Khảo sát đánh giá thực trạng xu hướng phát triển du lịch lễ cưới ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Lâm Đồng
Thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ TXTCN năm 2024 “Xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam”, từ ngày 24/5/2024 – 31/5/2024, đoàn công tác Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dưới sự chỉ đạo của Phó Viện trưởng Đỗ Thị Thanh Hoa đã tiến hành khảo sát và làm việc trực tiếp tại 4 tỉnh là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Trong chuyến công tác, đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở du lịch Khánh Hòa; Sở VHTTDL Bình Thuận và cán bộ quản lý các phòng ban trong Sở, Lãnh đạo của một số khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch chuyên tổ chức lễ cưới để thảo luận và làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động và tương lai phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới. Đoàn cũng đã đến khảo sát thực địa và làm việc trực tiếp với các cán bộ quản lý tại các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch chuyên tổ chức lễ cưới – các resort, khách sạn trên địa bàn khảo sát như khu du lịch Six Senses, khu du lịch Vinpearl Nha Trang, KN Paradise Cam Ranh (Khánh Hòa); Tại Ninh Thuận đoàn khảo sát điểm du lịch Vĩnh Hy, cánh đồng gió, khu vực cồn cát, khu du lịch Tanyoli Ninh Thuận, cách đồng muối, cách đồng Nho, bãi Rêu ở làng Từ Thiện, huyện Ninh Hải…; Tại Bình Thuận đoàn khảo sát ở một số cơ sở lưu trú du lịch chuyên tổ chức lễ cưới như: resort Seahorse, khách sạn Movempic, Resort Cliff, resort Mũi Né… ; Tại Lâm Đồng đoàn khảo sát một số điểm du lịch như khu vực Thung lũng tình yêu, cầu kính tình yêu, khu du lịch làng Cù Lần; Ga Đà Lạt – trải nghiệm tour du lịch đường sắt Ga Đà Lạt – Trại Mát và đồng thời có cuộc trao đổi với lãnh đạo quản lý nhà ga Đà Lạt về việc tổ chức tour lễ cưới trên tàu; resort…
Qua đó, có một số vấn đề nổi bật cần đề cập tới trong việc hoạt động và phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới như:
Đối với các khu du lịch, điểm du lịch chuyên tổ chức lễ cưới ở khu vực đoàn khảo sát nhìn chung đều có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại; sản phẩm và dịch vụ cho việc tổ chức lễ cưới tương đối đa dạng đáp ứng nhu cầu lễ cưới của khách du lịch, ngay cả với khách du lịch cao cấp, tuy nhiên việc tổ chức lễ cưới cũng cần chú ý đến yếu tố văn hóa, gắn bản sắc văn hóa riêng của địa phương với buổi tổ chức lễ cưới, đồng thời ẩm thực Việt với nhiều món ăn nổi tiếng thế giới cũng là điểm cộng giúp nước ta trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch đám cưới.
Thông thường, mỗi cặp đôi tổ chức đám cưới thường mời 100-200 khách tới 1000 khách tham dự. Các khách mời sẽ phải ăn uống, lưu trú, sử dụng dịch vụ tại điểm đến trong lễ cưới. Chưa kể, nhiều người trong số họ lựa chọn đến sớm hoặc ở lại thêm để tham quan, khám phá các điểm du lịch nổi tiếng ở đây. Vì thế, lượng khách có thể thu hút được từ du lịch đám cưới không hề nhỏ.
Thông qua du lịch đám cưới, Việt Nam nói chung và các địa phương có điều kiện phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới cũng có thể quảng bá được nét đẹp văn hóa, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh… tới khách du lịch ở trong và ngoài nước. Những hình ảnh được chụp lại, trải nghiệm trực tiếp của khách du lịch sẽ là kênh quảng bá tuyệt vời, chân thực nhất để khách du lịch biết được điểm đến du lịch Việt Nam.
Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn công tác đã thu thập được một số những tài liệu cần thiết, cũng như nắm bắt được hiện trạng chung của việc phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới trên địa bàn khảo sát. Đây là đợt khảo sát thứ 2 trong tổng số 03 đợt khảo sát theo kế hoạch triển khai của nhiệm vụ. Sau chuyện khảo sát này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát tại Ninh Bình. Các tài liệu và kết quả khảo sát thu về sau các chuyến khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để tổng hợp và làm rõ hiện trạng phát triển sản phẩm du lịch lễ cưới ở Việt Nam hiện nay, cũng như là căn cứ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp, tạo điều kiện để các cơ sở này hoạt động hiệu quả, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh của đoàn công tác:
Tin & Ảnh: Trần Lan