Hội thảo khoa học “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”
Chiều ngày 30/11/2020, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tham dự Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, đã có bài trình bày tham luận về Tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch Việt Nam.
Hội thảo hướng đến các mục tiêu: (1) Bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững (PTBV) trong bối cảnh và các cú sốc, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay; (2) Phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đến các khía cạnh của PTBV ở Việt Nam; (3) Khuyến nghị một số giải pháp thực hiện PTBV tại Việt Nam hậu Covid-19.
TS. Nguyễn Anh Tuấn đã nêu bối cảnh toàn cầu ứng phó với đại dịch Covid-19 và đòi hỏi ngành Du lịch cần phải có biện pháp ứng phó kịp thời và giải quyết vấn đề trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho thời điểm dịch bệnh được khống chế, cũng như phát triển ở giai đoạn mới trong dài hạn. Tại phiên thảo luận: Những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nảy sinh liên quan đến PTBV trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các đại biểu đã trình bày tham luận liên quan tới các chủ đề như: Tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, sử dụng và phân bổ nguồn lực, chuỗi cung ứng, thị trường; Lao động việc làm, bất bình đẳng và phúc lợi xã hội; Y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường; Tác động của Covid-19 đối với các ngành: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Nhận định về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Cuộc khủng hoảng này đã tác động tới nhiều mặt của ngành du lịch Việt Nam, trong đó có: Số lượng khách du lịch; Công suất phòng lưu trú du lịch và doanh thu du lịch; Hoạt động xúc tiến du lịch.
Đánh giá chung về phát triển bền vững, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất những khuyến nghị về chính sách để du lịch Việt Nam tận dụng các cơ hội trong bối cảnh thách thức của dịch Covid-19 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo đó, các giải pháp chính sách bao gồm: (1) Trong ngắn hạn, du lịch Việt Nam cần phải đảm bảo các điều kiện phù hợp về an toàn và tài chính, để các doanh nghiệp lữ hành và các nhà cung ứng dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch nội địa; đồng thời ưu tiên bảo vệ những đối tượng phụ thuộc vào du lịch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dễ bị tổn thương; (2) Trong trung hạn, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp điều kiện “bình thường mới”: du lịch quy mô nhỏ, khoảng cách ngắn, khám phá cộng đồng của chính địa phương mình hoặc lân cận, sử dụng ngôi nhà thứ hai hoặc nhà người thân; (3) Xây dựng môi trường du lịch an toàn; (4) Biện pháp đồng thời: Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp chủ động; (5) Phát triển ngành du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa và cấp thiết để các nhà chính sách, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng trao đổi và bàn về các vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Ngành du lịch đã và đang thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo tránh rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, ngành cũng đặt ra vấn đề xây dựng cơ chế và chiến lược để bảo vệ việc làm, sẵn sàng hành động một cách kịp thời để vừa phát triển du lịch trong điều kiện khủng hoảng, vừa tăng trưởng bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh và giảm mức độ tổn thương trước những cú sốc tương tự.
Chiến Thắng