Hội thảo khoa học quốc tế: Phát triển Du lịch trong bối cảnh hội nhập
Ngày 13/10/2017, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: Phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập tại Hội trường A, nhà 10 Đại học Kinh tế quốc dân. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia thuộc một số trường đại học trong nước và quốc tế đào tạo chuyên ngành du lịch, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế có liên quan đến bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch như UNESCO, IUCN cùng nhiều giáo viên, sinh viên khoa Du lịch và Khách sạn của Đại học Kinh tế quốc dân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đã nêu bật tầm quan trọng của du lịch trong hội nhập quốc tế, không chỉ có tác động kinh tế cao mà còn có giá trị toàn cầu về văn hóa và môi trường, tinh thần tri thức, giao lưu và hợp tác. Bên cạnh đó, du lịch cũng chịu tác động của môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và thiên nhiên và nhận thức xã hội. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một khu vực được UNWTO đánh giá là có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất châu Á và đặc biệt, nằm trong khu vực ASEAN – một khu vực năng động nhất châu Á. Đặc biệt, GS. TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch trong nước và quốc tế như: Trên hành trình phát triển của du lịch toàn cầu và của mỗi quốc gia, không thể thiếu dấu chân của doanh nghiệp du lịch, gót chân xanh là chỉ báo của doanh nghiệp nói chung và của du lịch nói riêng thân thiện với môi trường, sinh thái, có trách nhiệm với xã hội, có tính nhân văn và cũng là chỉ báo cho một tương lai phát triển bền vững sau này; Chúng ta đã không còn ở giai đoạn đầu phát triển du lịch với lao động giá rẻ và sự đánh đổi môi trường, nền kinh tế và du lịch thế giới đang bước vào kỷ nguyên thông minh và nhân văn, thỏa mãn nhu cầu du lịch trong khi vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên và quan tâm phát triển cộng đồng – đó là du lịch có trách nhiệm; Phát triển du lịch thân thiện với môi trường và nhân văn hơn không còn là sự lựa chọn mà là con đường tất yếu, là lời giải đáp cho sự mâu thuẫn trong phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa; Du lịch là giấy thông hành thế hệ mới cho sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong quá trình hội nhập và câu trả lời cho sự tồn tại hay không tồn tại trong dài hạn của ngành Du lịch ; Thực hiện trách nhiệm xã hội để kinh doanh du lịch bền vững trong xu thế hội nhập chính là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu để phát triển kinh doanh, để chiếm được tình cảm của người tiêu dùng và mở rộng thị trường. Điều mà chúng ta mong muốn về kinh doanh du lịch bền vững không chỉ là vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội, mà còn đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh mạnh mẽ dài hạn.
GS.TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại hội nghị
Các diễn giả quốc tế gồm có PGS. TS. Yi – Fong Wang – Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan và PGS. TS. Beatrice Bellini – Đại học Paris Nanterre, Cộng hòa Pháp đã trình bày 2 bài giới thiệu về “Các vấn đề hiện nay trong du lịch ngoài biên giới quốc gia” và “Loại hình sản phẩm du lịch bền vững”, nhấn mạnh tới vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và tư duy vòng đời sản phẩm, nghiên cứu thị trường trước khi thiết kế sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, bà Trần Thị Thu Thủy – Ban Văn hóa của tổ chức UNESCO tại Việt Nam và bà Đặng Thu Hà – Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày các vấn đề về du lịch và di sản thế giới ở Việt Nam và đạo đức trong du lịch.
PGS. TS. Beatrice Bellini – Đại học Paris Nanterre, Cộng hòa Pháp phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về chiến lược và ưu tiên đào tạo để đáp ứng với hội nhập khu vực và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong đó nổi bật là thách thức về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy ngành Du lịch Việt Nam đã thực hiện cam kết đầy đủ trong hội nhập ASEAN, trong đó có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch MRA-TP, nhưng vấn đề dễ nhận thấy nhất là năng lực ngoại ngữ của người lao động, so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Indonesia, Malaysia… Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của GS. TS. Nguyễn Văn Đính – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam – cho rằng thách thức đối với Việt Nam trong hội nhập du lịch ASEAN nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung gồm những yếu tố sau: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Ngoại ngữ; Hiểu biết về văn hóa các quốc gia ASEAN và thế giới; và Sức khỏe người lao động.
Trong phiên thảo luận về Du lịch có trách nhiệm và Đạo đức trong du lịch, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng cơ quan Tổng cục Du lịch đã nêu rõ: Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận, không phải là một sản phẩm, trong đó các bên có liên quan cùng thực hiện tốt trách nhiệm của mình, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch. Các tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện việc đưa bộ quy tắc ứng xử vào các hoạt động quảng bá và lồng ghép vào các ấn phẩm truyền thông của địa phương.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ra mắt Mạng lưới Du lịch có trách nhiệm Việt Nam (RTNV) nhằm kêu gọi sự tham gia và nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong liên kết, ủng hộ và cam kết thực hiện các hành động hướng tới một tầm nhìn chung về phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.
PGS. TS. Phạm Trương Hoàng, Chủ nhiệm Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu bế mạc hội nghị
PGS. TS. Phạm Trương Hoàng, Chủ nhiệm Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát biểu bế mạc hội nghị. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia và các bên liên quan trong ngành Du lịch nhìn nhận về tầm quan trọng của hội nhập khu vực và quốc tế trong phát triển du lịch, gắn với du lịch có trách nhiệm, đạo đức trong du lịch, đồng thời mở ra những triển vọng cho những thảo luận và hợp tác trong tương lai./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Chiến Thắng