Khảo sát, tìm hiểu di tích lịch sử tại tỉnh Bắc Giang
Nhằm nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch các khu, điểm du lịch, ngày 16/02/2019 Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức một chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế phát triển du lịch tại quần thể di tích lịch sử đền, chùa tại tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang với lợi thế có rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng nổi tiếng như: Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, Yên Dũng , thắng cảnh Suối Mỡ, chùa Bổ Đà, thiền viện trúc lâm Phượng Hoàng… Các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, lễ hội cũng được gắn với các di tích lịch sử-văn hóa này, lấy sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các di tích này làm hoạt động trung tâm của lễ hội. Tại đây đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại một số địa điểm như: Chùa Bổ Đà, Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Chùa Bổ Đà (còn được gọi là chùa Bổ) là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng Kinh Bắc, là trung tâm phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng, phía Bắc dòng sông cầu, thuộc địa phận Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là chùa Đức La, một ngôi chùa cổ của làng Đức La, xã Trí Yên, huyệ Trí Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được công nhận là một trung tâm phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ của cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Trong chùa có nhiều tượng pháp, đủ loại tượng: tượng Phật, Tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm… Trong số những đồ thờ tự ở đây, có chiếc dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữa Phạn.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị phi vật thể của thiền phát Trúc Lâm Yên Tử, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phát huy tiềm năng “du lịch văn hóa tâm linh” ở khu vực núi Nham Biền; gắn kết với hệ thống đình chùa, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Yên Dũng; nối kết với di tích Tây Yên Tử. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng còn là nơi lưu giữ thư tịch, văn hóa phẩm Phật giáo Việt Nam, để cho những ai muốn nghiên cứu, học tập thực hành theo thiền viện Trúc Lâm.
Chuyến khảo sát giúp cho các cán bộ nghiên cứu của Viện tìm hiểu được thực trạng phát triển du lịch tại địa phương, đặc biệt là tình hình phục vụ khách du lịch trong mùa cao điểm và từ đó có những nghiên cứu đóng góp chú trọng cho việc bảo tồn, phát huy tiềm năng và thế mạnh cho Bắc Giang trong phát triển du lịch trong tương lai./
Kim Hường