Hội nghị quốc tế về Thống kê Du lịch kêu gọi phát triển du lịch bền vững
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc UNWTO đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về Thống kê Du lịch vào ngày 23/6/2017 tại thành phố Pasay – Phi-líp-pin, với kết luận về việc kêu gọi các quốc gia hành động để đo lường các chỉ số phát triển du lịch bền vững.
Sau 6 phiên làm việc trong 3 ngày liên tiếp, khoảng 700 đại biểu từ hơn 60 quốc gia đã thống nhất thông điệp kêu gọi xây dựng và thực hiện khung thống kê trên các phương diện kinh tế, môi trường và xã hội ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương.
UNWTO định nghĩa du lịch bền vững là ngành “quan tâm đầy đủ tới các tác động hiện tại và tương lai đối với kinh tế, xã hội và môi trường; đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, ngành, môi trường và các cộng đồng địa phương.”
Thứ trưởng Bộ Du lịch Phi-líp-pin, Benito Bengzon Jr.; Cục trưởng Cục Thống kê Phi-líp-pin, Liza Grace Bersales; Giám đốc Điều hành của UNWTO phụ trách các chương trình vận hành và quan hệ với các cơ quan, Marcio Favilla và chuyên gia Tadayuki Hara chủ trì lễ bế mạc.
Tại phiên họp thứ 3 ngày 22/6, vấn đề việc làm đã được đưa ra thảo luận với ý nghĩa là khía cạnh then chốt để đảm bảo du lịch bền vững. Ông Igor Chernyshev – diễn giả chính tại hội thảo – đã phát biểu trong bài tham luận “Tuyển dụng, Việc làm Xanh và Du lịch Bền vững”, cho rằng việc làm trong du lịch là một trong số các trụ cột quan trọng nhất để đo lường du lịch bền vững.
Ông Chernyshev là chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lao động Thế giới và của UNWTO đã phát biểu về cần phải giải quyết vấn đề phát triển du lịch một cách cẩn trọng vì nhiệm vụ này có tác dụng thúc đẩy cải thiện kinh tế và phúc lợi xã hội. Theo đó, nhu cầu rất cấp thiết “phát triển sản phẩm du lịch với trọng tâm bền vững giúp cho việc bảo tồn và phù hợp với môi trường địa phương”. Nếu không giải quyết tốt yêu cầu này thì khách du lịch sẽ lựa chọn đến các điểm du lịch hoặc các điểm tham quan cạnh tranh khác.
Một diễn giả khác – bà Roxana Arguedas – công tác tại Viện Du lịch Costa Rica nói: “Việc đo lường tác động của du lịch có một phạm vi rất rộng; vì thế cần có một phương pháp tốt.”
Theo kinh nghiệm tại quốc gia của bà, bà đề xuất phương pháp chỉ số tiến bộ xã hội (SPI) như là “một công cụ đo lường và hiểu biết về phúc lợi của cư dân các điểm đến du lịch nhằm cải thiện nghị trình đối tác công – tư đã được thiết lập để hỗ trợ tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.”
Tin: Chiến Thắng