Diễn đàn thường niên Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2020
Sáng 29/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF 2020) với chủ đề: “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Đồng chủ tọa diễn đàn là ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam. Ngoài ra còn có khoảng 400 đại biểu tham dự đến từ các đối tác phát triển của Việt Nam; đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và quốc tế; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, học giả, chuyên gia; đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng đã tham dự Diễn đàn quan trọng này.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020. Thứ nhất, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách. Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển. Tiếp theo đó là bài phát biểu chào mừng của Bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Ngài Robyn Mudie – Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Tại phiên Tham luận (Phiên 1: COVID-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; Phiên 2: Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm, bền vững), các chuyên gia trình bày tại Diễn đàn gồm: TS. Victoria Kwakwa – Phó chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, Nguyên Giám đốc quốc gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; TS Jacques Morriset – Chuyên gia kinh tế trưởng và Giám đốc chương trình phụ trách Việt Nam; TS. Jonathan Pincus – Chuyên gia kinh tế, Cố vấn Quốc tế cao cấp của UNDP; Bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloite Việt Nam; Ông Toomas Hendrik llves – Nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Estonia; Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Bùi Hải Hưng – Viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (Vin AI Research Vingroup); Ông Winfrid Messmer – Quyền chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ thông tin Đại học Việt – Đức.
Các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh về cuộc khung hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống, y tế, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, tác động này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phần lớn do hiệu lực ứng phó của các Chính phủ, và trong số đó Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nhân tiện thông qua diễn đàn các đại biểu chúc mừng Chính phủ Việt Nam về thành tựu quan trọng này. Và để phát triển nhanh, bền vững thì Chính phủ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), thu hút FDI chất lượng vào Việt Nam, cần số hóa vào quản trị, thương mại, thanh khoản, tranh thủ tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ, dành sự quan tâm thỏa đáng tới y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội.
Đáng chú ý là bài tham luận của Bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đã nêu, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng, tiêu cực tới kinh tế, xã hội Việt Nam cũng như toàn cầu, đặc biệt là du lịch. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, mặc dù trước đó đây là ngành có tăng trưởng đặc biệt ấn tượng. Theo số liệu thống kê được công bố 8 tháng đầu năm 2020 thì: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tính đạt 322,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ dịch vụ lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại Việt Nam từ cuối tháng 7 làm cho các chính sách và nỗ lực kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm tham quan phải đóng cửa trở lại. Với thực trạng và những khó khăn đó để vực dậy ngành du lịch, theo Bà Hà Thị Thu Thanh đòi hỏi lúc này cần phải khuyến khích doanh nghiệp du lịch cơ cấu lại: Về sản phẩm du lịch, về thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), quảng bá du lịch qua e-marketing, mạng xã hội; Khuyến khích sự liên kết giữa các đối tác du lịch, địa phương – Điểm đến du lịch – Doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng để thu hút khách du lịch…
Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các đại biểu tham dự diễn đàn và bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên Thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Liên bang Đức.
Doãn Cường