Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội nghị Quốc tế về Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được UNWTO tổ chức tại Việt Nam

       Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam và đợt khảo sát tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình (04/2012), TS. Taleb Rifai, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã có ấn tượng hết sức tốt đẹp về điểm đến Tràng An, Bái Đính, ông nhất trí đưa điểm đến này vào danh sách “Các câu chuyện về phát triển du lịch thành công trên thế giới theo hướng bền vững, có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội”, đồng thời Tổng Thư ký Taleb Rifai đã quyết định UNWTO phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì sự phát triền bền vững. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 21-22/11/2013, Hội nghị quốc tể lần đầu tiên về du lịch tâm linh đã được UNWTO cùng với nước chủ nhà Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

        DLTL1

       Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị

       Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Bà Nguyễn Thị Doan, ỦY viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Zoltán Somogyi, Phó Tổng thư ký kiêm Gíam đốc điều hành Tổ chức Du lịch Thế giới; Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo TW; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Dân vận TW; Ông Hoàng Tuấn Anh, ỦY vên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Hồ Anh Tuấn và Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An (nguyên Bí Thư Tỉnh Ủy Ninh Bình); Ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ, Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Bà Nguyễn Thị Thanh, ỦY viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy Ninh Bình và các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

    DLTL2
       Ông Zoltán Somogyi, Phó Tổng thư ký kiêm Gíam đốc điều hành UNWTO phát biểu tại Hội nghị

       Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 400 Đại biểu quốc tế và trong nước: Đại diện các cơ quan ủy ban, cơ quan chuyên môn, chuyên gia của UNWTO; Đại diện các Ban, Bộ, Ngành TW: Văn phòng TW Đảng; Văn phòng Chính phủ; Văn phòng chủ tịch nước; Bộ Công An; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ Ban tuyên giáo TW; Ban dân vận TW; UB Dân tộc Quốc hội; Đại diện Bộ du lịch, cơ quan Du lịch quốc gia các nước, các đại sứ quán, các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam: An-giê-ri, Ấn Độ, Ai Cập, Bu-tan, Campuchia, Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Iran, Lào, Ma Cao, Malaysia, Mỹ, Myanmar, Nhật Bản, Nigeria, Pháp, Phi-lip-in, Tây Ban Nha, Thái Lan và Úc; Phái đoàn EU; Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); Tổ chức JICA, FIDR; UNESCO, Dự án EU về nâng cao năng lực phát triển Du lịch có trách nhiệm với môi trường & xã hội; Lãnh đạo Tỉnh Ninh Bình; Lãnh đạo các Sở VHTTDL các tỉnh trên toàn quốc; Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Công giáo Việt Nam, các chức sắc tôn giáo tại Hà Nội và Tỉnh Ninh Bình; Đại diện lãnh đạo Tổng Cục Du lịch; các Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch; Đại diện các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế;các chuyên gia đến từ các trường đại học; Đại diện Lãnh đạo 40 doanh nghiệp các Tỉnh thành trong cả nước; Ông Nguyễn Văn Trường chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường–người nỗ lực, miệt mài đóng góp, tạo nên hình ảnh mới cho Tràng An, Tam Cốc và xây dựng nên chùa Bái Đính. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tham gia với vai trò chính về nội dung chuyên môn phía Việt Nam.   

       Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, du lịch tâm linh đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Chủ đề “du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” có ý nghĩa rất sâu sắc vì du lịch tâm linh vốn không chỉ là hoạt động hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội song song với việc phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước. Tín ngưỡng văn hóa vừa được coi là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch tâm linh, đồng thời là sợi dây kết nối tâm hồn người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Do vậy, việc thúc đẩy sự phát triển du lịch tâm linh sẽ hướng tới phát triển bền vững trong sự kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia, các ngành du lịch là vấn đề hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

       Sau đề dẫn Hội nghị với nội dung: “Tâm linh, đạo đức và du lịch bền vững trong thế kỷ XXI” của Giáo sư I Gede Ardika, thành viên Ủy ban thế giới về Đạo đức trong Du lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Văn hóa Indonesia, Hội nghị diễn ra với 20 bài phát biểu đã được các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về du lịch trong và ngoài nước trình bày trong các phiên thảo luận theo 4 chủ đề:

       1) “Ý nghĩa của du lịch tâm linh-từ du lịch tôn giáo đến du lịch tâm linh giai đoạn mới” do ông Zoltán Somogyi, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành UNWTO dẫn dắt.

    DLTL3

    Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam trình bày tham luận:

    “Du lịch Tâm linh ở Việt Nam-Thực trạng và định hướng phát triển”

     

       2) “Giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm – tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh” do Giáo sư I Gede Ardika, thành viên Ủy ban thế giới về Đạo đức trong Du lịch của UNWTO, nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Văn hóa Indonesia dẫn dắt.

      3)  “Tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh – phát triển trọng tâm và quản lý có trách nhiệm” do Ông Mason Florence, Giám đốc Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông (MTCO) dẫn dắt.

      4)  “Sản phẩm du lịch tâm linh – từ thực tiễn đáp ứng nhu cầu hiện tại và tiềm năng về du lịch tâm linh ” do TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), Tổng cục Du lịc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn dắt.

    DLTL4
    TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dẫn dắt phiên thảo luận với chủ đề:

    “Sản phẩm du lịch tâm linh: từ thực tiễn đáp ứng nhu cầu hiện tại và tiềm năng về du lịch tâm linh”

       Đã có nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn, đa chiều cùng các câu hỏi với nội dung hết sức thiết thực, sắc bén nhằm giải quyết những vấn đề mấu chốt hiện nay được các đại biểu đặt ra trao đổi, điển hình như: Vì sao lại là Du lịch tâm linh chứ không phải là tôn giáo hay công giáo?; Khái niệm “bền vững” đích thực trong phát triển du lịch; Mối quan hệ giữa các nhà thờ, giáo hội, cộng đồng công-tôn giáo với Nhà nước?; Phát triển du lịch nói chung và với du lịch tâm linh nói riêng theo hướng chất lượng hay số lượng?; So sánh tầm quan trọng của ý nghĩa cộng đồng (tôn giáo) và ý nghĩa kinh tế đối với quốc gia, nhà quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch?; Các biện pháp giải quyết xung đột nhằm tạo sự cân bằng hài hòa giữa khả năng cung ứng và số lượng khách?….

       Qua các phần đối thoại và thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả quốc tế tham dự cũng như các đại biểu trong nước, Hội nghị đã đúc rút được những ý tưởng, sáng kiến nhằm tăng cường các khuôn khổ, chính sách; thúc đẩy hợp tác với cộng đồng; bảo vệ và giữ gìn các giá trị truyền thống, xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tăng cơ hội việc làm, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, khuyến khích giáo dục-đào tạo, nâng cao năng lực hiểu biết của cộng đồng trong việc quản lý du lịch và tham gia xây dựng chính sách; thúc đẩy và ủng hộ sự tiến bộ kinh tế- xã hội của cộng đồng, các nhóm dân cư thông qua phát triển du lịch tâm linh đặc biệt đối với người dân bản địa, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên và người khiếm khuyết; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo gìn giữ các giá trị truyền thống thông qua các thế hệ tương lai với mục tiêu phát huy tác động tích cực của du lịch tâm linh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Để hiện thực hóa những sáng kiến, ý tưởng đó, cần có sự điều phối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên để du lịch tâm linh phát triển mang tính bền vững, có trách nhiệm nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới bảo vệ môi trường, phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống, giá trị đạo đức, tín ngưỡng bản địa. Trong đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Du lịch thế giới đóng vai trò đầu tàu, điều phối để các nước, vùng lãnh thổ có thể hợp tác với nhau thông qua các chương trình và dự án cụ thể và cùng tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho sự phát triển du lịch bền vững.
      

        Thông điệp: “Du lịch tâm linh là quyền của đại chúng, gắn kết các dân tộc với nhau vì sự phát triển bền vững” đã được khẳng định. Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp với việc ra “Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” vào 11h30’ ngày 22 tháng 11 năm 2013. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng của Du lịch Việt Nam trong năm 2013, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của UNWTO tạo bước tiến mới của du lịch tâm linh trên toàn thế giới. Việc tổ chức thành công Hội nghị đã khẳng định vị thế và vai trò của Du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; thể hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác du lịch đa phương, đồng thời là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá về đất nước, văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng.

     

    DLTL4 1

    DLTL5

     

    Phương Linh – Phòng QLKH & HTQT – Viện NCPTDL

    Bài cùng chuyên mục