợ hạ tầng du lịch làng nghề… vẫn còn vắng bóng. Nhiều chính sách còn chung chung, có quá nhiều chính sách dẫn tới chồng chéo trong khi không chỉ ra nguồn lực và cơ chế động lực cho việc thực thi. Do vậy tính khả thi của chính sách không cao, hiệu ứng còn mờ nhạt.
Từ yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và đòi hỏi công tác xúc tiến du lịch làng nghề; qua đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống chính sách phát triển du lịch làng nghề những năm qua, có thể nhận diện những vấn đề đặt ra mà chính sách phát triển làn nghề cần tập trung giải quyết về (1) Nghề ; (2) Làng ; (3) Người, (4) Thông tin và (5) Dịch vụ:
(1) Nghề: những vấn đề về bảo tồn, khôi phục, truyền nghề, phát huy giá trị, biến dạng, mai một, nguy cơ biến mất, vấn đề về bản quyền, sử hữu trí tuệ, sản phẩm nghề và lưu niệm; làm tăng tính hấp dẫn của Nghề
(2) Làng: những vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng nghề, quy hoạch, quản lý không gian văn hóa, lễ hội làng nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, hiếu khách, hình ảnh, tinh thần và thương hiệu Làng nghề; làm tăng tính hấp dẫn của Làng nghề
(3) Người: những vấn đề về tôn vinh Tổ nghề, nghệ nhân, đào tạo thế hệ trẻ, kỹ năng nghề và kỹ năng du lịch (quản lý, đón tiếp và phục vụ khách), kỹ năng thuyết trình, diễn giải, truyền tải giá trị và tạo sự khâm phục; vấn đề về việc làm, chuyển đổi nghề; giao lưu văn hóa, tinh thần tự tôn về Nghề và Làng;
(4) Thông tin: những vấn đề về phát huy giá trị ẩn chứa trong Nghề, Làng và Người chuyển biến thành Thông tin truyền tải tới thị trường hiện tại và tiềm năng; thông tin quảng bá chung, làm sáng tỏ giá trị, thông tin diễn giải, lưu giữ, trưng bày làm gia tăng giá trị trải nghiệm và xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm du lịch làng nghề và thông tin tiếp thị thu hút khách.
(5) Dịch vụ: Những vấn đề từ hệ thống hạ tầng tiếp cận điểm; dịch vụ lữ hành khơi thông dòng khách tới làng nghề; tổ chức cung cấp dịch vụ độc đáo, đa dạng, chất lượng; không gian trưng bày, cảnh quan và kết nối với các điểm hấp dẫn khác lân cận; vấn đề về chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng cư dân làng nghề
5 nhóm vấn đề trên cần thực hiện một cách đồng bộ. Tùy thuộc đặc điểm cụ thể từng làng nghề và nguồn lực khả thi mà người làm chính sách cần xác định và lựa chọn nội dung ưu tiên có tính chất chìa khóa, tháo gỡ nút thắt và tạo động lực kích thích (cầu) tiêu dùng du lịch tại làng nghề và xuất khẩu tại chỗ. Thông qua đó kinh tế làng nghề phát triển nhờ hoạt động du lịch đến làng nghề.
Thực tế hiện nay, du lịch làng nghề tồn tại nhiều hạn chế rõ nét như:
– Nhiều nghề truyền thống đã mai một, không còn nguyên vẹn, đặc sắc như trước; sản phẩm đã bị biến tướng do nguyên liệu và công cụ và con người thực hiện thay đổi nhiều, chịu tác động nhiểu của cuộc sống mới thay đổi, sản phẩm công nghiệp tràn ngập… làm mất đi giá trị tinh túy của nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống;
– Làng nghề được phục hồi, có hoạt động du lịch nhưng quản lý kém dẫn tới ô nhiễm môi trường không kiểm soát được; không gian cảnh quan và văn hóa làng nghề không được bảo tồn, không phát huy được giá trị dẫn tới sản phẩm du lịch làng nghề còn đơn điệu, giá trị thấp; ở nhiều nơi chủ yếu dựa vào du lịch để tiêu thụ hàng hóa mà không làm cho khách hiểu và trải nghiệm được giá trị của làng nghề
– Nghệ nhân không còn nhiều, truyền nghề khó thành công, kỹ năng năng du lịch còn yếu kém
– Dịch vụ đón tiếp, phục vụ khách du lịch đến làng nghề còn đơn sơ, giá trị gia tăng thấp và chưa kết nối với các điểm hấp dẫn khác
– Thông tin quảng bá du lịch làng nghề chưa làm rõ giá trị của làng nghề, chưa đưa hình ảnh làng nghề đến được với thị trường
Một số gợi ý về chính sách phát triển du lịch làng nghề
Từ những tồn tại hạn chế, yếu kém nêu trên của du lịch làng nghề hiện nay cho thấy chính sách của Nhà nước liên quan đến làng nghề và du lịch làng nghề tuy đã có, thậm chí khá nhiều Nghị quyết, Nghị định, văn bản chỉ đạo, điều hành nhưng hiệu ứng của chính sách chưa tới đích. Yêu cầu đặt ra là cần thực thi những chính sách cụ thể, bám sát yêu cầu từ thực tế thị trường và theo cách tiếp cận phát huy nguồn lực và thế mạnh vốn có để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Theo đó, một số gợi ý về chính sách có thể xem xét dưới đây nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề:
– Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới về kinh tế, hạ tầng, văn hóa, xã hội, đào tạo, việc làm… đặc biệt đối với các làng nghề hấp dẫn có tiềm năng đón khách du lịch; cần hướng tới xây dựng đời sống văn hóa, lối sống văn minh, môi trường xanh-sạch-đẹp, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, vệ sinh, an ninh, an toàn và môi trường du lịch thân thiện tại các làng nghề. Có thể áp dụng chính sách cụ thể đối với làng nghề đón tiếp và phục vụ một lượng khách nhất định chẳng hạn 100.000 lượt khách/năm trở lên thì được tôn vinh và hưởng những lợi ích trong các chương trình khuyến công, khuyến nông, văn hóa, môi trường, việc làm…
– Thứ hai, chính sách bảo tồn làng nghề truyền thống thông qua du lịch; thực hiện chính sách khuyến khích mỗi làng một sản phẩm du lịch đặc trưng dựa vào nghề truyền thống: hỗ trợ về thuế, miễn thuế, cho vay ưu đãi (lãi xuất zero); hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn, chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng hướng dẫn, thuyết trình, kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách, phát triển du lịch cộng đồng;
– Thứ ba, thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước về bảo vệ môi trường đối với làng nghề, đặc biệt đối với làng nghề đón khách du lịch; thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt tác động môi trường; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường chung của làng;
– Thứ tư, chính sách đầu tư: thực hiện ưu đãi đầu theo địa bàn đối với làng nghề; tập trung đầu tư vào khôi phục nghề truyền thống, đầu tư tăng cường năng lực cán bộ quản lý; đào tạo nghề; chuyển đổi nghề nông nghiệp sang dịch vụ, bảo vệ môi trường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm; đầu tư vào hạ tầng tiếp cận điểm hấp dẫn làng nghề; đầu tư cho nhà trưng bày, đón tiếp, trình diễn, đào tạo thuyết minh viên; khuyến khích đầu tư sản xuất hàng lưu niệm, dịch vụ địa phương phục vụ khách du lịch; hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp lữ hành có chương trình đưa khách du lịch tới làng nghề;
– Thứ năm, các chính sách hỗ trợ về thông tin, quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và hỗ trợ xây dựng thương hiệu du lịch làng nghề; hỗ trợ làng nghề tiếp cận thị trường quốc tế về xuất khẩu và thu hút khách du lịch; hỗ trợ quảng bá lễ hội, hội chợ làng nghề hàng năm;
– Thứ sáu, chính sách quản lý liên ngành gắn với quản lý theo lãnh thổ phát huy vai trò chủ động của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp ở cơ sở; đảm bảo thống nhất đầu mối quản lý theo ngành, lĩnh vực giữa ngành công thương, nông nghiệp, du lịch, môi trường…
– Thứ bảy, chính sách quản lý theo quy hoạch, kiểm soát chất lượng đối với các dịch vụ liên quan đến du lịch làng nghề, giải quyết hợp lý quan hệ lợi ích giữa lữ hành và làng nghề, tạo cơ chế khuyến khích cho du lịch làng nghề phát triển; khuyến khích du lịch dựa vào cộng đồng, các gia đình, dòng họ;
– Thứ tám, chính sách công nhận, tôn vinh nghệ nhân, tổ nghề, sản phẩm, dịch vụ kiểu mẫu; tôn vinh lễ hội nghề truyền thống, hội làng và khuyến khích những thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống gắn với du lịch.
– Thứ chín, chính sách liên kết giữa nhà nước, nhà đầu tư, làng nghề và doanh nghiệp du lịch. Theo đó, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ tạo môi trường đầu tư tốt để các ngân hàng, nhà đầu tư cho vay hoặc đầu tư trực tiếp vào các nghề truyền thống, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu và đầu tư vào hệ thống dịch vụ du lịch tại làng nghề.
Kết luận
Làng nghề trên phạm vi cả nước rất đa dạng và có giá trị hấp dẫn, đã và đang thu hút khách du lịch. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng, văn hóa, môi trường… ở các vùng nông thôn và các làng nghề, trong đó có du lịch làng nghề. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn chưa tìm đúng nút thắt để giải quyết và thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển. Qua phân tích yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và xúc tiến du lịch làng nghề, đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Một số gợi ý về chính sách hỗ trợ của nhà nước nhắm vào giải quyết 5 nhóm vấn đề (Nghề truyền thống; Làng có nghề truyền thống; Người dân; Thông tin và Dịch vụ đón tiếp và phục vụ du lịch làng nghề) được đề xuất với kỳ vọng từng bước nâng cao sức hấp dẫn của du lịch làng nghề, tạo những điểm nhấn về du lịch làng nghề, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam./.
(Tham luận tại Hội thảo Giải pháp phát triển kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch thỉnh Quảng Nam tổ chức tại Quảng Nam 10/2013)