Mô hình doanh nghiệp xã hội CBT Travel và những sáng kiến góp phần phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam
Community-based Tourism Travel (CBT Travel) là một hình thức doanh nghiệp xã hội huy động được sự phối hợp liên ngành từ nhiều phía như chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
1. Du lịch cộng đồng và công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam
Việt Nam hiện tại đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2012, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm từ khoảng 58% từ năm 1990 xuống còn 20,7% vào năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 18 triệu người có thu nhập dưới trung bình, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Khi những người thuộc nhóm “dễ bị tổn thương” này rất dễ tái nghèo thì sẽ rất khó để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
“Du lịch cộng đồng” bắt đầu được quan tâm, công nhận từ thập niên 1970 thông qua nhiều đóng góp trong xóa đói giảm nghèo bằng du lịch, xem trọng sự tham gia, làm chủ, quản lý và kiểm soát bởi người dân địa phương nhằm mang lại những tác động tích cực tới cộng đồng. Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đang được nhân rộng theo thời gian với mục đích cải thiện thu nhập, mức sống của cộng đồng các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại và phát sinh trong hoạt động du lịch cộng đồng gây ra hạn chế về hiệu quả, nỗ lực cải thiện đời sống của người dân địa phương. Không thể phủ nhận rằng đa phần các dự án du lịch cộng đồng nhận tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) có hiệu quả thấp, thiếu kết nối với hoạt động lữ hành và thiếu khả năng đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ du lịch. Điều này dẫn đến lượng du khách chưa cao và giảm hiệu quả tích cực tại phần lớn các dự án về du lịch cộng đồng. Những địa điểm du lịch cộng đồng thiếu khả năng tài chính thường sụp đổ sau khi kết thúc dự án cũng như chấm dứt tài trợ. Những vấn đề này phần lớn xuất phát từ khả năng quản trị và tiếp cận thị trường kém, tập trung quá nhiều vào phát triển loại hình homestay, phần lớn doanh thu “chảy” vào túi các gia đình có điều kiện, phần lớn cư dân tại cộng đồng không được tham gia và tiếp nhận những lợi ích từ du lịch.
2. Các hoạt động và sáng kiến bước đầu của CBT Travel
CBT Travel được thành lập năm 2013 sau những thành công bước đầu của ông Dương Minh Bình (người sáng lập, giám đốc CBT Travel) trong công tác triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình).
Năm 2012, theo thống kê của CBT Travel thông qua UBND Huyện Mai Châu, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mai Châu, Hòa Bình xấp xỉ 1.000 USD với 32,6% hộ dân thuộc diện nghèo và 24,1% số hộ đối mặt với tình trạng đói nghèo. Vào thời điểm năm 2011, du lịch vẫn chỉ là một khái niệm “xa lạ”. Đến khoảng giữa năm 2011 và 2013, hai tổ chức NGO quốc tế là Misereor và Brot fur die Welt đã tài trợ cho dự án phát triển CBT Travel tại Mai Hịch. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên môn trong điều hành du lịch, thiếu kiến thức về thị trường và khả năng kết nối yếu với hoạt động thương mại du lịch. Cộng đồng địa phương đã tỏ ra hoài nghi với những “hứa hẹn” từ các nhân viên đến từ NGO, kể cả sau khi được hỗ trợ kĩ thuật và tài chính một phần từ COHED (the Centre for Community Health and Development – một tổ chức về cộng đồng).
Năm 2012, ông Dương Minh Bình được COHED thuê làm tư vấn và nhanh chóng nắm vai trò dẫn dắt trong dự án CBT Mai Hịch. Ông nhận thấy những vấn đề cốt lõi của dự án nằm ở việc thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị tư nhân, nhà nước, các NGO và người dân địa phương.
Ông Dương Minh Bình tham gia khảo sát với cộng đồng địa phương (Nguồn ảnh: Duong Minh Binh)
CBT Travel đã khích lệ người dân địa phương trở thành nhà đầu tư chính trong dự án du lịch cộng đồng. Các homestay được dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có, sử dụng vật liệu địa phương nhằm đảm bảo tính nguyên bản và giảm chi phí đầu tư xuống chỉ còn 1.000 – 4.000 USD (khoảng 23 – 92 triệu VNĐ). CBT Travel đã hỗ trợ phát triển thêm nhiều các dịch vụ du lịch bổ trợ Mai Hịch, mang lại nhiều cơ hội cho các thành viên của cộng đồng cùng tham gia vào phát triển du lịch. Một số dịch vụ có thể nhắc đến là: biểu diễn âm nhạc và văn hóa truyền thống, thưởng thức món ăn địa phương, dã ngoại (trekking), chèo bè, cho thuê xe máy, xe đạp, cung cấp sản vật địa phương, đồ thủ công và quà lưu niệm.
Với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, CBT thuyết phục các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ du lịch (Ví dụ: các đầu bếp khách sạn 5 sao), trong việc mở các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng, huy động sự giúp đỡ của tổ các chức NGO – COHED trong với khoản tài trợ gần 7.500 đôla Mỹ. Ngoài ra, CBT Travel cũng hỗ trợ công tác thiết lập ban quản lý du lịch, có trách nhiệm giám sát và đảm bảo thực hiện các quy định và nguyên tắc du lịch tại địa phương, nhằm đảm bảo việc thực hiện những trách nhiệm môi trường, xã hội, trong quá trình phát triển hiện tại và trong tương lai của CBT.
Những đóng góp của CBT Travel đã mang lại những thành công bước đầu cho CBT Mai Hịch với việc thành lập 3 khu homestay, với nhiều dịch vụ du lịch. Số lượng du khách đến Mai Hịch tăng trưởng từ 474 khách năm 2013 lên gần 6000 khách năm 2015. Với mức chi tiêu trung bình 20 USD/người (khoảng 400.000 đồng), chỉ trong vòng 3 năm, du lịch đã đóng góp trực tiếp gần 200.000 đô-la Mỹ (4,5 tỷ đồng) cho kinh tế Mai Hịch.
Bảng: Lượng khách đến và chi tiêu của khách du lịch tại CBT Mai Hịch từ 2013 – 2015
Tác động của CBT Travel trên quy mô toàn quốc
Thành công của dự án CBT Mai Hịch đã được ghi nhận bởi Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) – một tổ chức thúc đẩy sự phát triển của phong trào doanh nghiệp xã hội (DNXH), tăng cường nhận thức về DNXH và cung cấp dịch vụ hỗ trợ (Ví dụ: tư vấn pháp lý, chuyên môn về DNXH) nhằm phát triển quy mô của các DNXH.
Trong trường hợp này, doanh thu của doanh nghiệp xã hội CBT Travel đến chủ yếu từ việc cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các vùng CBT và chiến lược phát triển du lịch cho các NGO trong nước. Doanh nghiệp cũng đã và đang cung cấp dịch vụ tư vấn, huấn luyện và đào tạo miễn phí cho các cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp xã hội CBT Travel đã triển khai một cách có hệ thống việc phát triển CBT trên toàn quốc thông qua các hình thức:
(1) cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật;
(2) thiết lập mối quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp khác.
CBT Travel chủ động tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và hội nghị nhằm giới thiệu mô hình CBT tới nhiều đối tượng khác nhau bao gồm chính quyền ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện, xã và thôn; các tổ chức NGO quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức NGO nội địa; các công ty lữ hành và cộng đồng địa phương tại những vùng xa xôi, hẻo lánh. Những hoạt động trên đã góp phần thay đổi nhận thức của các bên về phát triển du lịch phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bằng việc chứng minh rằng những cộng đồng với nguồn lực hạn chế cũng có khả năng xây dựng những mô hình CBT.
CBT Travel đã làm nổi bật một số những lựa chọn huy động tài chính phù hợp cho việc triển khai CBT, tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại mỗi cộng đồng. Các lựa chọn được sử dụng tại các dự án của CBT Travel bao gồm: đầu tư cá nhân; cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ vốn từ chính quyền; hỗ trợ bằng hiện vật và đầu tư toàn phần từ các NGO.
CBT Travel đồng thời tổ chức các chuyến đi dành cho cho đại diện chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương, các nhà đầu tư tiềm năng và lãnh đạo các NGO chủ chốt tham quan và trực tiếp trải nghiệm các dự án CBT đã được triển khai.
CBT Travel cũng phát triển một mạng lưới “Nhượng quyền mô hình du lịch cộng đồng”, cam kết hỗ trợ từng mô hình CBT từ giai đoạn lập kế hoạch phát triển, đảm bảo các mô hình này đạt được sự tăng trưởng ổn định và tạo thu nhập bền vững trong dài hạn. Cụ thể, CBT Travel đã đi theo bốn bước cơ bản như sau:
– Soạn thảo “Sổ tay hướng dẫn CBT”: Tài liệu đưa ra một khung thống nhất để hỗ trợ quá trình triển khai và mở rộng các mô hình CBT;
– Cung cấp các khóa tập huấn du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương: kỹ năng du lịch, liên lạc và sử dụng mạng xã hội;
– Kết nối các đơn vị nhượng quyền của CBT Travel với các công ty du lịch: trợ giúp tiếp cận thị trường du lịch.
– Phối hợp với Ban quản lý du lịch cộng đồng trong công tác giám sát và nâng cao trách nhiệm của đơn vị kinh doanh nhượng quyền tại địa phương cũng như khách du lịch.
Ngoài ra, CBT Travel cũng hỗ trợ kết nối và đồng bộ hóa sản phẩm và dịch vụ của các mô hình trong mạng lưới trên cả nước. Những chiến lược cụ thể trên đã khiến doanh nghiệp xã hội CBT Travel nhanh chóng nhân rộng được mô hình CBT trong cộng đồng, với hơn 15 dự án CBT tại các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung và Nam bộ Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2017.
Tất cả những dự án trên đều thực hiện ở vùng miền núi sâu xa và nông thôn, địa bàn của nhóm dân tộc thiểu số với tỉ lệ nghèo đói rất cao. CBT Travel vẫn duy trì giám sát các hoạt động của mỗi CBT, trợ giúp việc đảm bảo các quy chuẩn chất lượng và phân phối lơi nhuận du lịch một cách hợp lý giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư địa phương, tạo nên những kết quả ấn tượng trong việc phát triển mô hình CBT nhằm xóa đói giảm nghèo.
3. Kết luận
Sự thành công của các dự án CBT về xóa đói giảm nghèo đòi hỏi sự điều phối giữa hoạt động của các bên liên quan bao gồm: cộng đồng địa phương, NGO, doanh nghiệp du lịch và chính quyền. Hiệu quả của các dự án CBT phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, cần có sự đóng góp về mặt chuyên môn trong lĩnh vực du lịch, các dự án CBT cần xem xét việc hợp tác, đồng hành với các chuyên gia có kinh nghiệm ngay từ giai đoạn ban đầu của dự án.
Thứ hai, phổ biến những kiến thức có liên quan đến việc phát triển CBT, những phát kiến trong việc xây dựng mô hình sáng tạo xã hội cần phải được diễn giải thành các văn bản hướng dẫn có thể được dễ dàng tiếp cận bởi cộng đồng quốc tế.
Thứ ba – cuối cùng, trong việc nhân rộng các tác động của các mô hình sáng tạo xã hội trong du lịch, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp xã hội như CSIP, nơi cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp xã hội, đóng vai trò rất quan trọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacifc (Quản lý Tăng trưởng và Quản trị Du lịch có trách nhiệm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), Bản quyền © 2017, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Đại học Griffth
World Bank (2005), Pro-poor growth in the 1990s: lessons and insights from 14 countries, World Bank, Washington DC
World Bank (2012), Well begun, not yet done: Viet Nam’s remarkable progress on poverty reduction and the emerging challenges (online), chi tiết: www.worldbank.org (15-04-2017)
Nguyen, N. (2013), Mai Chau home-stay proves a hit (online), có thể xem tại: http://vietnamnews.vn (15-04-2017)
Murphy, P.E. (1985), Tourism: A community approach, Methuen, London
Mitchell, J. và Muckosy, P. (2008), A misguided quest: Community-based tourism in Latin America, Overseas Development Institute (ODI), London
Goodwin, H. (2006), ‘Community-based tourism: Failing to deliver?’, ID 21 Insights, No. 62
Một số thông tin đươc tổng hợp theo việc phỏng vấn ông Dương Minh Bình – người sáng lập, Giám đốc CBT Travel
Đức Anh, Jinnee