Khảo sát 6 tỉnh Vùng Đông Nam Bộ phục vụ thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm đặc thù Vùng Đông Nam Bộ”
Triển khai nhiệm vụ “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vùng Đông Nam Bộ” thuộc Chương trình hành động quốc gia về Du lịch năm 2017, do Tổng cục Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện, cuối tháng 8/ 2017, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát, làm việc tại các địa phương trong vùng. Đoàn công tác do Phó Viện trưởng Trương Sỹ Vinh làm trưởng đoàn, tham gia đoàn còn có các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ và một số cán bộ các Sở Du lịch/ Sở VHTTDL, Trung tâm xúc tiến du lịch của các địa phương hỗ trợ hoạt đông khảo sát.
Đoàn làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh
Vùng Đông Nam Bộ có tài nguyên du lịch phong phú. Tài nguyên du lịch văn hóa gồm cụm di tích lịch sử văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh (Địa đạo Củ Chi; Bến Nhà Rồng; Căn cứ rừng sác Cần Giờ…); Di tích cách mạng Trung Ương cục Miền Nam (Tây Ninh), căn cứ Tà Thiết (Bình Phước); Các di tích văn hóa gắn với đạo Cao Đài, lễ hội Núi Bà Đen… Về tài nguyên tự nhiên có cảnh quan tự nhiên Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh); Thác Mơ, Núi Bà Rá, vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước); Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Các bãi biển đẹp như khu nghỉ mát Bãi Sau, Bãi Dứa, Côn Đảo; Long Hải – Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Khu du lịch Bửu Long – Đồng Nai
Trong chuyến khảo sát lần này, Đoàn công tác đã đi khảo sát tại các điểm du lịch là thế mạnh và đang phát triển du lịch của từng địa phương như: các bãi biển Bãi Sau, Bãi Dứa, Long Hải – Phước Hải, khu du lịch Hồ Mây, Ngọn Hải Đăng, Khu du lịch Hồ Tràm, Côn Đảo ở Bà Rịa Vũng Tàu; Các điểm du lịch ở Tây Ninh như Cửa khẩu Mộc Bài, Khu di tích Trung Ương Cục Miền Nam, Vườn Quốc gia Lò gò Xa Mát, Cửa khẩu Xa Mát, Khu du lịch Quốc Gia Núi Bà Đen, Khu du lịch Hồ Núi Đá, Tòa thánh Đạo Cao Đài; Và Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập, Khu du lịch Núi Bà Rá – Thác Mơ thuộc tỉnh Bình Phước.
Hòn Bảy Cạnh – Vườn Quốc Gia Côn Đảo
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát
Ngoài ra, tại tỉnh Bình Dương, đoàn công tác cũng đã đi khảo sát một số điểm du lịch đã phát triển tốt như khu du lịch Đại Nam, khu du lịch Bửu Long, một số làng nghề truyền thống như tranh sơn mài Tương Bình Hiệp, Công ty gốm sứ Minh Long… Tại Đồng Nai, là Vườn Quốc gia Cát Tiên, trải nghiệm tour du lịch đi xem thú ăn đêm tại vườn và thăm một số cơ sở lưu trú trong và ngoài vườn. Và cuối cùng tại Tp Hồ Chí Minh, đoàn đã đi khảo sát khu du lịch rừng Sác – Cần Giờ, Địa Đạo Củ Chi và một số trung tâm hội nghị lớn như Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC), Tòa nhà Bitexco, Trung tâm hội nghị GEM…
Ngoài việc khảo sát các điểm, các khu du lịch nhằm tìm ra sản phẩm đặc thù của Vùng ra, Đoàn khảo sát còn có các buổi làm việc với Sở du lịch/ Sở VHTTDL của tất cả các tỉnh trong Vùng để nắm bắt tình hình phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương và định hướng phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới. Các buổi làm việc đều trên tinh thần trao đổi rất cởi mở tất cả những vướng mắc khó khăn trong công tác phát triển sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng nói riêng và mối liên kết vùng giữa các địa phương trong phát triển sản phẩm của cả Vùng.
Chuyến khảo sát và làm việc tại các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ đã kết thúc tốt đẹp. Những thông tin và kết quả thu được trong chuyến khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu xây dựng được nhóm sản phẩm du lịch đặc thù cho Vùng nói chung và cho từng địa phương trong vùng nói riêng.
Bùi Hạnh