Hội nghị cấp cao khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về du lịch xanh
Du lịch xanh đang là xu hướng phổ biến toàn cầu khi biểu hiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Từ ngày 3-5/5/2012, tại Chiang Mai, Thái Lan đã diễn ra Phiên họp lần thứ 24 Ủy ban hỗn hợp Đông Á-Thái Bình Dương và Nam Á và Hội nghị cấp cao khu vực về du lịch xanh do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) phối hợp cùng Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tổ chức. Tham dự có 130 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, các thành viên mở rộng và các đối tác quốc tế. Đoàn Việt Nam tham dự do TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch làm trưởng đoàn, TS. Lê Tuấn Anh, chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế và Ths. Trương Nam Thắng, chuyên gia Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm môi trường và xã hội do EU tài trợ.
Phiên họp trình bày và thảo luận về báo cáo hoạt động khu vực năm 2010-2011, 2012-2013, trong đó đánh giá vai trò ngành du lịch trong nền kinh tế các quốc gia mặc dù chịu tác động của khủng khoảng kinh tế, biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung đông và thảm họa tại Nhật Bản. Theo đó, năm 2011 với 980 triệu khách du lịch quốc tế, tăng trưởng 4,4%, chiếm 5% GDP trực tiếp toàn cấu, tạo ra 235 triệu việc làm (cứ 12 lao động có 1 làm du lịch), du lịch vẫn là ngành kinh tế lớn hàng đầu (lớn thứ 4 toàn cầu), mang lại phồn vinh cho nhiều quốc gia đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển thuộc khu vực kinh tế mới nổi. Khu vực Chấu Á-Thái Bình Dương năm 2011 đạt 217 triệu khách quốc tế với tốc độ tăng trưởng +6,1%, trong đó Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng (+10,4%). Du lịch Việt Nam đón 6,01 triệu lượt khách quốc tế nưm 2011, tăng trưởng 19,1% so với 2010. Dự báo du lịch toàn cầu đến 2030 cũng được quan tâm tại phiên họp. Sự kiện đón và vinh danh người khách du lịch thứ 1 tỷ vào tháng 12/2012 này; đến năm 2030 thế giới sẽ có 1,8 tỷ khách du lịch quốc tế; Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng tăng từ 22% năm 2010 tăng lên 30% năm 2030.
Hoạt động nổi bật vừa qua là chiến dịch vận động các nhà lãnh đạo du lịch toàn cầu (Global Leaders for Tourism’ Campaign) để khẳng định sự ủng hộ của các chính phủ về vai trò của du lịch đối với những thách thức toàn cầu ngày nay. Việt Nam trong số 10 nước trong khu vực và 25 nước trên toàn cầu được UNWTO lựa chọn đưa vào chương trình cùng với Thái Lan, Lào, Myanma, Trung Quốc, Hàn Quốc, Inđônêxia, Malaysia, Philippnes, Brunei. Hoạt động này được đánh dấu bằng chuyến thăm và làm việc của Tổng thư ký UNWTO TS. Talep Refai và trao bức thư ngỏ lên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 19/4/2012 vừa qua. Các sự kiện quan trọng của khu vực sắp tới được các thành viên quan tâm đó là Hội nghị toàn cầu về du lịch sinh thái (WEC) sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 9/2012 và nhiều hoạt động khác như hội nghị du lịch toàn cầu tháng 11 tại Malaysia; đào tạo cán bộ quản lý cấp cao tháng 6 tại Bhutan… đặc biệt Đại học Tổng hợp kỹ thuật Hồng Kong giới thiệu chương trình học bổng tiến sỹ du lịch và thực tập sinh cho cán bộ cơ quan du lịch quốc gia các nước thành viên. Phiên họp thống nhất bầu chọn ủy viên ủy ban chương trình và ngân sách là Malaysia (UB Đông Á-Thái Bình Dương) và Maldive (UB Nam Á) và thống nhất địa điểm phiên họp lần thứ 25 năm 2013 tại Ấn Độ.
Hội nghị du lịch xanh là tiêu điểm của sự kiện này. Tại Hội nghị báo cáo của UNWTO về du lịch xanh trong kinh tế toàn cầu, những sáng kiến du lịch sinh thái trong khu vực, du lịch xanh từ lý luận tới thực tiễn, du lịch xanh từ góc nhìn của thông tin đại chúng… Hội nghị thống nhất cao với nhận định du lịch là ngành đóng góp cơ bản và tích cực nhất vào kinh tế xanh toàn cầu. Du lich xanh đang trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu trước tác động rõ nét của biến đổi khí hậu. Về lý luận du lịch xanh gắn liền với chùm các khái niệm, quan điểm gắn với phát triển bền vững, du lịch sinh thái, du lịch lựa chọn, du lich cộng đồng và du lịch trách nhiệm. Về nội hàm du lịch xanh xuất phát từ “tư duy xanh” trên mọi phương diện, từ cung cấp đến tiêu dùng dịch vụ, tối đa hóa lợi ích theo hướng cả kinh tế và xã hội với mục tiêu đạt các chỉ số lành mạnh và hạnh phúc (happiness and wellbeing) thay bằng lợi ích kinh tế đơn thuần; tiết kiệm nguồn lực (giảm thiểu tối ưu), giảm thiểu phát thải… Du lịch là ngành đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển xanh. Những kinh nghiệm về phát triển du lịch xanh của các nước Thái Lan, Maldive, Sri Lanka, Buthan, Malaysia… được trình bày và thảo luận tại hội nghị. Việt Nam tham gia chia sẻ về mục tiêu của dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm môi trường và xã hội do EU tài trợ cùng với chiến lược phát triển du lịch đặt trọng tâm chất lượng và coi trọng lợi ích cộng đồng địa phương và bảo tồn, phát huy giá trị tự nhiên và văn hóa dân tộc. Hội nghị khép lại với cam kết mạnh mẽ của các quốc gia hướng tới phát triển du lịch xanh và thông qua du lịch xanh để thúc đẩy kinh tế xanh và thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu./.