Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kỳ vọng sự bứt phá ngoạn mục của du lịch

       Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới là một dấu mốc lịch sử của ngành Du lịch Việt Nam.

       MrtuanPhóng viên báo Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn nhanh Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn sau khi Nghị quyết trên được ban hành.

       Những năm qua ngành Du lịch đã có sự phát triển mang tính bứt phá, vậy tại sao chúng ta vẫn cần có một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này, thưa ông?

       Tổng cục trưởng: Trong 5 năm qua, ngành Du lịch đã tạo ra sự phát triển mang tính bứt phá, sau 4 năm (2009-2013), tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi. Khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt. Chúng ta về trước 2 năm so với mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đặt ra cho năm 2015. Tuy nhiên, ngành Du lịch phát triển chưa tương xứng với sự giàu có, phong phú về tài nguyên, danh lam thắng cảnh của đất nước. Du lịch biển đảo, văn hóa, sinh thái… đều chưa đạt được mong đợi của xã hội.

       Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực đã sử dụng nhiều công cụ rất mạnh mẽ để tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch. Đơn cử như chuyện miễn thị thực đơn phương, song phương giúp du lịch nhiều nước tăng trưởng rất nhanh.

       Với du lịch thì thị thực, hàng không và điều kiện tiếp cận thông tin chính là lợi thế cạnh tranh rất mạnh nhưng chúng ta lại đang yếu về cả 3 phương diện đó. Về Visa chúng ta mới miễn cho 7 nước ngoài 10 nước ASEAN. Về hàng không, số lượng đường bay thẳng đến các thị trường du lịch của Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch cả về nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa đều còn rất khiêm tốn. Phong cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách cũng chưa tốt. Chính sách liên ngành liên vùng để phục vụ cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập.

       Trong bối cảnh như vậy, Tổng cục Du lịch đã báo cáo, đề xuất Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới để khắc phục những điểm yếu đã nêu ở trên.

       Cụ thể là những điểm yếu đó được giải quyết ra sao trong nghị quyết của Chính phủ?

      Tổng cục trưởng: Nghị quyết nhấn mạnh đến điểm quan trọng đầu tiên là phải nâng cao nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.

       Nội dung thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch. Thời gian tới chúng ta tập trung mở rộng diện miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh; nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, đường thủy, đường biển, đường bộ, đường sắt.

       Với quan điểm tiếp cận coi doanh nghiệp là yếu tố trung tâm, là động lực, là lực lượng quyết định để phát triển ngành Du lịch, Nghị quyết giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành đề xuất một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm thuế sử dụng, tiền thuê đất cho các dự án du lịch sinh thái, resort, khách sạn, dự án du lịch sử dụng nhiều diện tích đất dành cho đầu tư cảnh quan, không gian và hạ tầng; thuế nhập khẩu thiết bị phương tiện phục vụ cho du lịch chất lượng cao mà trong nước chưa sản suất được…

        Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, nâng cấp chất lượng dịch vụ gắn với an ninh an toàn.

       Quan trọng không kém là cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương. Sớm sửa đổi Luật Du lịch để phù hợp với hội nhập và những đổi mới của tình hình thực tiễn đang đặt ra.

       Có thể nói Nghị quyết là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.

       Để nghị quyết thực sự phát huy được vai trò như kỳ vọng, ngành Du lịch sẽ cần phải làm gì?

       Tổng cục trưởng: Sự vào cuộc của các bộ, ngành như Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công Thương, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính là quan trọng. Đặc biệt vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương phải được đề cao. Nếu chính quyền địa phương các cấp không thực sự vào cuộc, không chỉ đạo quyết liệt thì những vấn đề đặt ra từ thực tế tại các điểm đến du lịch sẽ không thể giải quyết triệt để.

       Đồng thời Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ VHTTDL ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết, xử lý các vấn đề một cách rốt ráo theo hướng những gì quan trọng bức xúc thì giải quyết trước, có lộ trình cụ thể.

    Theo: chinhphu.vn

    Bài cùng chuyên mục