Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030”

    HTCLTriển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về Du lịch năm 2015, ngày 22/12/2015 tại Khách sạn Hòa Bình, Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng đã đến chỉ đạo và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPTDL cùng đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng thuộc Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các sở VHTTDL các tỉnh phía Bắc, đại diện các hãng kinh doanh du lịch, lữ hành lớn, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông.

    Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược sản phẩm du lịch cho đất nước. Theo phó Tổng cục trưởng, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phát triển sản phẩm là giải pháp hàng đầu trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với những xu thế phát triển du lịch hiện đại, tính cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gia tăng, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được những tiềm năng lợi thế của đất nước, chưa rút được khoảng cách với các nước trong khu vực về trình độ phát triển. Những năm vừa qua, các địa phương, doanh nghiệp du lịch của chúng ta đã tích cực khai thác tài nguyên du lịch, đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, hệ thống sản phẩm du lịch còn manh mún, thiếu định hướng, dẫn đến tình trạng sản phẩm nghèo nàn, trùng lắp về ý tưởng giữa các vùng, miền, chưa hình thành được những hệ thống sản phẩm du lịch nổi trội, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Vì vậy, để góp phần triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cấp thiết nhằm xác định rõ các hướng phát triển trong dài hạn và trung hạn về sản phẩm du lịch, hướng dẫn các địa phương là trọng điểm du lịch của các vùng thực hiện phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với các định hướng chung của Chiến lược phát triển du lịch, từng bước hình thành rõ nét các dòng sản phẩm có lợi thế, có tính cạnh tranh cao của du lịch Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

    Sau phần lễ khai mạc, Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa, chủ nhiệm đề án đã trình bày các kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề án. Theo đó, đề án xác định phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp ưu tiên hàng đầu: “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội tại các vùng miền.” Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Phát triển sản phẩm du lịch theo đặc trưng 7 vùng du lịch: Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Vùng Bắc Trung Bộ, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng ĐBSCL. Đề án chia các sản phẩm du lịch thành 03 dòng sản phẩm du lịch bao gồm: dòng sản phẩm du lịch đặc thù, dòng sản phẩm du lịch chính và dòng sản phẩm du lịch bổ trợ cùng lộ trình phát triển các dòng sản phẩm này cho 7 Vùng du lịch. Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện chiến lược.

    Đa số các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu và các kết quả đạt được của đề án. Các đại biểu cũng lưu ý nhóm nghiên cứu về cách tiệp cận “cung – cầu” trong việc xác định dòng sản phẩm nào là dòng sản phẩm chủ đạo ưu tiên phát triển. Theo đó, cần chú trọng vào việc nghiên cứu thị trường, việc xác định các sản phẩm du lịch cốt lõi nên dựa vào nhu cầu, thị hiếu của thị trường thay vì sự duy ý chí của nhà cung cấp. Nên chia thị trường thành 2 nhóm để nghiên cứu là thị trường khách quốc tế và nội địa. Chúng ta không chỉ cạnh tranh với các nước trong thu hút khách quốc tế mà còn cả chính khách du lịch là người Việt Nam. Góp ý với Tổng cục Du lịch, các đại biểu cho rằng chúng ta nên xác định một sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc, là biểu tưởng đại diện cho Du lịch Việt Nam. Các đại biểu cho rằng doanh nghiệp có vai trò chính trong việc tạo ra và phát triển các sản phẩm du lịch, chính vì vậy cần tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Tổng cục Du lịch, đặc biệt là sự tư vấn của Viện NCPTDL, để doanh nghiệp giảm chi phí khảo sát, nghiên cứu thị trường và các chi phí khác.

                Kết luận bế mạc hội thảo, Phó TCT Nguyễn Quốc Hưng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp quý báu của các đại biểu và chỉ đạo nhóm nghiên cứu tiếp thu những ý kiến phù hợp để bổ sung, hoàn thiện đề án.

     

    Bài cùng chuyên mục