Hội nghị chuyên đề lần thứ hai Xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia về Du lịch mạo hiểm tại Hà Nội
Tiếp theo Hội nghị chuyên đề lần thứ nhất khu vực phía Nam được tổ chức tại TP.Đà Lạt, ngày 27/3/2018 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội nghị chuyên đề lần thứ hai khu vực phía Bắc xin ý kiến chuyên gia về dự thảo của ba bộ tiêu chuẩn: “Du lịch mạo hiểm – Nhà điều hành – Năng lực cá nhân”; “Du lịch mạo hiểm – Hệ thống quản lý an toàn – Yêu cầu (xây dựng trên cơ sở chấp nhận ISO 21101:2014)” ;“Du lịch mạo hiểm – Thông tin cho người tham gia (xây dựng trên cơ sở chấp nhận ISO 21103:2014)”.
Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai; Hội Hướng dẫn viên Việt Nam, các doanh nghiệp đang kinh doanh, tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm ở khu vực phía Bắc, đại diện các cơ sở đào tạo về du lịch tại Hà Nội và các chuyên gia du lịch.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chủ trì phát biểu khai mạc
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chủ trì phát biểu khai mạc Hội nghị. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình ¾ là đồi núi, có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc rộng lớn, và bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Du lịch mạo hiểm có mặt tại Việt Nam từ những năm 1990 và bắt đầu khởi sắc từ khi Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với Công ty Raid Gauloises tổ chức cuộc đua Raid Gauloises 2002 tại 9 tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đó, hàng loạt công ty du lịch đã triển khai các chương trình du lịch mạo hiểm phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đến nay, du lịch mạo hiểm không ngừng phát triển và thu hút ngày càng nhiều du khách tham gia. Tuy vậy, loại hình này ở Việt Nam hiện nay vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hay quy định hướng dẫn cụ thể về quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch mạo hiểm. Điều này cũng gây khó khăn các địa phương có hoạt động du lịch mạo trong việc quản lý, hướng dẫn, chỉ dẫn và cảnh báo an toàn cho du khách tại các khu vực nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng các bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Du lịch mạo hiểm là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.
Tiếp đó, đại diện Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành – ThS. Nguyễn Hoàng Mai đã trình bày một số kết quả của các hoạt động đã triển khai để có cơ sở xây dựng dự thảo TCVN về du lịch mạo hiểm gồm: điều tra xã hội học đối với các bên liên quan đến hoạt động du lịch mạo hiểm như doanh nghiệp du lịch mạo hiểm, khách du lịch nội địa và quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại một số địa phương đang khai thác loại hình du lịch này (gồm Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Bình, Lào Cai). Đồng thời có các buổi khảo sát thực địa, làm việc xin ý kiến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại các địa phương.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao và ủng hộ việc xây dựng TCVN về Du lịch mạo hiểm, đây sẽ là công cụ hữu ích giải quyết các vấn đề khó khăn mà các địa phương và doanh nghiệp có hoạt động du lịch mạo hiểm đang gặp phải hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra các ý kiến liên quan tới các vấn đề như: cần chuẩn hóa, Việt hóa các thuật ngữ, các khái niệm, thống nhất trong sử dụng thuật ngữ, bổ sung thông tin và kỹ năng cần thiết dành cho các đối tượng liên quan…
Kết luận hội nghị, TS. Nguyễn Anh Tuấn trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời cho biết Tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện nội dung dự thảo trước khi trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định./.
Thanh Hiền