Hội thảo quốc tế Phát triển Du lịch bền vững ở Đông Nam Á – những vấn đề đặt ra
Ngày 2/11/2017, tại Hà Nội, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Phát triển Du lịch bền vững ở Đông Nam Á – những vấn đề đặt ra”. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu và giảng viên của các cơ quan trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo từ các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Philippines và Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ báo cáo kết quả thực hiện dự án do Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức DAAD “Phát triển Du lịch bền vững tại Việt Nam”, phối hợp với Khoa Du lịch và Khách sạn – Đại học Huế và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện. Hội thảo là diễn đàn chia sẻ các điển hình tốt và kinh nghiệm cả về học thuật và thực tiễn liên quan đến phát triển du lịch bền vững ở Đông Nam Á.
Hội thảo bao gồm 2 phần chính “Phát triển Du lịch bền vững: Từ Lý thuyết đến Thực tiễn” và “Quản lý Điểm đến Du lịch” cùng với nhiều chủ đề thảo luận khác như phương thức cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt ở các khu di sản, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm, và đảm bảo cộng đồng địa phương hưởng lợi đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng những cơ sở lưu trú ngay tại cộng đồng.
GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH KHXHNV phát biểu khai mạc
GS. TS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc hội thảo đã nhấn mạnh: 6 đại biểu quốc tế Đông Nam Á có mặt tại đây không chỉ chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, mà còn đóng góp vào các giải pháp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và chiến lược phát triển du lịch có trách nhiệm ở cấp Bộ, ngành. GS. TS. Steingrube Wilhelm – trường Đại học Grifswald, Đức cùng phát biểu trong phiên khai mạc chia sẻ kết quả của dự án 4 năm về “Phát triển Du lịch bền vững ở Việt Nam”, gồm có: Quản lý điểm đến tại Huế; Quy hoạch Du lịch và vùng; và Tư vấn du lịch.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề quan tâm trong các phiên thảo luận như làm thế nào để không có đối tượng nào bị thiệt thòi và cùng hưởng lợi từ mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng. GS. TS. Kalsom Kayat – Đại học Utara Malaysia kết luận: Muốn làm tốt du lịch nông thôn cộng đồng cần đảm bảo có sự tham gia của các nhân tố sau: cộng đồng, mối quan hệ đối tác, liên kết hợp tác và trao quyền. Đối với mỗi lĩnh vực, chúng ta cần thực hiện tốt: quản lý hướng tới năng lực cạnh tranh; bảo tồn tài nguyên và tạo ra lợi nhuận cho cộng đồng. Như vậy, chúng ta đảm bảo du lịch nông thôn cộng đồng phát triển bền vững, TS. Kayat cho biết.
Đại hiểu quốc tế trình bày tham luận
Hội thảo “Phát triển Du lịch bền vững ở Đông Nam Á – những vấn đề đặt ra” một lần nữa khẳng định để đảm bảo phát triển du lịch bền vững cần có sự chia sẻ và hợp tác nhiệt thành, và hơn thế nữa cần chung tay thực hiện hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế, cũng như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về chính sách, sản phẩm và marketing.
Chiến Thắng