Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc

      dhsh-2017Sáng ngày 24/10/2017, tại Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 58 Kim Mã, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Hội thảo nhằm giới thiệu và xin ý kiến chuyên gia góp phần hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng khu ven biển vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc” (ĐBSH&DHĐB). Tham dự Hội thảo có đại diện các bên liên quan, gồm các khoa đào tạo du lịch trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Du lịch và Báo Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, các công ty du lịch Indochina Travelland, EViVa Tour và các chuyên gia trong ngành Du lịch. TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Viện NCPT Du lịch) chủ trì Hội thảo.

       Chủ nhiệm đề tài – ThS. Trần Thị Lan đại diện cho nhóm nghiên cứu giới thiệu cơ sở khoa học cho việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng của 5 tỉnh ven biển – đảo khu vực ven biển vùng ĐBSH&DHĐB dựa trên đặc điểm tự nhiên, nhân văn của vùng và trình bày các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại vùng ven biển – đảo khu vực ven biển vùng ĐBSH&DHĐB. TS. Trương Sỹ Vinh hướng dẫn phiên thảo luận, nêu rõ tính đa dạng của các mô hình phát triển du lịch cộng đồng trong nước và trên thế giới dựa trên sự phù hợp đối với tính chất đặc thù của vùng, miền. Vì vậy, Hội thảo cần góp ý để đề tài xây dựng mô hình có hiệu lực, phù hợp với đặc điểm riêng của cộng đồng.

    dhsh-2017-2

       Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về việc xem xét đối tượng nghiên cứu là các cộng đồng ven biển khác nhau chủ yếu làm nông nghiệp hay ngư nghiệp, xác định việc giới hạn phạm vi về không gian ven biển trong đất liền hay bao gồm các cộng đồng biển đảo và vai trò trách nhiệm của từng đối tượng trong cộng đồng, cũng như cơ chế phối hợp giữa các đối tượng. PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Trưởng khoa Du lịch – Viện Đại học Mở Hà Nội góp ý cần phải nêu tính mới, tạo ra sự khác biệt cho đề tài nghiên cứu khoa học. Qua phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, PGS. TS. Nguyễn Văn Thanh đề xuất một số mô hình du lịch cộng đồng vùng ĐBSH&DHĐB như sau: (1) Mô hình Nam Định và Ninh Bình có yếu tố Thiên Chúa giáo; (2) Mô hình đặc thù cộng đồng nông nghiệp trồng lúa Thái Bình; (3) Mô hình ven biển Hải Phòng và đất liền Quảng Ninh; (4) Mô hình đại diện cho các huyện đảo. TS. Lê Văn Minh, Trưởng phòng Chiến lược và Chính sách du lịch đề xuất, mô hình chung cần có tính phổ quát, có thể áp dụng được trong tất cả các trường hợp, còn mô hình mẫu cần đưa ra vai trò, trách nhiệm và cụ thể cho từng đối tượng, trong đó có: (1) Chính quyền địa phương; (2) Quản lý nhà nước; (3) Cộng đồng; (4) Doanh nghiệp; và (5) Các tổ chức khác.

    dhsh-2017-1

    Bà Bùi Thị Nhàn – Giám đốc công ty EcoSea Travel trình bày bài tham luận về mô hình Ecohost

       Bên cạnh các ý kiến liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, các đại biểu cho rằng cần có phương án phát triển bền vững: Thứ nhất, cần lưu tâm tới bền vững trong mối quan hệ với bảo tồn văn hóa và có trách nhiệm với môi trường và xã hội; Thứ hai, cần duy trì việc kết nối giữa các nhà tài trợ tiềm năng với doanh nghiệp và cộng đồng sau khi các dự án kết thúc. Tuy nhiên, các nhà tài trợ thường ưu tiên mục tiêu xóa nghèo nên việc đảm bảo tính bền vững của các dự án phụ thuộc vào vai trò của cộng đồng và ban quản lý du lịch cộng đồng trong việc tiếp tục triển khai phương thức và kỹ năng vận hành mô hình đã được các dự án hướng dẫn. Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc công ty EcoSea Travel trình bày bài tham luận về mô hình Ecohost Du lịch cộng đồng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định với ý nghĩa như một điển hình tốt nhất của mô hình du lịch cộng đồng được lựa chọn cho đề tài.
       Kết thúc hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh hoan nghênh các ý kiến đóng góp cho chủ nhiệm đề tài hoàn thành các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị nghiệm thu cấp cơ sở, nêu rõ cần quan tâm tới các nội dung quan trọng, cụ thể như sau: căn cứ, lập luận khoa học của đề tài dựa trên nghiên cứu đặc điểm tự nhiên, xã hội, các mô hình trong nước và ở nước ngoài; Xác định số lượng mô hình chung áp dụng cho vùng ĐBSH&DHĐB, trong đó nêu một số mô hình điển hình; Quy định chức năng, trách nhiệm cụ thể cho các đối tượng tham gia vào mô hình; Điều kiện, cơ chế vận hành mô hình.

    dhsh-2017-3

       Hội thảo có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nhóm nghiên cứu mà còn đối với các đại biểu tham gia, gợi mở nhiều ý tưởng trong việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, đưa ra giải pháp phát triển du lịch cộng đồng nói chung và du lịch cộng đồng vùng ĐBSH&DHĐB nói riêng./.

     

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục