Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia; thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chổ; tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan, đặc biệt là ngành thủ công mỹ nghệ; du lịch góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm và có thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau, trong đó có cộng đồng dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; làm thay đổi diện mạo và cải thiện điều kiện dân sinh; thúc đẩy, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là cầu nối, giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền trong nước và du lịch góp phần quan trong đối với bảo tồn, nâng cao nhận thức thức trách nhiệm cho cộng đồng đối với công tác gìn giữ và bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Du lịch xác lập và nâng cao vai trò, vị thế hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
Trải qua quá trình phát triển trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, du lịch Việt Nam đang đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm được an ninh và tật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong nền kinh tế quốc dân, tạo cơ sở ban đầu để phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn.
1. Du lịch đã và đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại Hội thảo tháng 6/2012 do Báo Nhân dân và Tổng cục Du lịch tổ chức với chủ đề “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”, nhiều đại biểu đã đưa ra một số nội dung cơ bản về tiêu chí xác định là ngành kinh tế mũi nhọn là:
– Du lịch phải tạo lập và nâng cao được vị thế mình tại thị trường quốc tế;
– Có bước tiến nhanh và vượt trội các ngành khác;
– Giá trị gia tăng của ngành chiếm 5-10% GDP;
– Tạo cơ sở cho các ngành khác phát triển,
– Góp phần quan trọng đối với các vấn đề xã hội, phát triển bền vững.
Mặc dù, du lịch Việt Nam chịu sự tác động nhiều chiều của tình hình thế giới, khu vực và khó khăn trong nước, nhưng đã đạt được một số nội dung tiêu chí nên trên là: Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 1995-2010 đạt 9,6%/năm, giai đoạn 2011-2013 đạt 9,9%/năm; tăng trưởng về khách du lịch năm 2011đón được 5,5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ trên 30 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2013 đã đón và phục vụ trên 7,57 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa. Về chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, năm 2011đạt 130 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 35,4% và năm 2012 đạt 160 ngàn tỷ đồng với mức tăng trưởng là 23,1% và năm 2013 đạt 200 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng là 25 %. Chỉ tiêu đóng góp GDP du lịch vào ngân sách nhà nước, năm 2011 đóng góp 6,7%, năm 2012 đóng góp 6,8% và năm 2013 đóng góp 6,9%. Về thị trường khách, du lịch Việt Nam đã xây dựng được niềm tin vững chắc với trên 15 thị trường truyền thống, trong đó một số thị trường có số lượng khách đạt trên 1,0 triệu khách như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ; thị trường châu Âu vẫn nằm trong số là thị trường có số lượng khách trên 500 ngàn lượt khách đến Việt Nam. Chỉ tiêu cơ sở lưu trú, tổng số cơ sở lưu trú, năm 2011 là 13.800 với 256.700 buồng đạt chuẩn, năm 2012 là 13.852 cơ sở với 273.123 buồng đạt chuẩn, năm 2013 là 15.000 cơ sở với 330.000 buồng đạt chuẩn. Bình quân tăng trưởng số buồng khách sạn giai đoạn 2000-2012 là 11%/năm. Chất lượng các cơ sở và dịch vụ lưu trú cùng ngày được nâng cao, tỷ trọng cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 3-5 sao ngày càng lớn; các dịch vụ đạt chuẩn khu vực và quốc tế từng bước được thị trường chấp nhận; một số khách sạn lớn đã có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Về giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đến năm 2013 du lịch đã thu hút và giải quyết trên 1.000 ngàn lao động, trong đó có nhiều lao động tại các sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số. Về sản phẩm du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam đã được chú trọng phát triển khá đa dạng và phong phú, bước đầu góp phần quan trọng vào thu hút khách du lịch. Các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: Du lịch tham quan (cảnh quan, di tích…); du lịch nghỉ dưỡng (biển, núi); du lịch tâm linh, lễ hội. Các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực Việt Nam cũng là những điểm mạnh của du lịch Việt Nam. Trong thời gian gần đây một số loại sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao-mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch MICE… được chú trọng phát triển.
Để cụ thể hoá định hướng phát triển du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao hệ thống các khu, điểm du lịch quốc gia đã được đề xuất, trong đó chú trọng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc như di sản thế giới, các Vườn quốc gia, các di tích danh thắng đặc biệt cấp quốc gia.
Chính từ quá trình phát triển có hiệu quả đó, du lịch đã có vị trí quan trong được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng là “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, phấn đấu sớm đạt trình độ phát triển du lịch khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạng hợp tác, liên kết với các nước”.
Bên cạnh, những thành công và kết quả trên, du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số nội dung tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững như: Chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và chính trị nên khi có diễn biến xẩy ra đã không chủ động và không lường hết tác động đến thị trường khách; chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn; kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp…Nguyên nhân của tình trạng trên là bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống chính chính sách, vai trò quản lý, năng lực đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu, v.v. còn do sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; nhận thức về phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư du lịch còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh an toàn cho khách du lịch còn chưa được đảm bảo…
2. Xu hướng và bối cảnh để tiếp tục phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, trong giai đoạn tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc và tôn giáo, nạn khủng bố, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, đặc biệt tranh chấp chủ quyền biển đảo và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên… tác động đến nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch.
Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Sự hình thành các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn và chi phối mọi hoạt động kinh tế trong đó có kinh tế du lịch.
Tuy nhiên, sau các khủng hoảng toàn cầu nói trên, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi với sự xuất hiện những liên kết mới. Vị thế của châu Á trong nền kinh tế thế giới đang tăng lên; sự phát triển mạnh mẽ của một số nước khu vực trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn góp phần tăng trưởng du lịch.
Lượng khách đi du lịch trên toàn cầu liên tục gia tăng tiếp tục tăng trong những năm tới với xu hướng chuyển dịch dòng khách từ Châu Âu sang khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.
Du lịch các nước Đông Nam Á (ASEAN) giữ vị trí quan trọng trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút được lượng khách lớn khách du lịch quốc tế.
Nhu cầu của khách du lịch có xu hướng thay đổi với ưu tiên, lựa chọn các loại hình du lịch và dịch vụ thân thiện với môi trường; các điểm đến an toàn và khám phá thiên nhiên hoang sơ; sử dụng hàng không giá rẻ…
Trong xu thế phát triển du lịch chung, du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.
Việt Nam có tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, là điểm đến mới, an toàn và thân thiện.
Xu hướng toàn cầu hóa và hợp tác phát triển toàn diện tạo nhiều cơ hội phát triển du lịch Việt Nam.
Du lịch nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp và ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng.
Trong quá trình phát triển, Du lịch Việt Nam đã có nhiều bài học và tích lũy nhiều kinh nghiêm trong kinh doanh; nền tảng về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực du lịch đã có bước tiến bộ nhất định để bước vào giai đoạn phát triển mới với qui mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn.
Bên cạnh những cơ hội là những thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch ở Việt Nam là năng lực cạnh tranh của du lịch còn thấp so với nhiều nước trong khu vực trong khi sự hỗ trợ cho phát triển du lịch còn hạn chế; nhận thức xã hội về du lịch và năng lực quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ mang tính đột phá trong phát triển.
3. Giải pháp để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 52/2013/QH13 của Quốc hội về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, bên cạnh việc triển khai thực hiện các giải pháp đã được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch Việt Nam cần triển khai một số vấn đề trọng tâm sau:
– Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của Ngành du lịch trong điều kiện hiện nay. Mặc dù đã có chuyển biến rõ nét bước đầu trong thời gian qua, song cần tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức sâu rộng trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển du lịch, nhất là nhận thức tư tưởng của cán bộ quản lý của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tạo ra sự chuyển biến thực chất trong việc ban hành ban hành chính sách phát triển du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương trọng điểm phát triển du lịch.
– Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến du lịch, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch như: Điều chỉnh và bổ sung Luật Du lịch, các Nghị định thông tư hướng dẫn Luật; chính sách về thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển, trang thiết bị cơ sở lưu trú…; thuế sử dụng, thuê đất tại các khuôn viên cảnh quan, các khu du lịch, khu du lịch sinh thái; chính sách ưu tiên đầu tư; chính sách xã hội hóa trong du lịch..Tất cả những nội dung trên phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể ổn định và dễ thực hiện.
– Tăng cường đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch. Đầu tư cho du lịch có nghĩa là đầu tư cho phát triển kinh tế và xã hội, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Trong đầu tư du lịch thì đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch có yếu tố quan trọng đảm bảo thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện dân sinh cho cộng đồng dân cư. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, đồng thời chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng với du lịch với các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội; trong giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào các khu điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam.
– Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu của du lịch Việt Nam, đây là biện pháp quan trọng để tạo lập hình ảnh và vị thế du lịch trong và ngoài nước nhằm thu hút khách. Cần thiết lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm du lịch.
– Cần tăng cường phối hợp với các ngành và liên kết các vùng, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng nên cần có sự phối hợp tốt hơn các lực lượng của các ngành các cấp dưới sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, ngành du lịch đặc biệt chú trọng sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả trong hoạt định các cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Ngành du lịch sớm trở thành ngành mũi nhọn. Bên cạnh đó, các vùng du lịch và các địa phương dựa trên cơ sở tiềm năng điều kiện thuận lợi về tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cần có giải pháp liên kết đa dạng.
– Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn kém so với các nước các nước trong khu vực cả về năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ trong ngành là nhiệm vụ trong tâm trong định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần phải trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch vì phần nhiều cán bộ, công chức ở cấp Tổng cục Du lịch và các địa phương từ các ngành khác, hoặc học các ngành khác nhau, chưa nắm vững được kiến thức chuyên ngành du lịch; nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý kinh tế. Đối với nguồn nhân lực các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chú trọng bồi dưỡng kiến thức thị trường, ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên sâu, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường.
– Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch theo hướng hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên ngành du lịch cấp Trung ương và một số địa bàn trọng điểm; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, luật pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hấp dẫn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tăng cường công tác chỉ đạo để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu phát triển du lịch được phê duyệt trong chiến lược và quy hoạch, chú trọng các chỉ tiêu phát triển vùng, liên vùng và các địa bàn trọng điểm.
Để sớm hoàn thiện là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các ngành, các cấp và sự phối hợp của các địa phương, cộng đồng dân cư và sự nổ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành nhất định sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra./.