Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số định hướng phát triển du lịch tỉnh Lai Châu trong giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

      Khonggian LaiChau 1. Vị trí du lịch tỉnh Lai Châu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

       1.1. Vị trí du lịch tỉnh Lai Châu đối với du lịch Tây Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước

       Tỉnh Lai Châu là một trong những cửa ngõ phía Tây Bắc của du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và du lịch Việt Nam.

       Lai Châu nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ theo hướng Đông Nam – Tây Bắc (QL32, 4D); vòng cung Tây Bắc (QL 12, QL 4D…). Từ Lai Châu có thể kết nối đi lại bằng đường bộ đến với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, các tỉnh Thượng Lào và cầu nối đến các nước ASEAN, Vân Nam (Trung Quốc).

       Lai Châu được coi là “địa đầu” của Tổ quốc. Lãnh thổ tỉnh có phía Đông và Đông Bắc giáp Lào Cai, Yên Bái; phía Nam và Tây Nam giáp Điện Biên và Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tỉnh Lai Châu có đường biên giới dài 265,095 km với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng đang được xây dựng thành khu kinh tế cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại và dịch vụ du lịch của tỉnh. Lai Châu nằm không gian hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) vì vậy giữ vị trí quan trọng đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.

       Đứng về góc độ du lịch, nhờ vị trí địa kinh tế quan trọng, du lịch Lai Châu nằm trong không gian du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và không gian Hà Nội -Lào Cai – Côn Minh qua các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia:

       – Vòng cung phía Bắc: Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai – qua các tỉnh vùng Đông Bắc (theo hệ thống quốc lộ 4 A,B,C,D, quốc lộ 12).

       – Hành lang Đông – Tây: Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai – Yên Bái – Tuyên Quang – Bắc Cạn – Thái Nguyên – Bắc Giang – Quảng Ninh (theo quốc lộ 279).

       – Hành lang trung tâm: Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc) (theo quốc lộ 70 và đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai).

       – Vòng cung Tây Bắc: Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Hà Nội (theo hệ thống quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 32).

       1.2. Những giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch tỉnh Lai Châu:

       Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đánh giá Lai Châu là một trong những địa phương được có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả tự nhiên và nhân văn:

       – Về tự nhiên: Nổi bật là thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với nhiều cảnh quan hấp dẫn, đa dạng sinh thái cao, các đỉnh núi cao xấp xỉ 3000 m.v.v trong đó điển hình là đỉnh Phan Xi Păng (3.143 m)…Đây là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái và thể thao khám phá.

       – Về văn hóa: Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc với nhiều bản sắc văn hóa khác nhau thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, văn hóa dân gian, kiến trúc nghệ thuật..được bảo tồn, lưu giữ tại các bản vùng cao có sức hấp dẫn khách du lịch tham quan, tìm hiểu.

       Tiềm năng tài nguyên du lịch Lai Châu cho phép phát triển các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng riêng, hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, khám phá kết hợp với du lịch tham quan nghiên cứu trải nghiệm; về tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; về mặt tâm linh.
    Ngoài ra, Lai Châu có đường biên giới quốc gia và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc trong đó cửa khẩu Ma Lù Thàng là tiềm năng phát triển du lịch biên giới, thương mại, công vụ…

    Laichau

       2. Thực trạng phát triển du lịch Lai Châu đến năm 2015

       Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch Lai châu phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước.

       Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.

       Năm 2015, du lịch Lai Châu đón gần 183,5 nghìn lượt khách (trong đó gần 23,5 nghìn lượt khách quốc tế) so với năm 2010 tăng hơn 2 lần (năm 2010 đạt 90 nghìn lượt khách). Thu nhập từ du lịch đạt trên 274 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 (năm 2010 đạt 76,5 tỷ đồng).

       Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho trên 4.500 lao động. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những điểm đến thu hút khách như động Tiên Sơn, Tam Đường…

       Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa…đang dần khẳng định được giá trị và thương hiệu của riêng mình.

       Tuy nhiên, du lịch Lai Châu phát triển vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thoả đáng; phát triển chưa có bước đột phá; sản phẩm du lịch mờ nhạt, nghèo nàn chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tốc độ phát triển chung tuy nhanh nhưng kết quả cuối cùng vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

       Theo kết quả đánh giá 5 năm (2011-2015) của ngành thực hiện Chiến lược đến năm Việt Nam 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên bình diện chung, du lịch Lai Châu đứng thứ 8/14 trong vùng và thứ 45/63 tỉnh thành cả nước về khách du lịch quốc tế; 14/14 và thứ 52/63 tỉnh thành cả nước về khách nội địa; thứ 9/14 trong vùng và thứ 45/63 tỉnh thành cả nước về về tổng thu từ du lịch.

       Có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản như sau:

       – Là tỉnh miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng dịch vụ thấp.

       – Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức, ý thức về du lịch của cộng đồng còn hạn chế…

       – Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển du lịch.

       – Thiếu đội ngũ lao động có tay nghề, tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động du lịch.

       – Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn yếu.

       3. Định hướng phát triển du lịch Lai Châu trong giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

       Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển trong đó có du lịch Lai Châu.

       Để nắm bắt những vận hội mới, hòa nhập với khu vực, trên cơ sở đánh giá về vị trí, tiềm năng và khả năng khai thác phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Lai Châu thời kỳ mới phát triển với những định hướng chủ yếu sau:

       3.1. Về quan điểm phát triển: Thực hiện theo 4 quan điểm sau:

       a) Phát triển nhanh theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.

       b) Phát triển du lịch Lai Châu trong mối liên hệ vùng, cả nước để phù hợp với định hướng phát triển du lịch chung và phát huy vai trò liên kết.

       c) Phát triển đồng thời du lịch văn hóa và sinh thái với việc lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn và tiền đề phát triển du lịch văn hóa.

       d) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch.

       3.2. Về mục tiêu phát triển: Phấn đấu để đến năm 2020, du lịch Lai Châu cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung; đưa du lịch Lai Châu phát triển ngang tầm khu vực và cả nước.

       a) Khách du lịch: Năm 2020 thu hút 35 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 250 nghìn lượt khách nội địa; Năm 2030 thu hút 100 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 450 nghìn lượt khách nội địa.

       b) Tổng thu từ du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 540 tỷ đồng (26,3 triệu USD); Năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng (80,5 triệu USD).

       c) Cơ sở lưu trú: Năm 2020 đạt 1.300 buồng; Năm 2030 đạt 2.800 buồng lưu trú. Trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lương 3 sao trở lên chiếm 10-25% theo từng giai đoạn phát triển.

        3.3. Thị trường khách du lịch

        a) Khách du lịch quốc tế:

       – Dòng khách thứ nhất: Là dòng khách từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng. Đây là dòng khách chủ yếu của du lịch Lai Châu;

       – Dòng khách thứ hai: Từ Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc – Na Son của Điện Biên đi Lào Cai (theo quốc lộ 12 và 4D);

       – Dòng khách thứ ba : Khách từ Hà Nội lên là dòng khách lẻ, hiện chủ yếu là đi lẻ theo nhóm (“Tây ba lô” và khách du lịch “phượt”);

       b) Khách du lịch nội địa: Được tập trung khai thác chủ yếu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, từ các địa phương trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ…, khách du lịch công vụ từ Hà Nội và các đô thị lớn.

       3.4. Sản phẩm du lịch:

       a) Dòng sản phẩm du lịch nghỉ d¬ưỡng, chữa bệnh: Du lịch nghỉ dư¬ỡng luôn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt đối với khách nội địa. Ngoài ra cần đẩy mạnh phát triển các tour du lịch chữa bệnh cho khách tại tỉnh kết hợp với vui chơi giải trí và ẩm thực.

       b) Dòng sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu, tâm linh: Loại hình du lịch này khá đa dạng, tuy nhiên cần phát triển các sản phẩm phục vụ cho du lịch văn hoá – lịch sử, tham quan di tích, các làng nghề truyền thống, các bản văn hóa. Loại hình du lịch này phát triển phục vụ mọi đối tượng khách trong và ngoài nước.

       c) Dòng sản phẩm du lịch thể thao, khám phá: Bao gồm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, trong đó cần chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch phục vụ cho du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…Đây là các loại hình và sản phẩm du lịch ưa thích của đa số khách du lịch quốc tế và đang ngày càng hấp dẫn khách du lịch nội địa nhất là lứa tuổi thanh niên.

       d) Dòng sản phẩm du lịch thương mại, công vụ, sự kiện: Loại hình này chú trọng phát triển cả cho khách quốc tế và nội địa nhờ lợi thế của cửa khẩu Ma Lù Thàng, thành phố Lai Châu.

       3.5. Phát triển các khu, điểm du lịch

       1/ Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi ở Sìn Hồ (Sìn Hồ);
       2/ Khu vui chơi giải trí tổng hợp thị xã Lai Châu kết hợp Bản văn hoá du lịch bản Hon (Thị xã Lai Châu, Tam Đường);
       3/ Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Vàng Pó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng;
       4/ Khu du lịch đèo Hoàng Liên gắn với du lịch sinh thái hang động Tiên Sơn, bản văn hoá du lịch Hồ Thầu, Bản văn hoá du lịch Bản Bo và Bản văn hoá du lịch Nà Tăm (Tam Đường);
       5/ Khu du lịch sinh thái Tà Tổng kết hợp sinh thái hồ Nậm Hằng và điểm tham quan điểm di tích lịch sử Lê Lợi, du lịch lòng hồ sông Đà Mường Tè – Nậm Nhùn);
    Tiếp tục nghiên cứu phát triển các khu du lịch phụ trợ khác như :
       6/ Khu du lịch sinh thái hồ Huổi Quảng (Than Uyên)
       7/ Khu du lịch sinh thái hồ bản Chát (Than Uyên);
       8/ Khu du lịch hang dơi Hua Bum (Mường Tè);
       9/ Khu di tích lịch sử cách mạng bản Lướt (Than Uyên);
       10/ Khu du lịch nghỉ dưỡng mỏ nước nóng Mường Khoa (Than Uyên);
       11/ Khu du lịch nghỉ dưỡng mỏ nước nóng Pắc Ma (Mường Tè);
       12/ Khu du lịch sinh thái đầu nguồn suối Nậm Lằn.

       3.6. Phát triển tuyến du lịch

       Bên cạnh việc đẩy mạnh các tuyến liên tỉnh, tập trung phát triển các tuyến nội tỉnh sau:
       Tuyến TP. Lai Châu – Phong Thổ – Ma Lù Thàng (theo quốc lộ 4D và 12).
       Tuyến TP. Lai Châu – Phong Thổ – Sìn Hồ (theo quốc lộ 4D và 12, tỉnh lộ 128)
       Tuyến TP. Lai Châu – Bình Lư – Than Uyên (theo các quốc lộ 4D và 32).
       Tuyến TP. Lai Châu – Sìn Hồ – Nậm Nhùn – Mường Tè (theo tỉnh lộ 127; 128 129).

       4. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

       Để thực hiện được các mục tiêu và định hướng trên, du lịch Lai Châu thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp sau:

       4.1. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch

       – Nhà nước đảm bảo ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch, có chính sách thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ, hình thành trung tâm dịch vụ du lịch của tỉnh theo cụm và khu du lịch đã xác định để tạo điểm nhấn.

       – Ban hành cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sản phẩm du lịch, trong đó tập trung thu hút đầu tư xây dựng Khu du lịch Sìn Hồ;
    – Thực hiện tốt chính sách xã hội hóa thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tập thể và cá nhân cho đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến du lịch.

       4.2. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch

       – Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách về du lịch và liên quan đến du lịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

       – Thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, đồng thời quản lý và thực hiện đúng quy hoạch, nhà nước tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển các vùng, khu, điểm và đô thị du lịch trên địa bàn.

       – Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch và dịch vụ du lịch trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực áp dụng các tiêu chuẩn ngành, giám sát kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, thực hiện công tác thanh kiểm tra, báo cáo thống kê, quản lý luồng khách, chi tiêu của khách, kiểm tra đánh giá tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch.

       – Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường văn minh du lịch, an ninh, an toàn trật tự xã hội tại các Khu, điểm du lịch.

       – Thành lập Hiệp hội du lịch để hướng dẫn tổ chức giúp cho sản xuất để sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ cho du lịch.

       – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng về vai trò, vị trí của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đề cao trách nhiệm với xã hội và môi trường trong mọi hoạt động du lịch.

       4.3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và xây dựng sản phẩm đặc thù

       – Quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thông tin, truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường, hệ thống văn hóa, y tế, giáo dục, bảo tàng, nhà hát, bản văn hóa, cơ sở khám chữa bệnh, ngân hàng, tài chính theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu cho phát triển du lịch và tiện nghi phục vụ du khách.

       – Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo chất lượng hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, gồm hệ thống Khu, tuyến, điểm du lịch đảm bảo để các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ thông tin, tư vấn, đặt chỗ, đại lý, vận chuyển cùng với các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, hội thảo, hội nghị, sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội được kết nối thuận lợi.

       – Đầu tư xây dựng sản phẩm đặc thù gắn với cụm, khu, điểm du lịch.

       4.4. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

       – Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển và thực hiện quản lý cho từng thời kỳ theo hướng chuẩn hóa từng đối tượng: Quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng nghề… phù hợp với xu hướng liên kết, hội nhập.

       – Xã hội hóa và đa dạng hóa các hình thức đào tạo, khuyến khích các hình thức đào tạo tại chỗ tại doanh nghiệp, bản văn hóa du lịch, liên kết trao đổi, thi tay nghề kỹ năng cho từng nghiệp vụ giữa các doanh nghiệp, đơn vị tham gia kinh doanh với sự bảo trợ của cơ quan nhà nước và cơ sở đào tạo.

       – Thực hiện trao đổi nghề giữa Lai Châu với các tỉnh trong nước và các tỉnh của Lào, Thái Lan, Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng.

       4.5. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

       – Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án về tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đến năm 2020. Phối hợp với các tỉnh trong khu vực và Tổng cục Du lịch để thực hiện các chương trình đến các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước; đề xuất các hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn, hướng đến đến thị trường có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày…

       – Gắn xúc tiến quảng bá du lịch với xúc tiến Thương mại và Đầu tư, đối ngoại và giao lưu văn hóa, thể thao tại các thị trường trọng điểm trong nước và các nước ASEAN, Trung Quốc trên cơ sở phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Lai Châu.

       4.6. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác, liên kết phát triển

       – Tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tiến tới hợp tác với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… tăng cường nguồn khách và tư vấn hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

       – Mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, thực hiện chính sách hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, để nâng cao hình ảnh du lịch Lai Châu.

       4.7. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng để phát triển du lịch

       Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân (đặc biệt đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số) về vai trò quan trọng của phát triển du lịch; tạo sự đồng thuận và nhất quán về quan điểm phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo bước chuyển hướng mang tính đột phá về du lịch để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Qua đó khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia phát triển du lịch.

    Nguyễn Hoàng Mai – QLKH

    Bài cùng chuyên mục