Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức đoàn khảo sát thực địa và điều tra xã hội học tại 8 tỉnh thuộc Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
Triển khai Nhiệm vụ “Xây dựng Sản phẩm Du lịch đặc thù Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” thuộc Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2017 do Tổng cục Du lịch giao, từ ngày 6/9 đến ngày 15/9/2017, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa và điều tra xã hội học tại 8 tỉnh thuộc Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó viện trưởng Viện NCPT Du lịch làm trưởng đoàn, tham gia đoàn còn có nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện và một số cán bộ các Sở Du lịch/Sở VHTTDL, Trung tâm xúc tiến du lịch tại địa phương trong vùng nghiên cứu cùng hỗ trợ.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông chính đường bộ, đường sắt, hàng không và biển, gần Thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Campuchia, Thái Lan, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế.
Du lịch biển, đảo và di tích lịch sử văn hoá dân tộc là nguồn lực du lịch quan trọng của vùng, đây là 1 trong 3 trung tâm du lịch của cả nước (ngoài thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh), trong đó nổi bật là dải Đà Nẵng – Hội An và Vân Phong – Quy Nhơn – Nha Trang – Cam Ranh – Ninh Chữ – Mũi Né. Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên mà nổi bật hơn cả là tài nguyên du lịch biển, đảo với nhiều bãi biển, bãi tắm và những thắng cảnh tuyệt đẹp. Biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh. Nha Trang với nhiều vũng, vịnh, bãi tắm sóng gió miên man làm mê hồn biết bao du khách như: vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, bãi biển Đại Lãnh, bãi Trũ, hòn Tằm… Phú Yên với bờ biển dài 190km, nhiều nơi núi – biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ như: vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, vũng Lắm, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, ghềnh Đá Đĩa…. Bên cạnh đó, Vùng cũng có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn vì đây là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời, đặc biệt là các nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm, các dân tộc thiểu số Đông Trường Sơn, những di tích văn hóa, lịch sử độc đáo như quần thể đền tháp Champa, thành cổ Trà Bàn, thành Trường Lũy. Đặc biệt, những di chỉ khảo cổ ở Sa Huỳnh đã chứng minh ngay từ thời kỳ đồ Sắt, nơi đây đã có nền văn minh phát triển và những cư dân đầu tiên ở vùng đất này chính là tổ tiên của người Chăm. Ngoài ra, vùng còn 2 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là đô thị Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn,,…
Với tài nguyên du lịch phong phú và có giá trị hấp dẫn du lịch như vậy, nhưng việc phát triển du lịch của Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các sản phẩm chưa thực sự thu hút, thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, lượng khách du lịch đến vùng thấp hơn so với tiềm năng, lợi thế. Chính vì vậy, việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là hết sức cần thiết, nhằm phát huy thế mạnh, tăng cường năng lực cạnh tranh chung, nâng cao sức hấp dẫn của toàn vùng, góp phần từng bước hiện thực hóa những mục tiêu và giải pháp phát triển của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong chuyến đi lần này, đoàn công tác đã tới khảo sát những điểm, khu du lịch tiêu biểu, trọng điểm hoặc giàu tiềm năng khai thác của 8 tỉnh trong vùng, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận với mục đích đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển sản phẩm du lịch, xác định những giá trị cốt lõi, mang tính cạnh tranh cao trong tài nguyên du lịch của vùng để trên cơ sở đó xây dựng và phát triển thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù theo từng cấp độ của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đoàn công tác đã có các buổi làm việc, trao đổi với Lãnh đạo các Sở Du lịch/Sở VHTTDL các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng cùng các bên liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, đồng thời tiến hành điều tra xã hội học tại 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên để phục vụ các nghiên cứu của nhiệm vụ. Một số điểm và khu du lịch tiêu biểu mà đoàn đã đến khảo sát như: bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né, Phan Thiết, trường Dục Thanh, dinh Vạn Thủy Tú, Tháp Po Sa Inu,.. thuộc tỉnh Bình Thuận; làng du lịch Cà Ná, Di tích tháp Po Klong Garai, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, vịnh Vĩnh Hy, vườn nho Thái An, Ba Mọi, Mũi Dinh,.. thuộc tỉnh Ninh Thuận, đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hòa, hải đăng Đại Lãnh, Gành đá Đĩa, đầm Ô Loan, Trạm dừng chân ASTOP – Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên,… quần thể di tích lịch sử thời Tây Sơn – Quang Trung, Từ đường Võ Văn Dũng, di tích lịch sử văn hóa Chăm (Thành đồ Bàn, hệ thống các tháp Chăm), hòn Khô, làng dệt thổ cẩm Hà Ri, khảo sát các dự án đầu tư động sản du lịch tại tỉnh Bình Định, thành cổ Châu Sa, khu chứng tích Mỹ Sơn, Khu tưởng niệm Huỳnh Thúc Kháng, bãi biển Mỹ Khê, ghềnh Yến, Làng bích họa 3D Thanh Thủy,..ở tỉnh Quảng Ngãi, Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hoồng, khu suối khoáng & suối nước nóng Tây Viên, Phù Ninh, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, Khu phố cổ Hội An, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh,..thuộc tỉnh Quảng Nam, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng điêu khắc Chăm, bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng,.. thuộc thành phố Đà Nẵng; và nhiều khu, điểm du lịch khác.
Đoàn công tác đã kết thúc chuyến khảo sát tốt đẹp với những kết quả làm việc đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm Du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”.
Văn Dương