Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Lựa chọn sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù hấp dẫn khách du lịch đến Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

    Đặt vấn đề
       Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam (LVH) là không gian hội tụ hay mô hình tập trung thu nhỏ có chức năng biểu đạt tượng trưng những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc Việt Nam.

       Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nền văn hóa Việt Nam được hình thành, giao lưu, tiếp biến và kết tinh đến ngày nay là một kho tàng đồ sộ và vô cùng phong phú, đa dạng đại diện cho 54 dân tộc, 3 miền Bắc-Trung-Nam, 7 vùng du lịch và 63 tỉnh, thành.

       Việc tạo dựng, tái hiện những giá trị văn hóa các dân tộc trong không gian LVH đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về mọi mặt, đặc biệt là sự công phu đầu tư để đạt được tính toàn vẹn của từng thiết chế văn hóa trong tổng thể đại diện bản sắc văn hóa của một dân tộc, vùng, miền, địa phương. Trong khi nguồn lực đầu tư rất hạn chế và nhỏ giọt.

       Hơn thế nữa, do tính chất tượng trưng của những giá trị văn hóa dân tộc tại LVH nên để có đủ sức hấp dẫn du khách đến chiêm ngưỡng và thưởng thức thì đòi hỏi một quá trình kiên trì, hoàn hảo thuyết phục công chúng bằng việc thông tin quảng bá tin cậy hứa hẹn về nội dung hoạt động chứa đựng những giá trị trải nghiệm hấp dẫn.

       Cho đến nay nhiều công trình, thiết chế văn hóa các dân tộc đã được đầu tư tại LVH nhưng nếu thiếu vắng sự duy trì, vận hành thường xuyên thông qua hoạt động tham quan của du khách thì vừa không phát huy được giá trị, ý nghĩa vừa đứng trước nguy cơ nhanh xuống cấp của một không gian hoang u.

       Vì vậy vấn đề đặt ra là cần lựa chọn những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất có tính đại diện, đặc trưng, có ý nghĩa, có tầm cỡ và sức ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi nhất để để tập trung đầu tư tạo dựng, trưng bày, giới thiệu và xúc tiến trở thành sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách đến tham quan. Vấn đề cụ thể tập trung vào trả lời 2 câu hỏi:

       1) Lựa chọn giá trị văn hóa nào cho sản phẩm du lịch đặc thù ?
       2) Làm gì để thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng thức ?

    Lựa chọn cho sản phẩm du lịch đặc thù

       Nói tới sản phẩm du lịch đặc thù đến LVH là phải đạt tới sự độc đáo và khác biệt mà không nơi nào có được, chỉ có thể tìm thấy ở LVH. Nếu có ở đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam thì đó chỉ là những “mảnh ghép” thực, khác biệt với những gì cảm nhận được tại LVH. Đó là sự nhào nặn, phối kết tổng hòa những giá trị văn hóa trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam được tái hiện tượng trưng, đại diện và làm cho rõ nét, dễ cảm nhận trong cùng một không gian LVH.

       Trước hết, do có quá nhiều giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam với nhiều màu sắc khác nhau và đều có giá trị hấp dẫn về từng khía cạnh nhất định vì vậy cần làm rõ tiêu chí lựa chọn, dựa trên:

    • Tầm vóc với giá trị đặc sắc, độc đáo về văn hóa, lịch sử được công nhận ở tầm quốc gia, dân tộc và quốc tế, ví dụ: di sản được UNESCO công nhận, di sản cấp quốc gia..;
    • Tính toàn vẹn về hệ thống biểu đạt văn hóa mà có thể tạo dựng, thể hiện được trong không gian và nguồn lực cho phép
    • Tính đại diện cho bản sắc văn hóa quốc gia, dân tộc, vùng, miền
    • Tính quần chúng có thể cảm nhận thông qua quá trình, công cụ truyền tải nhất định.
    • Tính giao thoa, lồng ghép kết nối với các giá trị văn hóa khác trong không gian chung văn hóa Việt

       Đáp ứng các tiêu chí trên, việc lựa chọn những giá trị văn hóa tinh túy nhất, đại diện tiêu biểu nhất được xâu kết thành chuỗi những nhóm giá trị đặc trưng làm tiêu điểm để hình thành những hoạt động tham quan, tìm hiểu, cảm nhận, thưởng thức. Quá trình dịch vụ hỗ trợ thực hiện những hoạt động tham quan, tìm hiểu, cảm nhận, thưởng ngoạn cho khách theo một trật tự nhất định là quá trình hình thành sản phẩm du lịch đặc thù đến LVH.

       Cụ thể đối với LVH hiện nay có thể xem xét lựa chọn những nhóm giá trị văn hóa dựa theo phân vùng văn hóa để tạo ra những không gian văn hóa khác biệt với những công trình văn hóa đại diện, không gian trưng bày, không gian sinh hoạt cộng đồng, trò chơi dân gian, lễ hội, ẩm thực, trang lễ phục… chẳng hạn như:
           Không gian văn hóa kinh đô các thời kỳ lịch sử;
          √ Không gian văn hóa sông Hồng,
          √ Không gian văn hóa vùng cao Tây Bắc,
          √ Không gian văn hóa Chăm,
           Không gian văn hóa Tây Nguyên,
          √ Không gian văn hóa Nam bộ
          …
       Kết hợp giao thoa hài hòa văn hóa của nhóm các dân tộc theo không gian địa lý vùng, miền. Sự phân khu không gian có tính chất đại diện như trên tạo ra những cụm giá trị đặc sắc có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa đủ lớn để hấp dẫn du khách.

    Thu hút khách du lịch

       Nhu cầu du lịch luôn tìm đến những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc, các vùng, miền. Tuy nhiên, kỳ vọng của du khách muốn đi tới tận cùng những giá trị chân thực, sự nguyên vẹn và nguyên gốc. Những giá trị ấy ở LVH chỉ là những giá trị tái hiện, tạo dựng một phần đặc trưng mà tách khỏi không gian thực gắn với chiều dài lịch sử hình thành và sức sống của nó. Sự mô phỏng giá trị đó tại LVH vì thế không truyền tải được hết giá trị linh thiêng và phần hồn của không gian văn hóa đó. Ví dụ điển hình dưới đây: Tháp Chăm và lễ hội ở Ninh Thuận (bên trái) và Tháp Chăm với đoàn khách tham quan ở LVH (bên phải).

    LVH

       Mặc dù vậy, với sự tập trung những giá trị văn hóa, xâu kết nét giao thoa có tính tương đồng và đại diện các dân tộc, vùng, miền trong cùng một không gian có khoảng cách địa lý đủ gần trung tâm dân cư và đầu mối phân phối khách từ Thủ đô Hà Nội đã tạo nên sức hấp dẫn cho nhóm khách có mong muốn tìm hiểu, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa tinh túy nhất, đại diện nhất của các dân tộc Việt Nam trong một thời gian ngắn vừa đủ 1-2 ngày.

       Từ thực tế trên có thể khắc phục hạn chế và phát huy lợi thế bằng các giải pháp đầu tư phát triển và xúc tiến sản phẩm du lịch làm sao có sức hấp dẫn để thu hút được khách đến LVH:

       1) Giả định các công trình văn hóa tại LVH được tái hiện và tạo dựng nguyên vẹn về mặt vật thể thì nhất thiết phải đầu tư sâu hơn nữa về các yếu tố phi vật thể. Đó là việc “thổi hồn” đến mức tối đa có thể vào không gian văn hóa tạo dựng đó, làm cho nó trở lên linh thiêng hơn thông qua các sự kiện văn hóa của LVH mà ở đó đồng thời tái hiện được (trong thời gian nhất định vào đúng thời điểm) bằng các hoạt động, sinh hoạt sống thực của đồng bào dân tộc sở hữu văn hóa ấy. Muốn vậy, thời gian, thời điểm, các nguyên tắc, quy định… của các sự kiện, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng đó phải tuyệt đối tuân thủ và đảm bảo duy trì, thông tin tới công chúng để ăn sâu vào tiềm thức trong công chúng trở thành thông lệ về “bản sao” của cái thực. Ở khía cạnh này, lịch trình các sự kiện trong Đề án tổ chức các sự kiện thường niên của LVH cần xem xét ấn định thời gian cho mãi mãi (không thể tùy từng năm) để vừa tạo tính thiêng vừa thông tin cho công chúng biết trước.

       2) Đầu tư cho các sự kiện tại LVH có sự tham gia của đồng bào các dân tộc làm sao truyền tải nâng cao nhận thức, ý thức tự tôn, tinh thần tự hào dân tộc với sự đam mê, cống hiến công sức, trí tuệ, thời gian, vật dụng… để tham gia vào sự kiện, đưa văn hóa của dân tộc mình, quê mình đế với công chúng. LVH cần tránh việc “thô diễn” lai căng về cuộc sống, sinh hoạt, lễ hội mà hướng tới sự chân thực bằng chính sự giản dị của đồng bào; không nên chạy theo hình thức “hoánh tráng” dập khuôn, duy ý trí của người tổ chức mà hãy tạo điều kiện cho đồng bào được thể hiện mình; khơi dậy lòng tự tôn và nhu cầu được thể hiện, công nhận.

       3) Tổ chức xúc tiến sản phẩm du lịch đến LVH từ việc xây dựng chương trình chi tiết với nội dung hoạt động đi liền với những giá trị trải nghiệm cụ thể mà khách du lịch sẽ thu lượm được. Các chương trình này gắn với các sự kiện trong Đề án và dàn khắp trong năm (có thể mỗi tháng 1 nhóm các hoạt động). Việc xây dựng chương trình du lịch cụ thể cần có nghiên cứu kỹ thị trường theo phân đoạn khách (người cao tuổi/thành niên/sinh viên/nhóm MICE/khách quốc tế theo tour/khách trong ngày Hà Nội/khách nối tour/…) và cần phối hợp với các công ty lữ hành (cần có 1-2 công ty lữ hành chủ lực). Đồng thời kiên trì thực hiện thông tin quảng bá rộng rãi đến các nhóm khách mục tiêu và công chúng về LVH và từng sự kiện thường niên tại LVH.

       4) Thực hiện một số chương trình du lịch có sự bù giá, hỗ trợ của Nhà nước, các nhà tài trợ cho đối tượng là học sinh sinh viên về nội dung giáo dục văn hóa, giáo dục lịch sử; và chương trình du lịch cho đối tượng là những người khiếm khuyết khó có điều kiện đi du lịch đến các vùng, miền của tổ quốc.

       5) Xây dựng và quảng bá thương hiệu LVH là một Điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    Kết luận

      Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại LVH có ý nghĩa quyết định đối với sức sống, sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến LVH. Việc đầu tư vào các cụm không gian văn hóa ở LVH đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn, không chỉ tập trung vào các yếu tố vật thể và hơn bao giờ hết cần đầu tư chiều sâu cho các yếu tố phi vật thể để từng bước tạo nên tính linh thiêng cho LVH. Chỉ thông qua những sự kiện thường niên được định sẵn và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, thủ tục từ trong dân gian truyền lại mới tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù có sức hấp dẫn và thu hút được khách du lịch đến LVH./.

    Bài cùng chuyên mục