Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số đánh giá về thực trạng hệ thống sản phẩm du lịch tại tỉnh Thanh Hóa

      nctd-hoangmai2017-0 Với những đặc điểm tài nguyên du lịch về tự nhiên và nhân văn, tỉnh Thanh Hóa thời gian qua là một trong những trọng tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ. Các sản phẩm du lịch được khai thác hiện nay chủ yếu tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa (tìm hiểu di sản, văn hóa, lịch sử), du lịch sinh thái (núi, vườn quốc gia), du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống sản phẩm này vẫn chưa được đầu tư khai thác một cách bài bản, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, khiến du lịch Thanh Hóa chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

        Một số sản phẩm du lịch chính đang được khai thác và phát triển tại Thanh Hóa:

       Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển: Đây là sản phẩm du lịch dựa vào lợi thế tài nguyên đường bờ biển của Thanh Hóa, là sản phẩm chính mang lại thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa.

     

       Nghỉ dưỡng biển truyền thống:

        Sản phẩm du lịch này tập trung được khai thác ở khu vực bãi biển Sầm Sơn, bãi biển Hải Hòa, Hải Tiến… là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm trung, du lịch đại trà, chủ yếu thu hút đối tượng khách du lịch nội địa từ Hà Nội, các thị trường phía Bắc vào các tháng mùa hè. Du khách tới đây chủ yếu chỉ tập trung vào hoạt động du lịch tắm biển thuần túy, ăn hải sản tại các nhà hàng. Các hoạt động tại bãi biển, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động ban đêm, dành cho các gia đình và trẻ em không có nhiều, cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch biển tại Thanh Hóa.

        Nổi bật tại Thanh Hóa là sản phẩm du lịch biển tại bãi biển Sầm Sơn. Địa điểm này có sóng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch với giá cả hợp lý cho các gia đình và gần Hà Nội. Tuy nhiên, vào mùa cao điểm, địa điểm này dẫn tới tình trạng quá tải, giá các sản phẩm và dịch vụ địa phương bị thổi phồng, tình trạng bắt chẹt khách, chất lượng dịch vụ không đảm bảo diễn ra tại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại Sầm Sơn. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá này là Sầm Sơn tiếp nhận dòng khách du lịch từ miền Bắc khá lớn, mùa du lịch ngắn (3-5 tháng) do mùa mưa kéo dài làm tăng tính bất ổn của kinh doanh du lịch tại đây (thu nhập, công việc không ổn định …).

        Nghỉ dưỡng biển cao cấp

        Một sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển tuy mới được khai thác tại Thanh Hóa nhưng hứa hẹn sẽ mang lại thương hiệu cho du lịch biển Thanh Hóa trong thời gian tới là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn. Khu nghỉ dưỡng này đi vào hoạt động từ năm 2015, là khu nghỉ dưỡng biển cao cấp nhất tại Thanh Hóa. Ngoài hoạt động nghỉ dưỡng biển, các hoạt động như golf, spa, nhà hàng, quán bar… cũng được tích hợp đầy đủ trong quần thể này.

        Đặc biệt, với hệ thống bể bơi 4 mùa, khu nghỉ dưỡng này thu hút cả khách du lịch vào những tháng mùa đông, giúp giải quyết tốt khó khăn về vấn đề mùa vụ. Ngoài ra sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị hội thảo, kết hợp thể thao (Golf) cũng là những sản phẩm phụ trợ được cung cấp tại khu nghỉ dưỡng biển cao cấp này.

        Sản phẩm du lịch văn hóa: Là mảnh đất giàu truyền thống, Thanh Hóa cũng được biết đến như là một điểm đến của các sản phẩm du lịch văn hóa.

        Tham quan Di sản thế giới:

        Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận vào năm 2012 trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm du lịch văn hóa thăm quan di sản văn hóa thế giới được đưa vào khai thác là sản phẩm du lịch quan trọng của tỉnh. Hoạt động du lịch tại đây chủ yếu tập trung vào thăm quan, tìm hiểu về Di sản (thăm quan kiến trúc cổng thành, tường thành, nhà trưng bày hiện vật, đền thờ nàng Bình Khương, đình làng cổ, nhà cổ, con đường Hoàng Gia, đàn tế, Chùa Giáng, đền thờ Trần Khát Chân, dấu vết Vọng Lâu, công trường khai thác đá cổ…). Các tuyến thăm quan kéo dài từ 2-4 tiếng tùy vào lộ trình và có hướng dẫn viên tại điểm (Tiếng Việt, Anh). Ngoài ra một số dịch vụ bổ trợ phục vụ khách du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm cũng được cung cấp.

        Tuy nhiên, khai thác sản phẩm du lịch văn hóa tại Di sản Thành nhà Hồ đến nay còn nhiều hạn chế, thiếu các trải nghiệm, tái hiện về cuộc sống cổ xưa, của ngôi thành, thiếu các sản phẩm dịch bổ sung hấp dẫn, cơ sở hạ tầng du lịch còn yếu kém. Điều này hạn chế thời gian lưu lại của du khách và chi trả cho những dịch vụ phụ trợ.

        Tìm hiểu văn hóa, lịch sử:

        Sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử được khai thác chủ yếu tại các khu di tích lịch sử như Lam Kinh, Bà Triệu, Hàm Rồng, Đền Am Tiên, Động Từ Thức, tìm hiểu di tích khảo cổ Đông Sơn… Khu di tích lịch sử Lam Kinh tưởng niệm anh hùng dân tộc Lê Lợi, được coi là sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử và văn hóa quan trọng của Thanh Hóa vì những giá trị lịch sử về vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sự hài hòa giữa lịch sử và thiên nhiên tại khu di tích này cũng được coi là làm tăng sự hấp dẫn cho các trải nghiệm nói chung. Ngoài ra, một sản phẩm du lịch văn hóa cũng thu hút nhiều du khách là các lễ hội truyền thống ở quy mô lớn như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội bánh chưng bánh dày…

        Các hoạt động du lịch chủ yếu là thăm quan, tìm hiểu về văn hóa lịch sử, còn hạn chế, ít hoạt động cho gia đình và trẻ em, chất lượng chưa cao so với các điểm đến khác, chất lượng thuyết minh tại chỗ còn kém, chưa đáp ứng số lượng lớn du khách vào một thời điểm, đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm còn ít, chất lượng kém.

        Sản phẩm du lịch sinh thái: Thanh Hóa đã phát triển sản phẩm du lịch sinh thái với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như tại Pù Luông, VQG Bến En.

        Du lịch sinh thái núi kết hợp du lịch cộng đồng:

        Sản phẩm du lịch sinh thái núi kết hợp với du lịch cộng đồng đang được khai thác hiệu quả trong thời gian gần đây tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Các điểm đến nổi bật như Bản Hiêu, Bản Đôn, Bản Kho Mường, Bản Nủa, Bản Kịt với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc (ruộng bậc thang) cùng với đời sống sinh hoạt của dân tộc Thái, Mường. Các hoạt động du lịch là trekking, nghỉ dưỡng, thăm quan tự nhiên, bản làng, du lịch cộng đồng, homestay, thưởng thức ẩm thực địa phương…

        Là điểm du lịch mới nên hoạt động du lịch tại Pù Luông còn hạn chế, các chuyến du lịch chủ yếu là tự phát, du lịch phượt. Cơ sở lưu trú chủ yếu tập trung vào nghỉ nhà dân, homestay, điểm lưu trú nổi bật nhất tại đây là Pù Luông Retreat với số phòng khá hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Công tác quản lý phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tại đây còn chưa hiệu quả nên sản phẩm du lịch sinh thái được khai thác chưa thực sự đúng nghĩa. Pù Luông có địa điểm khá xa so với trung tâm Tp.Thanh Hóa với đường bộ tiếp cận còn khó khăn cũng là một điểm yếu khi muốn kết hợp khai thác với các sản phẩm du lịch khác của tỉnh.

        Du lịch sinh thái thăm vườn quốc gia:

        Sản phẩm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bến En là sản phẩm du lịch nổi bật của tỉnh Thanh Hoá. Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hoá, VQG Bến En nổi bật với hệ sinh thái đa dạng, còn được bảo tồn nguyên sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ (rừng, sông, hồ, hang động…). Các hoạt động du lịch chủ yếu tại đây là thăm quan lòng hồ, khám phá hang động, dã ngoại, cắm trại tại vườn thực vật, các hoạt động câu cá, bắt cua, thưởng thức ẩm thực, khám phá văn hoá bản địa (bản Vơn – người Thái), quan sát thú ban đêm, quan sát chim… Tour du lịch tại đây có thể trọn gói trong 1 ngày, hoặc 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm tuỳ vào hoạt động du lịch.

        Tuy nhiên, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí và cơ sở vật chất tại đây còn hạn chế nên lượng khách quay lại còn ít, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp. Sản phẩm du lịch sinh thái tại đây chưa thực sự nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trong vùng.

         Sản phẩm bổ trợ: Ngoài các sản phẩm du lịch chính tại Thanh Hoá, hệ thống sản phẩm du lịch bổ trợ cũng góp phần phong phú vào hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh.

        Sản phẩm du lịch tâm linh sinh thái: Suối cá Cẩm Lương – sản phẩm quy mô còn nhỏ, kém hấp dẫn, lượng khách thăm quan đông, đại trà.

        Sản phẩm làng nghề du lịch: Nghề cói Nga Sơn, đúc đồng Thiệu Trung – Thiệu Hóa, nghề dệt thổ cẩm tại các bản vùng cao…

        Sản phẩm du lịch mới: tuyến du lịch Sông Mã –Sản phẩm mới khai thác; kết nối được nhiều điểm du lịch, có trải nghiệm; hình thức và chất lượng sản phẩm mới chỉ ở mức trung bình.

       Hệ thống các sản phẩm du lịch chính đang được khai thác tại Thanh Hóa

    Loại sản phẩm

    Hoạt động

    Hình ảnh

    Thực trạng

    Du lịch nghỉ dưỡng biển

    Nghỉ dưỡng biển truyền thống tại bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến

    – Nghỉ tắm biển mùa hè, thưởng thức hải sản

    – Một số hoạt động khác: tham quan khu du lịch sinh thái (gần Vạn Chài Resort), câu tôm , câu cá; Thuỷ Tiên Cung (chân núi Trường Lệ); chùa trên núi (chùa độc cước , chùa cô tiên ..) , thăm Hòn Trống Mái, đi chợ hải sản

    nctd-hoangmai2017-1

    – Có cải thiện nhiều về tiện nghi, dịch vụ.

    – Cảnh quan bãi biển Sầm Sơn đã được quy hoạch lại với diện mạo mới

    – Tính mùa vụ cao: Vẫn xảy ra hiện tượng quá tải vào mùa cao điểm, giá cả dịch vụ tăng không kiểm soát. Không có khách vào mùa đông

    Nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort

    – Nghỉ dưỡng biển cao cấp tại resort, vui chơi giải trí, ẩm thực, spa…

    – Một số hoạt động khác: kết hợp đánh gofl, tham gia hội nghị hội thảo

    nctd-hoangmai2017-2

    – Dịch vụ cao cấp, đầy đủ, tiện nghi, là sản phẩm tích hợp đầy đủ

    – Giải quyết được vấn đề mùa vụ: sản phẩm du lịch có thể bán 4 mùa

    – Giá cả khá cao so với mức thu nhập trung bình của thị trường

    Du lịch văn hóa tìm hiểu di sản, di tích lịch sử

    Du lịch di sản

    – Thăm quan, tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới, cuộc sống cổ xưa, lịch sử…

     

    nctd-hoangmai2017-3

    – Hoạt động tìm hiểu, tham quan sơ sài.

    – Thiếu những mô hình, phương thức tái hiện cuộc sống Thành ngày trước.

    – Dịch vụ bổ trợ còn hạn chế

    – Di tích còn không nhiều, thiếu hấp dẫn

    – Địa điểm xa trung tâm, thiếu tính kết nối với các sản phẩm khác

    Du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử

    – Thăm quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử tại các khu di tích: Khu di tích Lam Kinh, Hàm Rồng, Bà Triệu, Động Từ Thức…

    – Tham gia các lễ hội truyền thống

    nctd-hoangmai2017-4

    – Hoạt động thăm quan di tích chưa hấp dẫn

    – Thiếu các dịch vụ bổ trợ (ăn uống, lưu niệm…)

    Du lịch sinh thái

    Du lịch sinh thái núi kết hợp du lịch cộng đồng

    – Hoạt động du lịch: Du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng, trekking, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực địa phương…

    – Khí hậu và cảnh quan đẹp, ruộng bậc thang, bản làng dân tộc thiểu số

    – Lưu trú nhà dân, homestay, Puluong Retreat

     

    nctd-hoangmai2017-5

    – Đang là sản phẩm nổi của thị trường khách phượt, khách du lịch sinh thái, nhóm khách trẻ tuổi

    – Có thể kết hợp khai thác cùng tuyến Mai Châu – Hoà Bình

    – Cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông còn thiếu

    – Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa kéo dài thời gian lưu trú của du khách

    – Thiếu sự kiểm soát về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch

    Du lịch sinh thái thăm vườn quốc gia

    – Hoạt động du lịch : trekking, ngắm, tìm hiểu động thực vật, đi thuyền khám phá cảnh quan, picnic, thăm bản dân tộc…

    nctd-hoangmai2017-6

    – Sản phẩm du lịch còn ít khai thác, chưa đa dạng, hấp dẫn khách du lịch

    – Hạ tầng còn thiếu để phục vụ các sản phẩm du lịch sinh thái cao cấp

       Có thể thấy, về tính hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm du lịch của Thanh Hóa: Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, sản phẩm sinh thái kết hợp cộng đồng được đánh giá là sản phẩm du lịch mang lại sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Thanh Hoá. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển truyền thống thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Thanh Hoá, tuy nhiên, tính mùa vụ cao dẫn tới tình trạng quá tải khó kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ.

        Về giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch: Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp là sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất trong hệ thống sản phẩm tại Thanh Hoá. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sản phẩm bổ trợ là những sản phẩm được kì vọng mang lại giá trị gia tăng, bổ trợ cho hệ thống sản phẩm chính. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa được khai thác phát triển tốt, thiếu nhiều dịch vụ du lịch đi kèm nên doanh thu du lịch còn thấp, chưa thu hút được lượng lớn du khách.

        Về tính kết nối giữa các sản phẩm du lịch: Do đặc thù địa lý với diện tích rộng, các sản phẩm du lịch tại Thanh Hoá bố trí rải rác. Các điểm thăm quan đều cách xa nhau và phải di chuyển bằng ô tô, gây khó khăn cho việc liên kết hình thành tuyến du lịch. Đặc biệt, 2 sản phẩm du lịch sinh thái tại Pù Luông và VQG Bến En nằm ở hai đầu của tỉnh nên khó kết hợp với những sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử. Trong khi hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái chưa đủ mạnh để thu hút nhóm thị trường riêng.

     Hoàng Mai

    Bài cùng chuyên mục