Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN”
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động trong quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN”. Đây là một hoạt động trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ cùng tên do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì.
Tham dự hội thảo có TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài, TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng, Chủ tịch hội đồng khoa học Viện. Các đại biểu là đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), đại diện các Vụ chức năng thuộc Tổng cục Du lịch, các cơ quan thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như: Cục Quản lý lao động nước ngoài; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp;…đại diện khoa Du lịch các trường: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Đại học Mở, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Văn hóa Hà Nội; Cao đẳng Du lịch Hà Nội,..đại diện Hiệp hội Du lịch, một số doanh nghiệp du lịch và các chuyên gia về du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, hội thảo là cơ hội rất tốt để tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với xu hướng dịch chuyển lao động du lịch trong quá trình hội nhập ASEAN và việc thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực du lịch (MRA-TP).
Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chủ nhiệm đề tài đã trình bày khái quát về những nghiên cứu chính của đề tài như: đánh giá năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực và thị trường lao động một số nước ASEAN, thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực du lịch (MRA-TP), khả năng dịch chuyển lao động du lịch Việt Nam và các nước ASEAN, những rào cản và thuận lợi cho lao động du lịch dịch chuyển theo MRA- TP, tác động của dịch chuyển lao động du lịch giữa Việt Nam và các nước ASEAN, những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về dịch chuyển lao động du lịch… Theo TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, nhóm nghiên cứu đã xác định được 5 quan điểm chính về quản lý, phát triển nguồn nhân lực Du lịch trong bối cảnh hội nhập, gồm:
Một là, phát triển hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia hội nhập khu vực và quốc tế.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đạt tiêu chuẩn hội nhập khu vực và quốc tế
Ba là, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực quản lý du lịch và lao động nghề có tính đặc thù, tạo cú hích tăng cường tính chuyên nghiệp du lịch và sự phát triển du lịch
Bốn là, vai trò và liên kết không thể tách rời của “3 nhà” trong phát triển nguồn nhân lực du lịch: Nhà nước – Nhà trường và Nhà kinh doanh du lịch
Năm là, tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề, chất lượng cao
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe TS. Nguyễn Quang Việt (Phó Viện trưởng – Viện Khoa học Giáo duc nghề nghiệp) chia sẻ về “Dịch chuyển lao động du lịch trong hội nhập ASEAN – Thuật ngữ, Hệ thống trình độ, Tiêu chuẩn kỹ năng, Tiếp cận quốc tế, Đánh giá và công nhận, Chính sách quản lý”, đặc biệt là những chia sẻ liên quan đến việc đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng giữa Khung trình độ quốc gia (8 bậc) và Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (5 bậc). Ths.Trần Ngọc Lương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh tham luận về vấn đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội và hội nhập ASEAN” và một số kinh nghiệm thực tế của tập đoàn Mường Thanh tại Lào. PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc – Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội lại có những phân tích rất sâu sắc về các vấn đề như: dịch chuyển lao động trong ASEAN từ góc nhìn cung và cầu của thị trường lao động, quản lý nhà nước đối với dịch chuyển lao động, vấn đề chảy máu chất xám, việc đánh giá năng lực lao động theo chỉ số Vốn con người (Human Capital); TS. Vũ An Dân – Chủ nhiệm Khoa Du lịch Viện Đại học Mở chia sẻ về thực trạng cạnh tranh thấp giữa các cơ sở đào tạo du lịch và cách ứng phó, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, những vướng mắc về chính sách trong đào tạo tiến sỹ chuyên ngành du lịch,….
Kết thúc hội thảo là nội dung trao đổi, thảo luận, các đại biểu có những chia sẻ khác nhau, song đa số đều thống nhất rằng: về mặt bản chất, tự do dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN không phải là tự do hoàn toàn mà chỉ là …tự do hơn. Sự tự do đó vẫn vấp phải nhiều rào cản như thể chế chính trị, văn hóa xã hội, ngôn ngữ,… Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có nhiều tác động đến thị trường lao động du lịch. Bởi vì AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên được di chuyển tự do trong khu vực. Điều này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức to lớn đối với Việt Nam. Một mặt, những lao động du lịch Việt Nam thiếu kỹ năng và kinh nghiệm có thể đánh mất cơ hội việc làm vào tay các lao động tới từ các nước. Một mặt khác, các lao động có tay nghề cao của Việt Nam có thể dịch chuyển sang làm việc cho các công ty lớn khác trong khu vực có điều kiện đãi ngộ tốt hơn, gây lên hiện tượng chảy máu chất xám.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), AEC sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.
Tin: Văn Dương – Ảnh: Thái Hà