Lễ kỷ niệm 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất
Ngày 24/10/2015 vừa qua, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất ghi nhận sự lao động bền bỉ, năng động, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cùng ngày, Lễ khai trương hai trưng bày thường xuyên: “Một thoáng châu Á”, sưu tập hiện vật do Giáo sư Kaneko Kazushige (Nhật Bản) hiến tặng và “Vòng quanh thế giới”, sưu tập hiện vật do Giáo sư Lê Thành Khôi (Việt kiều tại Pháp) hiến tặng, diễn ra tại tầng 2 tòa nhà “Cánh diều”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khẳng định, trong 20 năm qua, Bảo tàng luôn đi đầu trong đổi mới phương thức hoạt động bảo tàng, chủ động liên kết hội nhập quốc tế, nhờ đó Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ là địa chỉ văn hóa quan trọng ở Hà Nội mà còn là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế góp phần vào việc thực hiện công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập ngày 24-10-1995. Đến nay, Bảo tàng đã trải qua chặng đường tròn 20 năm, đó là một cuộc hành trình đầy thách thức, luôn trăn trở, tìm tòi và sáng tạo không ngừng để từng bước khẳng định vị thế của mình trong giới bảo tàng ở Việt Nam và quốc tế.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, Bảo tàng DTHVN đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2006). Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2010), tặng Cờ thi đua năm 2011 và năm 2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng Cờ thi đua, Bằng khen nhiều năm liền.
Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm ảnh màu), 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom (tính đến năm 2000). Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.
Khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây có nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đặc biệt phong phú là đồ vải của các dân tộc, như khố, váy, khăn… được trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống khác nhau; đồ đan, nhất là các loại gùi, giỏ, mâm; những nhạc cụ bằng tre, vỏ bầu khô; các hiện vật nghi lễ… Cùng với hiện vật, trong các phòng trưng bày còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người.
Để phục vụ đầy đủ khách tham quan, tất cả các thông tin trong trưng bày, các bài viết cũng như các chú thích, đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bảo tàng còn soạn thảo nhiều tờ gập giới thiệu những nội dung chính, bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật…, phát miễn phí cho du khách.
Trong khu ngoài trời, có 10 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Êđê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai vànhà mồ cá nhân của người Cơtu. Trong khu vườn đầy cây xanh này còn có ghe Ngo của người Khơme và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Trước nhà Việt, vào các thứ Bảy và Chủ nhật có biểu diễn rối nước của các phường rối dân gian đến từ các làng khác nhau.