Giải pháp đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình
Đầu tư phát triển dịch vụ nói chung và đầu tư phát triển du lịch nói riêng là một hướng đầu tư có hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường và xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam cũng như ở Hòa Bình cần có trọng điểm và đồng bộ. Đối với du lịch tỉnh Hòa Bình, trong thời gian trước mắt, cần tập trung đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch đồng bộ và có chất lượng cao tại một số điểm du lịch quan trọng để làm hạt nhân, làm động lực phát triển và hội nhập trong nước và quốc tế. Chú trọng đầu tư đối với những khu, điểm du lịch có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh và đặc biệt cần quan tâm và có những cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư ở những khu, điểm du lịch ở những miền núi xa xôi – nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội còn yếu kém và cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Căn cứ vào tính đặc thù riêng của ngành du lịch cũng như trong điều kiện cụ thể về các nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình, hoạt động đầu tư phát triển du lịch cần xem xét và thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
1. Đầu tư xây dựng các quy hoạch du lịch: Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh, đồng thời để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu, điểm du lịch…, công tác đầu tư xây dựng quy hoạch cần được thực hiện trước một bước.
+ Đối với việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 (để phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cần chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng quy hoạch này cần được trích từ nguồn Ngân sách địa phương.
+ Đối với việc xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch: Theo quy định hiện hành, việc đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch… là do các nhà đầu tư bỏ tiền ra để thực hiện rồi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo phương thức này thì chỉ khi nào có nhà đầu tư vào một khu, điểm du lịch cụ thể thì mới xây dựng quy hoạch chi tiết. Điều này đã hạn chế và ảnh hưởng đến việc tổ chức, quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ các hoạt động du lịch ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đồng thời không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy, tỉnh Hòa Bình cần chủ động tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch để làm cơ sở cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
– Đối với các khu, điểm du lịch cấp quốc gia (khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Hòa Bình), Nhà nước cần dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cho ngành Du lịch để đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch này. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cần phối hợp và đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí (từ nguồn nêu trên) và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trong việc nghiên cứu và xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch quốc gia (cụ thể là Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Hòa Bình) để trình Chính phủ phê duyệt và thực hiện.
– Đối với các khu, điểm du lịch cấp địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng (có thể phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành ở Trung ương) nghiên cứu và xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí do ngân sách địa phương cân đối hàng năm. Đối với các khu, điểm du lịch địa phương nằm trên những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch quốc gia hoặc có ý nghĩa về mặt đa dạng sinh học, ý nghĩa bảo tồn v.v…, địa phương có thể kiến nghị xin cấp kinh phí xây dựng quy hoạch từ Trung ương.
2. Đầu tư xây dựng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở hạ tầng ở các khu, điểm du lịch: Hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam đang tiếp tục thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về du lịch”, trong đó có chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư cho các khu du lịch quốc gia. Từ năm 2000 – 2010, chương trình này đã đầu tư trên 4 ngàn tỷ đồng vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc đầu tư này còn dàn trải, không đồng bộ…, nên hiệu quả đầu tư là không cao. Đây là nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước nhằm kích thích và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tỉnh Hòa Bình có Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Hòa Bình là khu du lịch quốc gia. Vì vậy cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ “Chương trình” để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp điện nước, bến tàu du lịch, xử lý môi trường và chất thải…) của Khu du lịch này, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư vào các công trình dịch vụ du lịch khác (theo quy hoạch). Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cần kiến nghị để được hỗ trợ thêm nguồn vốn này để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số khu, điểm du lịch quan trọng khác của tỉnh, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, các vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, các điểm du lịch gắn với giá trị đa dạng sinh học, gắn với giá trị văn hóa bản địa…
Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) dành cho phát triển cơ sở hạ tầng khu du lịch, Hòa Bình có thể khai thác thêm các nguồn vốn khác cho công tác này. Muốn vậy, cần tập trung và thực hiện một số việc chủ yếu sau:
– Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng (ở trung ương và địa phương) nghiên cứu lập các chương trình, các dự án cụ thể về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn để tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác…
– Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng: Cơ chế huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch từ việc đấu giá quyền sử dụng đất; xã hội hóa công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; phát hành trái phiếu; hình thức BOT trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với các cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch; điều tiết các khoản thu ngân sách của địa phương trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; cơ chế về việc sử dụng các ưu đãi đầu tư (tín dụng phát triển, thuế..)…
3. Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch có chất lượng cao: Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch ở Hòa Bình. Hiện nay ở Hòa Bình đã và đang đầu tư xây dựng nhiều cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch (Hồ Hoà Bình, Kim Bôi…). Tuy nhiên, việc đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng cao, có sức hấp dẫn, có các điều kiện tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ bổ sung thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu của khách, có những chính sách, mô hình tổ chức quản lý và đội ngũ lao động có chất lượng… còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ, có chất lượng cao ở các khu, điểm du lịch này là một hướng ưu tiên đầu tư và là yêu cầu bức xúc đối với sự phát triển du lịch của Hoà Bình. Đây sẽ trở thành thương hiệu cho du lịch Hòa Bình.
4. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng và các công trình dịch vụ du lịch bổ trợ khác: Trong tiến trình hội nhập của du lịch Hòa Bình với du lịch cả nước và du lịch Việt Nam với khu vực và thế giới, các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch phải được nâng cao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trên phạm vi cả nước, hiện nay Việt Nam có hệ thống khách sạn du lịch tương đối phát triển, tuy nhiên đối với Hòa Bình thì hệ thống khách sạn mặc dù đã được đầu tư xây mới và nâng cấp, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu lưu trú cho khách du lịch. Trong bối cảnh hội nhập và trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt các loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, tổ chức các sự kiện… (du lịch MICE) ngày càng phát triển thì khả năng đáp ứng của hệ thống khách sạn ở Hòa Bình còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống khách sạn (theo quy hoạch), đặc biệt là các khách sạn thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp (3 – 4 sao) với đầy đủ các công trình dịch vụ bổ trợ (tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí…) ở Hòa Bình là hết sức quan trọng và cần thiết.
Về hướng đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn thì cần ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ở Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Hòa Bình; và dự án xây dựng khách sạn thương mại ở TP.Hòa Bình… Ở các không gian du lịch khác (các khu, điểm du lịch có ý nghĩa địa phương) chỉ nên đầu tư xây dựng các khách sạn với quy mô và tiêu chuẩn trung bình để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh. Đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, cần chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, hệ thống lưu trú trong dân…
5. Đầu tư phát triển đồng bộ và có chất lượng cao hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp: Hiện nay, các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao có chất lượng bổ trợ cho các hoạt động của khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của họ ở Hòa Bình còn rất hạn chế. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Để khắc phục tình trạng này cần ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình vui chơi giải trí và thể thao tổng hợp để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa – thị trường khách có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao.
6. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng và phát triển các lễ hội truyền thống: Hòa Bình là các nôi của người Việt Cổ với nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng – đặc trưng nhất nền văn hóa đồ đá của người Việt cổ. Nơi đây còn lưu lại nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như Hang Xóm Trại, Hang Mái Đá Làng Vành, hang Muối, đây là những đại diện đặc trưng nhất cho nền văn hóa Hòa Bình. Trên mảnh đất Hòa Bình có 30 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa truyền thống và nếp sống sinh hoạt đặc trưng riêng. Ngoài ra, trên mảnh đất Hòa Bình còn có nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, kiến trúc, ngành nghề truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian phong phú, đa dạng, độc đáo là những sản phẩm của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Các giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của Hòa Bình là những tài nguyên du lịch quý giá, là thế mạnh của tỉnh có thể khai thác xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chính vì thế, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử – cách mạng và các lễ hội, làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch ở Hòa Bình.
7. Đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường: Hòa Bình có các hệ sinh thái tự nhiên khá đa dạng và phong phú, với 196.049 ha rừng (trong đó có 146.844 ha rừng tự nhiên), với 3 khu bảo tồn tự nhiên (có diện tích 18.435ha)… Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Do vậy, việc đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường là rất quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững ngành du lịch. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ với môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường 2005 được điều chỉnh trên cơ sở Luật Môi trường năm 1994 đã chỉ rõ nguồn đầu tư từ ngân sách cũng như từ kinh phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Việc thực hiện đầy đủ các điều khoản của Luật Bảo vệ Môi trường 2005 sẽ là nguồn đầu tư đáng kể cho việc bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, các hệ sinh thái và môi trường ở Hòa Bình. Bên cạnh đó cần chú trọng sử dụng có hiệu quả tài trợ quốc tế thông qua các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường ở các Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các khu bảo tồn đa dạng sinh học… Với giải pháp này, trong khi nghiên cứu xây dựng quy hoạch và các phương án phát triển ở các khu, điểm du lịch, nhất thiết phải xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường và các phương án khắc phục sự cố về môi trường.
8. Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao để đảm bảo các hoạt động kinh doanh du lịch đạt hiệu quả: Đây là một lĩnh vực đầu tư rất quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Hòa Bình đang phát triển trên con đường hội nhập với hoạt động phát triển du lịch trong nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng đối với sự phát triển của toàn ngành du lịch Hòa Bình nói chung và đối với từng khu, điểm du lịch nói riêng. Giải pháp đầu tư về đào tạo có thể được thực hiện đồng bộ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – và cá nhân người lao động (có thể tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế trong các chương trình hợp tác về đào tạo).
Để đảm bảo các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình, có thể thực hiện các giải pháp cụ thể về huy động vốn như sau:
+ Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào du lịch. Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu dành cho xây dựng quy hoạch; cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông; cung cấp điện, nước; xử lý môi trường…); cho công tác bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch (đặc biệt là các di sản văn hóa, các giá trị đa dạng sinh học… có ý nghĩa cho du lịch); hỗ trợ cho công tác quảng bá và đào tạo… Chú trọng và ưu tiên đầu tư nguồn vốn này cho các khu, điểm du lịch (cả quốc gia và địa phương) ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa – nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhưng có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém… Đối với các khu du lịch cấp quốc gia (Hồ Hòa Bình) cần được ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, còn các khu, điểm du lịch cấp địa phương cần được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Đây là nguồn vốn đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích thích thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển du lịch trên phạm vi toàn tỉnh.
+ Xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với điều kiện cụ thể ở Hòa Bình để thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, huy động mọi nguồn vốn để giải quyết về nhu cầu đầu tư. Các nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch ở Hòa Bình bao gồm:
– Vốn tích lũy của các doanh nghiệp; vốn vay ngân hàng với tỷ lệ lãi xuất ưu đãi (dành riêng cho các dự án đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; vào các lĩnh vực kinh doanh còn mới…); nguồn vốn đầu tư trong nước, trong dân thông qua Luật Đầu tư; vốn thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp; dùng quỹ đất để tạo nguồn vốn thông qua hình thức cho thuê đất trả tiền trước…
– Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài, vốn đầu tư 100% nước ngoài, vốn ODA (dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường…).
+ Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển các hoạt động du lịch; thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên và môi trường du lịch để phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với Nhà nước; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước như các hình thức BOT, BTO, BT…
Để thực hiện tốt các giải pháp về huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình, có thể xây dựng một số cơ chế chính sách tài chính, thuế trong đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về việc ưu đãi thuế; ưu tiên, miễn giảm thuế; cho chậm tiền thuế có thời hạn; giảm tiền thuế đất; cho vay với lãi suất ưu đãi… đối với các dự án đầu tư vào khu, điểm du lịch ở các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các điều kiện KT – XH còn khó khăn (đặc biệt ở vùng núi xa xôi – nơi có tiềm năng phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn); các dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh du lịch mới có khả năng tạo sản phẩm du lịch độc đáo và tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách. Ngoài ra, cần có chính sách miễn giảm thuế đối với các ngành thủ công truyền thống chuyên sản xuất hàng lưu niệm cho khách, và cho phép kinh doanh du lịch quốc tế được hưởng các chế độ ưu đãi khuyến khích xuất khẩu (xuất khẩu tại chỗ).
Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư vào các dự án du lịch. Để thực hiện tốt giải pháp này, dựa trên các cơ chế chính sách hiện hành cần nghiên cứu đề xuất, sửa đổi và bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù về một số loại thuế liên quan đến du lịch như sau:
+ Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Để hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch ở Hòa Bình; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ du lịch…, cần có một số đổi mới cụ thể về cơ chế chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
– Cần có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu (kể từ khi doanh nghiệp phải chịu loại thuế này) đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch mới, đặc biệt là các khu, điểm du lịch ở vùng núi xa xôi – nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch mới đặc thù (du lịch khảo cổ, làng nghề…), nhưng các điều kiện về cơ sở hạ tầng và KT – XH còn khó khăn.
– Trong hoạt động kinh doanh du lịch bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau…, trong đó kinh doanh dịch vụ đối với khách quốc tế có thể coi là ngành xuất khẩu tại chỗ thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu ngoại tệ. Do vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch quốc tế, để hấp dẫn các nhà đầu tư…, cần có cơ chế chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động du lịch phục vụ khách quốc tế như đối với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu (mà không phải là dịch vụ đơn thuần).
– Trong quy định về các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế có một số điểm cần được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp:
. Nghiên cứu cho phép các cơ sở lưu trú cũng như các cơ sở dịch vụ du lịch khác ở các khu, điểm du lịch được đầu tư xây dựng mới được khấu hao nhanh tài sản cố định để doanh nghiệp sớm có nguồn vốn khôi phục, sửa chữa nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất.
. Về chi phí cho tuyên truyền quảng bá, tiếp thị; chi phí cho đào tạo nguồn nhân lực…, cần có chính sách cho phép các doanh nghiệp được đưa vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp những khoản chi về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế ở trong nước và nước ngoài… theo chi phí thực tế bỏ ra tương ứng với kết quả kinh doanh mang lại.
– Rà soát và quy định thống nhất về ưu đãi thuế; chuyển ưu đãi thuế theo hướng ưu đãi sau đầu tư (ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế) sang hướng ưu đãi trực tiếp cho nhà đầu tư du lịch.
+ Đối với thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu:
– Trên cơ sở luật pháp hiện hành của cả nước, Hòa Bình cần nghiên cứu, cải cách, hoàn thiện và áp dụng các chính sách thuế và chính sách khuyến khích xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch… cho phù hợp với các điều kiện cụ thể ở địa phương.
– Đối với các trang thiết bị chuyên dùng, các vật tư xây dựng, các phương tiện vận chuyển khách du lịch công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu (ôtô điện, cầu trượt, monoray, cáp treo, canô…) thì cần coi đó là các phương tiện sản xuất chuyên dùng (chứ không phải là hàng tiêu dùng) để được miễn thuế nhập khẩu, tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư (như tại khoản 5 Điều 6 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 đã quy định).
– Đối với các loại hàng hóa là trang thiết bị của dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp 3 – 5 sao trong Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Hòa Bình (là khu du lịch quốc gia) mà phải nhập khẩu, cho phép miễn thuế nhập khẩu lần đầu đối với mọi hàng hóa là trang thiết bị phục vụ cho các dự án này (các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn) mà không chỉ áp dụng đối với dự án khuyến khích đầu tư, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA.
– Đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng giả cổ, hàng lưu niệm, các sản phẩm địa phương và các loại hàng hóa khác được sản xuất tại Hòa Bình cũng như trong nước mà khách du lịch quốc tế đến Hòa Bình mua và có nhu cầu mang theo về nước, các cơ quan chức năng ở Hòa Bình cần tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục để khách du lịch quốc tế làm thủ tục hải quan được thuận lợi và miễn thuế xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu tại chỗ.
+ Đối với thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước:
– Đối với các nhà đầu tư vào khu du lịch quốc gia (Hồ Hòa Bình); các khu du lịch sinh thái (Suối Ngọc – Vua Bà); khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí (ở TP.Hòa Bình); ở các địa bàn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư… tiếp tục được thực hiện theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Tại Nghị định này đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư được miễn, giảm thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.
– Áp dụng chính sách một giá đối với các nhà đầu tư thuê đất, thuê mặt nước ở các khu, điểm du lịch mà không phân biệt nhà đầu tư trong nuớc hay nước ngoài.
– Trong thời hạn thuê đất, đất có mặt nước, Nhà đầu tư được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, đất có mặt nước và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
– Đối với các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch được quyền chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư, kinh doanh tại khu, điểm du lịch; được quyền định giá đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ…
+ Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt:
– Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành, thì các dịch vụ như vũ trường, xông hơi massage, karaoke… phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, để khuyến khích và hấp dẫn các nhà đầu tư vào du lịch ở Hòa Bình, đồng thời để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ…, tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu để có được cơ chế đặc biệt hưởng mức ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20 – 25% hoặc thấp hơn đối với những loại dịch vụ trên.
– Đối với các phương tiện vận chuyển chuyên dùng như canô, tàu thuyền du lịch, các thiết bị bơi lặn… (được sử dụng trên Hồ Hòa Bình)… cần có chính sách không đánh thuế hoặc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được đăng ký hoạt động trong phạm vi khu du lịch Hồ Hòa Bình.
+ Đối với thuế giá trị gia tăng:
– Áp dụng hình thức bán hàng miễn thuế cho khách du lịch quốc tế khi họ lưu trú và sử dụng các dịch vụ ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giống như ở các nhà ga, sân bay, cửa khẩu quốc tế; hoặc có cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế khi mua hàng tại đây và mang theo khi xuất cảnh trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia và theo thông lệ quốc tế. Về cách thức thực hiện, cơ quan thuế có thể ủy nhiệm cho một số cửa hàng trong phạm vi các khu, điểm du lịch quan trọng của Tỉnh được bán cho khách du lịch quốc tế theo giá không có thuế giá trị gia tăng (có giấy chứng nhận cho khách quốc tế để khi họ làm thủ tục tại các cửa khẩu quốc tế, nhà ga, sân bay quốc tế được dễ dàng).
– Theo pháp luật hiện hành, có 4 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (0%, 5%, 10% và 20%), trong đó đối với dịch vụ lưu trú du lịch được hưởng mức 10%; còn các dịch vụ du lịch khác chịu thuế suất là 20%. Để khuyến khích các nhà đầu tư vào du lịch trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu có cơ chế giảm thuế giá trị gia tăng xuống mức 10% cho tất cả các dịch vụ du lịch ở địa phương.
– Có cơ chế khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với những hàng hóa, dịch vụ mà các cơ sở kinh doanh du lịch đã sử dụng để cung cấp cho khách hàng mà nhà cung cấp không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng hoặc có hóa đơn thuế giá trị gia tăng trực tiếp…
– Không thu thuế giá trị gia tăng đối với những khoản thu từ phí, lệ phí hoặc vé tham quan ở các khu, điểm du lịch (nếu có) mà doanh nghiệp thu của khách vì đây chỉ là khoản doanh nghiệp thu hộ cho nhà nước, thực chất đây không phải là khoản thu tăng thêm của doanh nghiệp.