Đề tài NCKH cấp Bộ “Hiện trạng và giải pháp phát triển các khu du lịch biển QG tại vùng du lịch Bắc Trung bộ”
1. Tính cấp thiết của đề tài :.
Với trên 3200km bờ biển, tài nguyên du lịch biển là một trong những thế mạnh cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước khác trong cùng khu vực. Tuy nhiên, thực tế khai thác tài nguyên và phát triển du lịch tại các khu du lịch biển Việt Nam nói chung và tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ nói riêng còn rất nhiều hạn chế và chưa thực hiệu quả, thể hiện trên các mặt sau:
– Việc khai thác tài nguyên tại các khu du lịch biển chưa chuyên nghiệp, thiếu cái nhìn đồng bộ mang tính hệ thống và chiến lược dài hạn.
– Sản phẩm du lịch của các khu du lịch biển được xây dựng một cách tự phát, không có tính liên kết và thống nhất cao, nên chưa thể hiện được rõ nét tính đặc trưng độc đáo để tạo ra thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chất lượng sản phẩm thấp nên chưa thu hút được thị trường khách có khả năng chi trả cao và hiệu quả doanh thu còn thấp.
– Không gian trong các khu du lịch biển được qui hoạch manh mún, kiến trúc công trình thiết kế theo rất nhiều phong cách khác nhau, ngôn ngữ kiến trúc thiếu đồng nhất, không tạo ra được bản sắc cho các khu du lịch biển.
– Hiện trạng cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch biển chưa được đầu tư tương xứng, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải còn yếu kém, gây nhiều tác động xấu đến chất lượng của môi trường du lịch biển.
Để giải quyết các vấn đề trên, việc đánh giá thực trạng phát triển các khu du lịch biển miền Trung, xác định những tồn tại, thách thức trong quá trình phát triển và đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới là việc làm cấp thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khu du lịch biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ một cách hiệu quả và bền vững.
2. Mục tiêu của đề tài :
Đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu du lịch quốc gia biển miền Trung một cách hiệu quả và bền vững. ( Giới hạn nghiên cứu trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ, bao gồm 6 Tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.)
3. Giới hạn phạm vi và đối tượng nghiên cứu:
– Giới hạn không gian và đối tượng nghiên cứu: Giới hạn trong không gian của vùng du lịch Bắc Trung Bộ, có ranh giới bao quanh các khu du lịch biển QG thuộc 6 Tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Cụ thể là 4 khu du lịch biển QG tiềm năng sau:
a) Khu du lịch biển QG “Phá Tam Giang-Thuận An” (Thừa Thiên Huế)
b) Khu du lịch biển QG “Cảnh Dương- Lăng Cô – Sơn Chà” (Thừa Thiên Huế)
c) Khu du lịch biển QG “ Hải Vân- Sơn Trà- Non Nước” ( T.P Đà Nẵng)
d) Khu du lịch biển QG “ Cửa Đại- Hội An- Cù Lao Chàm” (Quảng Nam)
– Giới hạn về thời gian: nghiên cứu trong bối cảnh kinh tế- xã hội từ nay đến 2020.
4. Nội dung nghiên cứu chính của đề tài: bao gồm các nội dung sau:
– Xây dựng cơ sở lý luận về phát triển khu du lịch biển.
– Tổng kết kinh nghiệm phát triển của một số khu du lịch QG biển nước ngoài.
– Đánh giá đặc điểm các khu du lịch QG biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ
và các nhân tố tác động đến nó trong quá trình phát triển.
– Đánh giá thực trạng phát triển các khu du lịch QG biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Xác định những tồn tại thách thức trong quá trình phát triển.
– Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển các khu du lịch QG biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020.
5. Phương pháp nghiên cứu:
– Phương pháp khảo sát thực địa: được sử dụng trong việc đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển các khu du lịch biển. Tiếp cận thực tế bằng đo đạc, quan sát, quay phim, chụp ảnh, vẽ ghi… phối hợp với các cơ quan quản lý trong khu vực nghiên cứu .
– Phương pháp điều tra xã hội học: phát phiếu điều tra khách du lịch. Kết quả tổng hợp phiếu điều tra khách sẽ cho biết các thông tin chính xác về nhu cầu sản phẩm du lịch biển và đánh giá của họ về chất lượng các khu du lịch biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Các thông tin này sẽ là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.
– Phương pháp bản đồ: là phương pháp đánh giá tiềm năng tài nguyên và hiện trạng các khu du lịch biển một cách hệ thống và tổng quát, trên cơ sở phân tích, đối chiếu các thông số, hình ảnh trên bản đồ địa hình, bản đồ cắt lớp.
– Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phương pháp phân tích một cách hệ thống nhằm nhận biết rõ vai trò ảnh hưởng của các yếu tố đến phát triển khu du lịch biển để hệ thống hoá và tổng hợp thành các vấn đề tiêu biểu, trọng tâm.
– Phương pháp ma trận: Là phương pháp đánh giá tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng bằng cách lập ma trận cho điểm để đánh giá mức độ ảnh hưởng khác nhau của các yếu tố đó.
– Phương pháp thống kê so sánh: được sử dụng trong quá trình lập ma trận đánh giá.
– Phương pháp chuyên gia: được dùng trong việc đánh giá, cho điểm các yếu tố, giá trị.
– Phương pháp dự báo: Là phương pháp để đoán định các xu hướng sẽ xảy ra trong tương lai (bao gồm định tính và định lượng), để có các định hướng và giải pháp phát triển các khu du lịch biển phù hợp với tương lai.
6. Kết cấu đề tài: Bố cục đề tài có 3 chương:
– Chương 1: Xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển các khu du lịch biển QG tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ.
– Chương 2. Đánh giá thực trạng phát triển các khu du lịch biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ.
– Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển các khu du lịch biển tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ đến 2020.