Liên kết phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Việc liên kết các địa phương trong vùng nhằm phát huy những thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng đang được ngành Du lịch quan tâm.
Tuy du lịch miền Trung trong thời gian qua đã có những bước phát triển khá tốt, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Hoạt động kinh doanh du lịch ở đây còn ở dạng nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các địa phương một cách đồng bộ để cùng nhau hưởng lợi.
Trong phát triển du lịch nói chung và khai thác tiềm năng du lịch biển đảo nói riêng tại các tỉnh duyên hải miền Trung có những lợi thế sau:
Các tỉnh duyên hải miền Trung là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng…, nơi hội tụ 5 di sản thế giới (DSTG): tháp cổ Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế và Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là một tiềm năng du lịch to lớn và quý giá để phát triển du lịch.
Các địa phương: Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam được đánh giá là có tiềm năng về biển và ven biển với hàng trăm km đường biển, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, môi trường biển và bờ biển trong sạch.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và sự phong phú về tài nguyên du lịch còn có sự quan tâm của Chính phủ về phát triển cơ sở hạ tầng như mở đường Hồ Chí Minh, mở các cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Hồng Vân (Thừa Thiên Huế), Đắc Chưng (Quảng Nam), việc khai thông đường hầm đèo Ngang, đèo Hải Vân, nâng cấp sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, cảng biển Chân Mây, cảng Kỳ Hà…
Trong vùng đã hình thành một chuỗi đô thị với các thành phố, thị xã, thị trấn gắn với các cụm công nghiệp và các trung tâm du lịch, dịch vụ dọc quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nối với Tây Nguyên và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan.
Dựa trên cơ sở vùng có vị trí địa lý thuận lợi, truyền thống lịch sử lâu đời, các loại hình văn hóa đa dạng, môi trường cảnh quan thiên nhiên phong phú và các điều kiện đón tiếp và phục vụ du lịch chất lượng cao của các địa phương. Các tỉnh duyên hải miền Trung có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… Do vậy, cần thiết đưa ra một chiến lược phát triển du lịch mang tính tổng hợp liên vùng, dựa trên nền tảng các tài nguyên biển đảo gắn với các tài nguyên tự nhiên núi rừng, sông hồ, suối thác, đầm phá ven biển, đồng bằng duyên hải và tài nguyên du lịch nhân văn – mà điểm nhấn là 5 di sản văn hóa thế giới gắn kết với các tài nguyên nhân văn về văn hóa, lịch sử cách mạng của toàn vùng trải dài từ Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Huế – đầm phá Tam Giang – Bạch Mã – Lăng Cô – Hải Vân – Bà Nà – Sơn Trà – Non Nước – Hội An – Mỹ Sơn – Tam Kỳ nhằm khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên du lịch đặc thù của từng địa phương, tránh trùng lắp trong việc hình thành các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm về du lịch biển – đảo; cần nhìn nhận lại một số quan điểm chủ đạo trong mối liên kết vùng để tiến đến một sự hợp tác toàn diện và có hiệu quả khi hình thành chiến lược phát triển sản phẩm du lịch cho toàn vùng.
Trước hết, việc khai thác các tài nguyên du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung phải gắn với tuyến điểm cả nước, đặc biệt là tour du lịch Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ – Nam Bộ. Đồng thời, không ngừng mở rộng quan hệ với các hãng lữ hành quốc tế, đặc biệt chú trọng tour du lịch Đông Dương (Lào – Đông Bắc Thái Lan) và tour du lịch đường biển với các nước Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và các nước trên thế giới.
Khai thác các tài nguyên du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung cần đặt trong mối quan hệ với các ngành dịch vụ du lịch khác của từng địa phương. Bởi vì, tuyến điểm du lịch là sản phẩm đặc thù có tính tổng hợp cao, nó chứa đựng nhiều yếu tố cấu thành. Hoạt động của tour du lịch này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại hiệu quả xã hội.
Khai thác các tài nguyên du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của từng địa phương. Phát triển tuyến điểm du lịch phải nằm trong các đề án quy hoạch tổng thể của các địa phương.
Khai thác các sản phẩm du lịch này phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc để đảm bảo phát triển bền vững và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của mỗi địa phương. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết cần ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để đẩy mạnh quá trình quy hoạch, khai thác có hiệu quả tour du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển của vùng cũng như của địa phương, để hội nhập với sự phát triển du lịch chung của cả nước.
Khai thác các tài nguyên du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung cần phải có sự kết hợp chặt chẽ và đồng bộ của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường an ninh, tuyên truyền, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng và khai thác các tài nguyên du lịch tại các tỉnh duyên hải miền Trung là tập trung nhất của thể chế phát triển du lịch, đó là sự thống nhất trong phối kết hợp giữa chính quyền các địa phương với nhau và các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, trong công tác tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch.
Để phát triển du lịch của cả nước, mỗi địa phương cần phải huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khai thác các tuyến điểm mang tính đặc thù riêng góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của vùng cũng như của đất nước vào năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030 để tạo sự phát triển vượt bậc, đúng hướng, góp phần cùng cả nước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới./.
Trần Viết Lực
Nguồn: VTR