Kinh nghiệm cải tạo, phát triển du lịch đảo Nami để trở thành điểm du lịch tiêu biểu Hàn Quốc
Đảo Nami nằm ở thành phố Chuncheon, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 70km. Đây là hòn đảo xinh đẹp, nổi tiếng gắn liền với sự thành công của bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Năm 2013, đảo Nami thu hút gần 3 triệu khách du lịch, trong đó xấp xỉ 1 triệu khách quốc tế. Đây là con số đáng kinh ngạc bởi trên thực tế, du lịch của hòn đảo nhỏ bé này đã từng có giai đoạn suy thoái, tưởng chừng không thể vực dậy được.
Theo lý luận mang tính tiến bộ của Butler(1980), có thể nhìn nhận rằng đảo Nami là điểm du lịch có “sinh mệnh” đã trải qua chu kỳ vòng đời của mình theo mô hình chữ S gồm các giai đoạn là thăm dò, khai phá, phát triển, tăng trưởng, đình trệ và suy thoái, giai đoạn cải tạo. Việc khai thác đảo Nami được chính thức bắt đầu từ năm 1966 khi công ty phát triển du lịch KyoungChun được thành lập, lượng khách du lịch thăm quan đảo tăng đều cho đến năm 1989, tuy nhiên, đến năm 1990 bắt đầu đi vào suy thoái. Từ năm 2002, công ty tuyên bố cải tạo lại đảo và những nỗ lực trong quá trình tái tạo lại môi trường du lịch nơi đây đem lại kết quả là Đảo Nami đã quay trở lại vị trí vốn có của nó, địa điểm du lịch tiêu biểu của Hàn Quốc. Vậy hòn đảo này đã cải tạo, phát triển du lịch như thế nào?
1) Phục hồi hệ sinh thái
Đảo Nami đã tiến hành việc cải tạo môi trường kể từ sau năm 2002, công ty KyoungChun đã tiến hành thay cột đèn điện, lắp lại đường dây điện, phá bỏ các hàng rào, vứt bỏ các thùng rác bẩn, quyết định không tiến hành ký lại hợp đồng khi các đơn vị thuê đất làm ăn trên đảo hết hạn hợp đồng. Tích cực trong việc cải thiện môi trường sinh thái với hoạt động mang tên “Cleanup Nami”. Trong 8 tháng, từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 6 năm 2003, trên tổng diện tích 460 nghìn m2, cứ 10m công ty lại cho tiến hành đào đất để kiểm tra việc chôn rác thải bất hợp pháp để tiến hành xử lý. Đồng thời tiến hành xây dựng mô hình quy hoạch cây xanh, ngừng việc phun thuốc bảo vệ thực vật để tạo thành rừng cây và thảm thực vật xanh mướt rậm rạp như ngày nay. Ngoài ra, công ty còn tiến hành phá bỏ các chuồng khỉ, nai, gà vịt..vv của mô hình vườn thú ngày xưa mà thả chúng ra để chúng sinh tồn trong môi trường tự nhiên vốn có của đảo.
Người ta cho rằng đảo Nami là một hòn đảo của tái chế. Cùng với Hiệp hội bảo vệ môi trường ở thành phố ChunCheon, Ban quản lý đảo đã xây dựng trung tâm tái chế tại đảo Nami trên khu đất ngày xưa dùng để đốt rác thải. Những rác thải có thể tái chế thu được trong quá trình đào xới đất để tìm lượng rác thải bị chôn bất hợp pháp như nhiều loại bình rỗng, các tấm gỗ ép, gỗ thải…đã được phân loại và sử dụng vào các mục đích cải tạo môi trường du lịch khác nhau như làm nguyên vật liệu trong việc cải tạo nhà, thủy tinh nghệ thuật, gốm nghệ thuật, đẽo gỗ trang trí, làm quà lưu niệm…
Hơn thế nữa, đảo Nami đã thành công khi xây dựng văn hóa tái chế trở thành biểu tượng của mình qua các sự kiện được tổ chức trên đảo như trưng bày các sản phẩm tại viện nghệ thuật đảo Nami, lễ hội văn hóa về tái chế.. Với những nỗ lực về tái chế như vậy, đảo được công nhận là thiên đường tái chế, hòn đảo tái sinh môi trường, những thành tích về tái chế của đảo được truyền thông các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Mỹ đưa tin trong các bản tin thời sự của nước họ.
2) Phát triển về lĩnh vực văn hóa
Đảo Nami đã tiến hành thử nghiệm để trở thành một không gian văn hóa nơi mà văn hóa nghệ thuật được hòa mình cùng thiên nhiên của con sông Bắc Hàn. Thời kỳ còn là một công viên cây xanh đơn thuần, nhiều kiến trúc trên đảo được sử dụng như một khu vui chơi giải trí nghỉ ngơi thông thường nhưng sau đó đã có một chiến lược chuyển đổi mục đích sử dụng các không gian này. Một số tòa nhà trên đảo đã được tái kiến trúc trở thành khu trưng bày phức hợp với rất nhiều các loại hình nghệ thuật về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật khác nhau được trưng bày. Với sứ mệnh mang ý nghĩa của Unicef đến với mọi người dân trên thế giới, đảo Nami xây dựng Unicef Hall để trưng bày các bức tranh ảnh với nhiều chủ đề như “triển lãm ảnh đại sứ thiện chí Unicef”, “ triển lãm ảnh cặp sách của trẻ em toàn thế giới” hay bán những sản phẩm xếp hình đóng góp quỹ Unicef.
Trên đảo cũng có khu vực trưng bày riêng về các đạo cụ âm nhạc đại chúng đầu tiên của Hàn Quốc, ngoài ra còn có khu vực sân khấu biểu diễn với quy mô nhỏ, sân khấu ngoài trời…để khách du lịch có được những trải nghiệm của riêng mình về văn hóa âm nhạc đại chúng. Thêm vào đó là những không gian trải nghiệm nghệ thuật truyền thống như làm giấy gió, khu nhà cổ, phòng trưng bày tranh truyền thống, nhà hát ngoài trời biểu diễn ca nhạc truyền thống…
Xác định những người làm nghệ thuật là đối tượng khách quan trọng của mình, đảo Nami tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những vị khách này trong việc nghỉ ngơi và sáng tạo. Ban quản lý sẽ sử dụng các tác phẩm của họ để trưng bày, cho ra sách ảnh để quảng bá hình ảnh của đảo nhằm thu hút khách du lịch. Cũng tương tự đối với các nghệ sĩ biểu diễn trong concert tại đảo, họ được hỗ trợ những điều kiện tốt nhất và để tham dự được những buổi biểu diễn này thì khách du lịch sẽ tới thăm đảo Nami. Đã có rất nhiều sự kiện lớn được tổ chức tại đảo để thu hút khách du lịch mang tên: “Giấc mộng đêm hè”, “Ngày hội sách thế giới”, “ngày hội biểu diễn của thanh thiếu niên thế giới”…
3) Hợp tác với các Tổ chức quốc tế, hiệp hội và sự tham gia của cộng đồng
Với chiến lược mở rộng hợp tác, liên kết, ban quản lý đã tạo không gian trên đảo để Hiệp hội Unicef Hàn Quốc, Trung tâm giáo dục môi trường Hàn Quốc, nhiều cơ quan khác sử dụng. Các cơ quan này tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như trại hè đào tạo môi trường, sân chơi văn hóa…các hoạt động trên đã trở nên nổi tiếng và nhờ đó cũng thu hút được nhiều khách du lịch đến với đảo hơn.
Đảo cũng tổ chức sự kiện trồng cây với sự tham gia của cộng đồng. Năm 2006, với sự tham gia của đông đảo khách tham quan, công ty quản lý đã tiến hành trồng 400 cây thủy sam và gọi nơi đây là “Sequaia family garden – Rừng cây thủy sam”, năm 2007 trồng “Rừng cây Nami”, 2008 trồng “ rừng cây bách phong”. Trên mỗi cây sẽ gắn biển tên người tặng, và những người tham gia lễ trồng cây đều được giấy chứng nhận là công dân nước cộng hòa Nami cũng như được phát hộ chiếu trọn đời, lễ hội đã gây ấn tượng mạnh cho người dân trong việc nhận thức về bảo vệ môi trường và cũng đã góp phần tăng hiệu quả quảng bá nhằm thu hút khách du lịch tới thăm quan nhiều lần nữa.
4) Du lịch phim ảnh (Film tourism) và hiệu quả của làn sóng văn hóa Hallyu Hàn Quốc
Giai đoạn tái sinh của Đảo Nami được rút ngắn đi rất nhiều nhờ thành công của bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Việc quay phim “Bản tình ca mùa đông” là hoạt động nằm trong kế hoạch tái phát triển của Đảo Nami. Công ty cổ phần đảo Nami đã hỗ trợ hết mức cho Đoàn làm phim trong thời gian quay phim tại đây. Sự thành công của “Bản tình ca mùa đông” đã đưa hình ảnh đảo Nami đến với toàn thế giới. Số lượng khách Châu Á ghé thăm đảo chỉ để được nhìn thấy tận mắt nơi quay bộ phim mà mình yêu thích tăng vọt và đảo Nami được coi là điểm du lịch tiêu biểu trong làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Ngoài ra, hình ảnh đảo Nami còn hiện diện trong bộ phim “Khách vãng lai mùa đông”, “ Nam và nữ” và một số phim ngắn quảng cáo khác…
Hình ảnh phim “Winter sonata” trên đảo Nami
Tuy nhiên, theo Giám đốc công ty cổ phần đảo Nami thì “Nami không phải được mọi người biết đến vì bộ phìm Bản tình ca mùa đông mà Bản tình ca mùa đông thành công là nhờ có đảo Nami”. Sự hòa quyện giữa môi trường thiên nhiên cùng không gian nghệ thuật độc đáo chính là giá trị cốt lõi của đảo Nami, đó mới chính là lý do khiến khách du lịch ngoại quốc đến thăm và tại thời điểm cao trào, số lượng khách ngoại quốc ghé thăm đảo xấp xỉ 1 triệu người vào năm 2013. Hiệu quả của làn sóng văn hóa Hallyu Hàn Quốc thời kỳ đầu đã thu hút đông đảo du khách Nhật Bản, Đài Loan đến với đảo, đến hết năm 2013, đảo Nami thu hút được khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó, chiếm thị phần lớn là: Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Hongkong, Indonesia, Philippin, và Việt Nam.
5) Liên kết trong khu vực, tuyên bố về Nước cộng hòa Nami
Đảo Nami đã tiến hành xây dựng mạng lưới liên kết quốc tế, không chỉ là mạng lưới ở Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan…mà còn có chiến lược xây dựng mạng lưới toàn cầu để quảng bá hình ảnh đến với khách du lịch khắp thế giới. Ban quản lý đảo Nami đã đàm phán với các cơ quan đại diện của các nước như liên minh Châu Âu, Phòng công thương tại Hàn Quốc của Pháp, Đức, Đan Mạch… với kế hoạch tổ chức các sự kiện liên quan trong ngày Quốc khánh tại đảo. Mục đích của việc tổ chức là khi các khách mời tham dự các sự kiện đó quay trở lại đất nước của mình, họ sẽ giúp quảng bá hình ảnh của đảo Nami và gửi đi thông điệp mang tính tích cực về du lịch đảo Nami. Bằng cách tổ chức các sự kiện khu vực, tạo ra các không gian đậm sắc thái đặc trưng…Đảo Nami đã xây dựng được mạng lưới liên kết khu vực trong và ngoài nước.
Để vượt lên trên những hiệu ứng do thành công của bộ phim “Winter Sonata” mang lại, Ban quản lý đảo Nami quyết định đưa ra chiến lược mới với tên gọi Nước cộng hòa Nami. Đây là mô hình du lịch nghỉ dưỡng quốc tế mô phỏng một quốc gia du lịch đặc biệt được tuyên bố khai quốc vào tháng 3 năm 2006 và khi lễ hội sách thế giới lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 4 cùng năm, dưới sự tham gia của các đại sứ từ nhiều quốc gia khác nhau, lễ “khai quốc” đã được tiến hành. Vé vào cửa được thay thế bằng hộ chiếu, khu kiểm tra vé ra vào được gọi là phòng xuất nhập cảnh, ngoài ra Nước cộng hòa Nami còn có quốc kỳ quốc ca, tiền tệ, tem, chữ viết riêng.
Thông qua tuyên bố về Nước cộng hòa Nami, Đảo Nami cũng muốn hướng đến một hình ảnh tươi đẹp và lãng mạn của một thảo nguyên trong lành nơi có sự hòa hợp giữa môi trường sinh thái và văn hóa nghệ thuật. Sự thành công của “Bản tình ca mùa đông” và những nỗ lực nhằm xây dựng một điểm du lịch phức hợp kết hợp giữa văn hóa và môi trường sinh thái thiên nhiên là những điểm đột phá trong chiến lược quảng bá hình ảnh cho đảo Nami ra thế giới.
Tài liệu tham khảo:
All about Nami Island, Kang Woo – Hyon, 2012
Tourism Destination Regeneration: The Case of Nami-sum, Kim Sung-Jin, 2010
Marketing Management Millenium Edition, Tenth Edition, by Philip Kotler, Compilation Copyright © 2002 by Pearson Custom Publishing
Park, Min-young (10 January 2012). “K-drama fever impacts other industries”. Korea Herald. Retrieved 29 March 2013