Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Liên kết phát triển du lịch di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội thông qua việc xây dựng tuyến du lịch di sản

    lkptds trang 2015 5   Di sản là một bộ phận văn hóa của nhân loại, được xem là tài nguyên vô giá mà mỗi thế hệ phải có trách nhiệm phát huy và bảo tồn cho các thế hệ tiếp theo. Khi nghiên cứu về một quốc gia, một dân tộc thì không thể bỏ qua các yếu tố văn hóa vì nó chính là lời giới thiệu khái quát nhất nhưng cũng sâu sắc nhất về quốc gia, dân tộc đó. Một xã hội không thể tồn tại và phát triển nếu không dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá. Nhiều giá trị văn hóa đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một dân tộc, một quốc gia và có ảnh hưởng đến toàn thế giới – đó là di sản văn hóa thế giới. Đến nay, Việt Nam có 21 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong đó có 02 di sản thiên nhiên, 01 di sản thiên nhiên và văn hóa, 14 di sản văn hóa và 4 di sản tư liệu thế giới. Riêng Hà Nội đã có tới 4 di sản thế giới, đều là di sản văn hóa, đó là: Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 82 bia Văn Miếu Thăng Long, Ca trù, Hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc. Đây là những tài sản vô giá của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và rộng hơn là toàn nhân loại.
       Du lịch được xem là phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, là cầu nối giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, du lịch còn là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
       Hà Nội có nhiều di sản quý báu, đặc biệt với 3 di sản văn hóa và một di sản tư liệu thế giới là lợi thế lớn để phát triển du lịch, tuy nhiên, việc khai thác những di sản chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các tour du lịch trên địa bàn thành phố chưa thật sự hấp dẫn, chưa có sự kết nối giữa các điểm du lịch di sản. Quy hoạch phát triển du lịch của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, di sản là tài nguyên du lịch quý báu, là đặc trưng nhất của Hà Nội, cần tập trung phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác.

    43. lkptds trang 2015 2

       1. Hiện trạng liên kết phát triển du lịch di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội
        Thực tế hiện nay, các di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội từ sau khi được UNESCO công nhận chưa có bất cứ sự liên kết, hợp tác nào với nhau. Các di sản hoạt động riêng lẻ, không có sự hỗ trợ, hợp tác với nhau trong việc giới thiệu hình ảnh của điểm di sản khác cho khách du lịch khi đến tham quan.    
       Hiện nay, ca trù mặc dù được công nhận là Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng vẫn chưa có cơ quan quản lý, theo dõi. Hoạt động của ca trù chủ yếu được duy trì bởi các câu lạc bộ hoạt động riêng rẽ. Chính vì vậy, việc liên kết giữa ca trù và 3 di sản còn lại vẫn chưa được thực hiện, và rất khó để thực hiện.
       Hoàng thành Thăng Long đã làm việc với Sở VHTTDL (cũ) để kết nối Hoàng Thành với các tour đã có nhưng Sở quản lý ngành cũng chỉ có thể giúp quảng bá chứ không thể đưa ra các tour bắt buộc, bản thân các điểm di tích phải tự làm nên sự hấp dẫn để thu hút khách.
       Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chưa có chủ trương, giải pháp gắn kết các di sản này với nhau tạo thành một chương trình du lịch chủ đề hấp dẫn. Mối liên kết giữa các điểm di sản này với các công ty du lịch trong việc giới thiệu, đưa khách đến tham quan cũng chưa được thực hiện, chủ yếu là các công ty du lịch tự đưa khách đến. Các đơn vị lữ hành, ngay cả các công ty tiên phong trong việc lập những hành trình du lịch mới cũng, cũng chưa thiết lập tour tuyến giữa bốn di sản với nhau. Các sản phẩm về tour du lịch vẫn chỉ dừng lại ở việc khai thác một vài điểm đến đã có “thương hiệu”. Chủ yếu tập trung vào các tour chính như:
       + Đền Ngọc Sơn – Phố cổ Hà Nội – Chợ Đồng Xuân – Lăng và Viện bảo tàng – Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa một cột – Chùa Trấn Quốc – Bảo tàng Dân tộc học – Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
       + Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột – Chùa Trấn Quốc – Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nhà tù Hỏa Lò – Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn.
       + Văn Miếu Quốc Tử giám – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ Tịch, Nhà Sàn của Bác, chùa Một Cột – Bảo tàng dân tộc – Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn – Phố cổ Hà Nội – Chợ Đồng Xuân.
       + Hoàng Thành Thăng Long – Đền Quán Thánh – Chùa Trấn Quốc – Làng Lụa Vạn Phúc.
       Từ hiện trạng nêu trên có thể thấy rằng, chưa có bất cứ mối liên kết nào giữa các di sản với nhau, các sản phẩm về tour du lịch thăm quan Hà Nội của các đơn vị lữ hành vẫn chưa khai thác hết các điểm di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội mà mới chỉ tập trung khai thác di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám.  Việc kết nối bốn di sản với nhau là một hướng phát triển sản phẩm và phát huy di sản cho du lịch Hà Nội rất cần thiết phải được quan tâm thúc đẩy.

    lkptds trang 2015 2

       2. Khả năng liên kết của các di sản
       Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, đồng thời là địa phương duy nhất tập trung tới 4 di sản thế giới, vì vậy liên kết 4 di sản thế giới này là hết sức cần thiết.
       Tuy nhiên, nếu để liên kết riêng 4 điểm di sản này với nhau thành một tuyến du lịch chủ đề di sản lại là một điều vô cùng khó khăn, sẽ không tạo được sự đa dạng và hấp dẫn cho tuyến du lịch, được xem xét bởi các nguyên nhân sau:
       + Tính chất của 4 di sản không giống nhau:
       Hoàng Thành Thăng Long, 82 bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di sản vật thể. Hai di sản này tương đồng về tính chất, là di tích lịch sử văn hoá, có khả năng liên kết.
       Hội Gióng là di sản văn hoá phi vật thể, mang tính chất du lịch tâm linh. Đối tượng khách chủ yếu là khách du lịch nội địa, tập trung vào thời gian diễn ra lễ hội.
       Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể, mang tính chất nghệ thuật diễn xướng. Loại hình di sản này rất kén người nghe. Đối tượng khách tìm hiểu và thưởng thức ca trù không nhiều.
       + Về mặt không gian: các điểm du lịch không tập trung, khoảng cách địa lý gây khó khăn trong việc xây dựng chương trình du lịch. 3 di sản: Bia Tiến sĩ, Hoàng  thành Thăng Long và ca trù thuộc trung tâm Hà Nội; Hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng thuộc ngoại thành Hà Nội, lại nằm ở hai lộ trình khác nhau.
       + Về mặt thời gian: Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long mở cửa hầu hết các ngày trong tuần, thuận tiện cho việc tham quan của du khách. Còn ca trù thì vẫn chưa có một sân khấu chính thức mà chủ yếu là các câu lạc bộ tự thành lập, chỉ biểu diễn một số ngày trong tuần, ở địa điểm khác nhau gây bất tiện đối với du khách. Đặc biệt, Hội Gióng chỉ diễn ra vào tháng Giêng Âm lịch tại đền Sóc, tháng tư Âm lịch tại đền Phù Đổng là hạn chế rất lớn về mặt thời gian trong việc kết nối các điểm di sản.
       Vì vậy, việc kết nối tập trung riêng 4 di sản thế giới là điều khó có thể thực hiện, cần phải có sự hỗ trợ của các di tích khác. Liên kết để phát triển luôn mang lại hiệu quả tích cực. Liên kết du lịch di sản không nhất thiết là phải liên kết 4 di sản với nhau mà có thể liên kết giữa các di sản với các điểm du lịch khác trong địa bàn thành phố để tạo nên tuyến du lịch chủ đề di sản thế giới. Điều này làm tăng thêm giá trị hấp dẫn cho di sản, đưa ra nhiều lựa chọn cho khách du lịch cũng như tạo một không gian di sản cho toàn thành phố.
       3. Xây dựng tuyến du lịch chủ đề di sản thế giới trên địa bàn Hà Nội
       Để phát triển tuyến du lịch cần quan tâm đến 3 vấn đề cơ bản:
       + Thứ nhất: Phải nối được nhiều điểm du lịch cùng nằm trên một lộ trình và không quá xa nhau;
       + Thứ hai: Giữa các điểm du lịch trên cùng một tuyến phải có hệ thống giao thông thuận lợi;
       + Thứ ba: Tại các điểm du lịch và trên dọc tuyến phải có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
       Hà Nội có khả năng đáp ứng đầy đủ 3 vấn đề cơ bản nêu trên.
       3.1. Ưu tiên xây dựng các chương trình du lịch theo chủ đề du lịch di sản văn hóa
       – Chương trình gắn di sản với các điểm di tích, thắng cảnh khác ở trung tâm Hà Nội trong tuyến hành trình City tour:
    Hiện nay, tuyến hành trình City tour của Hà Nội chủ yếu thăm quan các địa điểm sau: Lăng – Bảo tàng – Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn,  Khu phố cổ, Chợ Đồng Xuân, Chùa Một Cột, Hồ Tây, Chùa Trấn Quốc, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, Bảo tàng dân tộc học… Trong hành trình City tour của các công ty du lịch không thấy có điểm di sản Hoàng thành Thăng Long, và Ca trù. Điều này chứng tỏ rằng Hoàng thành Thăng Long và Ca trù vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong việc xây dựng tour. Các doanh nghiệp du lịch vẫn chủ yếu xây dựng các chương trình du lịch dựa trên việc tận dụng một vài điểm đến đã có “thương hiệu”. Việc đưa 2 di sản này vào trong tuyến hành trình City tour là vô cùng cần thiết, tạo cho du khách có nhiều cơ hội để lựa chọn chương trình phù hợp với hành trình du lịch của mình.
       Để làm được điều này cần phải đưa ra một số biện pháp cụ thể để liên kết các điểm di sản với các di tích khác như sau:
       – Phải đưa ra một đề án quy hoạch tổng thể về du lịch di sản văn hóa trong phạm vi toàn thành phố. Bản quy hoạch này phải đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết về không gian, thời gian của tất cả các điểm di tích, các lễ hội, làng nghề truyền thống được liên kết lại thành các chương trình du lịch di sản văn hóa hoàn thiện.
       – Đưa các điểm du lịch trên vào các chương trình du lịch của các công ty du lịch. Phải khuyến khích, đầu tư và quảng bá rộng rãi tất cả các điểm du lịch di sản văn hóa trên toàn thành phố để các công ty du lịch biết đến và tổ chức vào các tour du lịch của mình.
       Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Hà Nội (cũ) đã tiến hành triển khai thực hiện Đề án nâng cấp ba điểm du lịch Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò đã đề xuất thêm một số hoạt động mới trong khai thác du lịch. Khu vực hồ Văn (nằm bên kia phố Quốc Tử Giám) sẽ được khai thác tối đa trở thành không gian văn hóa chuyên đề phục vụ khách tham quan. Gò Kim Châu giữa hồ Văn sẽ xây dựng thành câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật và nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Chính vì vậy, việc liên kết đưa ca trù vào biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ khách du lịch trong tuyến hành trình có tính khả thi rất cao.
        – Chương trình du lịch chuyên đề gắn với Nho học:
       + Tour du lịch “tham quan các di tích thờ Khổng Tử  tại Hà Nội: Bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Văn từ – Văn chỉ – Đền tam thánh;
       + Tour du lịch “Con đường các nhà khoa bảng Thăng Long Hà Nội”: thăm quê hương, các đền thờ của các vị tiến sĩ (làng Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng (Thanh Trì), làng Tây Mỗ, Đại Mỗ, Thượng Cát, Đông Ngạc, (Từ Liêm)).
       – Chương trình du lịch lễ hội tâm linh: Hà Nội – Đền Sóc  tổ chức cho thời gian diễn ra lễ hội Gióng, đây là lễ hội được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại nên quy mô tổ chức lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương. Đối tượng khách hướng đến chủ yếu là khách nội địa.Trong thời gian qua, cũng đã có ý kiến cho rằng cần phải biến Hội Gióng thành một sản phẩm du lịch quanh năm. Điều này hết sức không nên vì không phù hợp với tinh thần của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO mà Việt Nam tham gia, với lý do du lịch không nằm trong các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản này. Giá trị Hội Gióng nằm ở chỗ nó còn “giữ được khá nguyên vẹn yếu tố văn hóa cổ truyền”.

    lkptds trang 2015 1

       3.2. Xây dựng các chương trình du lịch bổ trợ để đa dạng hoá các tour liên kết
    Sau khi chính thức mở rộng địa giới vào tháng 1 năm 2008, thủ đô Hà Nội mới có diện tích lớn gấp 3,6 so với trước khi mở rộng, bao gồm: Thành phố Hà Nội cũ, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tổng diện tích của thủ đô mới là hơn 3.300 km2. Sự mở rộng ấy đã đem lại cho Hà Nội thêm rất nhiều tài nguyên du lịch, là những nguồn lực quan trọng trong sự phát triển du lịch. Không còn bó hẹp trong ba mươi sáu phố phường vốn đã quá quen thuộc với du khách, Hà Nội ngày nay trở thành nơi tập trung nguồn tài nguyên du lịch đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn, ghi nhận sự gia tăng lớn về số lượng các điểm du lịch đưa vào khai thác như: Làng cổ Đường Lâm, Khu du lịch Đầm Long, Hồ Suối Hai, Tản Đà spa resort, Khoang Xanh/Ao Vua, VQG Ba Vì, Khu di tích K9 Đá Chông, Làng lụa Vạn Phúc, Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Đồi cò Ngọc Nhị, Núi Sóc, Hồ Đông Quan, Đầm Lai Cách…
       Trong giai đoạn phát triển mới, định hướng phát triển xuyên suốt của ngành Du lịch Hà Nội sẽ là phát triển du lịch văn hóa dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa nghìn năm văn hiến, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng chủ đạo, từ đó phát triển các loại hình khác như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
       Việc liên kết chương trình du lịch di sản văn hóa với các chương trình du lịch bổ trợ như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại, vui chơi giải trí dựa trên việc xây dựng các chương trình du lịch thông qua liên kết các điểm du lịch kể trên sao cho hợp lý, hấp dẫn sẽ đem đến nhiều lựa chọn hơn với những chương trình du lịch phong phú tạo sự đa dạng trong hoạt động du lịch để thu hút khách du lịch, tránh sự đơn điệu nhàm chán nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách tham quan là rất cần thiết. Kết hợp tham quan điểm đến văn hóa với các hoạt động du lịch khác ở đồng quê, dã ngoại, gắn với  các tuor “du lịch nông nghiệp”, “du lịch trang trại”, “du lịch tín ngưỡng”, “du lịch kết hợp nâng cao sức khỏe”.  Để liên kết loại hình du lịch di sản văn hóa với các loại hình du lịch khác bổ trợ cần có nhiều biện pháp khác nhau.

    Tóm lại, việc liên kết các di sản để hình thành các tuyến liên kết di sản, đẩy mạnh dòng sản phẩm tham quan, tìm hiểu các di sản văn hoá thế giới tại Hà Nội là hết sức cần thiết, với thực tế đặc điểm của các di sản thì cũng cần tính đến việc liên kết với các hoạt động du lịch bổ trợ khác nhằm tăng cường trải nghiệm và tính hấp dẫn cho sản phẩm. Để có thể triển khai thực hiện việc liên kết, trước tiên cần có sự thống nhất, bàn bạc hợp tác giữa các cơ quan quản lý, có sự chỉ đạo quy hoạch tổng thể từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thứ hai, cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách du lịch. Với những nỗ lực như vậy, chắc chắn các di sản du lịch thế giới sẽ đến gần hơn tới du khách, nâng cao hình ảnh du lịch của thủ đô.

    CN. Trần Thị Hồng Trang – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục