Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị chính sách”

    Ngày 28/09/2023 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu  Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “ Phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị chính sách”. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì Hội thảo. 

    Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch: Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hơn 20 tỉnh thành (Sơn La, Ninh Thuận, Phú Thọ, Đồng Tháp, Hà Giang, Bắc Giang…); Các đại diện đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học; Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; đại diện một số doanh nghiệp du lịch; Cơ quan báo chí và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình farmstay thành công; một số địa phương quan tâm, ban hành chính sách, cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển loại hình này. Các mô hình farmstay đi vào hoạt động đã và đang tạo ra nhiều giá trị tích cực cho du lịch của địa phương cũng như tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là ngành nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng; đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch của địa phương, tăng hiệu quả cho công tác quảng bá du lịch của địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5910/VPCP-KGVX ngày 21/7/2020 của Văn phòng Chính phủ đối với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp, cần sớm có nghiên cứu, khảo sát để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh để xảy ra các biến tướng tiêu cực gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện nhiệm vụ: “Đánh giá hiện trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp, thúc đẩy phát triển loại hình farmstay tại Việt Nam.

    Sau phiên phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm nhiệm vụ Ông Lê Quang Đăng – Phó trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu: “Đánh giá hiện trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách”.

    TS. Lê Quang Đăng trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

    Ngay sau báo cáo kết quả nghiên cứu là các bài trình bày tham luận của các chuyên gia.  Đầu tiên, Ông Trần Xuân Việt (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La) trình bày tham luận với chủ đề: “Tiền năng và thực trạng phát triển loại hình farmstay ở Sơn La: những thuận lợi và khó khăn và kiến nghị”. Tiếp đó, TS. Hoàng Sĩ Thính (Trưởng Bộ môn, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trình bày tham luận với chủ đề: “Thiết kế và đổi mới mô hình kinh doanh nông nghiệp gắn với farmstay”. 

    Toàn cảnh hội thảo

    Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến hiện trạng phát triển loại hình du lịch farmstay, các khó khăn, vướng mắc hiện tại và những vấn đề liên quan khác. 

    Theo TS. Ngô Kiều Oanh, đây là một báo cáo rất căn cơ, đưa ra được định nghĩa khá chính xác về loại hình farmstay. Thực tế đây là loại hình đã xuất hiện từ khá lâu ở Việt Nam nhưng còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ nên còn nhiều lúng túng khi đi vào hoạt động. Do vậy, cần sớm có bộ tiêu chí hướng dẫn hoạt động cho loại hình này để giúp các nhà đầu tư và người dân có cơ sở thực hiện. Tiêu chí hoạt động cần bám sát vào thực tiễn, phân loại được sản phẩm cốt lõi của từng vùng miền cùng các cấp độ khác nhau cũng như cần học hỏi những kinh nghiệm của các nước có kinh nghiệm phát triển loại hình này, ví dụ như Đài Loan. TS. Ngô Kiều Oanh cũng đề xuất nâng cấp đề tài lên cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước để có có sức thuyết phục cao hơn. 

    Ở góc nhìn khác, PGS. TS Hoàng Thị Mỹ Dung – Viện Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, farmstay không chỉ là loại hình ở những vùng xa xôi, hẻo lánh mà có ở khắp nơi do đó tính tính phổ biến rất lớn nhưng đều vướng vào luật đất đai sửa đổi cũng như nghị định hướng dẫn phát triển trang trại chưa được ban hành dù đã có khá nhiều nghiên cứu trước đây được đưa ra.

    Các chuyên gia trình bày tham luận và các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến

    Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh loại hình farmstay tại địa phương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái  bà Vũ Thị Mai Oanh đề nghị nhóm tác giả bổ sung những đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực tế mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương và tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan tạo hành lang pháp lý cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng quy định của pháp luật đồng thời xem xét, bổ sung loại hình lưu trú farmstay vào quy định của pháp luật về du lịch để thống nhất quản lý trên toàn quốc.

    Các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo đồng tình và đánh giá cao báo cáo nghiên cứu và đã có thêm những ý kiến đóng góp quý báu.

    Tổng kết và bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn những ý kiến đánh giá, đóng góp rất tâm huyết và cởi mở của các đại biểu tham dự Hội thảo. 

    Tin & Ảnh: Bùi Thị Nhẹ

    Bài cùng chuyên mục