Giải pháp bảo tồn và phát triển làng cố Đường Lâm
Hiện tượng 78 cư dân trong gần 60 hộ viết đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ chỉ là một nhóm nhỏ, không đại diện cho số đông. Không nên vì sự kiện này mà bi quan về hiện trạng Đường Lâm, nhưng cũng không thể phớt lờ nhu cầu của người dân. Sự kiện này là tiếng chuông báo động để cảnh tỉnh các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cùng vào cuộc.
Trong bước đầu thực hiện quy hoạch, cần làm rõ cho người dân hiểu đây là giai đoạn đầu tư, bảo tồn. Đến giai đoạn phát huy hiệu quả đầu tư, người dân sẽ được hưởng lợi nếu biết phát huy những lợi thế từ di tích. Như vậy, cho dù chưa được hưởng lợi ngay nhưng người dân cũng biết chờ đợi.
Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn trung tâm lịch sử, khu phố cổ với nhiều mô hình đặc trưng. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn lâu dài, chuyển giao cho thế hệ tương lai dạng nguyên gốc tối đa nhất; Phát huy để di sản có vị trí trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu đương đại và có ích cho xã hội tương lai.
Công tác bảo tồn ở Hội An đạt được những thành công nhất định bởi ý chí chính trị của người quản lý quyết tâm thực hiện hai mục tiêu trên. Quyết tâm ấy được truyền tải và trở thành ý chí quyết tâm của cả cộng đồng trên cơ sở thực hiện dân chủ, công khai những việc đang làm, trao đổi để có sự đồng thuận của cộng đồng; đáp ứng từng bước nhu cầu của người dân. Phương thức để thuyết phục cộng đồng tốt nhất là chỉ ra lợi ích. Từ việc thấu hiểu nhu cầu cuộc sống cả về vật chất, tinh thần của người dân. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực các nhà khoa học, đặc biệt là từ hoạt động hợp tác quốc tế, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Đường Lâm có thể học theo kinh nghiệm của Hội An nhưng để có ý chí lãnh đạo cùng sự đồng thuận của cộng đồng, phải có cách thức thực hiện khác. Sự hợp tác quốc tế (giúp đỡ của JICA trong việc tìm hiểu, trao đổi, gặp gỡ, thảo luận…) chưa tìm ra tiếng nói chung của cộng đồng. Cần tiếp tục tạo ra sự đồng thuận, sự ủng hộ của người dân và đó là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quy hoạch.
Quy hoạch phải giải quyết nhu cầu mong muốn nhất của người dân là được sống trong điều kiện phù hợp với những biến đổi xã hội, phát triển. Vì vậy, cần thực hiện giải pháp giãn dân, đáp ứng được các yêu cầu về vị trí gần với không gian làng hiện hữu.
Phát triển du lịch làng cổ hiện nay chưa thỏa mãn về lợi ích trực tiếp của người dân. Bởi vậy, phải tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu rõ du lịch là phải đầu tư và trong thời gian dài mới có sản phẩm , mới thu lợi chứ không đơn thuần trông chờ vào tiền bán vé trước mắt. Trong bước đầu thực hiện quy hoạch, cần làm rõ cho người dân hiểu đây là giai đoạn đầu tư, bảo tồn. Đến giai đoạn phát huy hiệu quả đầu tư, người dân sẽ được hưởng lợi nếu biết phát huy những lợi thế từ di tích. Trong việc giãn dân, người dân cũng sẽ hiểu mình có chỗ ở mới, có thể tham gia loại hình dịch vụ tại làng cổ. Các công ty lữ hành phải đầu tư nghiên cứu, tiếp xúc và hướng dẫn người dân. Thành phố cần có chỉ đạo tour du lịch khu vực Ba Vì ưu tiên đưa khách đến làng cổ Đường Lâm. Tức là các công ty lữ hành phải có thống nhất chỉ đạo của Tổng cục du lịch và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.
CÔNG TÁC BẢO TỒN CẦN CÓ SỰ THAM GIA ĐỒNG BỘ CỦA NHÀ NƯỚC, NHÂN DÂN CŨNG NHƯ TOÀN XÃ HỘI
Cần tư duy lại việc bảo tồn di sản văn hóa đơn chiếc và quần thể. Việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm không chỉ là trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch mà nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ của hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn xã hội. Mỗi ngành liên quan đều có trách nhiệm thực hiện công tác bảo tồn giống như bảo vệ rừng, du lịch, giao thông… Ví dụ: Để người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng tiếp cận di sản cần có sự tham gia của Bộ Giao thông Vận tải. Xây dựng sự hấp dẫn du khách theo loại hình du lịch nào (du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch đồng quê, du lịch tâm linh…) thì Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phải hướng dẫn cho người dân…
Trên phạm vi cả nước, trong gần chục làng cổ có giá trị, chỉ có hai làng: làng cổ Phước Tích, làng cổ Đường Lâm được xếp hạng. Làng cổ Đường Lâm có hơn 100ha trong đó 14,6ha lõi di sản nằm trong diện bảo tồn. Cần ưu tiên hướng dẫn cho người dân phát triển các ngành nghề nông nghiệp mang lại năng suất, chất lượng hàng hóa cao, giúp cải thiện đời sống người dân. Một phần sản phẩm nông nghiệp ấy sẽ là sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách đến đây, phục vụ cho cả khu du lịch Ba Vì, Suối Hai, Khoang Xanh, Ao Vua.
Đường Lâm có nghề thủ công truyền thống, Bộ Công Thương hướng dẫn dân làm, lưu giữ nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho làng cổ. Bản thân sản xuất nông nghiệp xanh có thể trở thành điểm tham quan, du lịch sinh thái đồng quê, được trải nghiệm trồng cây, nhổ lúa cắt rau, ẩm thực…
Lâu nay, cái được lớn nhất của làng cổ Đường Lâm là sau khi được công nhận di sản văn hóa, các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng nơi đây được Nhà nước đầu tư. Các hoạt động khác dường như chưa khởi động. Vì vậy, quy hoạch cần làm rõ cho người dân thấy giá trị, cho xã hội thấy giá trị, nâng cao trách nhiệm qua việc gắn kết các ngành vào chung mục tiêu lớn nhất.
Một câu hỏi đặt ra tại thời điểm này, quy hoạch có nhất thiết khép chặt về bảo tồn, “đông cứng” làng cổ không? Ở mỗi khu vực của làng cổ lại có một cách thức ứng xử thay đổi một cách hợp lý cho từng đối tượng di sản, từng vùng, không phải tất cả đều giống nhau. Thậm chí những nhà đẹp, nhà cổ có giá trị thực sự cần hỗ trợ, hướng dẫn với từng phương án cụ thể linh hoạt. Như vậy quy hoạch cần định hướng thái độ ứng xử hết sức linh hoạt và chủ động. Nếu giữ nguyên bản một cách máy móc thì không thể khả thi trong tiến trình phát triển. Nhưng ngược lại, lõi di sản có 14,6ha với những ngôi nhà mấy trăm năm cũng biến đổi, nếu cho phép xây nhà hai tầng thì không còn làng cổ nữa. Cần có kế hoạch kiểm soát sự biến đổi để cho làng cổ vẫn là làng cổ, không gian kiến trúc, hơi thở của quá khứ vẫn còn.
Sau khi có định hướng, phải có hướng dẫn và xây dựng cơ chế quản lý như thế nào? Có 2 vấn đề đặt ra: bên cạnh hệ thống quản lý Nhà nước cần có tổ chức xã hội mang tính cộng đồng như: các đoàn thể, đại diện các dòng họ, đại diện gia đình có di sản. Đại diện ấy sẽ là người trung gian kết nối cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học với cộng đồng. Truyền tải các cơ chế chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đến dân và truyền tải các nguyện vọng của người dân đến các cơ quan quản lý, đồng thời tư vấn cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Những năm qua, hoạt động quản lý Nhà nước từ Sở đến thị xã và Ban Quản lý làng đang rất tích cực, nhưng chưa tạo dựng được chỗ dựa vững chắc là đại diện cộng đồng. Cần đơn giản hóa các thủ tục, hướng dẫn người dân các định hướng bảo tồn và cải tạo làng cổ như chủ động đề xuất mẫu nhà ở phù hợp để người dân có thể tự lựa chọn xây dựng, chính quyền cũng theo đó dễ dàng quản lý.
Bảo tồn cũng là để phát triển và phục vụ phát triển. Ngược lại, tất cả các hoạt động nông nghiệp, thương nghiệp, du lịch đều phải để phục vụ bảo tồn di tích. Du lịch chỉ là phương thức để truyền tải giá trị văn hóa đến với công chúng và tạo điều kiện để cộng đồng xã hội hưởng thụ giá trị văn hóa. Được tiếp cận với những giá trị văn hóa ấy, từ đó tự nguyện đóng góp thông qua tiêu dùng dịch vụ trong những tour du lịch đến làng cổ. Sẽ là không phải nếu làm quy hoạch chỉ để phát triển du lịch, phát triển du lịch bằng mọi giá. Phát triển du lịch trong khuôn khổ bảo tồn phải gắn với người dân. Người dân cũng phải biết làm du lịch, biết tự quản lý những dự án du lịch nhỏ.
Tóm lại quy hoạch là xác định được giá trị nổi bật của di sản, xác định được hiện trạng bảo tồn của làng cổ, xác định được những nhân tố tác động đến di sản và đưa ra các hoạt động để hạn chế những tác động tiêu cực, phát huy giá trị tích cực. Cần có lộ trình cụ thể, dự án nào ưu tiên làm trước, làm sau. Vạch ra cơ chế tài chính Nhà nước về ưu tiên sau khi đã xếp hạng. Các công ty du lịch lữ hành, các ngành khác cũng phải vào cuộc, huy động nguồn lực trong dân và toàn xã hội.
Nguồn ảnh: Tân Phạm
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2013