Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Góp ý Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ

    Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ” giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đồng chủ trì Hội nghị.

    Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Hội đồng Di sản quốc gia, các nhà quản lý, nghiên cứu di sản trong cả nước.

    DBLPB

    Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị

    Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ” được xây dựng nhằm tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy, nhân rộng cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành thương hiệu về sản phẩm văn hoá để phát triển dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

    Đề án cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015 đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Đến năm 2020, các phường Xoan gốc và các vùng có liên quan đến Hát Xoan được khôi phục và trình diễn tại các di tích có Hát Xoan truyền thống; Tỷ lệ người dân tỉnh Phú Thọ hiểu biết về Hát Xoan đến năm 2015 đạt 30%, trong đó TP. Việt Trì đạt 50%, đến năm 2020 hai chỉ số trên là 40% và 60%; Đến năm 2015, 100% các di tích có Hát Xoan truyền thống được quy hoạch hệ thống, tu bổ chống xuống cấp, trong đó các phường Xoan gốc được quy hoạch tổng thể, khôi phục, trùng tu và đầu tư xây dựng thành không gian văn hoá Hát Xoan…

    Đặc biệt, Đề án đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân của nó: Chưa đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận để thực hiện truyền dạy, phục hồi Di sản Hát Xoan; Đời sống vật chất, tinh thần của các nghệ nhân Hát Xoan, nhân dân vùng Xoan gốc còn khó khăn; sự xâm nhập của văn hoá ảnh hưởng đến việc bảo vệ giá trị Di sản Hát Xoan; công tác khôi phục bảo tồn, tôn tạo các di tích còn hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường trình diễn Hát Xoan; việc đầu tư hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn di sản còn hạn chế…

    Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Đề án do Phú Thọ chủ trì xây dựng. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất việc xây dựng Đề án là cần thiết, là việc làm cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện cam kết với UNESCO, với Bộ VHTTDL trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Hát Xoan.

    TCHNVP

    Toàn cảnh Hội nghị

    Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi Đề án còn dàn trải, chưa gắn bó chặt chẽ với cộng đồng gốc của di sản. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư có trọng điểm vào 4 phường Xoan gốc, đồng thời chứng minh rõ ràng sợi dây liên kết giữa các di sản văn hoá vật thể tại địa phương với Hát Xoan, khẳng định đây là nơi đã gắn với việc trình diễn Hát Xoan nhằm triển khai thực hiện bảo tồn, tôn tạo, trùng tu không gian Hát Xoan, góp phần phát huy thật tốt giá trị của Hát Xoan.

    Ngoài ra, một số nội dung khác như: truyền dạy Hát Xoan, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân Hát Xoan, đưa Hát Xoan vào trường học… cũng được các đại biểu thảo luận và đề nghị cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, để người ta yêu Xoan một cách tự nguyện, để Xoan tiếp tục tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống nhân dân.

    Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định Hát Xoan là di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hoá mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Mặc dù vậy nhưng Hát Xoan đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc đề ra những giải pháp cụ thể để Hát Xoan thoát khỏi nguy cơ thất truyền và đi vào cuộc sống đương đại phù hợp, đáp ứng tốt nhất có thể cho những đòi hỏi của thực tế là rất cần thiết, đặc biệt sau khi được UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

    Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời bày tỏ đồng tình sâu sắc việc gắn kết Hát Xoan với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

    Về Đề án, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị, Đề án cần bám sát theo quy định chung cũng như các quy định về trình tự xây dựng và phê duyệt Đề án. Các nội dung trong Đề án cần gọn lại, tập trung vào giai đoạn thoát khỏi tình trạng “Bảo vệ khẩn cấp”, chọn lọc những vấn đề khẩn cấp để bảo tồn di sản Hát Xoan.

    Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên giao UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, truyền dạy, bảo tồn Di sản Hát Xoan dưới nhiều hình thức, đồng thời tiếp tục vinh danh cũng như có cơ chế chính sách đối với các nghệ nhân gắn liền với việc đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế tiếp nhằm phát huy giá trị của Hát Xoan.

    HCTC

    Nguồn: Văn phòng Bộ VHTTDL

    Bài cùng chuyên mục